Sinh năm 1983 tại quê hương xã Thụy Phong, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, ngay từ nhỏ, Kim Dung đã bộc lộ năng khiếu hội họa. Tốt nghiệp trung học phổ thông, Kim Dung quyết tâm và thi đỗ vào Khoa Kiến trúc công trình, Đại học Kiến trúc Hà Nội, để được thiết kế những công trình hữu ích phục vụ xã hội, thỏa sự đam mê sáng tác từ thuở bé.

leftcenterrightdel
  Trung tá, Thạc sĩ Bùi Thị Kim Dung.

Năm 2006, sau khi tốt nghiệp Đại học loại Khá, Kim Dung được trúng tuyển lao động hợp đồng tại Viện Thiết kế, Bộ Quốc phòng. Những ngày đầu làm việc trong môi trường quân ngũ nghiêm khắc và kỷ luật cao, khó tránh khỏi bỡ ngỡ, nhưng nữ kiến trúc sư trẻ luôn chủ động học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, tự trau dồi kiến thức qua những lần được tham gia thiết kế dự án lớn như: Nhà khách Bộ Quốc phòng, Bệnh viện Tim mạch và điều dưỡng Đà Lạt, Cụm Ga Ngọc Hồi - Tuyến đường sắt trên cao, tổ hợp chung cư Royal City, Trung tâm Nghiên cứu y sinh học quốc tế, cải tạo nâng cấp Công viên Thủ Lệ, Khu liên hợp thể thao và văn hóa tỉnh Hà Giang…

Với những thành tích đạt được qua các dự án, Kim Dung được chỉ huy các cấp ghi nhận và đánh giá cao. Năm 2010, chị được chuyển loại trở thành quân nhân chuyên nghiệp, sau đó 1 năm, chị được cấp trên bổ nhiệm chức vụ Phó giám đốc, chủ trì Bộ môn Kiến trúc tại Trung tâm Tư vấn xây dựng 2. Đến năm 2015, chị được cấp trên quyết định chuyển thành sĩ quan, phong quân hàm Đại úy.

Trên cương vị mới, chị tiếp tục phát huy trình độ chuyên môn, cùng lãnh đạo, chỉ huy đơn vị xử lý các tình huống phát sinh, góp phần cho đơn vị hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Đại tá Hoàng Tuấn, Viện trưởng Viện Thiết kế cho biết: “Trung tá, Thạc sĩ Bùi Thị Kim Dung là một người năng động, nhạy bén trong công việc. Với tinh thần trách nhiệm, ham học hỏi, đồng chí luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Là kiến trúc sư, chị được giao thực hiện các dự án cả trong và ngoài Quân đội. Để nâng cao kiến thức và tích lũy kinh nghiệm, Kim Dung không ngần ngại việc đi công tác xa, tranh thủ làm việc cả ngày nghỉ, giờ nghỉ, thậm chí có đêm thức trắng để đảm bảo tiến độ công trình đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư và nhà thầu.

leftcenterrightdel

Trung tá Bùi Thị Kim Dung trao đổi công việc với cán bộ, nhân viên Trung tâm tư vấn xây dựng 2 Viện Thiết kế.  

Điển hình như tại dự án Ga Ngọc Hồi - Đường sắt trên cao với yêu cầu cao về kỹ thuật, mỹ thuật, tiến độ gấp, làm việc với các chuyên gia người Nhật bằng tiếng Anh, chị và đồng đội nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ trong 2 năm. Hay Dự án Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Time City với yêu cầu cao về kỹ thuật, mỹ thuật, mức đầu tư lớn, chủ đầu tư yêu cầu báo cáo công việc theo ngày, tiến độ gấp. Trên cương vị là Chủ nhiệm Đồ án, chủ trì Bộ môn Kiến trúc, chị và các kiến trúc sư, kỹ sư trong Trung tâm tập trung toàn lực, làm thêm ngày nghỉ, giờ nghỉ để đáp ứng tiến độ thiết kế, lập dự toán, đưa các ứng dụng vật liệu và công nghệ mới vào thiết kế bản vẽ thi công.

