Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng còn một số vấn đề bất cập trong công tác quản lý, chi tiêu ngân sách. Ban biên tập Tạp chí Hậu cần giới thiệu bài viết của Đại úy, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Linh, Giảng viên Khoa Tài chính, Học viện Hậu cần về nội dung xây dựng quy chế công tác tài chính cơ quan Hậu cần - Kỹ thuật (HC - KT) trong quản lý, chi tiêu ngân sách hậu cần, kỹ thuật của Sư đoàn 316, Quân khu 2 để các đơn vị tham khảo, áp dụng.
Sư đoàn 316, Quân khu 2 là đơn vị bộ binh đủ quân, thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, thường xuyên và đột xuất. Ngành HC-KT Sư đoàn đang quản lý, bảo đảm khối lượng lớn vật chất, kinh phí cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ. Thời gian qua, thực hiện cơ chế QLTC mới trong Quân đội và việc sáp nhập cơ quan HC-KT đặt ra yêu cầu mới đối với trách nhiệm người chỉ huy cơ quan trong công tác quản lý, chi tiêu ngân sách ngành HC-KT.
|
|
Chiến sĩ Trung đoàn 174, Sư đoàn 316, Quân khu 2 tăng gia sản xuất. Ảnh minh họa: ubkttw.vn
|
Qua nghiên cứu thực trạng công tác QLTC của cơ quan HC-KT Sư đoàn 316 cho thấy: Quy định trách nhiệm, quyền hạn của người chỉ huy cơ quan HC-KT trong quản lý, chi tiêu ngân sách chưa thực sự rõ ràng, chi tiết. Do đó, người chỉ huy cơ quan HC-KT chưa có cơ sở, thông tin chính xác để điều hành, QLTC đối với Ngành, nhất là việc kịp thời phát hiện và chấn chỉnh sai phạm, áp dụng các biện pháp xử lý theo đúng thẩm quyền phân cấp.
Từ đó dẫn đến hạn chế trong tổ chức rút kinh nghiệm, đánh giá chất lượng hoạt động, tình hình chấp hành cơ chế, chính sách và quản lý các khoản thu, chi tài chính, sử dụng tài sản ngành HC-KT; xác định hạn chế, tìm ra nguyên nhân và đề ra phương hướng, biện pháp khắc phục, nâng cao chất lượng công tác quản lý, chi tiêu tài chính đối với ngành HC-KT.
Vì vậy cần thiết phải xây dựng quy chế công tác tài chính cho người chỉ huy cơ quan HC-KT làm cơ sở để thống nhất hoạt động quản lý, chi tiêu, sử dụng tài chính, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Quy chế công tác tài chính cho người chỉ huy cơ quan HC-KT xây dựng dựa trên Quy chế công tác tài chính của Đảng ủy Sư đoàn, trong đó tập trung vào các nội dung sau:
Một là, về quan điểm xây dựng Quy chế: Phải đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với các văn bản pháp luật hiện hành liên quan như Luật NSNN, Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, Luật Giá, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và các văn bản về công tác tài chính của Bộ Quốc phòng (BQP), Cục Tài chính.
Bên cạnh đó, cần kế thừa và vận dụng các quy định hiện có, tính đặc thù hoạt động của đơn vị. Quy chế xây dựng phải phân công trách nhiệm cụ thể, gắn với trách nhiệm báo cáo, giải trình, nâng cao chất lượng chi tiêu tài chính và phải thực hiện công khai, minh bạch để chủ nhiệm HC-KT và thủ trưởng các cấp có cơ sở kiểm tra, giám sát.
Hai là, về mục tiêu xây dựng Quy chế: Nhằm tạo khung pháp lý để thực hiện công khai, minh bạch đối với hoạt động tài chính của toàn ngành HC-KT trong Sư đoàn 316. Quy chế phân định rõ quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân tham gia vào quá trình chi tiêu ngân sách. Xây dựng cán bộ, nhân viên phụ trách chi tiêu Ngành có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn giỏi về công tác tài chính.
Huy động các nguồn lực tài chính bảo đảm nhiệm vụ thường xuyên, đầu tư mua sắm cơ sở vật chất cho ngành HC- KT đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đảm bảo các nguồn lực tài chính chi tiêu theo thứ tự ưu tiên, tạo nguồn để kịp thời thực hiện nhiệm vụ phát sinh đột xuất trong năm. Thực hiện công khai dân chủ theo quy định của pháp luật, đảm bảo lợi ích Nhà nước, quyền lợi hợp pháp của cán bộ, nhân viên, hạ sĩ quan, chiến sĩ.
