CCHC di động của Hải quân Mỹ bắt đầu hình thành trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ 2 (1939 - 1945). Khi đó, khối lượng BĐHC của quân đội Mỹ nói chung, Hải quân Mỹ nói riêng tăng lên rất nhiều so với các cuộc chiến tranh trước đây; hệ thống CCHC cố định không còn đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ bảo đảm, nhất là khi lực lượng hải quân hoạt động tác chiến xa hậu phương. Để giải quyết vấn đề này, Hải quân Mỹ đã xây dựng 576 CCHC di động trên khắp chiến trường, khu vực có lực lượng hải quân hoạt động. Ưu điểm của CCHC di động là các tàu bảo đảm có thể cơ động đến mọi nơi cần thiết; giảm bớt công sức, thời gian di chuyển. Đồng thời, có thể phân tán kịp thời các thành phần, bộ phận; tránh được các đòn tấn công của đối phương; nâng cao“sức sống”hậu cần của các hạm đội tàu hải quân…

CCHC di động trên bờ gồm có cơ quan chỉ huy căn cứ và các cơ sở BĐHC được thiết kế không mang tính lâu dài, có khả năng cơ động cao, đáp ứng yêu cầu BĐHC theo kế hoạch. CCHC di động trên biển là lực lượng tàu bảo đảm, được bố trí gần khu vực hoạt động của các lực lượng tác chiến. Thành phần gồm căn cứ nổi (được thiết kế, trang bị các hạng mục, phương tiện kỹ thuật như CCHC trên bờ, nhưng tính chất linh hoạt hơn); các tàu bảo đảm cho tàu chiến đấu đang neo đậu ở căn cứ tiền phương, căn cứ di động; các tàu bảo đảm cho tàu tác chiến trên biển và các phương tiện vận tải đường biển, đường không. CCHC trên biển có 3 ưu điểm nổi bật là: Giảm sự phụ thuộc vào căn cứ quân sự ở nước ngoài; tạo ra hình thái tác chiến đột kích hoàn toàn mới; có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ quân sự.

leftcenterrightdel
Tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ. Ảnh minh họa: USNI 

CCHC trên biển không cố định mà di động, tùy vào mục tiêu và nhu cầu của nhiệm vụ chiến đấu mà được tạo thành bởi nhiều loại phương tiện trên biển, bao gồm: Tàu sân bay, tàu khu trục đa năng, tàu đổ bộ, tàu ngầm, tàu bố trí trước trên biển… nhằm hình thành khu vực tập kết an toàn, độc lập, cơ động cho lực lượng chiến đấu; bảo đảm cung cấp hậu cần và chi viện cho tác chiến đổ bộ ở biển gần, giảm bớt sự phụ thuộc vào căn cứ cố định trên bộ. Cơ sở để thành lập hệ thống CCHC di động trên biển là các tàu phải có khả năng bảo đảm cho các tàu tác chiến trên biển xa bờ, xa căn cứ tiền phương. Tùy theo khoảng cách giữa các khu vực tác chiến với CCHC di động trên bờ mà Hải quân Mỹ thiết lập CCHC di động trên biển để BĐHC cho các lực lượng tàu hải quân trực tiếp tác chiến. Mỗi khi hoạt động tác chiến của lực lượng tàu vượt quá khả năng bảo đảm của CCHC di động trên bờ thì Hải quân Mỹ lại tổ chức thêm 1 CCHC di động trên biển... Nhờ cách tổ chức theo kiểu dây chuyền này, Hải quân Mỹ luôn đủ khả năng bảo đảm kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, chính xác về hậu cần cho các lực lượng tác chiến trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Hiện nay, cách thức tổ chức này vẫn được áp dụng, mặc dù yêu cầu BĐHC ngày càng cao; trang thiết bị và cơ sở bảo đảm không ngừng được cải tiến và hiện đại hóa. Dựa vào điều kiện tác chiến mới, Hải quân Mỹ đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống CCHC di động trên biển cho các hạm đội tàu, giúp giảm sự lệ thuộc vào các CCHC trên bờ và bảo đảm cho các hạm đội tàu nâng cao khả năng hoạt động tác chiến độc lập, lâu dài trên biển.

Để tổ chức CCHC di động trên biển, phải có khu neo đậu đủ diện tích triển khai, đủ điều kiện tự nhiên về địa hình, đáy biển đảm bảo an toàn. Trong điều kiện cho phép, Hải quân Mỹ tận dụng cả những khu vực trên bờ để tổ chức bố trí một số cơ sở BĐHC, như doanh trại, kho tàng, không nhất thiết toàn bộ các thành phần trong CCHC di động trên biển phải ở trên mặt biển… Khi bố trí hệ thống CCHC di động trên biển, Hải quân Mỹ đặc biệt quan tâm đến các tàu bảo đảm, trước hết là cho lực lượng tàu ngầm hiện đại và các tàu chở máy bay. Số lượng tàu BĐHC ở các CCHC di động trên biển được xác định bởi nhiệm vụ của tàu chiến đấu và khoảng cách vị trí của lực lượng tác chiến với hậu phương…

Trong CCHC trên biển, đội tàu vận tải liên hợp có vai trò quan trọng, có nhiệm vụ vận chuyển vật tư từ căn cứ trung chuyển hoặc căn cứ trên đất Mỹ đến căn cứ trên biển. Nòng cốt của đội tàu này là tàu chở hàng lớp Louis and Clark, chuyên dùng để chở hàng khô, thực phẩm đông lạnh, phụ tùng máy móc, xăng dầu, đạn dược... để cấp cho các hạm tàu đang vận hành trên biển. Tàu dài 210m, rộng 32,2m, mớn nước thiết kế 9,12m, lượng giãn nước đầy đủ khoảng 41.000 tấn, tải trọng khoảng 16.500 tấn, tốc độ lớn nhất 20 hải  lý/giờ, hành trình lớn nhất 14.000 hải lý; có khả năng chở 6.675 tấn hàng khô và đạn dược, 3.242 tấn xăng dầu, 200 tấn nước ngọt. Với sàn đáp trực thăng trên tàu, 2 trực thăng loại MH-60S hoặc Super Puma có thể cất hạ cánh cùng lúc. Hải quân Mỹ hiện có 14 chiếc tàu lớp Louis and Clark.