Mới đây chị tham gia thực hiện Dự án Sân vận động Thái Nguyên, là dự án chuyên ngành khó, thuộc lĩnh vực hẹp, rất ít đơn vị thiết kế có thể thực hiện đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và tiến độ. Tổng mức đầu tư không nhiều so với các dự án tương tự trên thế giới, đội ngũ thiết kế phải vận dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kinh nghiệm, kiến thức để đưa ra các giải pháp vừa tiết kiệm, vừa hiệu quả.

Điển hình là, Kim Dung cùng nhóm thiết kế đã tư vấn cho chủ đầu tư đưa vào thiết kế ứng dụng vật liệu mới như tấm Polycacbonnat để lợp mái, vừa che mưa nắng nhưng vẫn để một phần ánh sáng xuyên qua; hệ thống chiếu sáng dùng toàn bộ công nghệ LED và chiếu sáng thông minh, căn chỉnh được cường độ ánh sáng bằng hệ thống máy tính giúp tiết kiệm điện năng tiêu thụ... Bên cạnh việc sử dụng các vật liệu, công nghệ mới, dự án còn áp dụng các giải pháp công trình xanh như: Thu gom nước mưa để tái sử dụng, thông gió chiếu sáng tự nhiên, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường (gạch không nung ACC, sơn an toàn không chứa các hợp chất độc hại, sử dụng pin năng lượng mặt trời).

Cùng với đó, các phòng, ban được thiết kế dưới khán đài giúp tiết kiệm được chi phí, tận dụng tối đa các không gian khuất để làm kho hoặc các phòng kỹ thuật. Công trình có nhiều cửa thoát hiểm và lối ra tạo sự linh hoạt, thuận tiện; hình thức hiện đại, tinh tế. Dự kiến khi hoàn thiện sẽ là một trong những sân vận động đẹp nhất Việt Nam.

Qua từng dự án, từng công trình mà Kim Dung tham gia thiết kế đã chứng minh năng lực chuyên môn của bản thân. Bằng chứng là các cuộc thi về tư vấn, thiết kế hay hội họa, chị đều đoạt giải và được đánh giá cao, trong đó có Bằng khen của Hội Kiến trúc sư Việt Nam (2015), Bằng khen của Hiệp hội Xây dựng Việt Nam VECAS (2017)… Không những thế, Kim Dung thường xuyên tham gia các khóa đào tạo để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc. Trong đó, chị đã bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Kiến trúc tại Đại học Xây dựng năm 2013.

Năm 2022, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở: “Tổng quan về doanh trại Quân đội tại đảo Việt Nam” của Kim Dung được nghiệm thu. Đây là cơ sở khoa học cho các đề tài tiếp theo nhằm nghiên cứu, phát triển và đưa ra những mô hình phù hợp hơn, ứng dụng hiệu quả trong công tác xây dựng doanh trại Quân đội trên đảo, tiết kiệm nguyên vật liệu, giảm giá thành, khắc phục hạn chế của công trình trước đó. Từ Đề tài này, Kim Dung đang phát triển thành luận án tiến sĩ, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2024 tại Đại học Xây dựng.

Bên cạnh công tác chuyên môn, Kim Dung còn là Phó chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở Viện Thiết kế, Ủy viên Ban Chấp hành Kiến trúc sư Quân đội, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kiến trúc sư trẻ Quân đội. Từ năm 2016 đến nay, Kim Dung liên tục được cấp trên tặng Bằng khen và Giấy khen về thành tích xuất sắc trong hoạt động và công tác Hội. Tham gia Hội thi Cán bộ Phụ nữ và Tuyên truyền viên giỏi cấp toàn quân các năm 2015, 2019, 2023, Kim Dung được tặng Bằng khen.

Những kết quả trên là minh chứng cho tinh thần nỗ lực cố gắng, ý chí quyết tâm cao, sự tận tâm với công việc và tài năng của Kim Dung. Tin rằng thời gian tới, Kim Dung sẽ có nhiều đóng góp hơn nữa trong công tác chuyên môn và hoạt động phụ nữ của Viện Thiết kế nói riêng, Tổng cục Hậu cần nói chung.

Bài, ảnh: THANH TÚ