Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới, địa bàn chiến lược quan trọng trên hướng Tây Bắc của Tổ quốc, có nhiều tiềm năng về đất đai, tài nguyên, với dân số gần 89 vạn người, 19 dân tộc. Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn, kinh tế - xã hội (KT-XH) của Tỉnh có bước khởi sắc, quốc phòng - an ninh (QP- AN) được giữ vững, đời sống của Nhân dân không ngừng được nâng lên.

Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, địa hình, thời tiết khắc nghiệt nên Hà Giang vẫn là tỉnh nghèo. Hiện nay, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, song còn tiềm ẩn nhiều nhân tố phức tạp, dễ gây mất ổn định; các địa phương trên tuyến biên giới kinh tế khó khăn, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao; nguồn lực, vật chất hậu cần tại chỗ huy động cho QP-AN còn nhiều hạn chế; yêu cầu bảo đảm hậu cần cho nhiệm vụ quân sự, QP-AN đòi hỏi ngày càng cao... Những đặc điểm trên đã tác động trực tiếp đến xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần khu vực phòng thủ (KVPT) của Tỉnh.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) Tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân và Ban Chỉ đạo KVPT Tỉnh các nội dung, giải pháp xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần, đạt được nhiều kết quả thiết thực, góp phần xây dựng KVPT ngày càng vững chắc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương trong tình hình mới.

leftcenterrightdel
 Thủ trưởng Bộ CHQS Tỉnh chỉ đạo diễn tập KVPT huyện Mèo Vạc năm 2021. Ảnh: CTV

Theo đó, căn cứ vào nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu và Quyết tâm tác chiến phòng thủ của Chỉ huy trưởng Bộ CHQS Tỉnh, Phòng Hậu cần chủ động tham mưu với Đảng ủy, Bộ CHQS Tỉnh đề xuất Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh điều chỉnh Chỉ lệnh dự trữ vật chất hậu cần SSCĐ phù hợp với tình hình thực tiễn. Xây dựng hoàn chỉnh kế hoạch hậu cần tác chiến phòng thủ và tổ chức bố trí căn cứ hậu cần (CCHC) cấp tỉnh, cấp huyện trên các hướng, đảm bảo liên hoàn, vững chắc.

Chỉ đạo cơ quan, đơn vị tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập, kiện toàn và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng cung cấp KVPT, Ban Quân dân y kết hợp…, qua đó tạo hành lang pháp lý cho các sở, ban, ngành địa phương huy động tiềm lực hoạt động trong KVPT tỉnh. Chỉ đạo quy hoạch, sử dụng đất quốc phòng và xây dựng căn cứ hậu phương (CCHP), CCHC theo đúng Quyết tâm tác chiến phòng thủ và Kế hoạch của Tỉnh.

Hiện, 100% huyện, thành phố trong Tỉnh đã hoàn thành quy hoạch CCHP, CCHC, duy trì hoạt động hiệu quả,  bảo  đảm  cho  địa  phương hoàn thành nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, nhất là trong diễn tập KVPT tỉnh, huyện, ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và xóa đói, giảm nghèo...

Tỉnh đặc biệt chú trọng công tác bồi dưỡng kiến thức về KVPT và hậu cần KVPT cho các đối tượng. Tính từ năm 2020 đến nay, Bộ CHQS Tỉnh đã chỉ đạo, bồi dưỡng các nội dung về hậu cần KVPT cho hậu cần 11 huyện, thành phố, Trung đoàn 877 và các đơn vị trực thuộc với 540 lượt người tham gia. Đồng thời, định kỳ tổ chức tập huấn cho các sở, ngành có chuyên môn tương ứng với hậu cần, xây dựng kế hoạch động viên, kế hoạch bảo đảm nhu cầu quốc phòng năm đầu chiến tranh, kế hoạch bảo đảm cho tác chiến phòng thủ.

Qua đó, từng bước nâng cao năng lực làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa  phương,  cũng  như năng lực chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cơ quan chức năng và của cán bộ hậu cần các cấp, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu bảo đảm hậu cần khi có tình huống xảy ra.

