Để thực hiện thắng lợi sứ mệnh cao cả ấy, Người yêu cầu toàn ngành Hậu cần và mỗi cán bộ, chiến sĩ phải “Làm kiểu mẫu về cần, kiệm, liêm, chính”.
Tiết kiệm trong công tác hậu cần, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là “... Tiết kiệm sức người, như dân công, tiết kiệm tiền, của. Mọi thứ đều phải tiết kiệm. Tăng gia sản xuất mà không tiết kiệm thì vô ích. Tiết kiệm mà không tăng gia thì lấy gì mà tiết kiệm. Mục đích tiết kiệm không phải là bớt ăn, mà là thêm ăn, làm cho bộ đội no... phải tổ chức chi thu đúng mức, thu nhiều hơn chi; làm gì phải có hiệu quả; không được đem khoản này chi nhằng sang khoản kia” và “Phải làm sao để một bát gạo, một đồng tiền, một viên đạn, một viên thuốc, một tấc vải, phải đi thẳng đến chiến sĩ”. Đồng thời, phải kiên quyết chống tham ô, lãng phí, quan liêu - kẻ thù của tiết kiệm, trên cơ sở “dân chủ, tự phê bình và phê bình, nâng cao trách nhiệm, làm tròn bổn phận trước bộ đội và nhân dân...
Thấm nhuần lời dạy của Người, gần 70 năm qua, ngành Hậu cần không ngừng nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Song, thực tiễn hoạt động của Ngành cũng còn xảy ra không ít hiện tượng, vụ việc tham ô, tham nhũng, lãng phí... gây thiệt hại về tiền, của Nhà nước và Quân đội, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân. Do tác động của mặt trái cơ chế thị trường, lối sống, văn hóa ngoại lai thiếu lành mạnh, cùng sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sự quản lý chưa chặt chẽ của cấp ủy, chỉ huy các cấp... đã dẫn tới sự suy thoái về đạo đức của một bộ phận cán bộ, nhân viên hậu cần các cấp.
Để học tập, làm theo tư tưởng tiết kiệm của Bác, góp phần xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ hậu cần, khắc phục và đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, theo chúng tôi, cần tập trung thực hiện có hiệu quả các vấn đề chủ yếu sau:
Một là, tiết kiệm nguồn nhân lực làm công tác hậu cần. Trước hết, người chỉ huy hậu cần, cơ quan, cán bộ hậu cần các cấp phải thấy rõ nhu cầu, quy luật xây dựng quân đội và ngành Hậu cần cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; từ đó tham mưu với cấp ủy, chỉ huy các cấp xây dựng quy hoạch, kế hoạch, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài hậu cần quân sự một cách cơ bản, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu, có cơ cấu phù hợp; đồng thời sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài. Trước mắt, cần thực hiện quyết liệt việc sắp xếp lại, tinh giản bộ máy cơ quan, đơn vị hậu cần theo tinh thần nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII). Có chiến lược, cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực hậu cần từ xã hội và gửi đi đào tạo ở nước ngoài những lĩnh vực kỹ thuật mới quân đội chưa có hoặc đào tạo chưa hiệu quả. Mặt khác, cần quan tâm xây dựng lực lượng hậu cần dự bị hùng hậu, sẵn sàng đáp ứng các tình huống, nhất là đội ngũ nhân viên kỹ thuật giỏi, chuyên gia đầu ngành, đội ngũ cán bộ hậu cần chiến dịch, chiến lược...
Hai là, tiết kiệm từ trong quyết sách. Đây là vấn đề nhạy cảm và luôn đòi hỏi cao, bởi mỗi quyết định của người chỉ huy luôn gắn liền với đời sống sinh hoạt của bộ đội, sức mạnh của đơn vị và nguồn vật chất tài chính nhất định, khi sai lầm thường để lại hậu quả khó lường; người chỉ huy ở cấp càng cao thì phạm vi, mức độ ảnh hưởng của các quyết định càng rộng lớn. Để đổi mới tư duy trong quyết sách, người chỉ huy phải có sự tích lũy tri thức, kinh nghiệm, rèn luyện bản lĩnh, công tâm, hết lòng vì bộ đội; biết phát huy vai trò của cơ quan tham mưu, những người có tri thức, tài năng... dân chủ, biết lắng nghe và quyết đoán để đưa ra những quyết định chính xác. Đồng thời, biết vận dụng sự hỗ trợ của trang bị, phương tiện hiện đại... Khi xây dựng các chương trình, kế hoạch, dự án lớn cần tuân thủ quy trình tham khảo ý kiến, thẩm định, phê duyệt, bảo đảm tính công khai, dân chủ, thiết thực, hiệu quả, đề cao trách nhiệm của người phê duyệt kế hoạch, dự án, đề ra quyết sách.
