Nhất là sau 03 năm thực hiện Đề án đổi mới cơ chế quản lý tài chính Quân đội theo Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 và Quy chế quản lý người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Phòng Tài chính đã tham mưu với Thủ trưởng Tổng cục Hậu cần ban hành nhiều văn bản phục vụ công tác quản lý tài chính đảm bảo khoa học, đồng bộ, đúng pháp luật, phù hợp với nhiệm vụ của Tổng cục. Cơ quan tài chính các cấp đã tham mưu với cấp ủy, chỉ huy tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả, công tác bảo đảm và quản lý tài chính tiếp tục được củng cố, từng bước đáp ứng yêu cầu quản lý và bảo đảm kịp thời cho các nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
|
|
Kiểm toán Nhà nước thông báo tóm tắt kết quả kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2020 của Tổng cục Hậu cần. Ảnh: Quỳnh Hương |
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số hạn chế, đó là: Công tác điều chỉnh dự toán ngân sách một số đơn vị chưa sát, còn để thừa, thiếu. Chất lượng một số báo cáo Ngành chưa cao. Công tác hạch toán tài sản cố định, nhập xuất vật tư hàng hóa có đơn vị chưa kịp thời...
Những hạn chế trên có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, tuy nhiên nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, trong đó, cơ bản là: Cấp ủy, chỉ huy có cơ quan, đơn vị chưa quán triệt và triển khai triệt để những vấn đề mới trong công tác tài chính, nhất là trong thực hiện công tác quản lý lương, phụ cấp, trợ cấp, tiền ăn và các nội dung chi theo chế độ. Việc tự học, tự rèn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, nhân viên ngành Tài chính chưa thường xuyên…
Để khắc phục hạn chế trên, đồng thời nâng cao chất lượng thực hiện công tác tài chính năm 2022 và những năm tiếp theo, cơ quan tài chính các cấp trong Tổng cục cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
Một là, thường xuyên quán triệt Nghị quyết lãnh đạo của cấp ủy Đảng các cấp; bám sát nhiệm vụ chính trị trung tâm, tuân thủ triệt để các văn bản pháp luật về tài chính, thực hiện công tác tài chính chặt chẽ, đúng quy định; làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chỉ huy xây dựng và ban hành Quy chế lãnh đạo công tác tài chính; đề xuất các giải pháp vận hành các quy chế, quy định về quản lý, sử dụng tài chính thực sự nền nếp, đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch.
Hai là, nâng cao chất lượng công tác kế hoạch ngân sách.
Chủ động lập Kế hoạch chi kinh phí năm 2022 (chi tiết theo quý); phối hợp cùng các cơ quan, tham mưu đề xuất xây dựng sớm Kế hoạch mua sắm tạo nguồn vật chất hậu cần, mua sắm trang thiết bị kỹ thuật, tài sản công; triển khai công tác đấu thầu, bảo đảm tiến độ giải ngân, hạn chế tập trung dồn vào cuối năm. Kịp thời báo cáo điều chỉnh với Tổng cục khi các Kế hoạch thay đổi, triển khai thực hiện nghiêm theo phê duyệt điều chỉnh của Tổng cục.
Thường xuyên đối chiếu các nguồn ngân sách, đặc biệt các nội dung mua sắm nhập khẩu, rà soát đối chiếu chuyển nguồn ngân sách đúng quy định; thực hiện nghiêm báo cáo điều chỉnh theo các mốc thời gian: Lần 1 trước ngày 30/6; lần 2 trước ngày 30/9 hằng năm.
Quán triệt nhận thức mới, tư duy mới trong thực hiện công tác bảo đảm và quản lý lương, phụ cấp, trợ cấp, tiền ăn. Nâng cao trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan: Quân lực, Cán bộ, Tài chính trong thực hiện; không để thừa, thiếu ngân sách quá 0,01% trên tổng dự toán được giao.
Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa cơ quan tài chính và các ngành nghiệp vụ trong công tác lập dự toán ngân sách năm 2023, nhất là huy động hàng tồn kho để cân đối ngân sách; nâng cao chất lượng thẩm định của các ngành, đảm bảo chặt chẽ, thống nhất, đúng mẫu biểu, thời gian, quy trình; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các định mức Kinh tế - Kỹ thuật theo lộ trình đã xác định, làm cơ sở lập dự toán và phân bổ dự toán ngân sách Nhà nước chi thường xuyên cho quốc phòng hằng năm.
Ba là, tăng cường công tác bảo đảm, công tác quản lý và thanh quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
Nghiên cứu kỹ, thực hiện nghiêm Luật Xây dựng; Luật Đấu thầu; Luật Quản lý sử dụng tài sản công và các văn bản pháp luật về tài chính. Quản lý ngân sách trong phạm vi dự toán được giao, hiệu quả, chặt chẽ, đúng chế độ của Nhà nước, Bộ Quốc phòng; tiết kiệm triệt để trong tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết; sử dụng kinh phí mua sắm trang thiết bị, duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất chặt chẽ, đúng quy định pháp luật. Tăng cường công tác phối hợp, nhất là giữa cơ quan tài chính với các ngành, đặc biệt phối hợp trong thực hiện các thủ tục nhập, xuất kho, nghiệm thu, bàn giao và các nội dung quản lý tài sản, vật tư, hàng hóa.