Chỉ đạo cơ quan hậu cần Bộ CHQS Tỉnh và các sở, ngành địa phương rà soát, củng cố, điều chỉnh, bổ sung đầy đủ hệ thống văn kiện hậu cần tác chiến KVPT theo quyết tâm, kế hoạch tác chiến phòng thủ của chỉ huy và kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương; xây dựng hậu  cần tại chỗ, tạo nguồn kinh phí huấn luyện dân quân tự vệ, dự bị động viên; thẩm định, thực hiện các dự án, đề án, kế hoạch phát triển KT- XH gắn với QP-AN bảo đảm tính lưỡng dụng, vừa phục vụ nhu cầu dân sinh trong thời bình, vừa sẵn sàng phục vụ cho nhu cầu chiến tranh và xây dựng KVPT vững mạnh.

Đến nay, Tỉnh có 15 bệnh viện (2.160 giường), 01 bệnh xá quân y (25 giường); nâng  cấp 01 bệnh xá xã trong CCHC phía sau. Tỉnh cũng đã có quyết định thành lập 01 đội điều trị dã chiến gồm 81 người, 01 tiểu đoàn quân y biên chế đầy đủ trang thiết bị y tế, 02 đội phẫu thuật cơ động, 01 tiểu đoàn vận tải cơ giới (khoảng 100 xe tải), 20 đội thanh niên xung phong (khoảng 100 người/đội).

Mỗi xã thành lập 01 trung đội dân quân phục vụ chiến đấu và đoàn ngựa thồ 10-15 con, 01 tổ vận tải xe thô sơ (xe đạp thồ, xe gác); tổ chức 02 kho, trạm cấp phát xăng dầu kết hợp quốc phòng với kinh tế sức chứa 250 m3. Dù còn nghèo song những năm qua, Tỉnh đã tập trung các nguồn lực phát triển, nâng cấp hàng ngàn ki-lô-mét đường giao thông. Hiện, 100% xã trong Tỉnh đã có đường ôtô vào đến trung tâm. Phương tiện vận tải có bước phát triển nhanh, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách; góp phần nâng cao khả năng cơ động, phục vụ nhiệm vụ quân sự - quốc phòng.

Cùng với đó, tỉnh thường xuyên bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn hậu cần về phẩm chất chính trị, trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Tổ chức huấn luyện hậu cần cho lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ, nhất là các nội dung bảo đảm hậu cần trong dã ngoại và chiến đấu. Đặc biệt, định kỳ, Tỉnh tổ chức diễn tập KVPT cấp tỉnh, huyện nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ huy, điều hành...

Mặc dù vẫn còn một số hạn chế, như: Việc kết hợp giữa phát triển KT-XH gắn với QP-AN trong KVPT hiệu quả chưa cao; ngân sách, nguồn lực đầu tư xây dựng CCHP,   CCHC   trong   KVPT   tỉnh, huyện còn hạn chế... Song, những kết quả đạt được trong xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần KVPT những năm qua là cơ sở để tỉnh Hà Giang quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng bảo vệ vững chắc địa bàn và địa phương.

Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng và khó lường; các thế lực thù địch, phản động tăng cường, đẩy mạnh các hoạt động chống phá; tình hình an ninh chính trị, dịch bệnh, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội còn phức tạp... Để tiếp tục nâng cao hiệu quả xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần trong KVPT, Bộ CHQS Tỉnh xác định tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, nội dung chủ yếu sau đây:

Một là, tiếp tục chỉ đạo cơ quan, đơn vị quán triệt, tuyên truyền, giáo dục nâng cao hiệu quả hoạt động hậu cần KVPT các cấp theo Kết luận số 64 của Bộ Chính trị, Nghị định số 21 của Chính phủ về KVPT, Nghị định số 02 của Chính phủ về phòng thủ dân sự. Phối hợp với Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 313 thực hiện điều chỉnh tổng thể khu kinh tế - quốc phòng đến năm 2025, quy hoạch chi tiết xây dựng khu kinh tế - quốc phòng theo Quyết định số 49 của Thủ tướng Chính phủ. Quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 88 của Quốc hội khóa XIV về Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị trên tuyến biên giới, giúp Nhân dân xóa đói giảm nghèo và phòng chống dịch bệnh.

