Diễn tập lần này có nhiều điểm mới về nội dung, phương pháp chỉ đạo, chỉ huy, điều hành, tổ chức thực hiện. Đặc biệt, Tỉnh đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin truyền dữ liệu hình ảnh hoạt động diễn tập từ các cơ quan, ngành, địa phương, lực lượng vũ trang (LLVT) về Sở Chỉ huy trung tâm, giúp Ban Chỉ đạo, đại biểu theo dõi, quan sát toàn cảnh hơn.

leftcenterrightdel

Đồng chí Trần Huy Tuấn, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong Diễn tập. Ảnh: ĐÌNH THẢO 

Với đề mục: “Chuyển LLVT vào các trạng thái SSCĐ; chuyển địa phương vào các trạng thái quốc phòng; tổ chức chuẩn bị và thực hành tác chiến phòng thủ”; nội dung diễn tập thực hiện theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, chuyển lực lượng vũ trang vào các trạng thái chiến đấu, chuyển địa phương vào các trạng thái quốc phòng; giai đoạn 2, tổ chức chuẩn bị tác chiến phòng thủ; giai đoạn 3, thực hành tác chiến phòng thủ.

Để chuẩn bị cho Diễn tập, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái chủ động ban hành Chỉ thị lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ diễn tập KVPT; thành lập Ban Chỉ đạo, cơ quan giúp việc Ban Chỉ đạo để chỉ đạo, triển khai và thực hiện thống nhất, đồng bộ nội dung từ cấp tỉnh đến cơ quan, ngành, đoàn thể, LLVT và các địa phương tham gia diễn tập. Trong đó, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng căn cứ chiến đấu (CCCĐ) giả định, một số hạng mục công trình kiên cố phục vụ diễn tập KVPT Tỉnh năm 2023 và những năm tiếp theo.

Đây cũng sẽ là những công trình phục vụ chương trình giáo dục quốc phòng, an ninh hằng năm cho các đối tượng, diễn tập KVPT các huyện, thị xã, thành phố của Tỉnh. Cùng với đó, Tỉnh đầu tư xây dựng bổ sung một số công trình phòng thủ trên địa bàn (trong đó có công trình hậu cần), góp phần củng cố thế trận hậu cần KVPT. Đối với các loại văn kiện hậu cần diễn tập của Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) Tỉnh và Ban CHQS cấp huyện được xây dựng theo mẫu quy định, đủ số lượng, kịp thời bổ sung, điều chỉnh nội dung phù hợp.

Phòng Hậu cần được Bộ CHQS tỉnh giao nhiệm vụ hướng dẫn các cơ quan, ngành của địa phương khối kinh tế (Sở Y tế, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...) xây dựng, hoàn chỉnh văn kiện diễn tập khối B; kiểm tra, thẩm định các loại văn kiện đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng tốt, nội dung sát với tình hình thực tế. Thành phần cán bộ tham gia diễn tập của các cơ quan, ngành địa phương 100% là cấp trưởng.

Hội đồng cung cấp (HĐCC) KVPT thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ tham mưu với Ủy ban nhân dân (UBND), Ban Chỉ đạo KVPT tỉnh về công tác bảo đảm quốc phòng của KVPT và diễn tập. HĐCC đề xuất bổ sung Giám đốc Công ty Viettel tỉnh Yên Bái vào thành phần diễn tập để tham mưu, đề xuất biện pháp bảo đảm công nghệ thông tin phục vụ diễn tập.

Tổ chức nhiều cuộc họp thống nhất với các cơ quan, ngành kinh tế địa phương việc tính toán chỉ tiêu trong từng trạng thái quốc phòng và bảo đảm cho chiến tranh; đề xuất chuyển đổi cơ cấu kinh tế, sản xuất kinh doanh, cơ cấu vật nuôi, cây trồng phục vụ nhu cầu chiến tranh; tính toán nhu cầu nhân lực, vật lực, điều chỉnh chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) của địa phương phù hợp với trạng thái quốc phòng và điều kiện chiến tranh.

