“Ngân hàng giống” của bộ đội 337

Khu KT-QP Khe Sanh, Quảng Trị có điều kiện khí hậu, thời tiết tương đối thuận lợi, thổ nhưỡng tốt, nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm khá phong phú... Tuy nhiên, trước đây, Nhân dân địa phương chủ yếu chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương pháp chăn thả tự nhiên, không chú trọng phòng, chống dịch bệnh khiến vật nuôi chết nhiều, hiệu quả thấp. Trong quá trình “bám dân, bám bản, bám địa bàn”, năm 2015, cán bộ, nhân viên Đoàn KT - QP 337 khảo sát và đề xuất đầu tư xây dựng mô hình nuôi bò lai sinh sản, dê Bách thảo, lợn bản địa theo phương pháp nuôi nhốt tại các đội sản xuất thuộc Trung đoàn Nông lâm 52. Sau 02 năm thực hiện, các mô hình chăn nuôi nói trên phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống cán bộ, chiến sĩ. Đặc biệt, các mô hình chăn nuôi tạo ra nguồn con giống và trở thành “Ngân hàng giống” tại chỗ để hỗ trợ hộ dân nghèo trong vùng dự án phát triển kinh tế. Cùng với hỗ trợ con giống, đơn vị cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc, cách phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ vật liệu, nhân công xây dựng chuồng trại, dụng cụ, thức ăn chăn nuôi.

Năm 2017 trở về trước, hoàn cảnh gia đình anh Hồ Ma ở thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị rất khó khăn. Từ mô hình “Chi bộ giúp đỡ gia đình khó khăn trên địa bàn”, Chi bộ Đội sản xuất 9 (Đoàn KT - QP 337) hỗ trợ 2 con dê giống từ “Ngân hàng giống”, sau 5 năm, hiện đàn dê của anh Hồ Ma phát triển lên tới hơn 30 con, mỗi năm thu nhập trên 20 triệu đồng, giúp gia đình từng bước ổn định đời sống. Cũng ở thôn này, gia đình anh Hồ Văn Thuần thuộc diện hộ nghèo, đầu năm 2020, Đội sản xuất 9 hỗ trợ 2 con bò giống và hướng dẫn cách chăn nuôi đúng kỹ thuật, sau 02 năm đã phát triển thành 5 con. Anh Hồ Văn Thuần cho biết: “Tới đây gia đình sẽ bán 2 con để sửa nhà và cho con đi học”.

leftcenterrightdel
 Bộ đội Đoàn KTQP 337 hướng dẫn bà con địa phương cách trồng chăm sóc cây dong riềng tại xã Hướng Phùng. Ảnh: CTV

 

Từ “Ngân hàng giống” ban đầu của Đoàn KT - QP 337, nhiều hộ gia đình được hỗ trợ vươn lên thoát nghèo, làm giàu và hỗ trợ gia đình khác như: Gia đình anh Hồ Văn Mừng, Thôn Trăng - Tà Puồng, xã Hướng Việt và anh Hồ Văn Diệp, Thôn Miệt, xã Hướng Linh, hiện nay đều chăn nuôi trên 10 con bò, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng. Đàn dê của gia đình anh Hồ Văn Hinh, thôn Xa Đưng, xã Hướng Việt có trên 50 con, cho thu nhập mỗi năm trên 40 triệu đồng… Để duy trì hiệu quả mô hình “Ngân hàng giống”, chỉ huy Đoàn KT - QP 337 chỉ đạo các đội sản xuất nghiên cứu, thử nghiệm các vật nuôi khác phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết, đa dạng vật nuôi, giúp bà con phát triển kinh tế.

Đại úy Nguyễn Thái Phong, Trưởng ban Hậu cần, Trung đoàn 52 cho biết: “Hằng năm, “Ngân hàng giống” của đơn vị đã sản xuất được hàng trăm con giống, gồm: lợn, bò, dê, gà, ngan… cung cấp cho các đơn vị, thị trường và giúp đỡ, hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn trên địa bàn. Cùng với đó, đơn vị tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh và tổ chức cho người dân tham quan các trại chăn nuôi tại đơn vị để bà con áp dụng làm theo, phát triển kinh tế, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo”.

Miến dong Trường Sơn 337

Những ngày giáp Tết Nguyên đán năm 2023, từ thị trấn Khe Sanh vào xã Hướng Phùng, sắc vàng của hoa Mai rừng, Dã Quỳ sáng cả núi rừng, báo hiệu mùa Xuân mới đang về. Trên đường, xe tải tấp nập về đây mua “Miến dong Trường Sơn” do Công ty Xây dựng, Đoàn KT - QP 337 sản xuất. Tại Nhà máy, cán bộ, chiến sĩ lao động hối hả, tất bật làm việc để kịp xuất xưởng những mẻ miến dong thơm ngon phục vụ nhu cầu người dân trong dịp Tết. Thiếu tá Trần Nam Lăng, Đội trưởng Đội Xây dựng, Công ty Xây dựng chia sẻ: “Sản xuất miến dong là một nội dung nằm trong dự án giúp đỡ Nhân dân xóa đói, giảm nghèo. Chúng tôi xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, cùng với Nhân dân duy trì phát triển mô hình xóa đói giảm nghèo. Việc sản xuất miến dong thực hiện đúng quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, từ khâu trồng cây dong riềng, thu mua nguyên liệu, đến sản xuất đều được quản lý chặt chẽ để đảm bảo chất lượng sản phẩm”.

