Công tác loại khỏi biên chế và xử lý TSDT được triển khai đồng bộ, thống nhất, kịp thời loại khỏi biên chế, xử lý những trang bị tài sản không nằm trong quy hoạch, kế hoạch, nguy cơ cháy nổ mất an toàn, khắc phục tình trạng hư hỏng xuống cấp và nâng cao trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong quản lý, sử dụng tài sản. Nhìn chung, việc loại khỏi biên chế và xử lý TSDT thực hiện đúng danh mục, đối tượng, mục đích, tận thu cho nguồn thu ngân sách; báo cáo kết quả và kế hoạch loại khỏi biên chế, xử lý tài sản cơ bản đúng mẫu biểu, thời gian, đảm bảo chất lượng theo quy định.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện công tác này vẫn còn bộc lộ những hạn chế, như: Một số đơn vị chưa nắm chắc quy trình thực hiện, nội dung tờ trình, thành phần hồ sơ chưa đầy đủ, chi tiết, thiếu căn cứ pháp lý; việc lập kế hoạch, báo cáo kết quả loại khỏi biên chế và xử lý tài sản theo quy định còn chậm. Mặt khác, hiện nay công tác loại khỏi biên chế và xử lý TSDT thực hiện theo Thông tư số 126/2020/TT-BQP, Hướng dẫn số 2361/HD-HC của Tổng cục Hậu cần (TCHC) và Hướng dẫn số 3238/HD-DT của Cục Doanh trại có nhiều nội dung mới cần phải bổ sung, điều chỉnh. Vì vậy, trong bài viết này, chúng tôi đề cập một số nội dung cơ bản nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác loại khỏi biên chế và xử lý TSDT trong BQP.

Tài sản được loại khỏi biên chế là tài sản do ngành Doanh trại quản lý ở các cấp trong Quân đội, có thực trạng sử dụng quy định tại Điều 6 Thông tư số 126/2020/TT-BQP, gồm: Nhà (nhà làm việc, nhà ở, nhà công vụ, nhà ăn, nhà bếp, nhà kho, nhà xưởng… thuộc ngành Doanh trại quản lý); tài sản gắn liền với đất (các loại giếng, bể chứa, sân chơi; hệ thống điện, nước, phòng cháy chữa cháy; đường, tường rào và các tài sản khác gắn liền với đất); thiết bị vật tư hàng hóa (vật chất dự trữ SSCĐ, huấn luyện, doanh cụ, dụng cụ sinh hoạt…).

Tài sản ngành Doanh trại loại khỏi biên chế và xử lý được chia thành 2 nhóm, gồm: Nhóm 1 (các loại thiết bị, vật tư hàng hóa ngành Doanh trại dự trữ tại các kho của BQP và kho ngành Doanh trại theo phân cấp quản lý; nhà cấp I, cấp II; bể thép có dung tích từ 50 m3 trở lên); Nhóm 2: Toàn bộ các loại công trình, nhà, tài sản gắn liền với đất và thiết bị, vật tư hàng hóa còn lại không thuộc nhóm 1. Căn cứ chủ trương, chỉ đạo của BQP, kết quả kiểm kê nhà, đất TSDT thời điểm 00giờ00 ngày 01/01 hằng năm, kết quả kiểm tra đánh giá phân cấp chất lượng…; cơ quan Doanh trại các đơn vị trực thuộc BQP tổng hợp, lập kế hoạch đề xuất loại khỏi biên chế TSDT. Nội dung đề xuất loại khỏi biên chế, thực hiện theo Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 126/TT-BQP và Hướng dẫn số 2361/HD-HC của TCHC gồm: Danh mục, chủng loại, số lượng, tình trạng kỹ thuật, cấp chất lượng, tính đồng bộ, giá trị, địa điểm cất giữ, đề xuất phương thức xử lý, đơn vị tổ chức thực hiện, tiến độ, thời gian, dự kiến kết quả thu được.

