Vì vậy, việc cứu chữa, vận chuyển TB trên chiến trường chiếm khối lượng lớn trong công tác bảo đảm hậu cần.

Theo số liệu thống kê của ngành Quân y Liên bang Nga, trong các cuộc chiến tranh, hơn 90% TB bị tử vong do chảy máu vết thương, trong số đó có 2/3 chảy máu trong. Đa số TB tử vong trong khoảng 30 phút đầu sau khi bị thương. Trong cứu chữa ngoại khoa, “giờ vàng” là khoảng thời gian sau khi bị thương đến lúc được can thiệp phẫu thuật kịp thời (không quá 1 giờ), có ý nghĩa quan trọng đối với tính mạng TB. Nếu TB được cấp cứu tối khẩn cấp, thì đa số được cứu sống. Tuy nhiên, trên thực tế, trong điều kiện chiến đấu ác liệt, việc vận chuyển TB về tuyến sau gặp nhiều khó khăn, nhanh nhất cũng phải mất từ 1 - 2 giờ, thậm chí có thể lên tới 3 - 4 giờ hoặc lâu hơn. Do vậy, để cứu chữa TB nặng bị chảy máu trong, cần áp dụng khẩn cấp các biện pháp cầm máu tại chỗ, nhanh chóng vận chuyển TB về tuyến sau. Ưu tiên bố trí các đội phẫu thuật cơ động đến gần trận địa để rút ngắn thời gian vận chuyển TB và cứu chữa kịp thời.

Các biện pháp làm giảm tỷ lệ TB tử vong gồm:

Vận chuyển TB sớm

Nhanh chóng đưa TB ra khỏi trận địa là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong hệ thống vận chuyển và cứu chữa TB. Trong chiến dịch chống khủng bố của Nga ở Bắc Kavkazơ 1999 - 2002, 30% TB (đa số là TB nặng) được vận chuyển bằng máy bay trực thăng về các bệnh viện tiền phương trong vòng 2 giờ sau khi bị thương, do vậy giảm được 50% số ca biến chứng và tử vong. Trong các chiến dịch của NATO tại I - rắc và Afganixtan, nếu thời tiết thuận lợi, sau khi bị thương 1 - 2 giờ, TB được chuyển bằng máy bay về bệnh viện quân y tuyến quân khu. Đối với các chiến dịch của Nga ở ngoài lãnh thổ, thời gian vận chuyển TB bằng xe cứu thương từ mặt trận về bệnh viện phải mất 6 giờ. Các nước NATO thường sử dụng đội y tế chuyên vận chuyển TB bao gồm: Bác sĩ cấp cứu, bác sĩ gây mê hồi sức, y tá, kỹ thuật viên và các trang thiết bị y tế (máy siêu âm, máy điện tim, máy đo huyết áp Holter 24/24, máy thở...). Trên đường vận chuyển, đội y tế tiến hành cứu chữa bước đầu hoặc cứu chữa tối khẩn cấp như: Truyền máu, mở khí quản và thở máy. Các vết thương có nguy cơ diễn biến nặng hoặc xuất hiện những biến chứng xấu (do nhiễm trùng hoặc thời tiết xấu), vì vậy, việc vận chuyển TB đảm bảo đúng chỉ định, kịp thời, đúng kỹ thuật để hạn chế thấp nhất biến chứng có thể xảy ra trước khi đến bệnh viện chuyên khoa để phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu thời tiết xấu, trời mù, giông bão, vận chuyển ở vùng rừng núi vào ban đêm, giao tranh ác liệt, máy bay chuyển thương có nguy cơ bị đối phương bắn hạ... sẽ gây cản trở rất lớn đến quá trình chuyển thương bằng trực thăng.

Các phương pháp, thiết bị cầm máu

Khi bị thương, nếu chảy máu ngoài mắt thường dễ nhìn thấy (máu chảy ồ ạt hoặc thành tia từ vùng bị thương), nhưng chảy máu trong thì khó phát hiện hơn với các dấu hiệu: da nhợt nhạt, tím tái, khó thở, nôn, huyết áp tụt, sốc.

leftcenterrightdel
Đội tuyển Tiếp sức quân y luyện tập thi đấu cho Army Games 2020. Ảnh: qdnd.vn

