"Tự lực, tự cường" trong công tác hậu cần
Lữ đoàn Thông tin 29 có nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc cho Bộ tư lệnh Quân khu và các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, thường xuyên và đột xuất. Do đặc thù nhiệm vụ, các đơn vị của Lữ đoàn đóng quân phân tán trên địa bàn 5 tỉnh, một số đài, trạm lẻ đứng chân tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, đảo. Trong khi đó, đa số công trình doanh trại qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp; hạ tầng các khu tăng gia sản xuất (TGSX) chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiệu quả kinh tế thấp, chưa tự túc được thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày. Do vậy, nhiều năm trước đây, đời sống bộ đội gặp nhiều khó khăn, nhất là lực lượng làm nhiệm vụ tại các trạm lẻ, vùng sâu, vùng xa.
Khắc ghi lời Bác dạy: “Không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ người khác...”, Lữ đoàn thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục cán bộ, nhân viên, chiến sĩ học tập tinh thần “tự lực, tự cường” của Bác Hồ, chủ động phát huy nội lực, đẩy mạnh TGSX, chế biến, tự túc thực phẩm, nâng cao chất lượng bữa ăn hằng ngày; tích cực củng cố, xây dựng cảnh quan môi trường cải thiện nơi ăn, ở, sinh hoạt, học tập của bộ đội.
Trong điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến bất lợi, việc chăn nuôi, trồng trọt gặp nhiều khó khăn, năm 2019, cùng với nguồn kinh phí cấp trên hỗ trợ, Lữ đoàn chủ động trích quỹ vốn đầu tư xây dựng các khu TGSX theo hướng cơ bản, ổn định lâu dài, hiệu quả và phân cấp hợp lý. Trên cơ sở điều kiện thực tế, Lữ đoàn xây dựng các mô hình TGSX theo 2 cấp: Mô hình TGSX tập trung cấp Lữ đoàn do Phòng Hậu cần - Kỹ thuật phụ trách; mô hình vườn - ao - chuồng gắn với bếp ăn tại các đơn vị. Cùng với kinh phí đầu tư TGSX, Lữ đoàn kết hợp huy động tối đa công sức cán bộ, chiến sĩ trong ngày nghỉ, giờ nghỉ để xây dựng hạ tầng các khu TGSX.
Từ năm 2019 đến nay, đơn vị đã huy động trên 1.000 ngày công bộ đội, trích quỹ đầu tư trên 300 triệu đồng, củng cố 4 chuồng chăn nuôi lợn thịt (3 chuồng nuôi lợn tại các tiểu đoàn và 1 chuồng tại khu TGSX tập trung của Lữ đoàn). Cùng với đó, đầu tư trên 400 triệu đồng và huy động trên 2.000 ngày công của bộ đội củng cố trên 2.000m bờ ao nuôi thả cá; làm đường nội đồng khu TGSX bằng bê tông chắc chắn; phân lô, chia thửa, cải tạo hơn 6.000m2 đất vườn trồng rau; xây dựng 1.000m2 giàn trồng cây leo tại khu TGSX tập trung của Lữ đoàn; xây dựng trên 300m2 vườn trồng rau trong nhà lưới. Đối với các đài, trạm lẻ quân số ít, cán bộ, chiến sĩ cũng tích cực tổ chức TGSX quy mô phù hợp với điều kiện thực tế vị trí đóng quân để tự túc nhu cầu rau xanh, một phần định lượng thịt lợn, thịt và trứng gia cầm.
Do tích cực phát huy nguồn nội lực trong nhiều năm, đến nay, hạ tầng khu TGSX của toàn Lữ đoàn được xây dựng tương đối cơ bản, thường xuyên duy trì nuôi trên 150 con lợn thịt, 10 con lợn nái và trên 3.000 con gia cầm thịt; duy trì 40.000m2 ao nuôi thả cá. Cùng với phát triển TGSX, Lữ đoàn phát huy hiệu quả hoạt động của trạm chế biến tập trung. Bên cạnh giết mổ gia súc, gia cầm, trạm chế biến tổ chức chế biến giò, chả, đậu phụ, ngâm ủ giá đỗ, muối nén rau, củ, quả để cung cấp cho các bếp ăn. Nhờ đó, từ năm 2022 đến tháng 6-2024, Lữ đoàn luôn tự túc 100% định lượng rau xanh, 100% cá tươi, 90% thịt lợn; 50% thịt gia cầm... hạn chế mua ngoài thị trường. Giá sản phẩm TGSX đưa vào bữa ăn thấp hơn giá thị trường từ 5-20%, góp phần cải thiện bữa ăn của bộ đội.
Lữ đoàn đã thực hiện nhiều biện pháp huy động công sức bộ đội xây dựng cảnh quan môi trường, bảo đảm tốt nơi ở, sinh hoạt, học tập của bộ đội. Cùng với việc xây dựng cơ bản các công trình nhà Sở chỉ huy, nhà ở cơ quan, Lữ đoàn động viên cán bộ, chiến sĩ tích cực tham gia xây dựng cảnh quan môi trường, củng cố các công trình doanh trại. Lữ đoàn và các tiểu đoàn trích một phần quỹ TGSX để thi công xây dựng một số công trình thanh niên, đường bê tông nội bộ, khuôn viên, vườn hoa, cây cảnh; củng cố, bảo trì các công trình doanh trại, nhất là các tiểu đoàn, trạm lẻ chưa được đầu tư xây dựng cơ bản.