Thông qua đó, các cơ quan, ngành và các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục hoàn chỉnh văn kiện, kế hoạch và tham mưu, đề xuất với UBND Tỉnh các nội dung, chỉ tiêu, biện pháp huy động kinh tế địa phương bảo đảm cho quốc phòng sát với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, HĐCC KVPT Tỉnh xây dựng kế hoạch bảo đảm hậu cần (BĐHC), kỹ thuật phục vụ diễn tập đảm bảo chặt chẽ, an toàn, tiết kiệm kinh phí, ngân sách, vật chất hậu cần…

Trong diễn tập vận hành cơ chế, khung diễn tập các cấp (kể cả khối quân sự và địa phương) thực hành đầy đủ nội dung, thể hiện rõ sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền, chức năng tham mưu của cơ quan, ngành, đoàn thể, nhất là cơ quan quân sự địa phương làm nòng cốt. Đặc biệt, các đồng chí lãnh đạo chủ trì của Tỉnh điều hành hội nghị sôi nổi, sát với thực tế trong các trạng thái quốc phòng và tình hình KT - XH của địa phương; vận dụng sáng tạo, linh hoạt, nhạy bén trong xử trí các tình huống. Các vai diễn vận dụng giải quyết tốt tình huống giả định trong diễn tập, đảm bảo đúng nguyên tắc.

Cơ quan, ngành, địa phương làm tốt chức năng tham mưu với Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh triển khai các biện pháp huy động mọi nguồn lực bảo đảm cho tác chiến phòng thủ. Trong các giai đoạn chuyển trạng thái SSCĐ, chuẩn bị và thực hành  tác  chiến  phòng  thủ,  cơ quan quân sự địa phương đề xuất biện pháp giải quyết tình huống liên quan đến công tác BĐHC phù hợp, có tính thuyết phục cao, sát với tình hình thực tế, như: Khắc phục tình trạng thiếu thuốc quân y trong điều kiện nguồn cung khan hiếm; một số tuyến đường cơ động bị sạt lở do mưa lũ hoặc bị địch đánh phá…

Bên cạnh việc thực hiện tốt các vai diễn, thực hiện nhiệm vụ Ban tổ chức giao, Bộ CHQS tỉnh chủ trì phối hợp với cơ quan liên quan (Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND Tỉnh, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương…) bảo đảm tốt công tác lễ tân, BĐHC, tài chính… cho tất cả các lực lượng trong suốt quá trình luyện tập, diễn tập…

Với sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, công tác phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa Bộ CHQS tỉnh và cơ quan, sở, ngành, đoàn thể, địa phương, các nội dung BĐHC trong diễn tập được điều hành nhịp nhàng, theo đúng  ý  định, kế hoạch xác định. Cuộc diễn tập KVPT tỉnhYên Bái được Ban Chỉ đạo diễn tập Quân khu 2 đánh giá hoàn thành xuất sắc mọi mặt, trong đó có công tác BĐHC.

Qua theo dõi các nội dung công tác hậu cần trong diễn tập, để xây dựng KVPT tỉnh Yên Bái ngày càng vững chắc, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, chúng tôi đề xuất một số nội dung sau:

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho LLVT, cơ quan, ngành, địa phương và các tầng lớp Nhân dân trong Tỉnh về đường lối chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, hậu cần nhân dân, hậu cần toàn dân.

Tập trung quán triệt sâu các văn bản pháp quy liên quan đến KVPT, trọng tâm là Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), Chỉ thị số 07-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XI), Kết luận số 64-KL/TW ngày 30-10-2019 của Bộ Chính trị Khóa XII; Luật Quốc phòng năm 2018; Nghị định số 21/2019/NĐ-CP ngày 22-2-2019 của Chính phủ về KVPT; Nghị định số 164/2018/NĐ-CP ngày 21-12-2018 của Chính phủ về kết hợp quốc phòng với KT - XH và KT - XH với quốc phòng; Nghị định số 02/2019/NĐ-CP của Chính phủ về phòng thủ dân sự; Nghị định số 168/2018/NĐ-CP của Chính phủ về công tác quốc phòng ở bộ, ngành Trung ương, địa phương... Đề nghị, trong chương trình giáo dục quốc phòng cho các đối tượng (nhất là đối tượng I, II), cần tăng thêm nội dung về xây dựng và hoạt động hậu cần KVPT; trách nhiệm của các cơ quan, ngành, địa phương, tổ chức, đoàn thể… về nội dung này.

Từng bước ban hành, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư trên địa bàn Tỉnh để phát triển KT - XH thời bình, là cơ sở để củng cố quốc phòng, an ninh, trong đó có hậu cần KVPT.

