Sư đoàn bộ binh 309 có nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ và cơ động thực hiện các nhiệm vụ đột xuất cấp trên giao. Sư đoàn đóng quân trên địa hình có độ dốc lớn, đất chủ yếu là sỏi, đá, nguồn nước tưới khan hiếm, công tác tăng gia sản xuất (TGSX) gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, khu vực đóng quân có nhiều khu công nghiệp, mật độ dân cư đông, giá lương thực, thực phẩm, mặt hàng thiết yếu thường  xuyên biến động tăng cao.

Trước năm 2020, tỷ lệ tự túc các loại thực phẩm còn thấp, phải mua ngoài thị trường nhiều, với giá cao, khó kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn hằng ngày của bộ đội. Đơn vị còn một số công trình doanh trại xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp, tuy thường xuyên được củng cố, sửa chữa nhưng nơi ở, sinh hoạt, làm việc của bộ đội còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, những năm gần đây, trên địa bàn thường xuyên xảy ra dịch bệnh trên người và gia súc, gia cầm, ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe bộ đội.

Trước tình hình trên, Phòng Hậu cần (nay là Phòng Hậu cần-Kỹ thuật) tham mưu với Đảng ủy, Chỉ huy Sư đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện nhiều biện pháp nâng cao chất lượng bảo đảm đời sống bộ đội. Trong đó, tập trung thực hiện  đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng công tác TGSX, chế biến; củng cố, xây dựng cảnh quan môi trường doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp; nâng cao chất lượng quản lý, chăm sóc sức khỏe bộ đội.

leftcenterrightdel

Chỉ huy Phòng Hậu cần – Kỹ thuật Sư đoàn 309 kiểm tra khu chăn nuôi gà đẻ trứng của Trung đoàn 31. Ảnh: HOÀNG HIỀN

Để chủ động nguồn thực phẩm tại chỗ vững chắc cung cấp cho các bếp ăn, từ năm 2020, Sư  đoàn  tập  trung  điều  chỉnh quy hoạch hệ thống vườn, giàn, chuồng chăn nuôi, triển khai các mô hình TGSX, chế biến phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu, diện tích đất, quân số từng đơn vị. Theo đó, toàn Sư đoàn triển khai các mô hình chăn nuôi, trồng trọt ở cả 3 cấp: sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn và tương đương. Cấp Sư đoàn tổ chức khu TGSX tập trung, chăn nuôi bò theo phương pháp bán thả, nuôi thả cá quy mô vừa và trồng các loại cây ăn quả như chuối, đu đủ. Đối với Trung đoàn 31, quân số đông, tổ chức TGSX tập trung cấp trung đoàn, thực hiện nhiều mô hình chăn nuôi quy mô vừa như: nuôi lợn nái, lợn thịt theo phương pháp bán công nghiệp; nuôi gà đẻ trứng, gà thịt theo phương pháp công nghiệp; nuôi bò theo phương pháp bán thả; áp dụng khoa học kỹ thuật mới trong nuôi thả cá. Vườn rau khu TGSX tập trung trồng các loại rau cao cấp và cây leo giàn, cây lấy củ, quả để dự trữ tại các bếp ăn và điều tiết cho các trung đoàn còn lại trong thời gian huấn luyện dự bị động viên. Các tiểu đoàn, khối đại đội trực thuộc của Trung đoàn 31 tổ chức trồng rau ăn lá thời gian sinh trưởng ngắn, chăn nuôi lợn, thủy cầm, nuôi thả cá theo mô hình VAC gắn với bếp ăn. Các cơ quan, đơn vị còn lại tổ chức chăn nuôi lợn và trồng rau xanh phù hợp với điều kiện quân số, diện tích đất…

Điều đáng ghi nhận trong những năm qua là, các đơn vị trong toàn Sư đoàn thực hiện nhiều biện pháp huy động công sức bộ đội, trích nguồn thu TGSX tái đầu tư mở rộng, củng cố hạ tầng và ứng dụng kỹ thuật mới nâng cao hiệu quả chăn nuôi, trồng trọt. Từ năm 2020 đến nay, toàn Sư đoàn huy động hơn chục nghìn ngày công, trích nguồn thu TGSX gần 2 tỷ đồng để củng cố, làm mới vườn, giàn. Hiện nay, vườn  rau  của  các  đơn  vị  được phân lô, chia thửa, có đường nội đồng đổ bê tông chắc chắn. Để khắc phục tình trạng thiếu nước về mùa khô và úng ngập, rửa trôi đất màu vào mùa mưa, các đơn vị xây dựng kiên cố bể chứa nước và mương dẫn, thoát nước; đầu tư lắp đặt hệ thống  tưới  phun tự động, tưới nhỏ giọt cho gần 25.000m2 vườn rau.