Ba là, về nguyên tắc xây dựng Quy chế: Các khoản chi tiêu theo quy định phải được đưa vào quy chế đầy đủ, không bỏ sót. Các mức chi tiêu phải trùng khớp với hồ sơ liên quan như: chi sử dụng điện, nước phải căn cứ theo hóa đơn của cơ sở cung ứng tại địa phương; chi mua sắm xăng, dầu, quân trang (phần kinh phí tự chi)… đáp ứng quy trình mua sắm, thống nhất hồ sơ pháp lý trong quá trình lựa chọn nhà thầu qua mạng.
Quy chế quy định cụ thể những trường hợp đặc biệt, áp dụng ngoại lệ trong trường hợp cần thiết. Sửa đổi những điểm không còn phù hợp của quy chế khi có quy định mới của Nhà nước, BQP. Lưu giữ bộ quy chế cũ và mới làm cơ sở giải trình với cơ quan chức năng trong thời điểm tương ứng với mỗi bộ quy chế.
Bốn là, về nội dung trong Quy chế: Trên cơ sở việc phân công công việc gắn với trách nhiệm của các cá nhân, cần rà soát, thay thế các chế độ, định mức chi lạc hậu, cập nhật chế độ, định mức chi mới trong quy chế tài chính phù hợp với thực tế phát sinh tại đơn vị. Tăng cường trách nhiệm quản lý, điều hành của chủ nhiệm HC-KT. Quy chế công tác tài chính của ngành HC- KT sẽ làm căn cứ thanh toán và quản lý chi tiêu trong phạm vi đơn vị, là căn cứ để cơ quan quản lý cấp trên, cơ quan tài chính, kho bạc nhà nước và cơ quan thanh tra, kiểm tra thực hiện việc kiểm soát chi của Ngành.
Hằng năm, thực hiện tốt việc tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện QLTC Ngành phụ trách, xây dựng phương án sử dụng tài chính sau khi sáp nhập cơ quan hậu cần và cơ quan kỹ thuật cấp trên. Thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo hoạt động chi tiêu tài chính gửi cơ quan quản lý theo định kỳ. Nội dung Quy chế tập trung vào một số vấn đề sau:
Về quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, mục tiêu, yêu cầu: Quy chế quy định trách nhiệm, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân trong công tác chi tiêu tài chính ngành HC- KT. Tuy nhiên, do Sư đoàn có nhiều đơn vị trực thuộc nên để phù hợp với phân cấp quản lý ngân sách theo cấp đơn vị dự toán, Quy chế cần quy định những nội dung chung nhất để đảm bảo thống nhất cho toàn Sư đoàn.
Quy định nguồn tài chính: Xác định phạm vi, nội dung chi tiêu gắn với từng nguồn tài chính như nguồn ngân sách Nhà nước cấp, nguồn bảo hiểm y tế và nguồn hoạt động có thu của đơn vị.
Quy định về công tác quản lý các nội dung chi: Đối với các nội dung đã có định mức chi theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần thể hiện rõ trong quy chế. Đối với các nội dung chi chưa có định mức chi theo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, căn cứ tình hình thực tế của đơn vị, các ngành xây dựng giới hạn định mức chi phù hợp thông qua cấp ủy, chi bộ gửi cơ quan tài chính cho ý kiến trước khi áp dụng.
Việc sử dụng định mức này phải có độ co giãn phù hợp theo các năm ngân sách. Quy định rõ việc xây dựng kế hoạch chi ngân sách phải gắn với nhiệm vụ chi của toàn Ngành cũng như đơn vị, có lộ trình và thứ tự ưu tiên phù hợp qua các năm ngân sách và phải đóng khung trong trung hạn. Xây dựng các quy định trong chi tiêu ngân sách gắn với chu trình quản lý ngân sách, nhất là việc xác định mục đích của nội dung chi để phản ánh vào mục lục ngân sách.
