Công ty cổ phần X20 là doanh nghiệp quốc phòng thuộc Tổng cục Hậu cần, có hơn 2.300 cán bộ, công nhân viên thuộc 07 đơn vị thành viên. Là một trong số ít các doanh nghiệp có quy mô sản xuất trọn khâu, từ dệt vải, in, nhuộm và may thành phẩm. Với năng lực hiện có, mỗi năm, Công ty sản xuất được trên 2 triệu bộ sản phẩm quân phục các loại, hàng chục triệu sản phẩm hàng kinh tế, xuất khẩu; hàng triệu mét vải chất lượng cao và nhiều mặt hàng khác.
|
|
Xưởng may X20 Thanh Hóa - đơn vị tiên phong trong cải tiến và số hóa vào quá trình sản xuất. Ảnh: CTV |
Những năm gần đây, nền kinh tế đất nước liên tục tăng trưởng, mối quan hệ ngoại giao và kinh tế tiếp tục mở rộng, các chính sách của Nhà nước đối với doanh nghiệp ngày càng thông thoáng hơn. Hợp tác kinh doanh, thương mại quốc tế phát triển, trong đó Dệt May là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất. Cùng với bề dày kinh nghiệm, thành tích, uy tín, thương hiệu và sự gắn bó tâm huyết của đông đảo người lao động đã góp phần quan trọng thúc đẩy hoạt động SXKD của Công ty ngày càng phát triển. Tuy nhiên, ngành Dệt may trong nước nói chung, Công ty cổ phần X20 nói riêng phải đối mặt với sự cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt, nhiều nước có lợi thế về ưu đãi thuế quan, nguồn nhân công rẻ, năng suất lao động hơn hẳn so với Việt Nam. Bên cạnh đó, phần lớn nguyên liệu ngành May phải nhập khẩu nên nguồn cung không ổn định, kịp thời và chi phí tăng lên. Nhiều loại chi phí liên quan đến sản xuất xuất khẩu hàng Dệt May của Việt Nam rất cao như dịch vụ vận chuyển hàng hóa, chi phí nhân công, bảo hiểm… làm giảm cạnh tranh quốc gia. Sự thiếu hụt lao động ngành Dệt May ngày càng trầm trọng. Thị trường hàng may mặc trong nước cạnh tranh khốc liệt. Đặc biệt năm 2020, 2021, đại dịch COVID-19 gây khủng hoảng lớn cho ngành Dệt May ở cả nguồn cung và tổng cầu, kéo theo hệ quả là hàng loạt các doanh nghiệp, hệ thống bán hàng đóng cửa trên toàn thế giới. Trong khi đó, tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, khả năng tổ chức, quản lý điều hành của Công ty còn nhiều điểm hạn chế; sự thay đổi cơ chế tạo nguồn hàng quốc phòng cũng làm giảm doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp.
|
|
Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Hùng Thắng - Phó Chủ nhiệm, TMT TCHC làm việc với lãnh đạo, chỉ huy Công ty về chuyển đổi số doanh nghiệp. Ảnh: CTV |
Để duy trì hoạt động SXKD ổn định và ngày càng phát triển, Công ty xác định đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, từng bước chuyển đổi số, đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị, đặc biệt là đổi mới tư duy, nhận thức và phương pháp làm việc là nhiệm vụ sống còn của Công ty trong thời đại 4.0. Theo đó, Công ty đã kịp thời ban hành các nghị quyết, kế hoạch, văn bản, thành lập Ban Chỉ đạo về đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp, ứng dụng phát triển CNTT nhằm từng bước chuyển đổi số đối với các hoạt động nghiệp vụ trong Công ty.
Trong những năm gần đây, Công ty đã tập trung đổi mới mạnh mẽ các trang thiết bị phục vụ sản xuất (với tổng giá trị đầu tư trên 100 tỷ đồng). 100% các loại máy móc, thiết bị cơ, đã được thay thế bằng thiết bị điện tử, có tính tự động hóa cao. Nhiều chủng loại thiết bị chuyên dùng tiên tiến cũng đã được đầu tư, khai thác sử dụng hiệu quả như: Máy may lập trình tự động, máy cắt laser tự động, máy thổi lông vũ tự động… đặc biệt toàn bộ hệ thống thiết kế mẫu, giác mẫu, ra mẫu đã tự động hoàn toàn 100% tại tất cả các nhà máy, góp phần bù đắp vấn đề thiếu hụt lao động xảy ra những năm qua.
