Xây dựng căn cứ, lực lượng và tổ chức hậu cần

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Mỹ - Diệm điên cuồng khủng bố trắng, tàn sát man rợ lực lượng cách mạng. Trước yêu cầu sống còn, Xứ ủy Nam Bộ đã chỉ đạo củng cố, xây dựng các căn cứ địa có từ kháng chiến chống Pháp như: Chiến khu Đ, Long Nguyên, Dương Minh Châu, Rừng Sác..., xây dựng địa bàn miền Đông thành hậu phương vững chắc, là căn cứ địa của Nam Bộ (B2), là nơi đứng chân của các khu ủy, xứ ủy đến Trung ương Cục miền Nam sau này; xây dựng phát triển lực lượng, đẩy mạnh hoạt động vũ trang và tạo nguồn bảo đảm hậu cần (BĐHC). Cuối năm 1959, Xứ ủy Nam Bộ chọn phần đất phía Bắc huyện Dương Minh Châu và huyện Châu Thành (Tây Ninh) làm căn cứ chung, mật danh là “R” (còn gọi là Miền). Tại đây có hơn 400 cán bộ, chiến sĩ, tổ chức thành đơn vị tập trung (C1000) và một bộ phận hậu cần, có nhiệm vụ bảo đảm cho các cơ quan của Xứ ủy và lực lượng vũ trang (LLVT). Tháng 4-1960, Xứ ủy Nam Bộ chuyển về R.

leftcenterrightdel
Bộ đội hành quân ra chiến trường. Ảnh tư liệu

Trước tình hình, nhiệm vụ mới, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị: “Củng cố và mở rộng căn cứ địa, ra sức bồi dưỡng LLVT”, Bộ Chỉ huy Miền đã tăng cường xây dựng hai khu căn cứ A và B thành 2 khu căn cứ địa cách mạng, chỉ định Đảng ủy khu căn cứ, xây dựng toàn diện cả về chính trị, quân sự, kinh tế, hậu cần; tổ chức hành lang tuyến vận tải và đường dây liên lạc. Cuối năm 1963, Bộ Chỉ huy Miền xây dựng thêm căn cứ khu C ở vùng Long Nguyên - Thanh Tuyền (Bến Cát, Bình Dương); năm 1964, xây dựng căn cứ khu E ở vùng Bà Rịa - Long Khánh. Đến cuối năm 1965, ở miền Đông Nam Bộ đã hình thành 4 khu vực căn cứ hậu cần (CCHC) liên hoàn, nối liền với căn cứ Đồng Tháp Mười. Với sự chi viện của hậu phương miền Bắc, bộ đội chủ lực Miền ngày càng lớn mạnh: Từ các đại đội, tiểu đoàn, đến năm 1965, ta đã có 6 trung đoàn. Vì vậy, đòi hỏi hậu cần phải được xây dựng, phát triển đáp ứng nhu cầu bảo đảm ngày càng lớn của LLVT.

Tháng 02-1961, Hội nghị quân sự Miền đã thống nhất LLVT cách mạng miền Nam là “Quân giải phóng miền Nam”- một bộ phận của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Toàn Nam Bộ chia thành 4 quân khu: Quân khu miền Đông Nam Bộ (T1), miền Trung Nam Bộ (T2), miền Tây Nam Bộ (T3) và Quân khu Sài Gòn - Gia Định (T4). Đồng chí Phạm Văn Xô, Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục - Ủy viên Ban Quân sự Miền phụ trách công tác hậu cần, sản xuất, đường dây, xây dựng căn cứ địa. Việc BĐHC cho cơ quan dân chính Đảng và LLVT chủ yếu dựa vào các cơ sở hậu cần ở căn cứ khu A (Chiến khu Đ), khu B (Dương Minh Châu).

Đầu năm 1962, Trung ương Cục quyết định thành lập Phòng Hậu cần, trực thuộc Ban Quân sự Miền, gồm các bộ phận: Quân nhu, Quân y, Quân giới...; hai căn cứ khu A và khu B đặt dưới sự chỉ đạo của Phòng Hậu cần. Để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo và chỉ huy trong tình hình mới, tháng 10-1963, Bộ Chính trị quyết định thành lập Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền (thay Ban Quân sự Miền). Cuối năm 1963, căn cứ khu C (Long Nguyên - Bến Cát) được thành lập; năm 1964, thành lập khu E. Trong căn cứ có các bộ phận: Kế hoạch, tiếp liệu, quân nhu, quân y, sản xuất, đường dây, các cơ sở sản xuất (lương thực, vũ khí, thuốc men và chăn nuôi), các kho, bệnh xá... với quân số hàng nghìn người.

