Trở lại Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) lần này, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự thay đổi nhanh chóng ở khu tăng gia sản xuất (TGSX) tập trung của đơn vị. Bởi cách đây 5 năm, nơi này là một bãi đất hoang, chỉ toàn cỏ dại mọc. Nhưng đến nay, khu TGSX giống như một trang trại lớn, với hệ thống vườn, ao, chuồng, giàn được qui hoạch khá cơ bản, khoa học.
Dẫn chúng tôi tham quan khu chăn nuôi, Thượng tá Lê Bá Thành, Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn phấn khởi cho biết: “Từ năm 2014 đến nay, phong trào TGSX ở Sư đoàn đã có nhiều bước đột phá quan trọng, điển hình là các mô hình chăn nuôi lợn nái, bò nái theo phương pháp bán công nghiệp; nuôi giun quế và ương cá giống. Những mô hình chăn nuôi này tạo nên hướng đi mới trong TGSX ở Sư đoàn và mang lại hiệu quả kinh tế cao”. Tại khu chăn nuôi, chúng tôi thấy hàng trăm con lợn nái. Anh Thành giới thiệu: Đây là giống lợn nái Meishan được Sư đoàn nhân giống từ năm 2014. Giống lợn ngoại này mới được nhập và nuôi thành công tại nước ta. Lợn nái Meishan thuần chủng và lợn nái Meishan lai thế hệ F1 có ưu điểm chung là khả năng chống dịch bệnh và chịu rét tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết miền Bắc nước ta. Chi phí chăn nuôi thấp do đầu tư xây dựng chuồng trại không nhiều, ít phải dùng thuốc thú y... Giống lợn này có thể đẻ từ 13-15 con/lứa, tỷ lệ sống đạt 97%, khoảng cách giữa các lứa đẻ ngắn (có thể đẻ 2 lứa/năm). Trong 3 tháng mang thai, lợn nái Meishan thế hệ F1 có thể ăn cám công nghiệp trộn với thức ăn tận dụng, nên giảm 35% chi phí so với nuôi lợn nái ngoại. Đặc biệt, đơn vị có thể tự nhân giống lợn nái F1 bằng cách cho lợn nái Meishan thuần chủng với lợn đực ngoại Radrat (của Anh). Trong khi đó, lợn nái ngoại phải mua hoàn toàn không tự nhân giống được. Từ lợn nái F1 cho lai tiếp với lợn đực Duroc (Mỹ), tạo ra thế hệ F2 làm giống nuôi thương phẩm. Lợn F2 vẫn giữ được gen trội của bố mẹ, đó là có thể ăn thức ăn tận dụng, tỷ lệ nạc cao (đạt 65%) tương đương với lợn ngoại siêu nạc; quá trình nuôi lợn phát triển nhanh, trọng lượng cơ thể cao. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết thêm: Tại khu TGSX tập trung của Sư đoàn đang nuôi tổng số 210 con lợn nái, gồm 180 lợn Meishan F1 và 30 lợn nái Meishan thuần chủng, ngoài ra còn có hơn 60 lợn hậu bị F1. Với đàn lợn nái Meishan hiện nay, mỗi năm có thể cung cấp 5.000 lợn giống cho các đơn vị nuôi thương phẩm, đáp ứng 65% nhu cầu về giống, kết hợp với hơn 160 lợn nái ngoại đang nuôi tại các đơn vị đã bảo đảm 100% nhu cầu con giống cho toàn Sư đoàn. Từ thành công này, Sư đoàn tiếp tục nhân giống lợn nái Meishan, phấn đấu hết năm 2016 sẽ thay thế toàn bộ số lợn nái ngoại.
Chăm sóc đàn lợn nái Meishan mới đẻ.
Rời khu nuôi lợn nái, chúng tôi sang khu nuôi bò nái. Ở đây có đến gần 100 con bò nái giống to, trọng lượng mỗi con khoảng 550-600 kg, đang nuôi nhốt trong chuồng. Anh Thành kể: “Năm 2014, sau chuyến tham quan một số cơ sở chăn nuôi đại gia súc qui mô lớn ở Ba Vì, Sư đoàn đã quyết định mua giống bò lai Brahman này về làm bò nái. Giống bò này có nhiều ưu điểm nổi trội so với đàn bò nội hiện có ở đơn vị đó là phát triển nhanh, có khả năng phòng bệnh dịch tốt, trọng lượng bò thịt đạt tới 600 kg (cao hơn giống bò nội 250-300kg), thịt thơm, mềm, tỷ lệ nạc cao hơn so với giống bò nội”. Theo anh Thành, mục đích nuôi bò nái này là để nhân giống bò lai (F2) cung cấp cho các đơn vị nuôi thương phẩm thay thế con giống cũ. Để chăn nuôi thành công giống bò này, từ tháng 8/2014, Sư đoàn đã tiến hành ký biên bản thỏa thuận hợp tác với Viện Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc phát triển chăn nuôi đàn bò nái. Đồng thời, trồng 7 ha cỏ lai VA06 kết hợp với thu mua rơm, cây ngô (sau thu hoạch), lõi ngô ép, bột ngô... làm nguyên liệu sản xuất thức ăn cho đàn bò. Từ 25 con bò cái mua ban đầu (trong đó có 5 con bò cái Brahman thuần chủng và 20 bò cái lai Brahman thế hệ F1) đến nay, toàn Sư đoàn đã có 95 bò nái, trong đó có gần 40% con bò sắp đến kỳ sinh sản. Thời gian tới, Sư đoàn sẽ mở rộng diện tích trồng cỏ, ngô, sắn làm thức ăn cho bò và từng bước thay thế con giống nội bằng giống bò lai để nuôi thương phẩm.