Hai là, nâng cao chất lượng tham mưu của cơ quan quân sự các cấp với cấp ủy, chính quyền địa phương. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hoạt động của lực lượng vũ trang Tỉnh  và  các  sở,  ngành địa phương trong thực hiện phát triển KT-XH kết hợp củng cố, tăng cường QP-AN, trong quy hoạch, xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần KVPT, xây dựng đề án thực hiện bảo đảm thống nhất giữa các cấp, các ngành, có lộ trình, bước đi cụ thể trong từng năm, bảo đảm sát với điều kiện thực tiễn của các địa phương trong tỉnh, tạo niềm tin vững chắc, sự đồng tình, ủng hộ cao của Nhân dân với cấp ủy, chính quyền và lực lượng vũ trang Tỉnh.

Ba là, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, tiếp tục rà soát, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về xây dựng, hoạt động hậu cần KVPT cấp tỉnh, huyện, có tính khả thi cao, sát thực tiễn, phù hợp với tình hình mới hiện nay. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống văn kiện hậu cần tác chiến ở tất cả các cấp, tập trung chỉ đạo hoàn thiện hệ thống văn kiện hậu cần tác chiến KVPT cấp tỉnh,  huyện  (cả  khối A và khối B) theo quyết tâm, kế hoạch tác chiến và kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương.

Bốn là, Ban Chỉ đạo về KVPT Tỉnh chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương thúc đẩy phát triển kinh tế để tạo ra nguồn lực hậu cần; phân cấp ngân sách bảo đảm cho nhiệm vụ quốc phòng địa phương. Tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển KT-XH, đặc biệt ở các huyện biên giới và địa bàn đặc biệt khó khăn. Huy động nguồn lực của địa phương trong xây dựng tiềm lực kinh tế, khoa học, công nghệ về hậu cần.

Tập trung hoàn thiện quy hoạch, đầu tư xây dựng thế trận hậu cần, tập trung xây dựng CCHP, CCHC trong KVPT tỉnh, huyện. Quản lý, bảo vệ, lập các dự án kinh tế trên các vùng quy hoạch là CCHC, CCHP của các cấp, đặc biệt phải xây dựng được “thế trận lòng dân” ở các khu căn cứ. Quản lý, cải tạo và từng bước đầu tư nâng cấp các hang động thiên nhiên và xây dựng một số công trình thiết yếu mang tính lưỡng dụng, vừa phục vụ nhu cầu thời bình và sẵn sàng phục vụ cho nhu cầu chiến tranh.

Năm là, từng bước bảo đảm tốt hơn nhu cầu về trang bị, phương tiện kỹ thuật, nâng cao khả năng cơ động, khả năng bảo đảm của hậu cần các cấp, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ phòng thủ dân sự. Tổ chức diễn tập KVPT tỉnh, huyện gắn với các sở, ngành bảo đảm hiệu quả, thiết thực để nâng cao khả năng lãnh đạo, điều hành, tham mưu, nâng cao tinh thần chủ động, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống. Đồng thời tổ chức xây dựng, huấn luyện lực lượng hậu cần dự bị động viên, dân quân tự vệ và hậu cần nhân dân các cấp, giáo dục bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho các đối tượng...

Xây dựng lực lượng hậu cần có số lượng hợp lý, chất lượng cao, lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt,  đáp  ứng  tốt  yêu cầu xây dựng và hoạt động của KVPT trong thời bình và thời chiến.

Tin tưởng rằng, với nhận thức đúng đắn, cùng sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự đoàn kết, đồng lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền, quân và dân  tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục vượt khó, xây dựng KVPT tỉnh vững chắc, thực sự là phên dậu vững chắc phía Tây - Bắc của Tổ quốc.

Đại tá LẠI TIẾN GIANG, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Hà Giang