Ngày 10/12/1964, Bộ Chỉ huy Miền quyết định chuyển Phòng Hậu cần thành Cục Hậu cần Miền, có 8 phòng nghiệp vụ (tham mưu, chính trị, quân nhu, quân y, quân giới, tài vụ, tiếp liệu và vận tải); Cục Hậu cần còn chỉ đạo Ban Tiếp liệu ngoại ở Campuchia. Trên cơ sở 4 căn cứ của Miền, cuối năm 1965, Cục Hậu cần Miền đã xây dựng được 4 CCHC hoàn chỉnh (Đoàn 81 ở khu A, Đoàn 82 ở khu B, Đoàn 83 ở căn cứ khu C, Đoàn 84 ở khu E). Các đoàn hậu cần là nòng cốt trong xây dựng căn cứ địa Miền về công tác tăng gia sản xuất, giao thông vận tải, thương nghiệp, cơ xưởng, bệnh viện, kho tàng... BĐHC cho LLVT. Cùng với hệ thống hậu cần Miền, hậu cần các quân khu, tỉnh, huyện sớm được xây dựng, củng cố, bố trí trên các địa bàn quan trọng. Bộ Tư lệnh Miền còn xây dựng hệ thống Hội đồng Cung cấp Tiền phương từ Miền xuống đến khu, tỉnh, huyện, xã để huy động mọi nguồn lực đáp ứng yêu cầu tác chiến ngày càng phát triển.

Dựa vào thế liên hoàn của Hậu cần Miền, quân khu, tỉnh, huyện, xã, hậu cần Nhân dân, hình thành thế trận hậu cần vững chắc, bảo đảm cho LLVT ba thứ quân xây dựng, huấn luyện và tác chiến trên chiến trường Đông Nam Bộ.

Tổ chức tiếp nhận chi viện của hậu phương miền Bắc

Để chi viện cho miền Nam, Bộ Chính trị quyết định thành lập Đoàn 559 (19/5/1959) và Đoàn 759 (23/10/1961) mở đường Hồ Chí Minh trên bộ (đường Trường Sơn) và trên biển. Bộ chỉ huy Miền đã thành lập Đoàn 1500 chuyên trách xây dựng bến Lộc An (Xuyên Mộc, Bà Rịa) và tiếp nhận hàng chi viện của miền Bắc bằng đường biển. Đồng thời, thành lập Đoàn K10 ở khu vực Rừng Sác (Bà Rịa) để tiếp nhận vũ khí từ Bến Tre đưa lên và chuyển về khu A. Từ năm 1963, ngoài Đoàn 1500 và K10, Hậu cần Miền còn có nhiều tổ chức khác để vận tải hàng từ các bến ở T2, T3 về Đông Nam Bộ. Mặt khác, tích cực soi, mở đường ra Tây Nguyên, Khu 5, nối với tuyến 559. Ngày 30-10-1960, đường chiến lược từ miền Bắc vào Đông Nam Bộ đã nối thông, tạo điều kiện để Trung ương chỉ đạo chi viện cho Nam Bộ.

Đoàn 559 hoạt động ở phía Đông đã lật cánh sang phía Tây Trường Sơn trên đất Lào; từ năm 1961 - 1964 đã xây dựng 751km đường vận tải ô tô, 600 km đường gùi thồ, 300 km đường sông; vận chuyển 10.136 tấn hàng (trong đó giao cho chiến trường 2.912 tấn, chủ yếu là vũ khí đạn). Từ tháng 9/1962 - 02/1965, Đoàn 759 chuyển vào chiến trường 4.919 tấn vũ khí, đạn. Trong đó, giao cho Hậu cần Miền (ở bến Lộc An, Bà Rịa) 170 tấn, kịp thời bổ sung cho chiến dịch Bình Giã. Từ 1962 - 1965, Đoàn K10 tiếp nhận vũ khí, vật chất từ Thạnh Phú, Bến Tre đưa lên, vận chuyển bảo đảm cho chiến dịch Bình Giã 1.000 tấn; cấp cho T4 chuyển vào nội thành Sài Gòn 200 tấn; dự trữ tại Rừng Sác 100 tấn. Từ 1961-1965, B2 được Miền Bắc chi viện 4.092 tấn vật chất, chủ yếu vũ khí đạn và trang bị kỹ thuật (chiếm 13,3% tổng số vật chất có tại B2) và 449 triệu đồng (tiền Ngụy), 33 triệu Riel (tiền Campuchia).

