Từ đầu năm 1973, để phục vụ ý đồ tác chiến, ta chú trọng xây dựng, củng cố, điều chỉnh TTHC Chiến dịch bằng cách xây dựng và điều  chỉnh hệ  thống  căn cứ hậu cần (CCHC) các cấp tạo thành thế liên hoàn, vững chắc, đủ sức sẵn sàng bảo đảm kịp thời, đầy đủ cho các hướng tiến công của Chiến dịch. Đối với lực lượng hậu cần chiến lược và Đoàn 559 vào triển khai tại bắc Quảng Trị, trên Đường 9 từ Đông Hà tới Bản Đông tạo chân hàng vận chuyển vào chiến trường theo các trục dọc cả ở phía Đông và Tây Trường Sơn. Dọc tuyến vận chuyển, các cụm kho được triển khai tiếp cận CCHC các chiến trường. Trên chiến trường Nam Bộ, CCHC các Quân khu 6, 7, 8, 9 đã được triển khai từ nhiều năm trước trên các hướng tác chiến. Ngoài ra, để chuẩn bị cho thời cơ lớn, hậu cần Miền đã điều 8 đoàn hậu cần từ chiến trường Căm - pu - chia về triển khai xung quanh khu vực Sài Gòn làm nhiệm vụ tiếp nhận vật chất từ tuyến chiến lược chuyển vào, bảo đảm cho các lực lượng đứng chân trên địa bàn và chi viện cho căn cứ phía trước.

Bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, cơ quan Hậu cần Chiến dịch (HCCD) tiếp tục điều chỉnh tổ chức và bố trí lại CCHC thành 2 tuyến (tuyến trước và tuyến sau) và lực lượng hậu cần cơ động. Tuyến sau chỉ còn 01 căn cứ, triển khai ở Đồng Xoài,  lực lượng còn lại tổ chức thành cụm hậu cần cơ động và những phân đội hậu cần tăng cường cho các đoàn hậu cần tuyến trước. Tuyến trước, 5 đoàn hậu cần được tăng cường lực lượng, đẩy lên phía trước, triển khai áp sát Sài Gòn, sẵn sàng bảo đảm cho các hướng tiến công vào Thành phố.

leftcenterrightdel
Đoàn xe chở vật chất hậu cần bảo đảm cho Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu 

Cùng với điều chỉnh TTHC, cơ quan HCCD tích cực chủ động chuẩn bị bổ sung lực lượng vận tải. Đối với hậu cần chiến lược, đầu năm 1975, tổ chức 2 sư đoàn vận tải ô tô, 4 trung đoàn giao liên chuyển thương  bằng  ô  tô, 4 trung đoàn  đường  ống,  3  sư đoàn công binh làm nhiệm vụ mở đường và bảo đảm đường, 1 sư đoàn bộ binh và 1 sư đoàn phòng không chiến đấu bảo vệ hành lang vận chuyển, nâng tổng lực lượng Đoàn 559 lên hơn 100.000 người với hơn 10.000 xe các loại. Lực lượng HCCD Hồ Chí Minh được tổ chức triển khai 10 trạm sửa chữa ô tô, súng pháo, 15 bệnh viện, 17 đội điều trị trên các hướng tiến công vào Sài Gòn.

Trên chiến trường Nam Bộ, ta kết hợp chặt chẽ giữa khai thác khả năng to lớn của hậu cần tại chỗ, kể cả tận thu nguồn chiến lợi phẩm thu được của địch cùng với nguồn chi viện của hậu cần chiến lược để tăng cường dự trữ vật chất, chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh. Nhờ có sự chuẩn bị từ trước và tích cực chuẩn bị trong 2 năm (1973 – 1974), lượng dự trữ vật chất cho toàn Chiến dịch lên tới 55.000 tấn, đạt 90% nhu cầu.