Ba là, tiết kiệm trong sản xuất, tạo nguồn hậu cần. Do sự phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ hiện nay, vòng đời trang bị vật chất hậu cần ngày càng ngắn nên tư duy mua sắm, sản xuất, tạo nguồn hậu cần cần phải đổi mới, linh hoạt, tính toán rất khoa học theo hướng: Vừa cải tiến và phát huy công nghệ, cơ sở vật chất trang bị hiện có, vừa tiếp cận đi thẳng vào công nghệ mới hiện đại nhằm tiết kiệm tối đa nguồn lực. Khi lập kế hoạch sản xuất, tạo nguồn, phải tính đến đầy đủ các yếu tố. Chỉ đạo sản xuất tạo nguồn hậu cần phải đúng kế hoạch đã duyệt, thường xuyên được kiểm tra và kiểm định chặt chẽ nhằm bảo đảm chất lượng hàng hóa; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện nhũng nhiễu, lạm dụng chức trách, quyền hạn trong phân cấp tạo nguồn, sản xuất hàng hậu cần. Khi mua sắm các mặt hàng hậu cần cần đấu thầu rộng rãi, đấu thầu qua mạng tạo sự cạnh tranh lành mạnh, minh bạch.
Cùng với đó, các cục chuyên ngành cần nghiên cứu tham mưu cho Tổng cục Hậu cần và Bộ sớm hoàn thiện và ban hành hệ thống tiêu chuẩn, định mức vật tư kỹ thuật, nhất là các loại trang phục, trang bị mới đang thử nghiệm phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, tạo hành lang pháp lý thực hiện thống nhất trong tạo nguồn, quản lý, thanh quyết toán; đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các doanh nghiệp nhằm phát hiện, sửa chữa, kịp thời khắc phục sai sót, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đối với các đơn vị cơ sở, cần rà soát, lựa chọn, nhân rộng các mô hình tăng gia sản xuất có hiệu quả, chú trọng quản lý, sử dụng hiệu quả kinh phí được đầu tư, phấn đấu “Chi thu đúng mức, thu nhiều hơn chi” như lời Bác Hồ dạy.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh xã hội hóa bảo đảm hậu cần trên một số lĩnh vực, với những đơn vị có điều kiện nhằm phát huy khả năng của các thành phần kinh tế - xã hội trong công tác bảo đảm hậu cần. Thích ứng với quá trình đó, cần hoàn thiện và thực hiện nghiêm quy chế đấu thầu, nâng cao năng lực quản lý của hậu cần các cấp. Các doanh nghiệp hậu cần đang từng bước cổ phần hóa cần có chiến lược đầu tư công nghệ hiện đại nhằm đủ sức cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác trên thương trường.
Bốn là, tiết kiệm trong bảo đảm và sử dụng. Hậu cần là cầu nối nền kinh tế với quân đội, gắn sản xuất với tiêu dùng xã hội. Vì vậy, tiết kiệm trong bảo đảm và tiêu dùng có ý nghĩa to lớn để thúc đẩy sản xuất, cải thiện đời sống bộ đội. Muốn vậy, trước hết cần rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, chế độ hậu cần bảo đảm tính khoa học, thống nhất, phù hợp với yêu cầu xây dựng quân đội trong giai đoạn mới. Nghiên cứu tiêu chuẩn, định mức bảo đảm thường xuyên cho người lính trong thực hiện nhiệm vụ. Để tiết kiệm trong bảo đảm và sử dụng đạt hiệu quả cao, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, giáo dục, hành chính và kinh tế; đồng thời tiến hành chặt chẽ, đồng bộ từ lập kế hoạch, phân phối, cấp phát, vận chuyển, bảo quản, sử dụng. Các chỉ tiêu, biện pháp tiết kiệm cần được cân nhắc kỹ và xác định cụ thể trong kế hoạch và thực hiện ở từng cấp, từng ngành, đơn vị.
Tăng cường kiểm tra trên tất cả các khâu nhằm khắc phục tình trạng “nhu cầu ảo” và “bệnh thành tích” trong bảo đảm hiện nay; rà soát, bổ sung các quy định, chế độ vào quy chế, quy định của đơn vị để thống nhất thực hiện. Bên cạnh đó, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy, chỉ huy các cấp, bảo đảm quy chế dân chủ được thực hiện có hiệu quả ở mọi cơ sở, tổ chức hậu cần các cấp...
Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, nhất là công nghệ thông tin vào các lĩnh vực công tác hậu cần, nhất là các khâu giám sát hành trình xe ô tô, tàu thủy; quản lý tài sản doanh trại, đất đai, điện nước; quản lý sức khỏe bộ đội; xây dựng chính phủ điện tử trong quân đội, từng bước giảm chi phí giấy mực, nhân công, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm hậu cần.
Từ truyền thống và với bản lĩnh, quyết tâm cao của lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ hậu cần, tin tưởng rằng ngành Hậu cần sẽ thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy, thực sự “Làm kiểu mẫu về, cần, kiệm, liêm, chính”; góp phần đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào cuộc sống, trở thành nếp sống văn hóa mới, bền vững trong toàn Ngành.
Trung tá, ThS LÊ THÀNH CÔNG - Học viện Hậu cần