Phóng viên Tạp chí Hậu cần có cuộc trao đổi với đồng chí Đại tá Nguyễn Duy Thiều, Chủ nhiệm Hậu cần QCHQ xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Đề nghị đồng chí Chủ nhiệm Hậu cần QCHQ khái quát đặc điểm tình hình, thuận lợi, khó khăn trong công tác vận tải bảo đảm cho Quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK?

Đại tá Nguyễn Duy Thiều: Những năm qua, tình hình trên Biển Đông diễn biến hết sức phức tạp, các nước lớn luôn gia tăng hoạt động quân sự, dân sự trên biển tiềm ẩn nguy cơ xảy ra xung đột; tạo cớ, đe dọa trực tiếp đến chủ quyền biển, đảo của ta… Do vậy, yêu cầu công tác SSCĐ của QCHQ nói chung cũng như công tác vận tải nói riêng phải luôn chủ động, khẩn trương, bảo đảm liên tục, kịp thời trong mọi tình huống.

Công tác vận tải bảo đảm cho Quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư rất lớn của Đảng, Nhà nước, Quân đội, sự hỗ trợ, giúp đỡ to lớn của các địa phương, doanh nghiệp, Nhân dân cả nước và sự chỉ đạo sâu sát của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và Thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân. Các lực lượng tham gia vận chuyển, bảo đảm đều được quán triệt đầy đủ sâu sắc tình hình, nhiệm vụ, có quyết tâm cao khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

leftcenterrightdel
Đại tá Nguyễn Duy Thiều 

Bên cạnh đó cũng gặp không ít khó khăn, đó là: QCHQ vừa triển khai lực lượng, phương tiện vận chuyển cho Trường Sa, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ thăm dò dầu khí, chống hạ đặt dàn khoan, huấn luyện, diễn tập, tìm kiếm cứu nạn, trinh sát, tham gia xua đuổi tàu thuyền nước ngoài vi phạm vùng biển, đảo của ta, cứu hộ cứu nạn và tạo điều kiện cho ngư dân của ta vươn khơi bám biển. Bên cạnh một số loại tàu hiện đại mới được trang bị, Quân chủng cũng còn tiếp tục khai thác các tàu đã cũ, trọng tải nhỏ, thiếu các tàu vận tải chuyên dùng. Trong khi diễn biến thời tiết trên khu vực Quần đảo Trường Sa rất phức tạp, thậm chí đến cuối tháng 4 hằng năm vẫn còn gió mùa Đông Bắc mạnh cấp 5 - 6, nhưng đến giữa tháng 6 đã có gió Tây Nam cấp 6 - 7. Hằng năm, có khoảng 05 cơn bão ảnh hưởng lớn đến kế hoạch chạy tàu cũng như công tác vận chuyển hàng lên đảo, Nhà giàn DK.

Phóng viên: Những kết quả nổi bật trong công tác vận tải bảo đảm cho Quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK những năm qua là gì, thưa đồng chí?

Đại tá Nguyễn Duy Thiều: Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng uỷ, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh QCHQ, sự phối hợp tích cực, nhịp nhàng, hiệu quả của các cơ quan và sự nỗ lực, cố gắng của các đơn vị, Quân chủng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ vận tải bảo đảm cho Trường Sa, Nhà giàn DK, trong đó có những mặt hoàn thành xuất sắc, nổi bật là: Các đơn vị luôn nêu cao tinh thần chủ động, sẵn sàng phương tiện, nâng cao khả năng cơ động, bảo đảm vận chuyển đầy đủ, kịp thời cho các nhiệm vụ SSCĐ, chiến đấu, huấn luyện, diễn tập, cứu hộ cứu nạn, phòng chống dịch bệnh, góp phần xây dựng Quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK trở thành pháo đài tiền tiêu vững chắc trên hướng biển.

