Tuy nhiên, những năm gần đây, trên địa bàn các đơn vị của Sư đoàn đóng quân, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp; thời tiết khắc nghiệt, xâm nhập mặn xảy ra trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi, trồng trọt của một số đơn vị trực thuộc Sư đoàn.

Mặt khác, giá con giống gia súc, gia cầm, thức ăn chăn nuôi trên địa bàn đóng quân thường xuyên biến động tăng cao; kinh phí đầu tư cho phát triển chăn nuôi chưa tương xứng với tiềm năng của đơn vị; việc quy hoạch khu TGSX tập trung chưa được đồng bộ với quy hoạch tổng thể mặt bằng doanh trại. Cơ sở hạ tầng phục vụ chăn nuôi chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh.

Việc tổ chức lực lượng TGSX chưa thống nhất, chủ yếu tận dụng công sức lao động của bộ đội trong giờ nghỉ, ngày nghỉ; kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt của bộ đội còn hạn chế nên năng suất, hiệu quả kinh tế còn thấp.

Năm 2022, được sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp và ngành nghiệp vụ cấp trên, Sư đoàn được chọn là nơi xây dựng mô hình điểm về chăn nuôi theo Đề án QN-21. Lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn và Phòng Hậu cần - Kỹ thuật xác định đây là cơ hội thuận lợi để phát triển khu TGSX theo hướng tập trung, đồng bộ, bền vững. Thông qua đó, phát huy thế mạnh các nguồn lực tự nhiên, có điều kiện áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào chăn nuôi gia súc, gia cầm, giảm công sức lao động của bộ đội, bảo vệ môi trường, hiệu quả kinh tế cao, chủ động nguồn thực phẩm tại chỗ phục vụ bữa ăn bộ đội.

leftcenterrightdel
Khu chăn nuôi bò vỗ béo của Sư đoàn. Ảnh: CTV 

Để thực hiện chủ trương xây dựng mô hình điểm về chăn nuôi theo Đề án QN-21, Đảng ủy Sư đoàn ra Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả tăng gia sản xuất, chế biến trong Quân đội bảo đảm phù hợp, an toàn, bền vững giai đoạn 2021- 2025 và đến năm 2030”. Sư  đoàn xây dựng Kế hoạch triển khai Nghị quyết, giao Phòng Hậu cần-Kỹ thuật trực tiếp chỉ đạo và tổ chức thực hiện mô hình điểm tại khối Sư đoàn bộ.

Trong đó, xác định mục tiêu tổ chức quy hoạch khu TGSX, chế biến thống nhất, đồng bộ, quy mô phù hợp với tổ chức, biên chế, vị trí đóng quân, điều kiện tự nhiên và quy hoạch tổng thể mặt bằng doanh trại của đơn vị. Từng bước ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới trong TGSX, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo thiết thực, bền vững, đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm cho đơn vị.

Trên cơ sở diện tích đất quốc phòng hiện có của đơn vị, Sư đoàn quy hoạch chi tiết, phân khu chức năng khu chăn nuôi theo hướng tập trung, phù hợp  với điều kiện thực tế; gắn với quy hoạch tổng thể mặt bằng doanh trại.

Sư đoàn thực hiện đầu tư xây dựng mới các hạng mục: chuồng nuôi bò với diện tích 1.180m2 với quy mô nuôi khoảng 200 con giống; chuồng nuôi gà, diện tích 650m2, quy mô nuôi được 5.000 con giống; chuồng nuôi lợn nái, diện tích 560m2, quy mô nuôi 80 con lợn nái. Mục tiêu nuôi bò vỗ béo cung cấp nguồn thịt chất lượng tốt, giá thấp hơn thị trường từ 15 ÷ 20%, tự cung cấp nhu cầu thịt bò cho toàn Sư đoàn. Đối với chăn nuôi lợn nái, có thể tạo nguồn con giống cho toàn bộ các đơn vị thuộc khối Sư đoàn bộ và một số trung đoàn. Chăn nuôi gà thịt 3 lứa/năm, mỗi lứa khoảng 5.000 con, có thể cung cấp thịt gà cho các bếp ăn khối Sư đoàn bộ và 1 trung đoàn...

Để triển khai xây dựng khu chăn nuôi tập trung, Sư đoàn thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, cá nhân trong triển khai thực hiện. Tổ chức lực lượng TGSX theo đúng hướng dẫn, phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị; từng bước xây dựng lực lượng sản xuất chính quy, hoạt động hiệu quả.