Đối với công trình nhà, cần báo cáo rõ cấp nhà, số tầng, năm hoàn thành, diện tích xây dựng, diện tích sử dụng, kết cấu chính…, lý do đề nghị loại khỏi biên chế. Thẩm quyền loại khỏi biên chế: Bộ trưởng BQP quyết định loại khỏi biên chế tài sản nhóm 1; chỉ huy cơ quan, đơn vị trực thuộc BQP quyết định loại khỏi biên chế tài sản nhóm 2. Riêng phân cấp công trình nhà áp dụng trong công tác loại khỏi biên chế thực hiện theo Thông tư số 120/2015/TT-BQP ngày 30/10/2015, Bộ tổng danh mục vật tư, hàng hóa chủ yếu ban hành năm 2016 của BQP; Quy chuẩn số 03:2012/BXD của Bộ Xây dựng ban hành năm 2012. Căn cứ kế hoạch loại khỏi biên chế và xử lý tài sản đã được BQP phê duyệt, đơn vị thành lập đoàn phúc tra và lập kế hoạch phúc tra theo quý.

Các cơ quan quy định tại Khoản 1 Điều 10 Thông tư số 126/TT-BQP rà soát, đối chiếu với hồ sơ quản lý, hướng dẫn, điều lệ ngành cử cán bộ tham gia đoàn phúc tra; khi tiến hành phúc tra phải lập biên bản, nội dung biên bản phải ghi rõ các đề nghị, kiến nghị của đơn vị về số lượng, chủng loại, phương thức, kế hoạch xử lý, điều kiện bảo đảm, thời gian xử lý, vật phẩm có thể thu hồi sử dụng lại và phế liệu đề nghị bán sau xử lý. Căn cứ quy định, hướng dẫn nghiệp vụ, điều lệ ngành, chỉ huy cơ quan, đơn vị trực thuộc BQP chỉ đạo hội đồng xử lý tài sản và các cơ quan, đơn vị được giao cất giữ, quản lý, sử dụng tài sản phúc tra phân loại, đánh giá cấp chất lượng của tài sản, đề xuất loại khỏi biên chế, lập biên bản theo quy định. Trường hợp tài sản đề xuất loại khỏi biên chế và xử lý số lượng ít, phân tán tại nhiều nơi thì thành phần, phương thức phúc tra do chỉ huy cơ quan, đơn vị trực thuộc BQP quyết định và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng BQP. Thủ tục, quy trình, thời gian phúc tra, nhiệm vụ của đoàn phúc tra thực hiện theo Điều 9 Thông tư số 126/TT-BQP.

Cục Doanh trại là cơ quan chủ trì phối hợp thẩm định loại khỏi biên chế đối với các loại tài sản thuộc ngành Doanh trại quản lý. Đối với tài sản nhóm 1, cơ quan chủ trì thẩm định loại khỏi biên chế là Cục Kế hoạch và Đầu tư; đối với tài sản nhóm 2, cơ quan chủ trì thẩm định loại khỏi biên chế là cơ quan hậu cần đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ. Hồ sơ trình được lập, tổng hợp gửi 01 bộ về Cục Doanh trại, 01 bộ về TCHC, 01 bộ về Cục Kế hoạch và Đầu tư đối với tài sản thuộc nhóm 1; gửi 01 bộ về Cục Doanh trại đối với tài sản thuộc nhóm 2. Thành phần hồ sơ gồm có: Văn bản đề nghị loại khỏi biên chế và xử lý tài sản của cơ quan đơn vị trực thuộc BQP; biên bản phúc tra loại khỏi biên chế và xử lý tài sản do hậu cần đơn vị trực thuộc Bộ chủ trì phúc tra lập. Các tài liệu là căn cứ đề xuất, loại khỏi biên chế: chủ trương, chỉ đạo của BQP, kết quả kiểm tra đánh giá phân cấp chất lượng, đồng bộ tài sản. Riêng đối với loại khỏi biên chế nhà, tài sản gắn liền với đất để thực hiện dự án phải căn cứ vào quyết định phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng doanh trại, dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tài sản xử lý là toàn bộ tài sản doanh trại gồm nhà các loại, tài sản gắn liền với đất và thiết bị vật tư hàng hóa sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định loại khỏi biên chế. Thẩm quyền quyết định xử lý tài sản: nhóm 1 do BQP quyết định, nhóm 2 do chỉ huy cơ quan, đơn vị trực thuộc BQP quyết định (cấp ra quyết định loại khỏi biên chế đồng thời là cấp quyết định xử lý). Nội dung quyết định xử lý tài sản, gồm: Đơn vị được xử lý tài sản; danh mục chủng loại, ký mã hiệu, cấp chất lượng tài sản; số lượng, khối lượng, thời gian đưa vào sử dụng, nguyên giá và giá trị tài sản còn lại (nếu có); phương thức xử lý tài sản theo các quy định tại Điều 13, Thông tư số 126/TT-BQP; thời gian xử lý, quản lý tài chính, trách nhiệm tổ chức thực hiện…