Tạo nguồn HC tại chỗ sẵn sàng bảo đảm cho tác chiến

Nguồn hậu cần tại chỗ lúc này chủ yếu là sự đóng góp của Nhân dân, tổ chức khai thác tại chiến trường, sản xuất tự túc của LLVT, chiến lợi phẩm thu được của địch. Từ Miền đến quân khu, tỉnh, huyện, xã các đơn vị đều tổ chức sản xuất vũ khí như mìn, lựu đạn...; thuốc men, tự túc lương thực, thực phẩm (LTTP) (có từ 3 - 6 tháng/năm trở lên). Những năm 1961 - 1965, tăng gia sản xuất tự túc LTTP trở thành nguồn cung cấp tại chỗ trực tiếp rất quan trọng. Năm 1961, ở hai khu hậu cần A và B đều có lực lượng sản xuất chuyên nghiệp, khu A có 4 nông trường (200 ha), lực lượng tới 1.000 người, bố trí ở các vị trí có thể vừa sản xuất vừa bảo vệ căn cứ địa. Đến năm 1963, lực lượng sản xuất lương thực ở khu A và B là 1.345 người; trồng được 1.506 ha lúa, ngô, sắn và 78 ha đậu lạc vừng... thu hoạch được 462 tấn, lãi trên 3 triệu đồng. Mặt khác, dựa vào các cơ sở Việt kiều yêu nước ở Phnôm-Pênh, ta tổ chức thu mua, khai thác vật chất, nhất là các vật chất quý (không mua được ở Sài Gòn) đưa về căn cứ khu B; riêng thu mua gạo đạt từ 300 - 400 tấn/tháng. Từ 1961-1964, trong 30.684 tấn vật chất có trên chiến trường B2, Nhân dân đóng góp và thu mua khai thác tại chỗ được 22.180 tấn (72,4%); LLVT tự sản xuất 4.179 tấn (13,6%); nguồn thu được của địch (thống kê chưa đầy đủ) 233 tấn (0,7%), còn lại Miền Bắc chi viện. Trên cơ sở kết quả tạo nguồn, tháng 01/1962, Chỉ huy Miền ký ban hành tiêu chuẩn ăn: Mỗi người 1 tháng được cấp 60 đồng tiền ăn (tiền Ngụy) và 500 gam muối ăn; về gạo: Cơ quan trung đoàn bộ trở lên, bệnh viện, bệnh xá, trường học... được cấp 18,75 kg/người/tháng; các đơn vị chiến đấu 22,5kg/người/tháng.

Cùng với việc hình thành tổ chức, xây dựng lực lượng, mở rộng địa bàn căn cứ..., Hậu cần Miền đã bám sát các đơn vị, phục vụ bộ đội chiến đấu với quy mô ngày càng lớn, tiêu biểu là các chiến dịch như: Bình Giã (12/1964 - 02/1965), Đồng Xoài (5 - 7/1965). Trong các chiến dịch đầu tiên này của chủ lực Miền đã tổ chức cơ quan chỉ huy hậu cần, các đoàn hậu cần tại chỗ, phối hợp với hậu cần địa phương, hậu cần Nhân dân trên địa bàn chuẩn bị vật chất; huy động nhân lực phục vụ chiến dịch; triển khai cơ sở, lực lượng bảo đảm; tổ chức cứu chữa, vận chuyển thương binh...

Như vậy, trong giai đoạn 1960-1965, Hậu cần Miền đã xây dựng, từng bước kiện toàn, hoàn chỉnh tổ chức hậu cần Quân đội ở Miền, các quân khu, đơn vị; xây dựng triển khai các CCHC gắn với việc củng cố xây dựng các vùng căn cứ địa cách mạng, hình thành thế bố trí hậu cần tại chỗ trên các địa bàn quan trọng. Xây dựng hậu cần địa phương, hậu cần Nhân dân thành hệ thống tổ chức, chỉ đạo chặt chẽ, phối hợp và hỗ trợ cho Hậu cần Quân đội. Nhờ đó, đã đáp ứng yêu cầu BĐHC cho xây dựng, phát triển LLVT, đẩy mạnh tác chiến quy mô ngày càng lớn, góp phần cùng quân dân miền Nam đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.

Đại tá, ThS Trần Đình Quang - Nguyên cán bộ Bộ Tham mưu Hậu cần