Giao cho cơ quan chuyên môn liên hệ với Chi cục Chăn nuôi và Thú y/Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang, các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ, bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ thuật chăn nuôi; tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm các cơ sở chăn nuôi có mô hình tương tự hiệu quả.

Nhằm chủ động tạo nguồn thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm, Sư đoàn quy hoạch khu trồng cỏ voi, tận dụng các phụ phẩm từ trạm xay xát gạo của đơn vị; tổ chức thu mua các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn để dự trữ thức ăn bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm.

Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y/Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang giới thiệu một số địa chỉ cung cấp thức ăn chăn nuôi từ các phụ phẩm nông nghiệp của các công ty sản xuất thực phẩm trên địa bàn để đơn vị liên hệ khi có nhu cầu.

Về tổ chức lực lượng chăn nuôi, gồm có lực lượng  chuyên  trách và kiêm nhiệm. Lực lượng chuyên trách gồm 13 người, trong  đó  có 1 sĩ quan, 5 quân nhân chuyên nghiệp và 7 chiến sĩ, được chia thành 2 tổ (TGSX và chế biến). Lực lượng kiêm nhiệm gồm 9 chiến sĩ do Tiểu đoàn Vận tải quản lý để thực hiện nhiệm vụ TGSX.

Về cơ chế hoạt động TGSX, Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các khâu trong quy trình sản xuất. Định kỳ hằng tháng báo cáo kết quả thực hiện và nguồn vốn sử dụng với Đảng ủy, Chỉ huy Sư đoàn. Phòng Hậu cần - Kỹ thuật là cơ quan tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo điều hành hoạt động sản xuất và sử dụng nguồn vốn vay, giám sát quá trình thực hiện. Ban Tài chính Sư đoàn là cơ quan trực tiếp thanh toán với các công ty, doanh nghiệp, chủ hàng; hướng dẫn cơ quan sử dụng các nguồn kinh phí thanh toán theo đúng nguyên tắc tài chính; trực tiếp kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng nguồn vốn vay. Ban Quân nhu là cơ quan trực tiếp sử dụng nguồn vốn. Trên cơ sở nhu cầu chăn nuôi, Ban Quân nhu khảo sát, xây  dựng dự toán, sử dụng nguồn vốn vay tiến hành các thủ tục mua con giống, vật tư nông nghiệp…, thanh quyết toán theo hướng dẫn của  ngành Tài chính. Theo dõi nguồn vốn vay, định kỳ báo cáo Đảng ủy, Chỉ huy Sư đoàn theo quy định…

Với hệ thống chuồng nuôi trên, Sư đoàn luôn duy trì nuôi 5.000 con gà thịt, 150 con bò vỗ béo, 50 con lợn nái, cùng với đàn lợn thịt, gia cầm khác. Tính đến tháng 10-2024, Sư đoàn thu hoạch trên 8,3 tấn thịt gà, tăng 154% so với trước khi thực hiện Đề án QN-21; trên 9,8 tấn thịt bò, tăng 145%... với giá thấp hơn thị trường, góp phần ổn định nguồn cung cấp thực phẩm và cải thiện bữa ăn bộ đội. Ngoài ra, Sư đoàn còn thu hoạch hàng trăm con lợn giống, tăng 160% so với trước đây, giúp chủ động con giống chất lượng cao. Thực hiện xây dựng mô hình điểm theo Đề án QN - 21 đã tạo ra hướng phát triển chăn nuôi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững và bảo vệ môi trường.

Thời gian tới, Sư đoàn tiếp tục triển khai các hoạt động sản xuất mô hình điểm của Đề án QN-21 nhằm tạo nguồn thực phẩm sạch tại chỗ, chất lượng tốt, hạn chế khai thác ngoài thị trường, không ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn của bộ đội. Phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y/Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới vào hoạt động TGSX, CB nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo thiết thực, bền vững.

Từng bước huấn luyện cho bộ đội kiến thức, trình độ kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp để tổ chức TGSX tại đơn vị, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự có thể áp dụng phát triển kinh tế gia đình, địa phương. Quá trình triển khai thực hiện Đề án QN-21, Sư đoàn tiếp tục phát huy tiềm lực tự nhiên sẵn có, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới trong TGSX, CB nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế bền vững, đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm của đơn vị, hạn chế thấp nhất khai thác ngoài thị trường, góp phần giữ ổn định bữa ăn bộ đội.

MINH HUYỀN