Hệ thống thiết bị mạng trong Công ty được kết nối ổn định và thông suốt; 100% khối lao động gián tiếp tại tất cả các nhà máy được trang bị máy tính có kết nối mạng internet thông qua mạng Lan hoặc hệ thống wifi nội bộ. Chỉ huy Công ty, phòng, ban và các đơn vị được trang bị máy tính bảng, triển khai họp và làm việc không giấy bắt đầu từ đầu năm 2022. Từ tháng 8/2020 đến nay, toàn Công ty đã đầu tư trên 700 triệu đồng mua sắm các trang thiết bị cho hệ thống họp trực tuyến giữa trụ sở Công ty và các đơn vị thành viên và đã tổ chức trên 200 cuộc họp, lớp đào tạo, hội nghị trực tuyến, làm việc với khách hàng nước ngoài…; đặc biệt là hệ thống họp trực tuyến đã phát huy hiệu quả rất tích cực trong giai đoạn cao điểm đại dịch COVID -19 khi nhiều tỉnh, địa phương, quốc gia phải thực hiện giãn cách xã hội.
Toàn Công ty đã triển khai sử dụng phần mềm kế toán, phần mềm bảo hiểm, quản trị nhân sự và một số phần mềm chuyên dụng khác như: Quản lý vật tư hàng hóa, phần mềm quản lý số đo tại Xí nghiệp Đo may Quân đội, X20 Thanh Hóa, X20 Nghệ An; phần mềm khai báo hải quan điện tử tại các đơn vị có hoạt động xuất nhập khẩu; quản lý kho tại X20 Thái Nguyên và phần mềm quản trị sản xuất tại X20 Nam Định…. Đối với khối phòng ban, Công ty đang triển khai thử nghiệm áp dụng phần mềm quản lý công việc (Base) bằng hình thức thuê dịch vụ ngoài, bắt đầu từ 01/01/2022. Đây là phần mềm được xây dựng trên nền tảng đám mây và cung cấp dưới dạng SaaS (Software as a Service) cho khách hàng thông qua website Http://www.base.vn và tích hợp bằng các App viết cho máy tính bảng, điện thoại, bao gồm các ứng dụng: Base HRM (Quản trị nhân sự, chấm công, tính lương tự động), Base Wework (Giao, nhận và quản lý công việc), Base Request (Quản lý các yêu cầu đề xuất), Base Workfl (Quản lý quy trình), Base Offi (Quản lý công văn, thông báo), Base Meeting (Quản lý các cuộc họp), Base Massage (Tin nhắn, trao đổi cá nhân, nhóm…).
Kết quả bước đầu đã có những hiệu quả rõ rệt, giúp Công ty quản trị tốt hơn về nhân sự, duy trì nền nếp, nội quy, quy định; cán bộ, công nhân viên, chỉ huy các cấp tương tác và xử lý các công việc, các đề xuất hoàn toàn bằng hình thức điện tử thay thế dần thói quen sử dụng sổ sách, văn bản giấy, giảm đáng kể thời gian xử lý nghiệp vụ, tăng năng suất lao động, đảm bảo các công việc được giải quyết nhanh, gọn, hiệu quả. Chỉ huy Công ty nắm được tiến độ giải quyết công việc, kịp thời can thiệp, giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Các quy trình làm việc khối cơ quan Công ty đã dần được tiêu chuẩn hóa. Việc áp dụng phần mềm một cách rộng rãi còn giúp nâng cao khả năng ứng dụng CNTT đối với cán bộ, công nhân viên. Đặc biệt, với việc sử dụng phần mềm thiết kế 3D ứng dụng kỹ thuật số đã tối ưu nguồn lực, thiết kế, chế mẫu dễ dàng, nhanh chóng, thuận tiện hơn. Năng suất lao động được nâng lên, thu nhập của người lao động được cải thiện, chất lượng sản phẩm, chất lượng công việc nâng lên rõ rệt, biên chế gián tiếp tại khối cơ quan Công ty và các đơn vị giảm từ 10 - 35%, giảm chi phí, quản lý dễ dàng hơn, sức cạnh tranh trên thị trường được cải thiện.
Phát huy kết quả đã đạt được, thời gian tới, Công ty cổ phần X20 xác định tiếp tục từng bước đẩy mạnh áp dụng khoa học, CNTT và chuyển đổi số trong hoạt động SXKD, tập trung vào một số nhiệm vụ sau:
Tập trung phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công nhân viên và người lao động về sự cần thiết, tính tất yếu, khách quan và lợi ích chuyển đổi số đem lại. Xây dựng kế hoạch chuyển đổi số phù hợp với đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ Công ty và xu thế phát triển của khoa học công nghệ; xác định lộ trình, lựa chọn nội dung ưu tiên phù hợp. Tăng cường sự thích ứng, đồng bộ trong thu thập, xử lý thông tin, đảm bảo chính xác, kịp thời, hiệu quả trong chỉ đạo, chỉ huy, điều hành, SXKD.