leftcenterrightdel
Đàn dê giống của Đội sản xuất 1, Trung đoàn Nông lâm 52. Ảnh: CTV 

 

 Được biết, từ năm 2010, sau khi nghiên cứu kỹ thời tiết, khí hậu, chất đất, Đoàn KT - QP 337 đưa cây dong riềng vào trồng thí điểm tại thôn Xa Ry, xã Hướng Phùng. Sau một thời gian trồng cho thấy, cây dong riềng rất phù hợp với điều kiện tự nhiên nơi đây, phát triển tốt, chăm sóc đơn giản, cho năng suất, chất lượng cao. Từ đó, đơn vị vận động bà con tận dụng các thửa đất hoang hóa, sườn đồi, ven suối để quy hoạch, cải tạo đất trồng cây dong riềng. Công ty hỗ trợ người dân các công đoạn từ làm đất, mua cây giống, phân bón, kỹ thuật trồng, chăm bón và thu mua. Do trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật, mỗi héc - ta dong riềng cho năng suất từ 30 - 35 tấn/ vụ. Trung bình mỗi năm, Công ty thu mua khoảng 700 tấn, với giá từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Mỗi héc - ta dong riềng cho thu nhập từ 75 - 80 triệu đồng/vụ, giúp bà con tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững. Để đảm bảo thu mua hết củ dong riềng của hộ dân, Công ty đầu tư dây chuyền sản xuất miến dong, trung bình hằng năm sản xuất trên 4,5 tấn sản phẩm.

Chị Hồ Thị Va, thôn Xa Ry, xã Hướng Phùng, Hướng Hóa, Quảng Trị tâm sự: “Trước đây, gần Tết cả bản nhà nào cũng đói, nay nhờ bộ đội Đoàn KT - QP 337 đưa cây dong riềng về trồng và tổ chức thu mua sản phẩm tại chỗ, gia đình chỉ mất công chăm sóc và bảo vệ. Nhờ thu hoạch từ dong riềng, Tết đến, các gia đình đều có tiền mua quần áo mới cho trẻ em và mua sắm nhiều vật dụng, thực phẩm để đón Xuân…”. Thượng tá Võ Văn Giáp, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công ty Xây dựng, Đoàn KT - QP 337 cho biết: “Năm 2023, đơn vị sẽ phối hợp với địa phương và người dân tận dụng đất bãi bồi, hoang hóa ven sông mở rộng diện tích trồng cây dong riềng, phấn đấu đạt trên 30 ha để tạo điều kiện công ăn việc làm và thu nhập cao hơn nữa, giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững”.

Những mô hình dân vận hiệu quả

Xác định công tác dân vận là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Đoàn, giai đoạn 2010 - 2022, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ Nhân dân bằng nhiều mô hình, cách làm hiệu quả trong công tác dân vận, như: “Ngôi nhà 5 người cha, 3 người con”, “Đỡ đầu, nuôi dưỡng các cháu mồ côi”, “Chi bộ Đảng giúp đỡ 1 - 2 hộ gia đình khó khăn trên địa bàn”, “Đội sản xuất kết nghĩa thôn, bản”... Đến nay, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Đoàn đã nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng 52 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn. Các tổ chức quần chúng triển khai nhiều hoạt động thiết thực như: cắt tóc cho học sinh, bát cháo tình thương cho bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn... Các hoạt động dân vận của đơn vị góp phần cùng với địa phương giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 71% năm 2010 xuống còn 58,72% năm 2021.

Đồng chí Đặng Trọng Vân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hướng Hóa cho biết: “Những năm qua, Đoàn KT - QP 337 luôn là đơn vị tiên phong, đi đầu trong hướng dẫn, giúp đỡ và hỗ trợ cho người dân sản xuất nông nghiệp. Trước đây, người bà con chỉ biết phát, đốt, cuốc, trỉa, thì nay đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt như trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình mới; thực hiện tốt công tác di dân, hình thành và xây dựng các khu tái định cư để chấm dứt tình trạng người dân di canh, di cư và xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, đói nghèo. Đồng thời, đơn vị đã xây dựng quy chế chặt chẽ với huyện cũng như với các cấp, ngành trong việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, xây dựng nông thôn mới và xây dựng thành công một số mô hình chăn nuôi, trồng trọt trọng điểm trên địa bàn”.

Được biết, từ năm 2010 đến nay, Đoàn KT - QP 337 đã triển khai xây dựng 04 mô hình chăn nuôi cho 660 hộ dân; 04 mô hình trồng trọt cho 1.075 hộ dân trên địa bàn 5 xã trong vùng dự án; tổ chức 23 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 1.500 lượt người. Tổ chức 45 đợt hỗ trợ cây, con giống cho Nhân dân tham gia các mô hình chăn nuôi, trồng trọt theo dự án trên địa bàn. Điển hình như: cấp hỗ trợ trên 1.031 con giống các loại (trâu, bò, dê, lợn); trên 140 tấn giống dong riềng, lúa nước; gần 5 vạn cây cà phê và 120 tấn phân bón. Xây dựng và nhân rộng mô hình thâm canh lúa nước với diện tích 33 ha tại các xã Hướng Lập, Hướng Sơn, Hướng Linh; trồng 25 ha cây dong riềng tại xã Hướng Phùng… Những kết quả trên đã giúp hàng trăm hộ gia đình tham gia dự án thoát nghèo bền vững, từng bước vươn lên xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn trên mảnh đất đầy vết tích của chiến tranh.

BẢO NGỌC