Thực hiện trồng rau theo hướng an toàn, từ năm 2020, các đơn vị khai thác hàng nghìn tấn đất màu để cải tạo vườn. Cùng với đó, mỗi đại đội và tương đương xây dựng 1 bể có thể tích 7,5m3, tận dụng nguồn phân bò, chất thải chăn nuôi trong đơn vị và khai thác trên địa bàn để ủ phân hữu cơ vi sinh. Do vậy, mỗi năm, toàn Sư đoàn tự túc hơn 500 tấn phân hữu cơ hoai mục phục vụ chăm sóc cây trồng. Cùng với vườn rau thông thường, hằng năm, các đơn vị đầu tư mở rộng vườn rau trong nhà lưới và giàn cây leo, đến nay, toàn Sư đoàn có 45.000m2 vườn, giàn, trong đó có 15.000m2 vườn trong nhà lưới để trồng rau cao cấp, 12.500m2 giàn cây lấy quả chất lượng cao. Nhờ hạ tầng được đầu tư xây dựng cơ bản, cùng với áp dụng kỹ thuật mới trong canh tác, Sư đoàn luôn tự túc 100% nhu cầu rau xanh, giá thấp hơn thị trường 15 - 20%, trong đó, tỷ lệ rau cao cấp đạt hơn 60%, tăng 20% so với trước năm 2020.

Đối với chăn nuôi, trên cơ sở hệ thống chuồng được xây dựng từ trước, hằng năm, các đơn vị trích quỹ vốn, đầu tư củng cố, sửa chữa nền, mái chuồng nuôi. Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi và dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp, năm 2021, các đơn vị trong toàn Sư đoàn đầu tư trên 200 triệu đồng lắp đặt lưới chống ruồi muỗi, côn trùng để cách ly nguồn lây nhiễm dịch bệnh tại các chuồng nuôi lợn, gà. Cùng với đó, hằng năm, hệ thống ao nuôi cá được đơn vị cải tạo, nạo vét, vệ sinh khử trùng bằng vôi bột, củng cố bờ kè chắc chắn. Hiện nay, toàn Sư đoàn duy trì nuôi trên 400 lợn thịt, 30 con lợn nái; 2.000 con gà đẻ trứng, 2.000 con gà thịt, 1.500 con vịt thương phẩm; gần 100 con bò và trên 17ha ao, hồ nuôi thả cá.

Cùng với chăn nuôi, trồng trọt, những năm qua, Trạm chế biến của Sư đoàn đầu tư mua sắm nhiều trang thiết bị mới như: máy xay giò, chả cải tiến; máy ủ giá đỗ; máy làm đậu phụ; dụng cụ phục vụ giết mổ gia súc, gia  cầm… Để giúp nuôi quân giảm công việc sơ chế, năm 2020, Trạm đầu tư trang bị thiết bị, dụng cụ mổ cá, thực hiện nhập cá tươi từ khu TGSX của các đơn vị, tổ chức sơ chế trước khi cấp cho bếp ăn. Sư đoàn trích nguồn thu từ Trạm chế biến, đầu tư trang bị máy xay thịt, máy thái thịt, máy cắt xương cấp cho tất cả các đầu mối bếp để hỗ trợ nuôi quân chế biến, nấu ăn. Nhờ đẩy mạnh hoạt động TGSX, chế biến, Sư đoàn tự túc 80% nhu cầu thịt lợn, 100% nhu cầu giò, chả, 100% định lượng thịt gia cầm và 80% trứng gia cầm; 100% định lượng cá tươi với giá thấp hơn thị trường 10 - 15%.

Cùng với đột phá đẩy mạnh TGSX, chế biến, Sư đoàn thực hiện nhiều phương pháp, cách làm hiệu quả bảo  đảm  tốt  nơi ở, làm việc cho bộ đội. Với tinh thần “trên dưới cùng lo, cùng làm”, Sư đoàn kết hợp nguồn kinh phí trên cấp với phát huy tối đa nguồn nội lực để củng cố, sửa chữa nhà ở, xây dựng cảnh quan môi trường, sửa chữa thiết bị điện, nước. Các cơ quan, đơn vị bám sát nội dung, chỉ tiêu phong trào thi đua “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp”, trích quỹ vốn, huy động ngày công lao động của bộ đội để xây mới và sửa chữa một số công trình doanh trại. Tại mỗi tiểu đoàn, đại đội đều chọn những chiến sĩ khéo  tay để thành lập tổ mộc, xây, chăm sóc cây cảnh. Tranh thủ thời gian ngoài giờ huấn luyện, các đơn vị chủ động sơn sửa nhà cửa, củng cố biển, bảng, sửa chữa doanh cụ, điện, nước, chăm sóc bồn hoa, cây cảnh, công trình thanh niên…