Tiếp tục đầu tư các trang thiết bị hiện đại, điển hình là các máy tự động lập trình, máy cắt trải vải tự động thế hệ mới (dự kiến khi đầu tư máy cắt trải vải tự động sẽ giảm được 25% lao động tại tổ cắt, bán thành phẩm chính xác hơn, tăng năng suất trên chuyền may). Nghiên cứu đầu tư thay thế các thiết bị may kỹ thuật số bằng các thiết bị điện tử hiện tại giúp giảm thời gian điều chỉnh thiết bị phù hợp với mã hàng mới khi chuyển đổi mã hàng góp phần tích cực vào việc giảm thiểu thời gian rải chuyền, nâng cao năng suất lao động khi chuyển đổi mặt hàng. Ứng dụng công nghệ quét số đo tự động phục vụ công tác đo may và thời trang.
Nghiên cứu áp dụng công nghệ số trong quản lý chuyền may, bao gồm các công cụ: Chuyển đổi sản xuất nhanh với sự hỗ trợ của công nghệ số, thiết lập quy trình và cân bằng chuyền với sự hỗ trợ công nghệ số, sản xuất theo nhịp với sự hỗ trợ của công nghệ số, hệ thống cảnh báo kỹ thuật số, cải tiến liên tục với sự hỗ trợ của công nghệ số và chuẩn hóa công việc với sự hỗ trợ của công nghệ số. Theo đó, Công ty sẽ rút ngắn được thời gian rải chuyền, số liệu hỗ trợ cân bằng chuyền được chính xác hơn, các hệ thống cảnh báo giúp công tác phân tích và giải quyết kịp thời các nút thắt trong chuyền, công tác cải tiến cũng sẽ được thuận lợi hơn, từ đó sẽ dần chuẩn hóa được từng công việc, chuẩn hóa quy trình sản xuất, giúp tăng năng suất lao động, tăng thu nhập, giảm giờ làm, cải thiện môi trường làm việc.
Ứng dụng hiệu quả các phần mềm, phát triển đi đôi với quản lý, bảo mật. Áp dụng có hiệu quả công nghệ 3D ứng dụng kỹ thuật số vào thiết kế, phát triển sản phẩm. Tích hợp phòng mẫu thực tế ảo trên Website nhằm quảng bá thương hiệu, sản phẩm và năng lực sản xuất của Công ty trên không gian mạng, thúc đẩy tìm kiếm các nguồn khách hàng tiềm năng, giúp khách hàng tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ của Công ty mọi lúc, mọi nơi.
Duy trì việc triển khai áp dụng phần mềm quản lý công việc (Base) tại khối phòng ban Công ty, từ năm 2023 sẽ nhân rộng tại các đơn vị thành viên. Hoàn thiện quy trình họp, làm việc không giấy, các hướng dẫn, quy định sử dụng phần mềm và đầu tư các phần mềm, dịch vụ phù hợp với hoạt động của Công ty. Trong năm 2022, 80% văn bản nội bộ được thực hiện theo phương thức điện tử, từ năm 2023, áp dụng hình thức ký số chuyên dùng (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật và của Bộ Quốc phòng).
Xây dựng và hoàn thiện hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số và môi trường pháp lý nội bộ (hệ thống quy chế, quy định…); đồng thời sẽ triển khai các giải pháp hỗ trợ, bảo vệ, bảo mật chặt chẽ; chú trọng tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số. Đầu tư đổi mới trang thiết bị công nghệ phù hợp nhu cầu sử dụng và đảm bảo thông suốt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Đến năm 2024 - 2025 nghiên cứu đầu tư phần mềm “Hoạch định nguồn lực doanh nghiệp ERP” kết nối giữa Công ty với các đơn vị thành viên giúp đồng bộ về dữ liệu, qua đó, chỉ huy Công ty nắm bắt tình hình SXKD tại các đơn vị theo thời gian thực, làm cơ sở cho việc điều hành được linh hoạt, hiệu quả hơn. Tham gia đánh giá mức độ chuyển đổi số của Công ty theo Bộ Tiêu chí của Bộ Thông tin và Truyền thông làm cơ sở hoạch định chiến lược chuyển đổi số của Công ty giai đoạn tiếp theo.
Với sự quan tâm của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần và các cơ quan hữu quan, chắc chắn thời gian tới, công tác chuyển đổi số doanh nghiệp Hậu cần nói chung, của Công ty Cổ phần X20 nói riêng sẽ phát triển mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới.
Đại tá HOÀNG SỸ TÂM, Tổng Giám đốc Công ty