Hằng năm, kinh phí xây dựng cơ bản, sửa chữa, bảo quản chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; các nguồn hỗ trợ khác từ ngoài Quân đội rất ít, nếu có chủ yếu là vật liệu xây dựng, cây giống, công sức của đơn vị kết nghĩa nơi đóng quân.

Từ thực tế trên, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 và lãnh đạo, chỉ huy các cấp luôn xác định quan điểm tự lực tự cường, chủ động phát huy mọi nguồn lực, trong đó lấy nguồn nội lực là chính để nâng cao chất lượng công tác bảo đảm hậu cần (BĐHC). Trên cơ sở đó, Quân đoàn luôn chú trọng đẩy mạnh phong trào thi đua (PTTĐ) “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” gắn với PTTĐ của các chuyên ngành Hậu cần. Đẩy mạnh đổi mới phương thức bảo đảm vật chất hậu cần gắn với cơ chế quản lý tài chính mới trong Quân đội. Phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp và cơ quan hậu cần trong việc giáo dục, tuyên truyền cho bộ đội ý thức tự lực, tự cường trong công tác hậu cần. Do vậy, trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, song, ngành Hậu cần Quân đoàn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác hậu cần.

leftcenterrightdel

 Chiến sĩ Lữ đoàn PK 241 (Quân đoàn 1) chăm sóc cây cảnh. Ảnh: Thảo Hà

Nổi bật là: Trong công tác nuôi dưỡng bộ đội, trước thực trạng giá thực phẩm trên thị trường liên tục tăng cao, để tạo nguồn thực phẩm tại chỗ, các đơn vị chủ động phát triển tăng gia sản xuất (TGSX) gắn với hoạt động chế biến tập trung. Trên cơ sở diện tích đất đai sẵn có và kinh phí đầu tư của cấp trên, các đơn vị huy động công sức bộ đội, quỹ vốn tập thể, cá nhân, quy hoạch, xây dựng khu TGSX tập trung phù hợp với từng cấp và mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào chăn nuôi, trồng trọt theo hướng chuyên canh, đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngoài việc tổ chức TGSX, bảo đảm đủ thực phẩm hằng ngày cho các bếp ăn, một số đơn vị tận dụng diện tích đất, chuồng trại, ao hồ, đầu tư kinh phí phát triển chăn nuôi, trồng trọt tạo ra sản phẩm chất lượng cao bán ra thị trường tạo nguồn thu quỹ vốn.

Quá trình  tổ  chức TGSX,  các  đơn  vị  chủ  động  linh  hoạt  chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây  trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và nhu cầu tiêu thụ. Điển hình là, trong thời gian dịch tả lợn Châu Phi bùng phát trên phạm vi cả nước, các đơn vị thực hiện chặt chẽ quy trình kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học. Nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, giảm đàn lợn, tăng quy mô đàn gia súc, gia cầm thịt, gia cầm đẻ trứng và nuôi thả cá. Đối với các đơn vị khung thường trực có điều kiện diện tích đất đai rộng, chủ động đầu tư thêm kinh phí, nhân công, mở rộng quy mô chăn nuôi gia cầm thịt, gia cầm đẻ trứng theo phương pháp công nghiệp hoặc bán công nghiệp, an toàn sinh học... Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, các đơn vị xây dựng hệ thống nhà lưới, áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào trồng rau cao cấp và trồng rau trái mùa. Nhiều đơn vị tận dụng tối đa diện tích đất đai xung quanh doanh trại để quy hoạch vườn trồng cây ăn quả quy mô lớn phục vụ bữa ăn bộ đội hoặc bán ra ngoài thị trường.

Nhờ tích cực, chủ động phát huy các nguồn lực, trong 10 năm gần đây, công tác TGSX của Quân đoàn có bước phát triển toàn diện, mang tính chiều sâu, khai thác tối đa tiềm năng sẵn có, xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là: Mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap; trồng rau trong nhà lưới; mô hình chăn nuôi lợn thịt, lợn nái, gia cầm thịt, gia cầm đẻ trứng, nuôi cá, nuôi trâu bò, nuôi dê... quy mô lớn theo phương pháp nuôi nhốt hoặc bán thả; mô hình trồng chuối tiêu hồng, ổi, dưa hấu, đu đủ, bưởi...