Sau khi có quyết định loại khỏi biên chế và xử lý của cấp có thẩm quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ chỉ đạo cơ quan, đơn vị thuộc quyền thực hiện xử lý tài sản theo đúng quy định của BQP và giảm số lượng, giá trị tài sản trong hệ thống sổ sách quản lý Ngành. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định xử lý tài sản của cấp có thẩm quyền, chỉ huy cơ quan, đơn vị trực thuộc BQP có trách nhiệm phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện xử lý tài sản của đơn vị; tổ chức xử lý theo phương thức đã được phê duyệt tại quyết định xử lý tài sản và thực hiện chế độ quản lý tài chính sau khi xử lý tài sản, báo cáo kết quả về BQP và các cơ quan có liên quan. Thời gian thực hiện xử lý tài sản tối đa không quá 3 tháng, kể từ ngày nhận được quyết định xử lý. Đối với bán đấu giá tài sản doanh trại được tổ chức bán đấu giá là thiết bị, vật tư hàng hóa do cấp có thẩm quyền phê duyệt xử lý bằng hình thức bán đấu giá và vật liệu, vật phẩm thu hồi sau khi phá dỡ nhà, tài sản gắn liền với đất; việc tổ chức bán đấu giá tài sản thực hiện theo quy định tại các Điều từ 18 đến 41 Thông tư số 126/TT-BQP.

Mọi tài sản doanh trại đều có niên hạn sử dụng nhất định, ngành Doanh trại cần tổ chức chặt chẽ việc loại khỏi biên chế và xử lý kịp thời, chính xác các loại TSDT đã hết niên hạn sử dụng, qua đó đánh giá năng lực trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong quản lý và sử dụng, đồng thời rút kinh nghiệm trong quản lý chỉ đạo việc loại khỏi biên chế và xử lý TSDT, ngăn ngừa vi phạm trong quá trình thu hồi, xử lý… Do vậy, cơ quan Doanh trại đơn vị trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm trước cơ quan hậu cần đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ, TCHC, Cục Doanh trại trong thực hiện loại khỏi biên chế và xử lý TSDT. Hướng dẫn các đơn vị trực tiếp quản lý tài sản kiểm tra, phân loại, đánh giá chất lượng TSDT, thu gom tập trung đối với tài sản là doanh, dụng cụ sinh hoạt, trang thiết bị điện nước, máy các loại phân tán ở các đơn vị để thuận lợi cho quá trình phúc tra. Tham mưu, đề xuất với chỉ huy cơ quan, đơn vị trong thực hiện các quyết định loại khỏi biên chế và xử lý TSDT, thực hiện đúng phương thức xử lý theo quyết định. Trường hợp có các công trình nhà xuống cấp nghiêm trọng, sự cố có nguy cơ gây mất an toàn cho người và tài sản phải kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền biện pháp xử lý kịp thời, không để xảy ra mất an toàn và báo cáo theo quy định. Hiệp đồng với đơn vị trực tiếp quản lý tài sản để làm tốt công tác chuẩn bị phục vụ cho phúc tra và thống kê, tổng hợp ghi giảm số lượng, giá trị tài sản theo hệ thống sổ sách quản lý của Ngành.

Việc loại khỏi biên chế và xử lý TSDT phải được thực hiện chặt chẽ trên cơ sở phân cấp quản lý và phải tuân thủ trình tự, thủ tục, quy định của cấp trên. Cần đề phòng hiện tượng lợi dụng việc loại khỏi biên chế và xử lý TSDT để trục lợi, làm thiệt hại tài sản, công quỹ của đơn vị. Thực hiện công tác này có chất lượng, hiệu quả sẽ góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác hậu cần của cơ quan, đơn vị.

Đại tá, TS Phạm Phương Duy, Khoa Doanh trại Học viện Hậu cần