Quy định sử dụng ngân sách để mua sắm, sửa chữa trang thiết bị, dụng cụ của Ngành phải tổ chức đấu thầu, cụ thể hóa chương trình thực hành tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách, nhất là chi thường xuyên đối với ngành HC-KT gắn với trách nhiệm của người phụ trách chi tiêu Ngành.
Quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chỉ huy cơ quan HC-KT, cụ thể: Thẩm định dự toán ngân sách (DTNS) năm của ngành nghiệp vụ cấp dưới; phối hợp với cơ quan tài chính lập nhu cầu ngân sách, DTNS năm, cung cấp thông tin lập kế hoạch tài chính - ngân sách 03 năm, báo cáo ngành nghiệp vụ cấp trên trực tiếp. Quản lý, sử dụng, thanh quyết toán ngân sách được giao; quản lý chặt chẽ vật tư, tài sản, tiền vốn thuộc phạm vi được giao. Ký duyệt các chứng từ, bảng kê chứng từ chi tiêu để thanh toán với cơ quan tài chính cùng cấp. Phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí nghiệp vụ ngành cấp dưới.
Quy định mối quan hệ công tác giữa chỉ huy cơ quan HC-KT với trưởng ban (ngành) tài chính cùng cấp. Đây là mối quan hệ hiệp đồng công tác và chịu sự chỉ đạo về nghiệp vụ tài chính. Trưởng ban (ngành) tài chính cùng cấp có trách nhiệm hướng dẫn các ngành HC-KT lập dự toán thu, chi ngân sách, lập kế hoạch chi tiêu; cấp phát kinh phí cho các ngành; kiểm tra xét duyệt thanh quyết toán kinh phí Ngành. Quy định về trách nhiệm, thời gian báo cáo đối với các cơ quan chức năng về công tác tài chính của Ngành.
Năm là, về biện pháp thực hiện, trước tiên nhận thức đúng về cơ chế QLTC mới và công tác QLTC hiện nay. Những thay đổi của cơ chế QLTC trong Quân đội theo Luật NSNN, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, đặc biệt là sự thay đổi mạnh mẽ về phân cấp quản lý ngân sách phù hợp với Điều 32 của Luật NSNN số 83/2015/QH13 về nhiệm vụ, quyền hạn của thủ trưởng các đơn vị dự toán. Đổi mới phân bổ, bố trí ngân sách ngành HC-KT, trước hết, rà soát lại cơ cấu các khoản chi NSNN cho nghiệp vụ chuyên môn ngành, bố trí đủ nguồn đảm bảo chi để thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao đối với từng chuyên ngành.
Bố trí chi hợp lý việc thực hiện duy tu bảo dưỡng cơ sở hạ tầng, tài sản cố định được giao quản lý, sử dụng; tăng cường bảo đảm cơ sở vật chất cho đơn vị. Để thực hiện Quy chế, cần đổi mới trong chỉ đạo, giao trách nhiệm cho các đơn vị tham gia QLTC ngành HC-KT. Cụ thể là, đổi mới hình thức cấp phát thanh toán, thống nhất hình thức quản lý và cấp phát theo dự toán. Từng bước xóa bỏ tình trạng chồng chéo, nhiều ngành cùng thực hiện cấp phát cho một nội dung chi để việc theo dõi hạch toán và quyết toán đơn giản và rõ ràng hơn.
Kiên quyết thực hiện việc công khai tài chính và sử dụng ngân sách ở các ngành, đơn vị để tăng cường vai trò giám sát của cán bộ, chiến sĩ nhằm thúc đẩy tiết kiệm chi, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Quá trình thực hiện phải đổi mới phương thức, cải cách thủ tục, tránh hình thức, cung cấp thông tin cơ bản, kể cả nguồn tài chính và kết quả sử dụng đảm bảo nhanh, gọn, chính xác.
Xây dựng, duy trì thực hiện Quy chế công tác tài chính không chỉ đề cao trách nhiệm mà còn là cơ sở quan trọng, công cụ hữu hiệu để người chỉ huy cơ quan HC-KT quản lý, điều hành chi tiêu ngân sách ngành HC-KT đảm bảo đúng quy định của Quân đội và luật pháp của Nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng quản lý ngân sách ngành HC-KT bảo đảm cho các mặt công tác của Sư đoàn thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đại úy, TS NGUYỄN THỊ THÚY LINH, Khoa Tài chính - Học viện Hậu cần