Hải trình gần 20 ngày đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên về ý chí, nghị lực kiên cường của cán bộ, chiến sĩ trên các đảo và ngư dân quyết tâm vươn khơi, bám biển, góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Những “anh nuôi” trên Tàu 571
Đúng 16 giờ 30 phút ngày 3-1-2024, sau 3 hồi còi tàu kéo dài, Tàu 571 chở Đoàn công tác bắt đầu xuất phát từ Quân cảng Cam Ranh thẳng hướng tiến đến tuyến đảo phía Bắc của Quần đảo Trường Sa. Sau 2 giờ hải trình trên biển, ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là giọng nói vang lên từ loa phát thanh của tàu: “Toàn tàu chú ý, toàn tàu chú ý! Đã đến giờ ăn cơm tối, kính mời các đại biểu di chuyển đến các phòng ăn để dùng bữa”.
Ngay khi vào phòng ăn, điều khiến chúng tôi bất ngờ là những mâm cơm được chuẩn bị tươm tất, có nhiều món ăn được chế biến kỹ thuật cao như: thịt lợn rang lẫn tôm biển, cá biển rán sốt cà chua, trứng tráng cuộn, rau cải chíp xào nấm, canh cải thịt băm và trái cây được bày gọn gàng trên bàn ăn, không khác gì tại nhà ăn tập thể trong đất liền.
Trước đó, tôi và đồng nghiệp trong Đoàn công tác nghĩ rằng, một bữa cơm trên tàu đi biển trong điều kiện sóng to, gió lớn, tàu nghiêng ngả thế này chỉ chuẩn bị được từ 01-02 món ăn. Nhưng không ngờ, các “anh nuôi” của tàu lại trách nhiệm, chu đáo, chuẩn bị được nhiều món ăn như vậy. Trò chuyện với đồng chí Thiếu tá QNCN Phạm Ngọc Sang, Tổ trưởng phụ trách hậu cần Tàu 571 chia sẻ: “Tổ Hậu cần gồm 15 thành viên, trong đó có 03 đồng chí là đầu bếp chính. Còn lại các đồng chí khác phụ trách chia thức ăn, rửa dụng cụ cấp dưỡng, sơ chế, chế biến thực phẩm…
Mỗi người một việc nhưng rất trách nhiệm, hỗ trợ nhau chuẩn bị những bữa ăn đầy đủ, chất lượng tốt cho Đoàn công tác.” Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, việc chuẩn bị cho bữa ăn có từ 04 - 05 món ăn chất lượng tốt, hợp vệ sinh, kịp thời gian phục vụ Đoàn với gần 300 người không hề đơn giản. Để bảo đảm bữa ăn sáng vào lúc 06h, lực lượng nuôi quân phải thức dậy từ 03h sáng. Sau khi các đại biểu ăn sáng xong, Tổ Hậu cần nhanh chóng dọn dẹp, chuẩn bị cho bữa trưa, sau bữa trưa đến bữa chiều, bữa đêm. Công việc trong ngày cứ tiếp diễn như vậy đến khoảng 23h, các thành viên Tổ Hậu cần mới được nghỉ ngơi. Công việc hằng ngày trên tàu vất vả là vậy, nhưng thái độ phục vụ của lực lượng nuôi quân luôn vui vẻ, ân cần, chu đáo.
Được biết, hằng năm, mỗi chuyến công tác thăm quân dân trên Quần đảo Trường Sa dịp Tết thường kéo dài từ 18 - 20 ngày, vì vậy, công tác bảo đảm hậu cần rất quan trọng. Trước khi tàu xuất phát khoảng 03 tuần, Tổ Hậu cần lập kế hoạch dự trữ lương thực, thực phẩm, xây dựng thực đơn phù hợp với điều kiện chế biến trên tàu, nhưng cân đối các chất dinh dưỡng, đảm bảo khoa học. Để cung cấp thực phẩm cho hải trình dài ngày, thực phẩm dự trữ trên tàu được lựa chọn kỹ, chất lượng tốt, an toàn vệ sinh và được sắp đặt trong kho lạnh. Ngoài việc dự trữ lương thực, thực phẩm thông thường, Tổ Hậu cần còn dự trữ thêm ngô, khoai lang, mì tôm, bánh phở khô, bún khô, bột mỳ, sữa… để phục vụ khách bị say sóng mệt không ăn được cơm.
Trong suốt hải trình, tôi và rất nhiều phóng viên bị say sóng, chỉ nằm trong phòng, không ăn được cơm, nhưng đến giờ ăn, các đồng chí nuôi quân mang cháo hoặc phở đến tận phòng nghỉ. Điều đó thật cảm động, chúng tôi chưa từng nghĩ tới trước khi tham gia Đoàn công tác. Nhờ có những bữa ăn ngon, đầy đủ chất dinh dưỡng, sự phục vụ chu đáo của Tổ Hậu cần giúp các đại biểu duy trì sức khỏe tốt để hoàn thành nhiệm vụ.