Đến nay toàn Quân đoàn có 10 vườn rau chuyên canh tập trung cấp trung đoàn, lữ đoàn; 27 vườn rau cấp tiểu đoàn và tương đương; 06 vườn rau tập trung cấp trung đoàn khung thường trực; gần 40 vườn cây ăn quả; 11 chuồng chăn nuôi lợn thịt tập trung cấp trung đoàn trở lên (mỗi chuồng nuôi từ 100 - 150 lợn thịt); 10 chuồng lợn nái tập trung (duy trì 60 - 70 lợn nái/chuồng); 95 chuồng lợn thịt cấp tiểu đoàn và tương đương (nuôi từ 70 - 80 lợn thịt/chuồng). Nhờ đó, toàn Quân đoàn tự túc 100% nhu cầu rau xanh, thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, 80 - 85% nhu cầu cá tươi, 60 - 70% nhu cầu giống lợn. Giá sản phẩm TGSX đưa vào bữa ăn thấp hơn giá thị trường từ 8 - 30% (tùy từng loại). Giá trị thu lãi từ TGSX hằng năm bình quân đạt 1.335.000 đồng/người; chi ăn lễ tết bình quân đạt 20.000 đồng/người/ngày.

Song song với việc phát triển TGSX, hằng năm, các cơ quan, đơn vị trích quỹ vốn hàng tỷ đồng và huy động từ 4.000 - 5.000 ngày công lao động của bộ đội trong ngày nghỉ để củng cố, sửa chữa, mua sắm trang bị nhà ăn, nhà bếp đảm bảo khang trang, sạch, đẹp. Hiện nay, bếp ăn của đơn vị đều được trang bị đủ các loại dụng cụ cấp dưỡng, bàn ăn, ghế ngồi đồng bộ; 100% nhà ăn được trang bị quạt điện, đèn chiếu sáng, tranh ảnh, tủ bảo quản thực phẩm...; một số nhà ăn khối cơ quan lắp điều hòa đáp ứng nhu cầu phục vụ ăn uống của cán bộ, nhân viên.

leftcenterrightdel
 Chiến sĩ Trung đoàn 102 (Sư đoàn 308, Quân đoàn 1) chăm sóc rau trogn nhà lưới. Ảnh: Thảo Hà

Công tác doanh trại cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng, điển hình là: Trong 2 năm (2017 và 2018), Quân đoàn tổ chức Hội thi“Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp”khối cơ quan sư đoàn, lữ đoàn, trường quân sự, trung đoàn bộ binh, bộ binh cơ giới đủ quân. Các sư đoàn tổ chức Hội thi cho khối tiểu đoàn đủ quân làm cơ sở cho các đơn vị còn lại tham quan, học tập. Mục đích là phát huy các nguồn lực để thúc đẩy PTTĐ “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp” lên tầm cao mới, góp phần nâng cao chất lượng đời sống bộ đội. Cùng với nguồn kinh phí trên cấp, hằng năm, các đơn vị huy động công sức bộ đội và trích quỹ vốn hàng tỷ đồng để sửa chữa công trình doanh trại xuống cấp; mua sắm mới, sửa chữa doanh cụ phục vụ sinh hoạt, làm việc, học tập của cán bộ, chiến sĩ. Năm 2021, thực hiện Kế hoạch Hội thi “Doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp” do Tổng cục Hậu cần tổ chức, Quân đoàn chủ động tổ chức trước Hội thi cấp Quân đoàn để chọn đơn vị tham gia thi toàn quân. Trong thời gian chuẩn bị, các đơn vị huy động hàng trăm nghìn ngày công bộ đội và gần 10 tỷ đồng để củng cố, tu sửa doanh trại, cảnh quan môi trường; mua sắm mới nhiều trang thiết bị, biển bảng, doanh cụ trong nhà ở, nhà làm việc của cán bộ, chiến sĩ. Quá trình thực hiện, có nhiều sáng kiến, cách làm sáng tạo, ứng dụng hiệu quả, tiết kiệm kinh phí trong sửa chữa doanh trại, xây dựng cảnh quan môi trường, như: Tận dụng gạch men vỡ thải ra từ nhà máy sản xuất để ốp trên 10.000 m2 chân tường công trình doanh trại, tiết kiệm gần 1,5 tỷ đồng.