Lực lượng vận tải Quân chủng luôn quán triệt vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, vừa vận chuyển, xây dựng đảo. Quân chủng sử dụng lực lượng vận tải trong biên chế kết hợp với lực lượng vận tải biển của các doanh nghiệp trong nước để vận chuyển khối lượng rất lớn vật liệu công trình bảo đảm cho xây dựng tại hầu hết các đảo trên Quần đảo Trường Sa. Việc tổ chức vận chuyển bảo đảm cho Quần đảo Trường Sa hiện nay được thực hiện quanh năm, không theo mùa vụ như trước đây, với mục tiêu cao nhất quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa của Tổ quốc trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Tổ chức vận chuyển bảo đảm đầy đủ, kịp thời cho huấn luyện hiệp đồng các lực lượng phối thuộc trên đảo; vận chuyển bộ đội thay thu quân cho các đảo; vận chuyển bệnh binh, ngư dân bị nạn trên biển từ đảo về đất liền.

Ngoài ra, hằng năm QCHQ còn thực hiện từ 10 - 15 chuyến tàu đưa đón các đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, địa phương thăm và kiểm tra Quần đảo Trường Sa. Tổ chức vận chuyển cấp hàng hậu cần cho Quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK đảm bảo kịp thời, an toàn, hiệu quả. Mặc dù phương tiện tàu thuyền bảo đảm cho vận chuyển còn nhiều khó khăn, khối lượng hàng hóa lớn, nhiều chủng loại, thời tiết trên biển diễn biến phức tạp... song các đơn vị đã chủ động khai thác nguồn hàng, xây dựng kế hoạch và tổ chức vận chuyển một cách hiệu quả. Ngoài ra, Quân chủng còn sử dụng các tàu làm nhiệm vụ tại khu vực Quần đảo Trường Sa để kết hợp vận chuyển xen kẽ giữa các đợt, góp phần nâng cao đời sống bộ đội trên Quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK.

leftcenterrightdel
Trung chuyển hàng từ tàu vào đảo Song Tử Tây. Ảnh: CTV 

Phóng viên: Đề nghị đồng chí cho biết những biện pháp đảm bảo an toàn trong vận chuyển bảo đảm cho Quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK mà QCHQ đã và đang thực hiện?

Đại tá Nguyễn Duy Thiều: So với vận chuyển trên bờ, vận chuyển bảo đảm cho Trường Sa, Nhà giàn DK khó khăn hơn rất nhiều, do điều kiện khí hậu, thời tiết trên biển khắc nghiệt, diễn biến khó lường; khối lượng vận chuyển lớn, nhiều chủng loại. Trong khi điều kiện cầu cảng, bến bãi trên đảo rất chật hẹp; lực lượng, phương tiện bốc xếp, vận chuyển hạn chế, lại phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, thủy triều...

Vì vậy, để đảm bảo an toàn vận chuyển, trước hết, Quân chủng chỉ đạo các đơn vị vận chuyển tăng cường công tác huấn luyện, ngoài các nội dung huấn luyện về chuyên môn nghiệp vụ, phải nắm chắc địa hình, khí tượng thủy văn, khu vực tránh gió, bão tại Quần đảo Trường Sa và xử trí các tình huống trên biển. Hằng năm, cơ quan chức năng chủ động nắm bắt tình hình, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tính toán, lập kế hoạch vận chuyển khoa học, hợp lý nhằm rút ngắn tối đa thời gian vận chuyển mỗi chuyến.

Đồng thời, cử cán bộ theo dõi, chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện kế hoạch vận chuyển đúng tiến độ, giải quyết nhanh chóng, kịp thời những phát sinh. Trước khi vận chuyển, công tác chuẩn bị được tiến hành chặt chẽ; từ khâu tiếp nhận, phân loại, đóng gói, bốc xếp hàng lên tàu, cho đến việc bổ sung xăng dầu, nước, phương tiện, trang bị cứu sinh, cứu hỏa, cứu hộ, cứu nạn... đều được kiểm tra kỹ lưỡng, cụ thể. Từng mặt hàng đều phải đảm bảo chắc chắn về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng và tổ chức bao gói đúng quy định.

Các tàu trước khi đi làm nhiệm vụ đều phải được kiểm tra kỹ lưỡng tình trạng kỹ thuật, năng lực chuyên môn, khả năng đi biển của thuyền trưởng và kíp tàu; các thành viên trên tàu phải được quán triệt, hiểu rõ, quy tắc hoạt động, phong cách quân nhân theo điều lệnh tàu Hải quân Nhân dân Việt Nam; công tác bảo vệ an ninh, phòng, chống dịch bệnh thực hiện đúng quy định. Đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật phải có kiến thức, năng lực thực tiễn để khắc phục các sự cố hư hỏng trên biển, đảm bảo an toàn, đồng thời chuẩn bị sẵn vật tư, phương án để sửa chữa ngay khi tàu về cảng, rút ngắn thời gian sửa chữa tại bến, duy trì hệ số kỹ thuật đảm bảo các tàu sẵn sàng xuất phát ngay khi có lệnh.