“Sức sống xanh” nơi đảo xa
Sau 2 ngày, 2 đêm vượt sóng, Tàu 571 đưa chúng tôi vượt qua 308 hải lý đến đảo đầu tiên là Song Tử Tây. Trước khi ra đảo, tôi nghĩ những hòn đảo ngoài biển khơi chỉ là đảo hoang sơ, rất ít cây xanh. Nhưng ngược lại, khi tàu cách đảo Song Tử Tây khoảng 1,5 hải lý, chúng tôi đã nhìn thấy hòn đảo xanh. Giữa mênh mông biển khơi, nắng cháy, gió biển mặn mòi vẫn có những cây xanh cổ thụ đâm chồi, nảy lộc phủ xanh trên đảo. Ngay khi đặt chân lên đảo Song Tử Tây, chúng tôi được đồng chí Thượng tá Nguyễn Văn Khương, Chính trị viên Đảo đón ngay từ cầu cảng và dẫn vào trung tâm xã đảo.
Anh giới thiệu: “Để có được hòn đảo xanh, đẹp như hiện nay là sự quyết tâm, nỗ lực của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân xã đảo và có sự chung tay, góp sức của Nhân dân cả nước. Những năm gần đây, Chương trình “Xanh hóa Trường Sa” đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện, làm thay đổi môi trường sống trên đảo.” Đi trên đường nội bộ được rải bê tông phẳng lì dưới tán cây xanh rợp mát, tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng khi nghe anh Khương kể về 02 năm trước hòn đảo này phải gánh chịu hậu quả nặng nề do Cơn bão Rai gây ra, tàn phá hầu hết cây trên đảo. Nhưng với ý chí quyết tâm vượt khó, quân và dân trên đảo đồng lòng, sát cánh, nhanh chóng phủ xanh hòn đảo. Trên đường vào xã Đảo, chúng tôi thấy có nhiều cây to dáng nghiêng do ảnh hưởng gió bão biển đổ lên đảo Song Tử Tây mấy năm trước, đến nay, cây có dáng đẹp riêng, lạ mắt, bàn tay nghệ nhân khó tạo tác được. Bởi mỗi gốc cây, luống hoa, thảm cỏ ở đây đều được kết tinh từ nắng gió Trường Sa và công sức chăm sóc của bao thế hệ con người.
Cũng giống như Song Tử Tây, trên đảo Sinh Tồn thường xuyên chịu ảnh hưởng của nắng, gió, bão biển, đất trồng trên đảo chủ yếu là cát san hô trắng. Nhưng đi tham quan xung quanh đảo, chúng tôi thấy rất nhiều loại cây trồng đang đâm chồi, nảy lộc. Để tạo nên “kỳ tích” đó là sự sáng tạo, công sức lao động không mệt mỏi của quân và dân trên đảo. Ngoài giống cây, phân bón được vận chuyển từ đất liền, bộ đội và Nhân dân trên đảo Sinh Tồn có nhiều cách làm sáng tạo để cải tạo đất, chăm sóc cây xanh.
Dẫn chúng tôi đến vườm ươm cây trên đảo, đồng chí Trung tá Phạm Sỹ Thoại, Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn chia sẻ: “Chúng tôi thực hiện nhiều biện pháp để thích ứng, khắc chế với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt trên đảo, tích cực tự ươm và trồng nhiều cây xanh. Năm 2023, quân và dân trên đảo chiết được khoảng 1.000 cây xanh các loại như: bàng vuông, cây tra, phong ba, mù u... Nhờ đó, cây xanh không chỉ cải thiện môi trường sống cho quân và dân trên đảo mà còn là “bức tường” chắn gió hiệu quả khi gió bão”. Ngoài những cây xanh bóng mát, trên đảo Sinh Tồn còn có rất nhiều loài cây ăn quả như: chuối, đu đủ, na, dừa... phát triển tốt, bắt đầu cho ra trái, đó là thành quả lao động của bộ đội và Nhân dân trên đảo.