Hằng năm, trên cơ sở quỹ đất quốc phòng được giao quản lý và quy hoạch được phê duyệt, các tiểu đoàn tổ chức trồng xen, trồng phủ cây bóng mát, cây ăn quả, cây lấy gỗ, đảm bảo làm đến đâu, chắc đến đó. Bằng cách làm trên, trong 5 năm qua, Lữ đoàn huy động trên 2.000 ngày công bộ đội, trồng mới, trồng bổ sung gần 5.000m2 thảm cỏ; xây dựng 1.500m2 bồn hoa, gần 200 chậu cây cảnh; cải tạo, bảo trì, quét vôi ve gần 3.000m2 nhà; trồng mới gần 5.000 cây lấy gỗ, trên 2.000 cây ăn quả các loại. Kết quả trên góp phần quan trọng vào việc xây dựng cảnh quan môi trường doanh trại “Chính quy, xanh, sạch, đẹp”, thiết thực phục vụ đời sống bộ đội.
Thực hành tiết kiệm nâng cao hiệu quả bảo đảm hậu cần
Bên cạnh việc phát huy nội lực, Lữ đoàn đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí, bảo đảm tốt các mặt hậu cần cho đơn vị. Khắc ghi lời Bác Hồ dạy: “Tất cả mọi người đều phải thực hành tiết kiệm. Trước nhất là cơ quan, các bộ đội, các xí nghiệp...”, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn triển khai các ngành, đơn vị thực hành tiết kiệm, chấp hành nghiêm nguyên tắc quản lý, sử dụng vật chất, kinh phí hậu cần, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong bảo đảm ăn uống, do đơn vị tự túc được phần lớn các loại thực phẩm chính từ nguồn TGSX, chế biến với giá rẻ hơn thị trường từ 5-20% (rau, củ, quả từ 1.000-2.000 đồng/kg, cá từ 8.000-10.000 đồng/kg, thịt lợn 2.000-5.000 đồng/kg; thịt gia cầm từ 6.000-8.000 đồng/kg…) nên hằng năm tiết kiệm từ 400-500 triệu đồng, riêng năm 2023 tiết kiệm được 575 triệu đồng. Số tiền trên được chi vào bữa ăn, nhờ đó, định lượng thực phẩm được tăng lên, chất lượng nuôi dưỡng bộ đội luôn được giữ ổn định và không ngừng cải thiện. Bên cạnh đó, các bếp ăn thực hiện biện pháp tiết kiệm chất đốt như: Xây dựng thực đơn ăn khoa học; thực hiện chặt chẽ quy trình sơ chế, tinh chế, gia nhiệt các món ăn, hạn chế tối đa thời gian vận hành bếp; các bếp ăn tận dụng vỏ quả dừa, củi, lá khô... làm chất đốt, mỗi năm tiết kiệm từ 30 - 50 triệu đồng kinh phí tiền ăn.
Đối với công tác quân y, Lữ đoàn thực hiện kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong khám, điều trị để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí quân y. Tại cơ quan Lữ đoàn và các tiểu đoàn đều có vườn thuốc Nam, diện tích mỗi vườn từ 150-200m2, trồng đủ nhóm cây thuốc để điều trị các bệnh lý thông thường như: cảm cúm, tiêu hóa, hô hấp, tiêu độc, ngoài da, cấp cứu rắn cắn, thuốc bổ an thần… Từ năm 2019 đến nay, toàn Lữ đoàn thu hái, chế biến được gần 400kg dược liệu đưa vào sử dụng. Cùng với đó, nhân viên quân y các đơn vị tăng cường sử dụng phương pháp điều trị bằng y học cổ truyền để tiết kiệm kinh phí, đạt hiệu quả cao trong điều trị bệnh nhân.
Trong sử dụng điện, nước, Lữ đoàn luôn sử dụng hiệu quả kinh phí sửa chữa để kịp thời lắp đặt, thay thế các thiết bị điện, nước hỏng hóc như đồng hồ đo, phao chống tràn, van, vòi nước tại nhà tắm, nhà vệ sinh. Hệ thống dây truyền tải điện thường xuyên được kiểm tra để sửa chữa, khắc phục kịp thời rò rỉ, tránh nguy cơ chập, cháy, đảm bảo an toàn và giảm tối đa thất thoát điện năng. Lữ đoàn quy định cán bộ, nhân viên, chiến sĩ phải tắt các thiết bị điện không cần thiết khi ra khỏi phòng; quy định cụ thể thời gian thắp sáng công cộng.
Bên cạnh đó, nhân viên Doanh trại của Lữ đoàn lắp đặt đồng hồ đo điện đến từng đầu mối cấp đại đội, theo dõi chặt chẽ, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh các đơn vị sử dụng điện quá tiêu chuẩn. Trong 5 năm qua, toàn Lữ đoàn tiết kiệm được trên 50.000 Kwh điện trị giá gần 100 triệu đồng. Trong công tác xăng dầu, vận tải, Lữ đoàn thường xuyên thực hiện tốt chế độ bảo quản, bảo dưỡng duy trì hệ số kỹ thuật phương tiện theo quy định, kết hợp với vận chuyển 2 chiều để tiết kiệm nhiên liệu. Chỉ tính riêng năm 2023, Lữ đoàn tiết kiệm 139 triệu đồng kinh phí xăng dầu.
Với những kết quả đạt được trong công tác hậu cần, những năm qua, Lữ đoàn được cấp trên tặng nhiều hình thức khen thưởng. Điển hình như, năm 2022, được Bộ tư lệnh Quân khu 9 tặng Bằng khen; năm 2020, 2023 được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen vì có thành tích Xuất sắc trong thực hiện PTTĐ “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”. Đó là nguồn động lực để cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn thông tin 29 tiếp tục nỗ lực cố gắng, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
HOÀNG HIỀN