Theo nội dung, chương trình đào tạo, hằng năm, Trường tổ chức 2 đợt diễn tập chiến thuật cho học viên năm thứ 3 và cuối khóa với tổng thời gian hơn 20 ngày. Trong thời gian đó, cơ quan hậu cần phải tổ chức cho bộ đội ăn, ngủ, nghỉ dã ngoại, điều kiện bảo đảm rất phức tạp do địa bàn rộng, phân tán, địa hình chủ yếu là đồi, núi; việc tạo nguồn vật chất hậu cần khó khăn; thời tiết, khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường...

leftcenterrightdel

Tổ chức nấu ăn dã ngoại bằng bếp Hoàng Cầm cấp 1. Ảnh: CTV 

Nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác hậu cần nói chung, công tác bảo đảm hậu cần (BĐHC) trong diễn tập chiến thuật nói riêng, Đảng ủy, Ban Giám hiệu luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, khoa, đơn vị cụ thể hóa trong nghị quyết lãnh đạo và tổ chức triển khai thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc theo chức năng, nhiệm vụ. Cơ quan hậu cần phát huy chức năng tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, Ban Giám hiệu các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác BĐHC; chủ động phối hợp với các cơ quan, khoa, đơn vị xây dựng, bổ sung, hoàn thiện nội dung, chương trình huấn luyện hậu cần cho các đối tượng; tổ chức huấn luyện chặt chẽ, nghiêm túc, chất lượng tốt. Đồng thời, thường xuyên nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, quy chế, quy định trong công tác BĐHC phù hợp với sự phát triển nhiệm vụ chính trị trung tâm của Trường.

Nắm chắc, dự báo những khó khăn trong quá trình BĐHC cho nhiệm vụ diễn tập chiến thuật, Phòng Hậu cần quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị diễn tập của Hiệu trưởng; kế hoạch, hướng dẫn, quy định của Ban Chỉ đạo diễn tập. Chủ động hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, khoa, đơn vị làm tốt công tác chuẩn bị mọi mặt về hậu cần; tăng cường tổ chức cho học viên luyện tập hành quân đường dài mang vác nặng theo phương pháp tăng dần về trọng lượng, cự ly để học viên có sức khoẻ tốt và tăng sức dẻo dai trong thực hiện nhiệm vụ diễn tập.

Hằng năm, Phòng Hậu cần chỉ đạo các đơn vị tập trung huấn luyện và tổ chức hội thao cấp đại đội, tiểu đoàn các nội dung: Kỹ thuật mắc tăng võng; kỹ thuật đào và sử dụng bếp Hoàng Cầm cấp 1; thực hành nấu ăn dã ngoại và nắm cơm; 5 kỹ thuật cấp cứu và chuyển thương hỏa tuyến; công tác vệ sinh trong hành, trú quân... Phối hợp với các cơ quan, đơn vị hướng dẫn học viên cách sắp xếp, gói buộc trong ba lô, các biện pháp phòng, chống và cách xử trí khi bị say nắng, say nóng, đuối nước; phòng, chống côn trùng đốt, rắn, rết cắn; đồng thời tiến hành kiểm tra sức khỏe 100% học viên trước khi diễn tập. Cùng với các cơ quan, khoa tổ chức trinh sát nắm chắc cung đường hành quân, đường vận chuyển, nguồn nước, khả năng khai thác, BĐHC tại chỗ, các cơ sở y tế địa phương và tình hình dịch bệnh trên địa bàn diễn tập; chủ động xây dựng kế hoạch, phương án BĐHC sát với hình thức chiến thuật và thực tế chiến đấu.

Xuất phát từ điều kiện thực tế, yêu cầu của từng đợt diễn tập, để bảo đảm tốt ăn uống, sinh hoạt cho bộ đội, căn cứ vào chế độ, tiêu chuẩn ăn thường xuyên và ăn thêm, tình hình giá cả thị trường, cơ quan Quân nhu chủ động lập kế hoạch tổ chức bảo đảm ăn uống phù hợp với thời tiết, khí hậu, cường độ huấn luyện, thời gian huấn luyện. Xây dựng thực đơn ăn chung cho các khung diễn tập, tính toán định lượng ăn cụ thể cho từng người, từng bữa, đảm bảo cơ cấu bữa ăn hợp lý, sát tình huống chiến thuật và điều kiện dã ngoại; bảo đảm cho học viên ăn ngon, ăn hết tiêu chuẩn, định lượng.

Theo đó, về quy mô, Trường tổ chức bếp ăn cấp trung đội để phù hợp với dụng cụ cấp dưỡng mang theo, thời gian nấu nhanh, cơ động, tiện triển khai. Tùy từng hình thức chiến thuật, các bếp vận dụng cơ cấu bữa ăn linh hoạt 2-4-4 hoặc 4-2-4, ăn 3 bữa nóng, chia ăn theo món. Khi thời tiết nắng nóng, cơ quan Quân nhu chỉ đạo các bếp tăng chất lượng, số lượng món canh; hạn chế nấu các món chiên, rán. Để giữ bí mật và đảm bảo sát thực tế chiến đấu, các bếp đều phải tổ chức đào và sử dụng bếp Hoàng Cầm cấp 1 khi nấu ăn. Học viên thay phiên nhau đảm nhiệm nấu ăn để sau khi ra trường công tác biết cách chỉ huy, chỉ đạo bảo đảm ăn uống cho bộ đội.

Quá trình thực hiện, cơ quan hậu cần, chỉ huy đơn vị, đạo diễn tăng cường hướng dẫn học viên cách chế biến, nấu ăn, bảo quản thực phẩm, tổ chức vệ sinh khu vực và chia thức ăn đảm bảo sạch sẽ, vệ sinh. Tất cả dụng cụ cấp dưỡng trước khi chia thức ăn đều được tráng kỹ bằng nước đun sôi và bảo quản trên các giàn giá mang theo. Lương thực, thực phẩm sử dụng trong quá trình diễn tập được học viên mang theo khi chuyển trạng thái SSCĐ, ngoài ra, cơ quan quân nhu dùng xe tải vận chuyển cấp bổ sung theo tình huống và kế hoạch.

Để bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ quan hậu cần chủ động tham mưu với Ban Chỉ đạo diễn tập tổ chức khai thác, tạo nguồn thực phẩm tươi sống tại địa bàn, khu vực diễn tập. Đồng thời, vận chuyển thực phẩm từ Trạm chế biến tập trung cấp phát cho bếp ăn của các khung diễn tập tại vị trí trú quân. Các loại thực phẩm chế biến sẵn chỉ sử dụng trong những tình huống giả định được cấp trên phê duyệt.

Trong diễn tập dã ngoại, nguồn nước bảo đảm phục vụ ăn, uống, sinh hoạt của bộ đội gặp nhiều khó khăn, vì vậy, Ban Giám hiệu, Ban Chỉ đạo diễn tập chỉ đạo các lực lượng tham gia diễn tập vận dụng linh hoạt. Theo đó, khi điều kiện cho phép trú quân gần nhà dân, tận dụng nguồn nước của các gia đình để bảo đảm cho nấu ăn và sinh hoạt. Khi trú quân ở khu vực đồi, núi, hướng dẫn học viên tận dụng khe suối đào giếng thấm, sau đó tùy theo yêu cầu sử dụng để xử lý nhằm đảm bảo vệ sinh, an toàn. Việc tắm giặt của học viên trong suốt thời gian dã ngoại luôn được lãnh đạo, chỉ huy các cấp quan tâm duy trì theo đúng kế hoạch, tình huống. Khi điều kiện cho phép, các đơn vị tận dụng sông, suối, hồ tổ chức cho học viên thay phiên tắm giặt, có người chỉ huy, canh gác chặt chẽ. 100% học viên sử dụng tăng, võng hoặc đào hầm để ngủ nghỉ; ngủ buổi tối phải mắc màn để phòng muỗi, vắt. Khi ngủ dưới hầm, công sự đều bố trí ván kê, không để bộ đội nằm trực tiếp trên nền đất; đồng thời rắc bột lưu huỳnh xung quanh để xua, đuổi rắn, rết.

leftcenterrightdel

Học viên lấy nước từ giếng thấm phục vụ sinh hoạt. Ảnh: CTV 

Đặc biệt, xuất phát từ điều kiện cán bộ, học viên sinh hoạt dã ngoại thời gian dài, chịu ảnh hưởng lớn của thời tiết, khí hậu; cường độ huấn luyện cao… khiến sức khỏe nhanh giảm sút, cơ quan hậu cần chú trọng làm tốt công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe. Ngoài thuốc điều trị thường xuyên, mỗi cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên tham gia diễn tập được cấp thêm một số loại thuốc bổ, cao sao vàng, thuốc DEP, băng cuộn. Ngoài lực lượng quân y của các đơn vị hành quân theo khung diễn tập, Trường tổ chức các tổ quân y và xe cứu thương với đầy đủ trang bị, thuốc cơ động theo các khung tập để kịp thời xử trí các tình huống xảy ra và chuyển về tuyến sau điều trị khi quá khả năng. Lực lượng quân y luôn bám sát mọi hoạt động của các khung tập; nắm chắc tình hình dịch bệnh, thường xuyên hướng dẫn học viên tự chăm sóc sức khỏe, làm tốt công tác vệ sinh dịch tễ, khử khuẩn, giữ vệ sinh nơi trú quân, cách bảo vệ chân khi hành quân đường dài. Nhờ những biện pháp tích cực, chủ động, những năm qua, tỷ lệ quân số khỏe tham gia diễn tập chiến thuật của Trường luôn đạt cao, đảm bảo an toàn tuyệt đối...

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Giám hiệu; sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ giữa các cơ quan, khoa, đơn vị và sự nỗ lực của cơ quan hậu cần, công tác BĐHC trong diễn tập chiến thuật cho học viên của Trường Sĩ quan Lục quân 1 luôn thực hiện theo đúng kế hoạch, đảm bảo an toàn tuyệt đối, giữ vững sức khỏe học viên, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục - đào tạo.

Đại tá Nguyễn Văn Chiến, Chủ nhiệm Hậu cần Trường SQLQ1