Tiếp tục xây dựng tiềm lực quốc phòng (có hậu cần), phát huy lợi thế sẵn có, ưu tiên phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, lưỡng dụng; thực hiện phân vùng, quy hoạch khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất gắn với quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng, thế trận quân sự KVPT gắn với xây dựng thế trận phòng thủ quân khu. Đầu tư phát triển các doanh nghiệp chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp (gỗ, chè, thủy sản, thực phẩm…), sản xuất vật liệu xây dựng (gạch, đá, xi măng…),  dịch vụ thương mại… phục vụ đời sống dân sinh, sẵn sàng chuyển đổi, huy động cho nhiệm vụ quốc phòng.

Về xây dựng các công trình hậu cần, những năm gần đây, tỉnh Yên Bái đã nỗ lực đầu tư xây dựng một số công trình trọng điểm phục vụ tác chiến KVPT. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu tác chiến KVPT và sử dụng lâu dài, kết hợp phát triển KT - XH, Tỉnh cần xây dựng quy hoạch, kế hoạch cụ thể, giao cho cơ quan quân sự phối hợp với địa phương quản lý. Hằng năm dành một phần ngân sách cho nhiệm vụ quốc phòng, quân sự để xây dựng công trình phòng thủ, trong đó có công trình hậu cần.

Căn cứ vào điều kiện ngân sách quốc phòng, từng bước triển khai xây dựng một số công trình, hạng mục công trình, ưu tiên xây dựng các công trình thiết yếu trong CCCĐ, CCHP, CCHC, kỹ thuật, xây dựng cơ sở sản xuất hậu cần đáp ứng nhu cầu đời sống dân sinh trong thời bình, sẵn sàng chuyển sang phục vụ thời chiến. Cần xác định lộ trình đầu tư xây dựng hợp lý, phù hợp với KT - XH của địa phương. Trong CCCĐ (giả định), cần tiếp tục đầu tư xây dựng một số công trình hậu cần (mô hình) như: Nhà ăn, trạm chế biến, kho hậu cần, trạm sửa chữa… để phục vụ diễn tập và tham quan học tập.

Thường xuyên quan tâm hoàn thiện cơ chế, chính sách về huy động nguồn lực hậu cần và đẩy mạnh các hoạt động hậu cần KVPT. Xây dựng, quản lý chặt chẽ lực lượng dự bị động viên hậu cần (nhất là chuyên ngành y tế và vận tải), phương tiện kỹ thuật. Hằng năm, thực hiện tốt kế hoạch huấn luyện dự bị động viên đảm bảo đủ chỉ tiêu về số lượng, đúng hoặc gần đúng chuyên nghiệp  quân sự; góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng SSCĐ của LLVT địa phương, trong đó có khả năng BĐHC cho các nhiệm vụ. Thường xuyên phối hợp, hiệp đồng với các đơn vị chủ lực của Quân khu 2, Phòng không - Không quân… đứng chân trên địa bàn để sẵn sàng chi viện khi cần thiết…

Tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan hậu cần - kỹ thuật Bộ CHQS tỉnh trong tham mưu, đề xuất xây dựng, hoạt động hậu cần KVPT. Bộ CHQS thường xuyên kiện toàn tổ chức biên chế cán bộ, nhân viên hậu cần, kỹ thuật đảm bảo tinh, gọn, mạnh, bố trí đúng chuyên môn; không ngừng nâng cao năng lực tổng hợp cho đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần, kỹ thuật có khả năng tham mưu đúng, trúng về công tác hậu cần, kỹ thuật KVPT. Thường xuyên kiện toàn các loại văn kiện hậu cần, kỹ thuật tác chiến (chiến đấu) KVPT của cơ quan quân sự và tiếp tục hướng dẫn cơ quan, ngành địa phương hoàn thiện kế hoạch bảo đảm nhu cầu quốc phòng năm đầu chiến tranh đảm bảo khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế...

Có thể khẳng định, cuộc diễn tập KVPT tỉnh Yên Bái năm 2023 thu được nhiều kết quả quan trọng, thực sự phát huy được cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, các cơ quan, ngành, đoàn thể làm tham mưu theo chức năng, trong đó cơ quan quân sự là nòng cốt. Đồng thời, đây là đợt kiểm tra, bồi dưỡng trình độ tổ chức chỉ huy, hiệp đồng, phối hợp giữa các lực lượng trong tham mưu xử trí, giải quyết các tình huống về quốc phòng, an ninh xảy ra trên địa bàn; kiểm tra trình độ, năng lực huấn luyện SSCĐ của LLVT tỉnh Yên Bái, góp phần nâng cao khả năng, năng lực tác chiến KVPT trong tình hình mới.

Thượng tá LƯƠNG ĐÌNH THẢO, Bộ Tham mưu Hậu cần