Phối hợp với cơ quan Hậu cần cùng cấp, theo dõi, kiểm tra chặt chẽ việc đầu tư xây dựng cơ bản các dự án, công trình đã được Bộ Quốc phòng phê duyệt, đảm bảo chất lượng, hiệu quả theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và Bộ Quốc phòng; đôn đốc các nhà thầu tích cực thi công, thanh toán khối lượng, giải ngân kịp thời các nguồn vốn. Rà soát kết quả thực hiện vốn đầu tư các dự án được giao, đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn các dự án không có khả năng thực hiện cho các dự án có khả năng đẩy nhanh tiến độ và các dự án đã được phê duyệt quyết toán hoàn thành còn thiếu vốn. Hoàn chỉnh hồ sơ quyết toán các dự án, công trình đã hoàn thành, kịp thời phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành, không để tồn đọng kéo dài.
Bốn là, phát huy hiệu quả công tác kiểm tra; tích cực, chủ động trong giám sát hiệu quả công tác tài chính doanh nghiệp.
Chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra theo Điều lệ công tác tài chính Quân đội nhân dân Việt Nam; đẩy mạnh công tác tự kiểm tra, kiểm soát trước, trong quá trình triển khai mua sắm theo đúng Chỉ thị số 98/CT-BQP ngày 23/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; trường hợp phát hiện có sai phạm phải báo cáo, đề xuất biện pháp giải quyết, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, kỷ luật Quân đội.
Duy trì có chất lượng công tác quản lý giá sản phẩm quốc phòng, chủ động triển khai các bước trong quy trình, hoàn thành sớm công tác phê duyệt giá. Kiểm soát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng tài sản thuộc phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn; phát huy hiệu quả kiểm tra, giám sát; tích cực, chủ động trong công tác thu hồi nợ, đối chiếu công nợ, không để phát sinh mới nợ khó đòi; hoàn thành nghĩa vụ thu nộp ngân sách theo đúng quy định.
Năm là, quản lý chặt chẽ hoạt động có thu và tổ chức thực hiện công tác kế toán đúng quy định.
Thực hiện kế hoạch thu nộp ngân sách, đảm bảo kịp thời, đúng chế độ; không hình thành các nguồn thu trái quy định. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các văn bản của Nhà nước, Bộ Quốc phòng về các hoạt động có thu và công tác quản lý, sử dụng đất vào mục đích quốc phòng.
Nâng cao chất lượng báo cáo tài chính hằng tháng và báo cáo tài chính năm, nhất là báo cáo tài chính tổng hợp của các đơn vị dự toán cấp 3. Thực hiện mở hệ thống tài khoản kế toán đúng quy định; phản ánh cập nhật số liệu kịp thời, trung thực; quản lý lưu trữ chứng từ, sổ sách khoa học. Ghi chép và hạch toán theo dõi tài sản cố định, tài sản công, vật tư hàng hóa kịp thời; chấp hành tốt các chế độ báo cáo, các quy định về kiểm soát chi của Kho bạc; hằng tháng duy trì việc đối chiếu với Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng, đảm bảo số liệu khớp đúng; các cơ quan, đơn vị đảm bảo an toàn tài chính.
Sáu là, đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng thực chất, hiệu quả; thực hiện tốt phong trào thi đua Ngành; đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện và công tác cải cách tài chính công.
Quán triệt và chấp hành nghiêm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Phòng chống tham nhũng. Đề xuất xây dựng sớm Chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2022 và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách bảo đảm cho các nhiệm vụ. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, nhất là thực hiện báo cáo kế hoạch sử dụng ngân sách tiết kiệm, đúng quy định. Tiếp tục duy trì phong trào thi đua “Xây dựng đơn vị quản lý tài chính tốt” gắn với phong trào Thi đua Quyết thắng của các cơ quan, đơn vị. Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên tài chính thuộc quyền. Tham mưu đổi mới nâng cao chất lượng tập huấn tại chức, chú trọng công tác cải cách tài chính công đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Chủ động làm tốt công tác chuẩn bị, bố trí thời gian ôn luyện và tham gia Hội thi Trưởng ban (phụ trách), kế toán trưởng, trợ lý tài chính giỏi cấp Tổng cục năm 2022 đạt kết quả cao.
Trên đây là một số giải pháp cơ bản trong thực hiện công tác tài chính năm 2022 trong Tổng cục. Quá trình thực hiện, Ngành Tài chính mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chỉ huy các cấp; sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị và các ngành; giúp cơ quan tài chính các cấp trong Tổng cục nắm vững và triển khai thực hiện tốt công tác tài chính, đúng pháp luật; góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị và Tổng cục vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đại tá Hà Duyên Năm, Trưởng phòng Tài chính/TCHC