Cầm máu khi chảy máu ngoài, nhanh chóng làm ngưng chảy máu trong thời gian chờ đưa về tuyến sau, hạn chế những biến chứng của vết thương. Nếu vết thương mạch máu lớn sẽ gây thiếu máu cấp tính, dễ dẫn tới sốc do mất máu. Biểu hiện của sốc mất máu là: Hốt hoảng, vật vã, lo âu, vã mồ hôi, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt và kẹt. Cần nhanh chóng cầm máu cho TB bằng các phương pháp khác nhau: đặt garô, băng ép, ép mạch máu. Trong đó, đặt garô là phương pháp cầm máu tạm thời được áp dụng phổ biến đối với các vết thương ở chi có chảy máu ồ ạt, nhưng đòi hỏi thực hiện đúng các quy tắc (không chặt quá, không lỏng quá, sau 1 giờ phải nới lỏng garô trong vài phút để máu chảy lưu thông nuôi dưỡng phần dưới vết thương). Phương pháp dùng băng ép cầm máu dùng băng cuộn băng chặt quanh chi. Trường hợp phải sơ cứu cho TB có mảnh đạn (đạn pháo, lựu đạn…) cắm vào vết thương gây ra tình trạng chảy máu, tuyệt đối không được rút ra, phải dùng tay ép chặt vết thương sát mảnh đạn và dùng miếng gạc quấn lại thành vòng đệm xung quanh, lấy băng ép lại như bình thường (không được gây áp lực trực tiếp lên mảnh đạn ở vết thương).

Cầm máu khi chảy máu trong, cần phải cầm máu ngay lập tức hoặc làm chậm chảy máu. Chảy máu nội sọ làm cho TB đau đớn, xuất  huyết  dưới  màng  não  thường  gây  ra  đau  đầu  và  cứng  cổ. Chảy máu trong ổ bụng có thể không biểu hiện ra ngoài, nhưng xuất hiện cơn đau bụng, nếu mất quá nhiều máu, TB cảm thấy cơ thể yếu, chóng mặt, khó thở, sốc và tụt huyết áp. Nếu thấy máu lẫn trong nước tiểu là do xuất huyết các bộ phận của đường tiết niệu. Khi TB bị chảy máu trong nhiều sẽ kéo theo hàng loạt biến chứng nghiêm trọng như rối loạn hoạt động các chức năng sống của cơ thể, rối loạn đông máu, gây tụt huyết áp nhanh chóng, suy đa tạng và dẫn đến tử vong. Trường hợp này cần phải can thiệp bằng phẫu thuật để cầm máu và xử lý các tổn thương để cứu sống TB.

Đối với những TB bị chảy máu trong cần phối hợp nhiều biện pháp để hạn chế tử vong: Sử dụng thuốc cầm máu, đảm bảo thông khí tốt, chống ngạt thở, chống tràn khí màng phổi, sưởi ấm cơ thể, nâng huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) lên trên 90 mmHg, ở mức này có thể bắt được mạch ở động mạch quay. Hiện nay trên thế giới đang áp dụng rộng rãi phương pháp nút mạch cầm máu trong chấn thương. Bệnh nhân sẽ không phải trải qua những cuộc phẫu thuật kéo dài hàng giờ, tiềm ẩn biến chứng nguy hiểm trong và sau phẫu thuật như sốc mất máu, nhiễm trùng vết mổ. Phương pháp nút mạch cầm máu trong chấn thương là phương pháp can thiệp ít xâm lấn, an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có thể áp dụng ở tuyến bệnh viện quân khu và bệnh viện trung ương.

Phân tích nguyên nhân các trường hợp tử vong của TB trong chiến tranh hiện đại, các bác sĩ quân y Nga rút ra kết luận: Phải chuyển từ khái niệm “TB đến với bác sĩ phẫu thuật” sang khái niệm “bác sĩ phẫu thuật đến với TB ”. Khái niệm này đã được áp dụng trong lực lượng vũ trang Liên bang Nga và quân đội một số nước khối NATO (Mỹ, Pháp, Đức, Bỉ). Nhiệm vụ của các đội phẫu thuật là tiến hành sớm các ca phẫu thuật cho TB ở nơi gần trận địa nhất (trong vòng 5 km). Để hạ thấp tỷ lệ tử vong của TB, các đội phẫu thuật cơ động đặc biệt (khoảng 10 người) triển khai gần trận địa để thực hiện các ca phẫu thuật khẩn cấp, hình thức cứu chữa này gọi là “cứu chữa ngoại khoa khẩn cấp”. Trong các cuộc xung đột vũ trang tại phía bắc Kavkazơ, do tính chất cơ động của cuộc chiến, vị trí các cuộc giao tranh không cố định, vì vậy, Quân đội Nga phải áp dụng chiến thuật vận chuyển TB từ trận địa về tuyến sau bằng máy bay trực thăng. Hình thức vận chuyển trực tiếp TB từ trận địa sau khi được cứu chữa bước đầu gọi là “cứu chữa ngoại khoa sớm”. Khi thực hiện cứu chữa bước đầu, TB được cầm máu trong 30 phút đầu sau khi bị thương, làm tăng khả năng sống cho TB.

Nhờ áp dụng nhiều biện pháp vận chuyển, cứu chữa hiện đại, quân y các nước trên thế giới có thể làm việc độc lập hoàn toàn, nhanh chóng cấp cứu TB trên đường vận chuyển (chống sốc, truyền máu, chống ngạt thở...), đưa về tuyến sau an toàn, hạn chế bị biến chứng dẫn đến tử vong.

TS PHẠM XUÂN NINH, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga