Nhiều nội dung công tác CCHC được chú trọng và tổ chức triển khai mạnh mẽ, nhất là cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC), gắn với xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử tiến tới thực hiện chuyển đổi số...

Về cải cách thể chế, căn cứ Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của BQP năm 2021, Tổng cục đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc, bảo đảm chất lượng, đúng trình tự, thủ tục, nhất là xây dựng, hoàn thiện điều lệ công tác các chuyên ngành Hậu cần. Đã hoàn thiện và trình Thủ trưởng Bộ BQP 15 hồ sơ thông tư. Ngoài ra, Bộ trưởng BQP đã ban hành 11 thông tư thuộc Chương trình xây dựng văn bản QPPL năm 2020. Đó là những cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ công tác hậu cần; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về ngành Hậu cần Quân đội. Qua rà soát các văn bản QPPL, Tổng cục phát hiện 10 văn bản có nội dung bất cập, không còn phù hợp; kịp thời kiến nghị, đề xuất xử lý theo quy định.

Về cải cách TTHC, sau khi triển khai rà soát 26 TTHC thuộc ngành Hậu cần Quân đội, nhất là 24 TTHC thuộc lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh được quy định tại Nghị định số 50/2019/NĐ-CP ngày 7-6-2019 của Chính phủ Quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong Quân đội đã kịp thời phát hiện những mẫu nội dung bất cập, chưa phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn để kiến nghị xử lý theo quy định. Năm 2021, Tổng cục đã chỉ đạo Cục Quân y giải quyết tốt 663 hồ sơ TTHC lĩnh vực khám, chữa bệnh, bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, thời gian quy định.

leftcenterrightdel
Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Hùng Thắng, Phó chủ nhiệm, Tham mưu trưởng, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính và chính phủ điện tử TCHC chủ trì Hội nghị Cải cách thủ tục hành chính lĩnh lực Hậu cần. Ảnh: Thanh Tú 

Về TTHC nội bộ đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT), qua đó rút ngắn thời gian giải quyết, giảm khâu trung gian và văn bản giấy, bảo đảm hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất, kịp thời, hiệu quả. Hệ thống máy chủ, phần mềm lưu trữ dữ liệu thường xuyên được kiểm tra và nâng cấp. Cán bộ, nhân viên được hướng dẫn sử dụng phần mềm chuyển công văn, phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc có sử dụng chữ ký số... Các bệnh viện quân y tích cực ứng dụng CNTT trong khám, chữa bệnh; việc ban hành mới văn bản hành chính được quản lý chặt chẽ, bảo đảm phù hợp với các văn bản QPPL và văn bản hành chính của cấp trên. Các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt Kế hoạch xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015, xây dựng, hoàn thiện 201 quy trình nghiệp vụ theo Tiêu chuẩn Tiêu chuẩn ISO. Đặc biệt, Tổng cục thường xuyên rà soát, đề xuất kiện toàn các tổ chức phối hợp liên ngành, nhất là các tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ trưởng BQP chủ trì, đề xuất đề nghị kiện toàn nhân sự 04 tổ chức, giải thể 03 tổ chức.

Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính, cải cách chế độ công vụ, TCHC đã triển khai tổ chức lại và giải thể một số đơn vị cơ sở; tiếp nhận bàn giao Trường Cao đẳng Quân y 1 từ Học viện Quân y, Trường Cao đẳng Quân y 2 từ Quân khu 7 và tổ chức lại thành Trường Cao đẳng Hậu cần 1, 2 đúng Quyết định của Bộ trưởng BQP và Tổng Tham mưu trưởng; đồng thời, ban hành chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác 02 trường cao đẳng hậu cần phù hợp với quy định của pháp luật và quy định của BQP. Thực hiện đồng bộ các biện pháp về giải quyết số lượng cán bộ phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và thực tiễn đội ngũ cán bộ của từng cơ quan, đơn vị; kết hợp chặt chẽ việc điều động, bổ nhiệm cán bộ với sắp xếp, điều chỉnh cơ cấu cán bộ trong từng cơ quan, đơn vị, giữa các cơ quan, đơn vị trong Tổng cục. Việc điều động học viên tốt nghiệp ra trường; tuyển dụng, tuyển chọn bổ nhiệm vào đội ngũ cán bộ và chuyển cán bộ ra các hướng; tuyển dụng, tuyển chọn quân nhân chuyên nghiệp được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định. Đặc biệt, Tổng cục đã đề xuất điều động, bổ nhiệm cán bộ, nhân viên tham gia các bệnh viện dã chiến truyền nhiễm điều trị bệnh nhân COVID-19 và tăng cường lực lượng phòng, chống dịch cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, bảo đảm chặt chẽ, kịp thời, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ.