Ngoài việc tích cực chuẩn bị lực lượng vận tải, cơ quan HCCD chủ động xây dựng và chuẩn bị mạng đường vận tải ở các cấp, kết hợp chặt chẽ giữa các trục đường trên hướng tiến công tạo thành thế trận vận tải liên hoàn đủ sức vận chuyển người và vật chất hậu cần cho các hướng tiến công của Chiến dịch. Cùng với việc xây dựng mạng đường chiến lược, các chiến trường tích cực mở các tuyến đường Chiến dịch, đưa vận tải cơ giới tới sát các khu vực tác chiến. Chỉ trong hơn 2 năm, các chiến trường đã xây dựng được gần 4.000 km đường ô tô nối liền với tuyến vận tải chiến lược, phát triển hàng nghìn ki - lô - mét đường sông, đường mòn vào sâu trong vùng địch còn kiểm soát. Riêng chiến trường Nam Bộ đã xây dựng thêm được 1.074 km đường  ô tô. Đến cuối năm 1972, ta đã xây dựng thành mạng đường vận tải chiến lược dài 8.310 km, với 4 trục dọc ở phía Tây Trường Sơn. Ngoài ra, các chiến trường đã mở rộng địa bàn, khai thông hành lang Đông Trường Sơn. Nhờ đó, mạng đường Đông Trường Sơn được hình thành, nối liền từ Đường số 9 qua các khu vực hậu phương của chiến trường Trị Thiên, Khu 5, Tây Nguyên vào tới Lộc Ninh. Trong hơn 02 năm, ta đã xây dựng thêm 8.480 km đường, đưa tổng chiều dài mạng đường vận tải chiến lược lên 16.790 km, với 6 trục dọc ở cả tây và Đông Trường Sơn. Bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, tận dụng mạng đường có sẵn, lực lượng HCCD tổ chức 2 tuyến vận tải chiến lược (theo tuyến đường của Đoàn 559, từ Tây Nguyên vào tới tổng kho Đồng Xoài và theo đường biển, rồi chuyển bằng đường bộ vào Xuân Lộc) và 6 tuyến vận tải chiến dịch, đảm nhiệm vận chuyển từ tổng kho Đồng Xoài và các kho phía sau tới các đoàn hậu cần tuyến trước, tới hậu cần các quân đoàn.

Nhờ có sự tích cực, chủ động chuẩn bị TTHC từ trước, kết hợp chặt chẽ TTHC chiến lược với TTHC các cấp có thể bảo đảm liên tục, dài ngày. HCCD Hồ Chí Minh kịp thời chuyển hóa thế trận, tạo thành thế liên hoàn, vững chắc, cơ động, kịp thời bảo đảm cho 5 quân đoàn cơ động thần tốc từ xa tới mặt trận đúng thời gian quy định và bảo đảm cho 5 hướng tiến công thắng lợi.

Trong chiến tranh hiện đại sẽ là cuộc chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao, chiến trường khốc liệt hơn, khối lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật tăng lên nên lượng vật chất hậu cần tăng lên rất nhiều. Để sẵn sàng bảo đảm hậu cần (BĐHC) kịp thời, đầy đủ, liên tục, dài ngày cho các lực lượng tác chiến trong các loại hình tác chiến thì công tác chuẩn bị TTHC là vấn đề chiến lược quan trọng.

Thực tiễn Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine cho thấy, một trong khâu yếu nhất của quân đội Nga là  vấn  đề  chuẩn bị hậu  cần. Với  mục  tiêu “đánh nhanh, thắng nhanh” khi tiến vào Ukraine, quân đội Nga xác định trong vòng 07 -10 ngày sẽ đánh chiếm được thủ đô Kiev, thành lập chính phủ mới. Chính vì vậy, quân đội Nga đã rất chủ quan, không dự kiến được tình huống cuộc xung đột bị kéo dài, tiêu hao lớn. Theo đó, công tác chuẩn bị hậu cần không tính hết cho tình huống này, trong khi lực lượng tham chiến của Nga với 11 quân đoàn và lực lượng đổ bộ đường không  (tổng  quân  số  khoảng 280.000 binh sĩ) trải dài khắp biên giới phía Đông, Đông Bắc, Đông Nam giữa Nga - Ukriane, trong điều kiện lực lượng BĐHC không đủ khả năng bảo đảm (1 tiểu đoàn bộ binh cơ giới của quân đội Nga biên chế từ 700 - 900 binh sĩ cùng với khối lượng trang bị khí tài kỹ thuật lớn nhưng lực lượng BĐHC chỉ biên chế khoảng 150 người), trong khi đó, tỉ lệ quân số BĐHC so với quân số chiến đấu trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 của Mỹ là 3/1. Vì vậy, lực lượng hậu cần quân đội Nga không đủ khả năng bảo đảm cho tình huống này.