Quá trình vận chuyển, Phòng Vận tải luôn chủ động làm tốt chức năng trung tâm hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của QCHQ theo dõi, bám sát tình hình, chỉ đạo, chỉ huy, điều hành vận chuyển chặt chẽ, đúng nguyên tắc, đúng kế hoạch, đảm bảo an toàn, tiết kiệm; kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh...

Phóng viên: Đề nghị đồng chí cho biết một số nội dung, biện pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác vận tải bảo đảm cho Quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK?

Đại tá Nguyễn Duy Thiều: Theo dự báo, năm 2022 và những năm tiếp theo, tình hình biển đảo dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp; Quân chủng triển khai thực hiện nhiều dự án; khối lượng vận chuyển rất lớn, yêu cầu khẩn trương... Để tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác vận tải bảo đảm cho các lực lượng đóng quân trên Quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK cũng như các lực lượng tham gia phối hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo và triển khai các dự án tại Quần đảo Trường Sa, Cục Hậu cần QCHQ xác định thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tập trung thực hiện tốt chức năng tham mưu với Thủ trưởng Bộ Tư lệnh QCHQ, Tổng cục Hậu cần trong việc xây dựng phương án bảo đảm hậu cần cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo và bảo đảm vật chất hậu cần, kỹ thuật cho Quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK gắn với phương thức, hình thức vận tải linh hoạt, hiệu quả.

Hai là, thực hiện hiện đại hóa các trang thiết bị vận tải, nâng cao tính cơ động, hiệu quả, an toàn, trước mắt thay thế các phương tiện vận tải cũ, lạc hậu, đầu tư mua sắm các phương tiện mới đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, đồng thời bổ sung quy hoạch các đảo có bến, bãi, cầu cảng khu vực trú đậu... phục vụ cho các phương tiện vận tải khi hoạt động tại khu vực Quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK.

Ba là, duy trì thực hiện nghiêm công tác bảo vệ an ninh và phòng chống dịch bệnh theo quy định, không để dịch lây xuống tàu và từ tàu lây sang đảo, nhà giàn...

Bốn là, đối với vận chuyển hàng hậu cần, tiếp tục duy trì thực hiện vận chuyển 04 đợt/năm, đồng thời kết hợp vận chuyển theo các tàu làm nhiệm vụ khác tại Quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK. Chỉ đạo các tàu tham gia vận chuyển rút ngắn tối đa thời gian vận chuyển mỗi chuyến để hạn chế thấp nhất hao hụt, hư hỏng hàng hóa do điều kiện thời tiết, sóng gió. Tiếp tục rà soát khả năng bảo đảm của Ngành (điện, nước, kho lạnh, tủ bảo quản, khả năng dự trữ lương thực, thực phẩm, nguồn khai thác tại chỗ như cá, thịt, rau xanh...) để tính toán khối lượng từng mặt hàng cần vận chuyển sát thực tế, đồng thời cải tiến, đóng mới các trang bị bao gói, bốc xếp, chuyển tải… theo hướng nâng cao chất lượng công tác bảo đảm, tăng cường thực phẩm tươi, nâng cao đời sống cho bộ đội.

Năm là, đối với vận chuyển bảo đảm cho các dự án xây dựng tại Quần đảo Trường Sa, tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa trong vận chuyển, kết hợp sử dụng các tàu vận tải quân sự vận chuyển để cán bộ, chiến sĩ có điều kiện huấn luyện nâng cao năng lực, kinh nghiệm thực tiễn trong thực hiện nhiệm vụ. Các tàu thực hiện nhiệm vụ vận chuyển bảo đảm cho Quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK phải luôn theo dõi nắm chắc tình hình trên biển, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo theo mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng và Tư lệnh QCHQ.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí Chủ nhiệm Hậu cần QCHQ.

QUANG TRIỆU (thực hiện)