Mới đây, trong cuộc diễn tập Culebra Koa 15 tại Ha-waii, Hải quân Mỹ đã trình diễn tàu vận tải Montford Point, được hoán cải trên cơ sở tàu đổ bộ di động. Tàu dài 233m, lượng giãn nước 34.500 tấn, vận tốc trung bình 37km/h, tầm hoạt động gần 17.000km. Điều độc đáo là tàu được thiết kế với một khoang trống lớn để vừa làm bãi đỗ vừa làm nơi bốc dỡ hàng hóa; được trang bị hệ thống cầu đặc biệt giúp nó kết nối với nhiều loại tàu vận tải khác nhau, cho phép vận chuyển hàng hóa, khí tài quân sự lên boong ở cả những địa điểm cách xa bờ. Nó còn có khả năng tự nhấn chìm một phần thân để trở thành bãi đỗ cho các loại tàu đổ bộ cỡ nhỏ như tàu đệm khí. Gần đây, Hải quân Mỹ đã hoán cải tàu chở dầu lớp Alaska thành tàu vận tải đường dài. Loại tàu này có chiều dài 239m, rộng 50m, lượng giãn nước 80.000 tấn, tốc độ cao nhất 15 hải lý/giờ, hành trình lớn nhất 9.500 hải lý, giá thành 500 triệu USD. Tàu có không gian dự trữ lớn, đặc biệt có thiết bị kết nối với tàu cỡ lớn chở xe cơ giới tự hành, tàu đổ bộ đệm khí, tàu cao tốc liên hợp, tàu chi viện hậu cần và trực thăng cỡ lớn làm phương tiện vận chuyển lên bộ.

Việc bổ sung vật chất cho các CCHC di động trên biển tùy thuộc vào điều kiện tác chiến, khí hậu, thời tiết, thủy văn, vị trí, trạng thái của tàu tiếp nhận và tàu tiếp tế... Thông thường, Hải quân Mỹ sử dụng phương pháp sang mạn, phương pháp vận động song song, hoặc cơ động nối đuôi; cũng có thể sử dụng máy bay trực thăng để bổ sung vật chất khi cần thiết.

Hiện nay, Hải quân Mỹ đã tổ chức các căn cứ nổi của tàu ngầm và căn cứ nổi của tàu mặt nước. Đối với căn cứ nổi của tàu ngầm, Hải quân Mỹ sử dụng 6 căn cứ nổi nhằm tạo thế ổn định vững chắc cho toàn hệ thống. Căn cứ nổi được thiết kế có đủ khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó có bảo đảm vật chất và là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi, huấn luyện của 1 kíp tàu ngầm (có thể kíp này nghỉ ngơi, sinh hoạt tại cơ sở trên bờ). Theo tổ chức biên chế của Hải quân Mỹ, mỗi tàu ngầm có 2 kíp phục vụ, trong đó 1 kíp phục vụ dưới tàu ngầm, 1 kíp nghỉ ngơi, học tập, huấn luyện tại căn cứ nổi (hoặc cơ sở trên bờ).

Đối với căn cứ nổi của tàu mặt nước - là những tàu có tính hoạt động độc lập hạn chế như tàu khu trục, tàu tên lửa, tàu quét lôi, phóng lôi cỡ nhỏ, tàu chở máy bay các loại - Hải quân Mỹ thường sử dụng đội tàu được thiết kế có lượng giãn nước và khả năng bảo đảm dựa trên nhu cầu của các tàu được bảo đảm (tàu chiến đấu). Tàu bảo đảm và tàu được bảo đảm cần đáp ứng yêu cầu đồng bộ cả về trang bị, phương tiện, khối lượng, chủng loại vật chất… Ngoài lực lượng bảo đảm, căn cứ nổi của tàu mặt nước còn có lực lượng, phương tiện sửa chữa và các tàu cấp cứu trên biển, gồm: Tàu cấp cứu tàu ngầm, tàu lai dắt (cấp cứu các tàu mặt nước), tàu trục tàu đắm, tàu sửa chữa và tàu thợ lặn. Tùy thuộc tình hình cụ thể mà Hải quân Mỹ tổ chức ra các tàu bảo đảm sửa chữa, cấp cứu cho phù hợp.

Để phát huy hiệu quả các CCHC di động, Hải quân Mỹ hiện đang tiến hành nghiên cứu nâng cao khả năng bảo đảm, giảm tối đa sự lệ thuộc vào các CCHC cố định trên bờ. Hướng trọng tâm là áp dụng phương pháp bổ sung vật chất trên biển khi tàu đang chạy theo kiểu thẳng đứng bằng việc sử dụng máy bay lên thẳng; nâng cao tính đồng bộ cho các tàu bảo đảm và tàu được bảo đảm; tăng sức chở và bán kính hoạt động của máy bay vận tải thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trên biển; giảm chi phí trong các khâu và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các CCHC di động trên bờ và trên biển trong mọi điều kiện.

Thiếu tá PHẠM HOÀNG DƯƠNG Khoa Xăng dầu Học viện Hậu cần (Tổng hợp)