5 năm qua, Quân đoàn có 12 ca bệnh, trung bình khoảng 2-3 ca/năm, tập trung chủ yếu ở Sư đoàn 312 và Sư đoàn 308. Các ca bệnh được phát hiện, dùng kháng sinh sớm, chuyển tuyến kịp thời nên bệnh nhân không diễn biến nặng và nhanh hồi phục hoàn toàn. Từ kết quả trên, Quân đoàn rút ra một số kinh nghiệm sau:

Tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ về bảo vệ sức khỏe, nhất là đội ngũ cán bộ, nhân viên quân y các cấp nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng nếp sống vệ sinh khoa học ở đơn vị. Nâng cao sức đề kháng cho bộ đội bằng cách: rèn luyện thể lực; tăng cường dinh dưỡng, duy trì súc họng bằng nước muối hằng ngày theo đúng phương pháp kỹ thuật; đeo khẩu trang khi tập trung đông người; thường xuyên vệ sinh nhà ở, nhà làm việc sạch sẽ, thông thoáng, phun thuốc khử trùng môi trường; uống thuốc dự phòng viêm não mô cầu theo khuyến cáo của Cục Quân y cho 100% chiến sĩ.

leftcenterrightdel
Đại tá Lê Trung Bộ, Chủ nhiệm Quân y Quân đoàn 1. 

Để chẩn đoán sớm bệnh viêm não mô cầu, cần lưu ý một  số đặc điểm như sau: Sốt cao (bệnh nhân thấy người mệt mỏi, chán ăn, lúc đầu sốt nhẹ sau đó tăng dần, có thể tới 39 - 400C, sốt liên tục kèm theo rét run, dùng thuốc hạ sốt không hiệu quả; đau cơ (nhất là các cơ lớn như cơ đùi, cơ thẳng lưng); hội chứng thần kinh (đau đầu nhiều, ý thức có thể kích thích vật vã hoặc lơ mơ); xuất huyết (lúc đầu có thể chưa có ban nhưng khi có xuất huyết dưới kết mạc mắt hay niêm mạc miệng cần cảnh giác); tụt huyết áp; diễn biến lâm sàng xảy ra xấu đi rất nhanh.

Khi đơn vị có người bị viêm não mô cầu, tiến hành cách ly toàn bộ đại đội quản lý quân nhân; cho uống thuốc dự phòng tăng cường toàn bộ tiểu đoàn hoặc trung đoàn bằng Azythromycin 250mg x 2 viên/ người; tiến hành phun khử trùng môi trường bằng CloraminB toàn bộ tiểu đoàn hoặc trung đoàn, trong đó tập trung vào nhà ở, nơi sinh hoạt của bộ đội; báo cáo với quân y cấp trên để cùng xử lý.

Ở tuyến quân y cấp đại đội, tiểu đoàn: Khi có bệnh nhân sốt trên 380C hay nghi ngờ nhiễm não mô cầu phải nhanh chóng dùng kháng sinh và chuyển bệnh nhân đến bệnh xá đơn vị. Tại bệnh xá, nhanh chóng dùng kháng sinh mạnh phổ rộng đường tiêm, truyền dịch, hạ sốt rồi chuyển bệnh nhân đến bệnh viện cao nhất, gần nhất. Trong khi chuyển, phải có bác sĩ hộ tống. Tại bệnh viện, tiếp tục dùng kháng sinh, chống trụy tim mạch, giải quyết rối loạn đông máu, xét nghiệm chẩn đoán xác định và lọc máu nếu suy đa tạng...

Trong thời gian tới, để công tác phòng, chống dịch hiệu quả hơn, đề nghị Cục quân y nghiên cứu yếu tố dịch tễ não mô cầu tại Quân đoàn 1 nhất là Sư đoàn 312; nghiên cứu yếu tố ô nhiễm môi trường tại Trung đoàn 165/ Sư đoàn 312 gần khu xử lý rác Nam Sơn và bổ sung kinh phí phòng, chống dịch.