Mặt khác, quân đội Nga không phải là quân đội “tác chiến viễn chinh”, do đó, công tác BĐHC cho hình thức tác chiến này bộc lộ nhiều hạn chế, trực tiếp là họ chưa tạo lập được TTHC để bảo đảm cho các lực lượng tiến công sâu vào nội địa của Ukraine. Cụ thể, lực lượng hậu cần quân đội Nga không có phương án thiết lập hệ thống các kho dự trữ vật chất hậu cần - kỹ thuật trên hướng tiến công (lót trước), chưa chuẩn bị tốt được hệ thống mạng đường và lực lượng vận tải (đây là những mắt xích quan trọng của TTHC). Trong khi hệ thống đường sắt, đường không của Nga bị quân đội Ukraine khống chế, hệ thống đường bộ các tỉnh miền Đông Ukraine có rất ít đường cao tốc, chủ yếu là đường rải đá cấp phối trong điều kiện tuyết rơi ẩm thấp, nền đường yếu. Với lượng lớn xe pháo, binh khí kỹ thuật di chuyển, mạng giao thông đường bộ miền Đông Ukraine không đáp ứng được, không có lực lượng bảo vệ làm cho các đoàn xe tiếp tế hậu cần của Nga không thể di chuyển nhanh, tạo điều kiện cho hỏa lực quân đội Ukraine phá huỷ trang thiết bị, phương tiện, vật chất hậu cần ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng BĐHC và sức chiến đấu của các lực lượng tiến công.

Đối với Việt Nam, nếu chiến tranh xâm lược xảy ra, đối phương sẽ vận dụng các phương thức tác chiến liên hợp, sử dụng nhiều loại trang bị kỹ thuật hiện đại và vũ khí công nghệ cao. Tác chiến có thể diễn ra rất ác liệt, nhanh, trên một hoặc nhiều chiến trường rộng lớn. Nhu cầu BĐHC sẽ rất lớn, khẩn trương và đa dạng. Mặt khác, nước ta dài và hẹp, địa hình phần lớn là rừng núi, rất dễ bị chia cắt, việc cơ động vật chất, phương tiện hậu cần gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Vì vậy, để chuẩn bị tốt TTHC, trước hết, cần tiếp tục củng cố, xây dựng và hoàn thiện hệ thống các CCHC chiến dịch phù hợp với các phương án tác chiến và thế trận chung của hậu cần chiến lược và thế trận các khu vực phòng thủ (KVPT) địa phương. Tiếp tục xây dựng TTHC chiến dịch phù hợp với thế trận chung của hậu cần chiến lược và thế trận KVPT địa phương, gắn kết với hậu phương chiến dịch và căn cứ hậu phương của cả nước. Tổ chức bố trí các CCHC, kho trạm phải phân tán về lực lượng, tập trung trong tổ chức thực hành bảo đảm; tạo thế trận bảo đảm vững chắc, liên hoàn, tính cơ động cao, chuyển hoá nhanh, đáp ứng được nhiều phương án tác chiến, nhiều phương thức bảo đảm.

Ngay từ thời bình, tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh tổ chức bố trí CCHC các cấp phù hợp theo quyết tâm tác chiến căn cứ chiến đấu. Tổ chức mạng đường vận tải chiến dịch và các đơn vị vận tải cơ động hợp lý, liên hoàn, chi viện, hỗ trợ nhau. Trên cơ sở dựa vào mạng đường đã được xây dựng, phát triển từ trước trên địa bàn để tổ chức, sử dụng, cần quan tâm đầu tư nâng cấp, làm đường mới đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội thời bình gắn với củng cố quốc phòng sẵn sàng chuyển địa phương từ thời bình sang thời chiến. Chú trọng khai thác, mở đường cho các loại phương tiện vận tải đường thuỷ, đường sắt... sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vận chuyển khối lượng lớn người và trang bị, vật chất hậu cần - kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu tác chiến. Tiếp tục xây dựng khu kinh tế - quốc phòng trên từng địa bàn chiến lược, các CCHC chiến dịch trên địa bàn quân khu, phát triển mạng đường vận tải, xây dựng KVPT tỉnh (thành phố) ngày càng vững chắc, đẩy mạnh chuẩn bị, dự trữ vật chất hậu cần - kỹ thuật cho nhu cầu quốc phòng trên từng địa bàn.

Những thành công về chuẩn bị TTHC trong Chiến dịch Hồ Chí Minh là bài học quý, là cơ sở quan trọng để các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, bổ sung vào nghệ thuật BĐHC của Quân đội phù hợp với tác chiến mới trong chiến tranh hiện đại.

Thượng tá, ThS NGUYỄN NGỌC TUẤN - Đại tá, ThS HÀ QUANG HIẾU (Viện NCKHHCQS - Học viện Hậu cần)