Tuy nhiên, tùy theo điều kiện cụ thể, mỗi quốc gia có cách thức thực hiện khác nhau. Dưới đây là các giải pháp chuẩn bị, huy động hậu cần trong bảo đảm cho chiến tranh của một số quốc gia trên thế giới.

Liên Xô (cũ)

Trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại (1941-1945), khi chuẩn bị phòng thủ đất nước, Liên Xô rất coi trọng việc chuẩn bị, huy động nguồn lực hậu cần của quân đội và tiềm lực kinh tế quốc gia để tạo nguồn dự trữ lớn về nhân lực, vật lực, cơ sở hạ tầng phục vụ chiến tranh. Trước hết, lực lượng dự bị động viên hậu cần được Liên Xô xây dựng đồng bộ, quản lý chặt chẽ thành một lực lượng mạnh, sẵn sàng bổ sung cho quân đội. Tính đến ngày 22/6/1941, trong nền kinh tế quốc dân đã quản lý trên 100.000 bác sĩ, 13.700 bác sĩ thú y, 16.700 y sĩ thú y. Lực lượng này đã đáp ứng được yêu cầu động viên cho các lực lượng vũ trang (LLVT). Cùng với đó, lực lượng dự bị động viên vận tải cũng được chuẩn bị đồng bộ, chu đáo, toàn diện cả về người, phương tiện. Đến tháng 9/1941, Quân đội Xô Viết đã động viên từ nền kinh tế quốc dân được 30.000 ô tô kèm theo lái xe.

Trước đó, sau sự kiện xung đột Phần Lan (1939-1940), Liên Xô tổ chức lại các lực lượng nòng cốt trong các xí nghiệp vận tải dân sự để kịp thời bảo đảm cho chiến tranh và giao nhiệm vụ vận chuyển quân động viên cho lực lượng vận tải dân sự. Việc chuẩn bị vận tải và bảo đảm đường giao thông được giao cho các địa phương chuẩn bị. Đầu năm 1940, Bộ Quốc phòng tiến hành thống kê toàn bộ trang bị, kỹ thuật vận tải của nền kinh tế, tổ chức huấn luyện các lực lượng trong ngành vận tải dân sự. Tháng 6/1941, các đơn vị vận tải được xây dựng và tổ chức di chuyển quy mô lớn các cơ sở kinh tế từ phía Tây về phía Đông đất nước, sẵn sàng vận chuyển cho các hướng chiến dịch.

Liên Xô còn hình thành các vùng bảo đảm, địa khu hậu cần kết hợp bảo đảm thường xuyên trong thời bình với bảo đảm cho các hoạt động tác chiến. Tại các địa khu, phần lớn vật chất được dự trữ thương mại, tại các cơ sở của Tổng cục Dự trữ quốc gia. Trước chiến tranh, Tổng cục Dự trữ quốc gia quản lý hàng chục căn cứ sản xuất bánh mì, thức ăn gia súc, chế biến thực phẩm và căn cứ tổng hợp, dự trữ hàng trăm nghìn tấn sản phẩm các loại. Khi có lệnh động viên, các cơ sở trên được chuyển giao cho Bộ Quốc phòng và trở thành các kho quân sự thuộc Cục Cung cấp lương thực của Quân đội Xô Viết.

Trong chiến tranh, Hội đồng Quốc phòng tổ chức lại các hoạt động của nền kinh tế phù hợp với việc chuyển hóa nhanh từ nhiệm vụ đơn thuần sang kết hợp, sẵn sàng chuyển thành lực lượng quốc phòng khi cần thiết. Thời điểm phát xít Đức tiến đến thành phố Lê-nin-grát, Mát-xcơ-va, bờ sông Vôn-ga, vùng núi Cáp-ca-dơ, Liên Xô bị mất nhiều đất đai với những vùng kinh tế quan trọng. Trước tình hình đó, nhân dân Liên Xô và Quân đội Xô Viết đã điều hành phát triển nhanh chóng chuyển nền kinh tế sang thời chiến. Do tập trung sản xuất các sản phẩm quân sự vượt chỉ tiêu, chủng loại so với Quân đội Đức nên Liên Xô đã giành lại quyền chủ động chiến lược. Như vậy, trong chiến tranh Vệ quốc, Liên Xô rất chú trọng việc chuẩn bị, huy động các nguồn lực hậu cần quốc gia trong bảo đảm, thông qua việc kết hợp chuẩn bị của nhà nước, quân đội và các ngành kinh tế địa phương.

