Tại Điểm b, Khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Quân nhân có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng lương hưu mức thấp hơn khi thuộc một trong các trường hợp sau: Có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Khoản 2, Điều 169 của Bộ luật Lao động; có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động -  Thương binh và Xã hội ban hành.

leftcenterrightdel

Bộ luật Lao động năm 2019 quy định độ tuổi nghỉ hưu của Quân nhân bị suy giảm khả năng lao động. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, trường hợp quân nhân nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động thì phải trừ tỷ lệ hưởng lương hưu 2% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.

* "Bệnh Covid-19 nghề nghiệp" có thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH không? Đối tượng người lao động nào được quy định làm nghề, công việc thường gặp và nguồn tiếp xúc với vi- rút SARS-CoV-2?

Theo quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-BYT ngày 9-2-2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2016/TT-BYT ngày 15-5-2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH, bổ sung “Bệnh Covid-19 nghề nghiệp” vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH từ ngày 1-4-2023. “Bệnh Covid-19 nghề nghiệp” là bệnh phát sinh trong quá trình lao động do người lao động tiếp xúc với vi-rút SARS-CoV-2 có trong môi trường lao động.

Người lao động làm nghề, công việc thường gặp và nguồn tiếp xúc với vi-rút SARS-CoV-2, gồm: Người làm nghề, công việc tại cơ sở y tế; người làm nghề, công việc trong phòng thí nghiệm, lấy mẫu, vận chuyển mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu có chứa vi rút SARS-CoV-2; người làm nghề, công việc phòng, chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 (người làm nghề, công việc trực tiếp trong khu cách ly tập trung, cách ly y tế tại nhà, cách ly y tế vùng có dịch, hỗ trợ chăm sóc người bệnh Covid-19 tại nhà; người vận chuyển, phục vụ người bệnh Covid-19; người vận chuyển, khâm liệm, bảo quản, hỏa táng, mai táng thi hài người bệnh Covid-19; người giám sát, điều tra, xác minh dịch Covid-19; nhân viên hải quan, ngoại giao, nhân viên làm công tác xuất nhập cảnh; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ Quân đội nhân dân, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng và viên chức quốc phòng; chiến sĩ, sĩ quan thuộc lực lượng công an; người làm nghề, công việc khác được cử tham gia phòng, chống dịch Covid-19).

* Phạm vi, mức hưởng quyền lợi hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) của quân nhân được quy định như thế nào?

Theo Điều 6 Thông tư liên tịch số 85/2016/TTLT-BQP-BYT-BTC ngày 20-6-2016 của Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT đối với quân nhân và người làm công tác cơ yếu, phạm vi hưởng BHYT đối với quân nhân như sau: Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con; chi phí vận chuyển trong trường hợp cấp cứu hoặc vượt khả năng chuyên môn phải chuyển tuyến điều trị; không áp dụng quy định về giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với các quy định tại Khoản 1 Điều 6 này; chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoài phạm vi được hưởng BHYT gồm: thuốc, hóa chất, vật tư y tế được phép lưu hành tại Việt Nam và dịch vụ kỹ thuật y tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

* Quân nhân được thanh toán trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh BHYT trong trường hợp nào?

Điều 19 Nghị định số 70/2015/NĐ-CP ngày 1-9-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu quy định, trong các trường hợp như sau thì quân nhân được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trực tiếp: Khám, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh không ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT; khám, chữa bệnh không đúng nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu, không đủ thủ tục hoặc chuyển tuyến điều trị không đúng quy định; vì điều kiện khách quan, bất khả kháng, cơ sở khám, chữa bệnh không đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT.

BAN BIÊN TẬP