Công tác xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, chuyển đổi số trong Tổng cục và ngành Hậu cần được lãnh đạo, chỉ huy Tổng cục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Đến nay, các phần mềm, dịch vụ được khai thác sử dụng thường xuyên, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và kỹ năng CNTT của cán bộ, nhân viên trong xây dựng Chính phủ điện tử, bước đầu hình thành tác phong làm việc trên môi trường mạng, làm cơ sở từng bước chuyển đổi số trong hoạt động hành chính quân sự của các cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai, công tác CCHC vẫn còn một số hạn chế, đó là: Một số cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch CCHC, kế hoạch xây dựng, áp dụng ISO năm 2021 còn chậm; thực hiện chế độ báo cáo có lúc chưa đúng quy định, chất lượng chưa cao. Việc áp dụng các quy trình nghiệp vụ ứng dụng CNTT trong giải quyết công việc có lúc chưa hiệu quả, chưa tận dụng hết tính năng của các ứng dụng, trang thiết bị. Trong giải quyết công văn có đơn vị chưa đạt hiệu quả cao, tiến độ soạn thảo một số văn bản QPPL có cơ quan còn chậm; công tác rà soát văn bản quy phạm nội bộ của một số cơ quan, đơn vị còn có mặt hạn chế...

Để khắc phục những hạn chế trên, tiếp tục đẩy mạnh công tác CCHC trong TCHC thời gian tới, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục phổ biến, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch của Bộ và TCHC về công tác CCHC trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng; trọng tâm là:

Triển khai xây dựng các văn bản QPPL quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện luật, pháp lệnh của Quốc hội; quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nghị định của Chính phủ theo nhiệm vụ BQP giao, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng. Nghiên cứu, sơ kết thi hành các văn bản QPPL, văn bản quy phạm nội bộ thuộc và liên quan đến ngành Hậu cần Quân đội...; đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Rà soát văn bản QPPL thuộc và liên quan đến ngành Hậu cần Quân đội, kịp thời phát hiện những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, không khả thi hoặc không phù hợp với thực tế, đề nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế hoặc ban hành mới phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.

Kiểm soát chặt chẽ việc quy định TTHC trong đề xuất xây dựng văn bản QPPL thuộc ngành Hậu cần Quân đội, việc ban hành các TTHC nội bộ; bảo đảm TTHC mới được ban hành đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện. Rà soát, đơn giản hóa, công khai các TTHC thuộc phạm vi quản lý của BQP lĩnh vực hậu cần Quân đội, các TTHC nội bộ. Đẩy mạnh ứng dụng các phần mềm dùng chung trên mạng truyền số liệu quân sự và ứng dụng, phát triển các phần mềm phục vụ giải quyết TTHC.

Phối hợp với các cơ quan chức năng của BQP xây dựng và thực hiện “Đề án điều chỉnh tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo”. Tham mưu, đề xuất kiện toàn tổ chức biên chế ngành Hậu cần Quân đội thống nhất, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đến năm 2025 xây dựng ngành Quân y hiện đại, trong đó tập trung thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực Y học Dự phòng Quân đội”; triển khai thực hiện đề án Quy hoạch hệ thống kho hậu cần; hệ thống bệnh viện, bệnh xá toàn quân... Thực hiện kịp thời các quyết định của BQP về sáp nhập, giải thể, điều chuyển, thành lập mới một số tổ chức.

Nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy định về cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác; hệ thống quy chế, quy định của lãnh đạo, chỉ huy ở từng cấp, đảm bảo phù hợp, sát đặc điểm, tình hình tổ chức lực lượng của từng cơ quan, đơn vị. Thực hiện các biện pháp nhằm đổi mới lề lối, tác phong, cách thức làm việc của cán bộ, nhân viên trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học và công nghệ, ứng dụng CNTT, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc.

Nghiên cứu, tham gia đề xuất xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các văn bản QPPL, các quy định, kế hoạch, hướng dẫn về công tác cán bộ, tiêu chuẩn chức vụ cán bộ, đối tượng và tiêu chuẩn đào tạo cán bộ, bảo đảm phù hợp với Đề án đổi mới quy trình, chương trình đạo tạo cán bộ các cấp trong Quân đội theo chỉ đạo, hướng dẫn của BQP. Hoàn thiện cập nhật, sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu phần mềm quản lý quân số chung; bảo đảm quản lý sử dụng chặt chẽ, hiệu quả.

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định của Đảng ủy và Tổng cục về công tác tài chính, phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của BQP. Đề xuất xây dựng, hoàn thiện và triển khai thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo quy định của Nhà nước, BQP đối với một số loại hình đơn vị sự nghiệp công lập trong Tổng cục. Hiện đại hóa quản lý ngân sách - tài chính tại các cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp theo các quy định của Nhà nước, BQP.

Tiếp tục nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng không gian mạng đồng bộ, bảo đảm kết nối thông suốt, bí mật, an toàn, có tích hợp các phần mềm dùng chung trong hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành, trao đổi công việc từ Tổng cục đến các đơn vị cấp trung đoàn và tương đương. Triển khai ứng dụng phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc tích hợp chữ ký số đến các cơ quan, đơn vị có kết nối mạng truyền số liệu quân sự trong Tổng cục.

Phát huy những kết quả, bài học kinh nghiệm trong CCHC những năm qua, tin tưởng rằng, với những cách làm mới, sáng tạo, các giải pháp thực hiện đồng bộ, quyết liệt, các nội dung CCHC trong Tổng cục trong thời gian tới sẽ đạt được mục tiêu đề ra, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ huy và điều hành thực hiện nhiệm vụ.

Trung tá NGUYỄN KHẮC THIỆN, Trưởng ban Pháp chế TCHC