Tham quan khu vực nuôi giun quế, chúng tôi thấy, Đại úy Đặng Duy An, Trợ lý Quân nhu Sư đoàn đang hướng dẫn bộ đội lấy phân giun từ các bể. Anh An cho biết: Với hơn 500 m2 nền nhà, chúng tôi chia thành các bể nhỏ với diện tích khoảng 10m2 để nuôi giun quế. Năm 2014, Sư đoàn đã nuôi thí điểm giun quế tại khu TGSX tập trung thấy có ưu điểm là giun phát triển nhanh, dễ nuôi, có thể làm thức ăn chăn nuôi. Vì giun quế là một loại thức ăn bổ dưỡng, có hàm lượng đạm trong cơ thể chiếm tới 70% trọng lượng khô, có thể bổ sung vào khẩu phần ăn cho đàn lợn, gà, ngan, vịt, cá… Trong khi đó, chi phí đầu tư nuôi giun không nhiều, thức ăn cho giun chủ yếu là phân trâu, bò, lợn, gà. Mục đích của Sư đoàn là nuôi giun quế làm nguyên liệu sản xuất thức ăn cho lợn, gà, cá. Thức ăn này giúp gia súc, gia cầm, cá sinh trưởng nhanh. Ngoài ra, phân giun quế còn là nguồn phân hữu cơ sạch, nhiều dinh dưỡng để phục vụ trồng rau sạch. Vì vậy chủ trương của đơn vị trong thời gian tới sẽ mở rộng qui mô”.
Cũng trong khu TGSX tập trung, chúng tôi còn được tham quan nơi sản xuất cá giống của Sư đoàn. Khu chuyên sản xuất cá giống gồm 2 khu vực riêng: khu trong nhà có diện tích 850m2 và ao nuôi ngoài trời rộng 800m2. Khu trong nhà gồm có 9 bể tròn, diện tích khoảng 50 m2/bể. Anh An kể lại: Từ năm 2013, lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn xác định lấy việc chăn nuôi cá làm mũi nhọn trong phát triển TGSX. Thực hiện chủ trương này, Phòng Hậu cần xác định ngoài việc mở rộng diện tích ao, thay đổi phương pháp nuôi thả cá còn thực hiện quyết tâm tự túc về con giống. Sau 3 năm học hỏi, làm thí điểm thành công, đến nay, Sư đoàn đã tự sản xuất được các loại cá giống, gồm: cá trắm, chép, trôi… đáp ứng 100% nhu cầu cá giống phục vụ các đơn vị nuôi thả cá. Đặc biệt, tại đây, Sư đoàn còn tự nuôi thành công một số loại cá đẻ “khó tính” như: chạch, trê lai, rô đồng…và ương nở, không chỉ cung cấp đủ cá giống cho nhu cầu đơn vị mà còn bán ra thị trường với số lượng lớn.
Rời khu chăn nuôi, chúng tôi tiếp tục tham quan khu chế biến thực phẩm và kho đông lạnh. Theo Thượng tá Lê Bá Thành: Với mục đích nâng cao chất lượng sản phẩm TGSX, quí II/2015, Sư đoàn đã đầu tư trên 300 triệu đồng để cải tạo khu nhà cũ thành trạm chế biến thực phẩm và mua một số máy móc, trang bị. Tại đây chế biến nhiều loại sản phẩm như: thịt bò viên, chả cá và cá cắt khúc... Để đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu cho trạm hoạt động, Ban Quân nhu Sư đoàn điều hành lịch thu hoạch cá, dứt điểm từng ao, sau đó vận chuyển cá về khu chế biến cá. Cá được làm sạch, loại bỏ nội tạng, đầu, cắt khúc (theo định lượng món ăn), đóng vào túi nilon, bảo quản ở chế độ lạnh đông. Đối với các loại cá rô phi, cá mè… được chế biến thành chả cá, dưới dạng chày hoặc viên, sau đó bảo quản lạnh. Hai loại sản phẩm này được trạm chế biến cấp cho đơn vị theo kế hoạch thực đơn (món cá kho, cá rán...) do Ban Quân nhu chỉ đạo, điều hành. Các sản phẩm phụ được chế biến thành nguyên liệu sản xuất thức ăn cho lợn, gà và cá. Với hình thức chế biến sản phẩm cá tập trung đã giúp đơn vị thu hoạch cá nhanh hơn, tiếp tục cải tạo ao nuôi lứa mới, tăng sản lượng trong năm. Đặc biệt, việc chế biến cá (cắt khúc) giúp công tác quản lý định lượng cá trong bữa ăn chặt chẽ hơn; đa dạng sản phẩm từ cá, nâng cao chất lượng bữa ăn và giảm công sức, thời gian nuôi quân trong khâu chế biến.
Sự đột phá trong chăn nuôi và chế biến thực phẩm đã góp phần thúc đẩy phong trào TGSX ở Sư đoàn ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu. Đây là một hướng đi mới, thể hiện tinh thần sáng tạo, tiên phong xây dựng mô hình mới, nâng cao hiệu quả TGSX của Sư đoàn.
Bài, ảnh: Trung tá LƯƠNG ĐÌNH THẢO