Với tinh thần khắc phục khó khăn, phát huy tối đa nguồn nội lực, chỉ tính trong giai đoạn từ năm 2017 - 2022, Quân đoàn tổ chức làm mới được 32.216 m2 sân, đường nội bộ; sửa chữa gần 51.300 m2 công trình; quét vôi ve, sơn trên 1.134.460 m2 nhà ở và công trình; quy hoạch và trồng mới 335.000 m2 thảm cỏ; xây dựng 44 khu khuôn viên vui chơi, 185 tiểu cảnh; tự mua sắm và sản xuất hơn 3.387 chậu hoa, cây cảnh có giá trị; trồng mới hơn 374.918 cây lấy gỗ, cây ăn quả các loại. San lấp trên 212.300 m2 đất mặt bằng phục vụ xây dựng cơ bản và tạo cảnh quan môi trường doanh trại; đào đắp gần 178.000 m3 đường hào phục vụ công tác quản lý đất quốc phòng.

Tự sản xuất và mua sắm 850 bộ dụng cụ sinh hoạt, 618 chiếc tủ đứng 2 buồng, 595 chiếc giường gỗ cán bộ, 160 bộ bàn ghế làm việc, 884 chiếc ghế các loại và nhiều doanh cụ khác phục vụ sinh hoạt, làm việc của bộ đội. Tổng kinh phí huy động được từ nguồn nội lực đơn vị trong 10 năm qua trên 89 tỷ đồng, trong đó, quy đổi từ công sức bộ đội hơn 30 tỷ đồng. Đến nay, 100% khu nhà ở, nhà làm việc của các cơ quan, đơn vị được củng cố, sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo khang trang, sạch, đẹp; doanh cụ, dụng cụ được trang bị thống nhất về quy cách, mẫu mã. Toàn Quân đoàn bảo đảm đủ 100% chỗ nằm cho bộ đội với chất lượng tốt (100% chiến sĩ nằm giường sắt hộp 2 tầng).

Cùng với đó, năm 2021, Quân đoàn thực hiện bước đột phá về xử lý rác thải tại các đơn vị, trong đó, xây dựng thí điểm 03 khu xử lý rác thải tại cơ quan Quân đoàn, Lữ đoàn 241 và Trung đoàn 102 (Sư đoàn 308). Đến nay, các khu xử lý rác nói trên hoạt động rất hiệu quả, xử lý triệt để rác thải sinh hoạt của bộ đội, lá cây... tiết kiệm kinh phí thuê thu gom, xử lý rác. Đối với các đơn vị còn lại thực hiện chặt chẽ các biện pháp thu gom, xử lý rác thải bằng phương pháp ủ, xử lý tập trung không để ảnh hưởng đến môi trường.

Cùng với các nội dung trên, PTTĐ phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được đông đảo cán bộ, chiến sĩ nhiệt tình hưởng ứng, một số sáng kiến có giá trị được ứng dụng trong hoạt động hậu cần như: giá phơi quần áo tự động và túi thuốc đa năng của Sư đoàn 308; hệ thống chống sét lan truyền của Lữ đoàn 241; thiết bị tháo lắp bóng điện trên cao và đèn kiểm tra đo huyết áp ban đêm của Sư đoàn 312; dụng cụ hút chân không trong bảo quản lương thực, thực phẩm của Lữ đoàn 202; giá đỡ đa năng của Tiểu đoàn 752; giải pháp kim tiêm thông thường thành kim rửa khớp gối của Bệnh xá cơ quan Quân đoàn... Bên cạnh đó, các đơn vị thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp tiết kiệm điện nước, xăng dầu trong sinh hoạt và hoạt động chuyên môn. Chỉ tính riêng công tác xăng dầu, ngoài việc tiết kiệm 10% theo quy định của Bộ, 5 năm qua, toàn Quân đoàn tiết kiệm được gần 150.000 lít nhiên liệu, tổng giá trị gần 3 tỷ đồng.

Nhờ phát huy tinh thần tự lực, tự cường, huy động tối đa nội lực nên thời gian qua ngành Hậu cần Quân đoàn đã chủ động bảo đảm tốt hậu cần cho các nhiệm vụ, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đoàn trong mọi tình huống và xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện "Mẫu mực, tiêu biểu".

Đại tá NGUYỄN HUY DŨNG, Chủ nhiệm Hậu cần Quân đoàn 1