Ấn Độ

Chính phủ Ấn Độ xác định, nếu không thực hiện kết hợp giữa sản xuất kinh tế xã hội gắn với xây dựng tiềm lực quốc phòng theo quy hoạch đồng bộ, thống nhất, dài hạn từ trước thì không thể huy động hậu cần bảo đảm cho chiến tranh. Để chuẩn bị và huy động hậu cần tại chỗ bảo đảm cho chiến tranh, Chính phủ Ấn Độ tập trung phát triển kinh tế phục vụ nhu cầu dân sinh gắn với xây dựng tiềm lực hậu cần quốc phòng. Thiết lập cơ chế chung giữa sản xuất hậu cần quốc phòng với sản xuất kinh tế dân sinh nhằm chuẩn bị, sẵn sàng huy động hậu cần bảo đảm cho chiến tranh và đáp ứng nhu cầu đời sống xã hội. Thực hiện liên kết, tích hợp các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất phục vụ dân sinh với sản xuất quốc phòng để tận dụng cơ sở hạ tầng, nhân lực, khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội và hậu cần quốc phòng. Để nâng cao khả năng điều phối, định hướng, khuyến khích sản xuất kinh tế dân sinh từ trung ương đến địa phương tham gia sản xuất quốc phòng, Ấn Độ xây dựng “Mạng lưới hậu cần quốc gia”. Mạng lưới này được điều hành bởi “Ủy ban Hậu cần cấp quốc gia” do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch Nhà nước) làm Chủ tịch. Thành phần Ủy ban gồm đại diện Bộ Tài chính, Hội đồng phát triển công nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng, đại diện hậu cần 3 lực lượng... Ủy ban có nhiệm vụ xây dựng chính sách và mục tiêu quốc gia sẵn sàng huy động hậu cần, duy trì năng lực sản xuất vật chất bảo đảm cho chiến tranh và đáp ứng nhu cầu dân sinh; xây dựng kế hoạch phát triển các lĩnh vực sản xuất quan trọng; đào tạo nguồn nhân lực hậu cần, nhất là lĩnh vực then chốt; tổ chức lại và phối hợp với các cơ sở kinh tế địa phương có khả năng huy động, sản xuất vật chất hậu cần nhằm nâng cao hiệu quả BĐHC cho quân đội…

Trung Quốc

Trung Quốc thực hiện quan điểm “Nuôi quân ít thời bình, xuất nhiều binh thời chiến”, quân - dân kết hợp trong thời bình, thời chiến; đào tạo nhân tài lưỡng dụng (dân sự và quân sự). Họ coi việc huy động các nguồn lực của nền kinh tế bảo đảm cho thời chiến là chủ trương lớn, là công tác thường xuyên ở mọi địa phương. Trên cơ sở bám sát chủ trương “hai thích ứng” (thích ứng chiến tranh công nghệ cao và môi trường toàn cầu hóa), Trung Quốc đề ra các biện pháp hướng việc chuẩn bị hậu cần thích ứng với nền kinh tế thị trường, huy động nhiều nguồn lực tham gia hoạt động bảo đảm. Văn kiện “Cương yếu cải cách hậu cần quân đội” của Tổng bộ Hậu cần xác định phương châm sách lược: “Quân dân kiêm dụng, tam quân nhất thể, tinh cán cao hiệu hậu cần bảo đảm thể chế” (bảo đảm thể chế hậu cần kết hợp quân - dân, nhất thể hóa 3 quân chủng, tinh, gọn hiệu quả cao). Trên cơ sở đó, Trung Quốc xây dựng lý luận “BĐHC xã hội hóa”, phương thức bảo đảm theo phương châm: “Quân dân liên cung, liên trữ, liên vận, liên tu” (quân dân cùng kết hợp cung cấp, tích trữ, vận chuyển và sửa chữa). Trung Quốc chủ trương vừa xây dựng các tổ chức dân sự gần chuyên môn hậu cần dạng “quân - địa lưỡng dụng” (quân đội và địa phương cùng sử dụng). Tổ chức này không thuộc quân dự bị động viên mà là tổ chức vũ trang mang tính quần chúng như dân binh (dân vệ đơn vị, xã vệ đơn vị). Trong thời bình, tổ chức tham gia sản xuất và các hoạt động nghề nghiệp; thời chiến bổ sung nhân lực cho các đơn vị thường trực. Bên cạnh đó, Trung Quốc thành lập Ủy ban động viên quốc phòng các cấp; quân khu có Ủy ban động viên khu vực; thực hiện 3 khâu (quyết sách, hiệp đồng, chấp hành động viên), 2 hệ thống (tổ chức động viên của quân đội và địa phương), 1 chỉnh thể (hệ thống Ủy ban động viên quốc phòng).

Đối với quân đội một số nước khác như: Nhật Bản thực hiện thể chế tận dụng rộng rãi khả năng chi viện của hậu cần địa phương, thực hiện lưỡng dụng trong sản xuất, sửa chữa dân dụng, vận tải, dân y. Đức xác định thời bình hay thời chiến đều áp dụng phương thức xã hội hóa BĐHC, kết hợp giữa hậu cần quân đội với các ngành tương ứng hậu cần địa phương và các tổ chức xã hội. I-xra-en triển khai xã hội hóa công tác bảo đảm, sử dụng các công ty tư nhân tham gia quá trình bảo đảm hậu cần cho các đơn vị lục quân, trong đó có ưu tiên các doanh nghiệp quân đội hoặc các doanh nghiệp có liên doanh, liên kết với doanh nghiệp quân đội...

Như vậy, việc chuẩn bị và huy động nguồn lực hậu cần bảo đảm cho chiến tranh của các nước trên thế giới nêu trên cơ bản kết hợp giữa nền kinh tế quốc gia, với dự trữ trong quân đội là chủ yếu. Điều này cho thấy, để bảo đảm tốt hậu cần cho chiến tranh, phải chủ động chuẩn bị chu đáo ngay từ thời bình, tạo nguồn lực mạnh, có hành lang pháp lý hợp lý... nhằm huy động tối đa các nguồn lực hậu cần đáp ứng nhu cầu chiến tranh.

Trung tá, ThS ÂU ĐỨC THẮNG; Bộ Tham mưu/TCHC

Thiếu tá, ThS PHẠM QUANG ĐIỆN, Học viện Hậu cần