Theo quy định của Bộ Quốc phòng, hằng ngày, các bếp ăn của Sư đoàn 312 tiêu thụ số lượng lớn thịt bò và trái cây. Những năm trước đây, tuy Sư đoàn đã phát triển mạnh tăng gia sản xuất, nhưng quy mô còn nhỏ và chủ yếu thực hiện phương pháp chăn nuôi, trồng trọt theo truyền thống nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu ăn uống của bộ đội, khai thác ngoài thị trường với giá thành cao, nguồn cung không ổn định. Để khắc phục tình trạng trên, cùng với việc duy trì, đẩy mạnh các mô hình chăn nuôi, trồng trọt tập trung hiện có, năm 2019 Sư đoàn chủ trương mở rộng quy mô chăn nuôi gia súc và trồng cây ăn quả.

Trên cơ sở kinh nghiệm tổ chức hoạt động tăng gia sản xuất, Phòng Hậu cần mời kỹ sư chăn nuôi, trồng trọt của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đến khảo sát tại khu tăng gia sản xuất tập trung của Sư đoàn và tham khảo kinh nghiệm một số cơ sở chăn nuôi gia súc, trồng cây ăn quả quy mô lớn, hiệu quả trên địa bàn đóng quân. Kết quả cho thấy, tại đây có thể trồng các loại chuối, ổi, cam, bưởi, đu đủ…, nhưng trồng chuối và ổi theo quy mô lớn là hợp lý nhất. Về chăn nuôi gia súc, có thể nuôi giống bò lai bằng phương pháp bán thả hoặc nuôi nhốt.

Phòng Hậu cần đề xuất và được Đảng ủy, Chỉ huy Sư đoàn nhất trí quy hoạch khu trồng chuối chuyên canh và trồng một số loại cây ăn quả khác kết hợp với chăn nuôi trâu, bò tập trung. Vì trồng chuối cho thu hoạch quanh năm, vừa cung cấp nguồn trái cây phục vụ bữa ăn hằng ngày của bộ đội, vừa tận dụng sản phẩm phụ làm thức ăn cho đàn trâu, bò, giúp giảm chi phí chăn nuôi. Ngược lại, chất thải từ trâu, bò là nguồn phân hữu cơ phục vụ trồng trọt. Với mô hình này, đơn vị đã phát huy lợi thế sẵn có, nâng cao khả năng tự bảo đảm, tạo nguồn thu và cải thiện đời sống bộ đội.

leftcenterrightdel
Bộ đội Sư đoàn 312 chăm sóc đàn bò thịt. Ảnh: CTV 

Trên diện tích đất trước đây trồng lúa, hoa màu hiệu quả kinh tế thấp, Sư đoàn trích quỹ 300 triệu đồng để san lấp mặt bằng, đào đắp hệ thống mương tưới tiêu, làm đường nội đồng, mua cây giống, phân bón… Chỉ sau thời gian ngắn, Sư đoàn đã quy hoạch và trồng được 8 ha chuối, trong đó có 4 ha chuối tây, thu hoạch vụ Hè - Thu và 4 ha chuối tiêu hồng, thu hoạch vụ Đông - Xuân. Hai giống chuối này do Học viện Nông nghiệp Việt Nam lai tạo bằng phương pháp nuôi cấy mô, có thời gian sinh trưởng ngắn, từ khi trồng đến thời điểm thu hoạch chỉ khoảng 11-12 tháng và thu hoạch liên tục trong 3 vụ mới phải trồng lại.

Toàn bộ quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch chuối được thực hiện chặt chẽ theo đúng kỹ thuật; tại đây còn xây bể rửa, kho giấm chuối để đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt. Sau hơn 11 tháng gieo trồng, vườn chuối đã cho thu hoạch với sản lượng và chất lượng cao. Ngoài trồng chuối, Sư đoàn còn trồng ổi, đu đủ... với tổng diện tích 1 ha nhằm đa dạng cây ăn quả phục vụ bộ đội.

Cùng với đó, Sư đoàn quy hoạch và xây dựng chuồng chăn nuôi trâu, bò tại khu tăng gia sản xuất tập trung để tổ chức chăn nuôi theo phương pháp bán thả kết hợp nuôi nhốt. Phòng Hậu cần đầu tư trên 2 tỷ đồng từ nguồn vốn vay tăng gia sản xuất và nguồn vốn huy động khác xây dựng trên 500 m2 chuồng, mua dụng cụ chăn nuôi, con giống...

Để tận thu sản phẩm chăn nuôi và đảm bảo vệ sinh môi trường, tại đây xây dựng thêm hệ thống thu gom, xử lý chất thải, có thể ủ được 300 tấn phân vi sinh/năm. Đối với con giống, Phòng Hậu cần mua 70 con trâu, 150 con bò (80 con bò lai 3B, 70 con bò vàng lai Sind, trong đó có 30 bò nái sinh sản, còn lại là bò thịt và bò con, được nuôi theo phương pháp bán thả). Bên cạnh đó, mua thêm 30 con bò lai 3B F1, được chăn nuôi theo phương pháp nuôi nhốt. Đây là giống bò lai giữa bò lai Sind và bò 3B, dễ thích nghi điều kiện môi trường, tăng trọng nhanh, chất lượng thịt tốt, hiệu quả kinh tế cao.

Về quy trình chăn nuôi được thực hiện chặt chẽ từ khâu chọn con giống (F1, F2 từ 4 đến 6 tháng tuổi); kiểm soát chế độ ăn uống; sản xuất thức ăn; vệ sinh khử trùng chuồng trại, tiêm phòng dịch bệnh theo định kỳ. Để bảo đảm thức ăn cho trâu, bò, ngoài việc tận thu sản phẩm phụ từ cây chuối sau thu hoạch, tổ tăng gia còn tận dụng đất trống, ven đường đi trồng cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn chất lượng cao cho gia súc. Thức ăn cho trâu, bò được phối trộn theo tỷ lệ 65% thân chuối hoặc cỏ xay nhỏ, 28% bã đậu, 6% cám tinh, ngoài ra còn bổ sung thêm muối khoáng…

Với quy trình chăm sóc trên cho thấy, chỉ tính riêng mỗi con bò giống lai 3B F1 khi bắt đầu nuôi thịt có trọng lượng khoảng 150-180 kg (từ 4-5 tháng tuổi), với chi phí mua giống khoảng 25 triệu/con, sau 15-18 tháng nuôi trọng lượng tăng lên 530- 600 kg (bình quân tăng trọng 25kg/tháng), thu lãi khoảng 10-12 triệu đồng/con. Sau 2 năm tổ chức chăn nuôi tập trung, đến nay, trừ số gia súc đã thu hoạch, tổng đàn trâu, bò tại khu tăng gia sản xuất tập trung luôn được duy trì nuôi trên 220 con, trong đó có 80 con bò 3B F1, F2 (30 con bò nái, 50 con bò thịt và bò con). Ngoài ra, hằng năm, tổ tăng gia còn thu hoạch trên 250 tấn phân hữu cơ phục vụ trồng trọt.

Với mô hình kết hợp chăn nuôi trâu, bò và trồng cây ăn quả tập trung, quy mô lớn, đến nay, khu tăng gia sản xuất tập trung của Sư đoàn cung ứng phần lớn nhu cầu thịt bò và trái cây phục vụ các bếp ăn trong toàn Sư đoàn, với giá rẻ hơn giá thị trường từ 10-15%. Đây là hướng chăn nuôi, trồng trọt sáng tạo vừa tạo nguồn thực phẩm tại chỗ, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Thiếu tá Hoàng Thanh Hiền

Học viện Hậu cần