Trồng cây đã khó, trồng rau ở Trường Sa còn vất vả hơn nhiều. Trên các đảo nổi như: Song Tử Tây, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông… có nhiều đất nền và được cải tạo nên bộ đội và Nhân dân quy hoạch, xây dựng thành những vườn rau quy mô lớn, trồng đa dạng cây trồng, tự túc được phần lớn nhu cầu rau xanh trong bữa ăn. Đối với đảo chìm, diện tích nhỏ hẹp, đất trồng rau hạn chế nên chỉ có thể quy hoạch thành vườn nhỏ. Những năm gần đây, trên các đảo chìm được đầu tư xây dựng vườn rau chắc chắn, có máy lọc nước biển thành nước lợ và bể chứa nước ngầm thể tích lớn nên nước tưới rau không còn khó khăn như trước đây. Hiện trên các đảo chìm đều có vườn rau rộng khoảng trên 40 m2, bên trong có hệ thống thùng làm bằng nhựa Composite để trồng các loại rau. Trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ trên các đảo chúng tôi được biết, hằng năm, khu vực Quần đảo Trường Sa có trên 300 ngày nắng nóng; mùa khô kéo dài tới 03 tháng, cùng với đó là gió bão mang theo nước biển mặn lên đảo, việc trồng rau xanh rất khó khăn. Để trồng rau xanh phát triển trên đảo là cả quá trình đầy gian nan. Hằng ngày, cán bộ, chiến sĩ phải chú ý theo dõi dự báo thời tiết để tổ chức che chắn cẩn thận cho vườn rau, hạn chế tác động của nắng, gió biển. Để có nước tưới rau, cán bộ, chiến sĩ trên đảo phải thu gom, tận dụng nước thải từ nhà ăn và sau khi tắm giặt, tiến hành xử lý bằng cách lắng, lọc rồi mới tưới rau. Từ việc phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung cấp từ đất liền, đến nay, trên các đảo chìm Đá Nam, Đá Thị, Cô Lin, Len Đao... đã chủ động phần lớn rau xanh trong bữa ăn.
Những âu tàu giữa biển khơi
Đến khu vực Quần đảo Trường Sa, chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy nhiều tàu cá của ngư dân của các tỉnh nước ta đang khai thác hải sản. Đặc biệt, ở khu vực gần các đảo: Song Tử Tây, Sinh Tồn, Côn Lin... mật độ tàu cá khá dày. Qua tìm hiểu được biết, khu vực Quần đảo Trường Sa hiện có 4 âu tàu gồm: Trường Sa, Song Tử Tây, Sinh Tồn và Đá Tây. Những âu tàu này là nơi trú tránh bão cho tàu cá của ngư dân trong quá trình đánh bắt hải sản. Những năm qua, các âu tàu tại huyện đảo Trường Sa được xây dựng mới đồng bộ, cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề cá, góp phần đồng hành cùng ngư dân vươn khơi, bám biển. Âu tàu tại đảo Song Tử Tây được xây dựng hơn 10 năm, đến nay trở thành điểm đến quen thuộc đối với ngư dân các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ cũng như các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đánh bắt hải sản xa bờ.
Đồng chí Đại úy Nguyễn Văn Kiên, Đội trưởng Đội dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Song Tử Tây chia sẻ: “Đơn vị có 05 nhiệm vụ chính để hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển toàn diện, gồm: sửa chữa máy móc, thiết bị cho tàu thuyền; cung cấp nước ngọt, nhiên liệu, lương thực, thực phẩm; hướng dẫn ngư dân ra vào, neo đậu tại âu tàu an toàn trong mùa mưa bão; tiếp nhận các thông tin đầu tiên về sức khỏe của ngư dân để liên hệ với bệnh xá khám, chữa bệnh; cứu hộ, cứu nạn ngư dân trên biển.” Trung bình mỗi năm, âu tàu Song Tử Tây hỗ trợ từ 400-500 lượt tàu thuyền, với hơn 1.000 ngư dân. Năm 2023, âu tàu hỗ trợ 80 lượt tàu với 984 ngư dân tránh trú bão, tiếp nước, nhu yếu phẩm, chăm sóc sức khỏe ngư dân và cung cấp nhiên liệu cho tàu.
Ấn tượng nhất là khi đến tham quan âu tàu tại đảo Sinh Tồn, đó là một công trình được xây dựng quy mô lớn với sức chứa hàng trăm tàu cá công suất lớn. Đây được coi là “thủ phủ” cứu hộ, cứu nạn và tiếp sức cho tàu cá của ngư dân các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn luôn quán triệt và thực hiện tốt nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, coi đây là một trong những nhiệm vụ SSCĐ. Ở đây, việc tiếp nhiên liệu cho các tàu thuyền được thực hiện nhanh chóng và kịp thời, với giá bằng đất liền. Trong năm 2023, âu tàu cung cấp cho tàu ngư dân 15.000 lít dầu DO, cấp miễn phí 90.000 lít nước ngọt; khắc phục sửa chữa 07 tàu cá để ngư dân tiếp tục đánh bắt hải sản. Giữa mênh mông biển trời, những âu tàu luôn là điểm tựa vững chắc để ngư dân vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Khi viết những dòng chữ này, trong tôi vẫn vang vọng câu chào nhau của Đoàn công tác và cán bộ, chiến sĩ Quần đảo Trường Sa mỗi khi rời đảo “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”. Đây như một lời nhắc nhớ khắc cốt, ghi tâm, người ở lại đảo luôn vững vàng chắc tay súng trước ngàn trùng sóng gió biển khơi, người trở về đất liền thấy vinh dự, tự hào đã một lần được ra thăm đảo, xác định trách nhiệm hơn đối với chủ quyền biển, đảo - một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.
Bài, ảnh: TRẦN QUỲNH HƯƠNG