Đặc biệt, thực hiện kế hoạch của Quân đoàn 4, đầu năm 2024, Phòng Hậu cần - Kỹ thuật tham mưu với Chỉ huy Sư đoàn tổ chức thành công Hội thi “Doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp” cấp sư đoàn. Thông qua Hội thi, các đơn vị trích quỹ hơn 1 tỷ đồng, huy động hơn 9.000 ngày công bộ đội để sửa chữa, quét mới sơn, ve các công trình doanh trại, củng cố khuôn viên khu nhà ở, nhà làm việc, sửa chữa doanh cụ, trang thiết bị điện, nước. Bằng nhiều cách làm hiệu quả, trong 5 năm qua, toàn Sư đoàn sửa chữa vừa và nhỏ được 7.600m2 nhà ở; quét sơn, ve hơn 45.000m2 tường nhà và các công trình; trồng, chăm sóc gần 9.000 m2 thảm cỏ, vườn hoa; xây dựng, củng cố 14 nhà chòi trong công viên văn hóa quân nhân của đơn vị…

Để nâng cao chất lượng công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe bộ đội, Ban Quân y chủ động hiệp đồng chặt chẽ với hệ thống y tế dự phòng của địa phương, giám sát chặt chẽ tình hình dịch, bệnh trên địa bàn. Thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo cơ quan, đơn vị thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch viêm màng não mô cầu, sốt xuất huyết, quai bị, đau mắt đỏ… Đặc biệt, năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, quân y Sư đoàn thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp rà soát, phân loại, cách ly, khử khuẩn… không để dịch lây lan vào đơn vị. Đối với lực lượng gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ tham gia giúp nhân dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương chống dịch, Sư đoàn làm tốt công tác quán triệt, giáo dục, tổ chức huấn luyện bổ sung kiến thức, kỹ năng phòng, chống lây lan dịch bệnh cho từng cá nhân; bảo đảm đủ vật chất, trang bị, vật tư y tế cho đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, đảm bảo an toàn.

Bên cạnh đó, công tác quản lý sức khỏe bộ đội, chế độ khám định kỳ  được  đơn  vị  thực  hiện chặt chẽ, nắm chắc tình trạng sức khỏe bộ đội, theo dõi, tư vấn đối với với các trường hợp bệnh nặng, mạn tính; đồng thời thực hiện  tốt  các  biện  pháp  phòng, chống say nắng, say nóng. Quá trình tổ chức huấn  luyện, đơn vị tăng dần mức độ rèn luyện, phù hợp với khả năng thích nghi của bộ đội, nhất là đối tượng chiến sĩ mới. Lực lượng quân y đại đội, tiểu đoàn luôn bám sát hoạt động huấn luyện ngoài thao trường. Quân y đơn vị chủ động nắm thông tin dự báo thời tiết, tham mưu với người chỉ huy điều chỉnh lịch huấn luyện, linh hoạt chuyển đổi các nội dung huấn luyện ngoài thao trường trong những ngày nắng nóng. Hằng năm, Ban Quân y Sư đoàn tổ chức tập huấn những kiến thức cơ bản, cách nhận biết các biểu hiện, cách dự phòng và kỹ thuật cấp cứu say nắng, say nóng cho bộ đội; nhân viên quân y đơn vị sử dụng thuần thục lều cấp cứu say nắng, say nóng; tổ chức huấn luyện, bồi  dưỡng, nâng cao trình độ tay nghề, năng lực khám chữa bệnh cho đội ngũ cán bộ, nhân viên quân y. Đầu năm 2024, Phòng Hậu cần - Kỹ thuật Sư đoàn chỉ đạo, tổ chức luyện tập cho lực lượng quân y Trung đoàn 31 tham gia kiểm tra Đội phẫu thuật cứu chữa bước đầu các trung đoàn bộ binh đủ quân của Quân đoàn, kết quả đạt loại Giỏi. Với những biện pháp đồng bộ, hiệu quả trong quản lý, chăm sóc sức khỏe bộ đội, từ năm 2020 đến nay, Sư đoàn không để xảy ra dịch bệnh trong đơn vị và mất an toàn do say nắng, say nóng; quân số khỏe luôn đạt trên 99%.

Với quyết tâm khắc phục khó khăn, quyết liệt trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, những năm qua, chất lượng đời sống bộ đội của Sư đoàn 309 có bước chuyển biến rõ rệt, góp phần cho các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thượng tá NGUYỄN TRƯỜNG CHUYÊN, Chủ nhiệm Hậu cần - Kỹ thuật Sư đoàn 309