Do nhiệm vụ đa dạng, tính chất phức tạp, nguy hiểm, quân số phân tán, hoạt động dài ngày trên những địa bàn xa đơn vị, kinh tế địa phương phát triển chậm, giao thông chia cắt, dân cư thưa thớt; vì vậy, công tác bảo đảm hậu cần của Lữ đoàn Công binh 219 luôn gặp nhiều khó khăn. Nắm chắc thực trạng và nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, ý nghĩa tầm quan trọng của công tác hậu cần đối với nhiệm vụ đơn vị; trên cơ sở quán triệt nghị quyết, chỉ lệnh của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn về công tác hậu cần; hướng dẫn, chỉ đạo của các phòng nghiệp vụ và thủ trưởng Cục Hậu cần Quân đoàn; hằng năm, Đảng ủy Lữ đoàn và cấp ủy đảng các cấp đều có nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nâng cao chất lượng công tác hậu cần, đặc biệt là đối với các đơn vị làm nhiệm vụ xa doanh trại.

Để bảo đảm đúng, đủ định lượng bữa ăn hằng ngày của bộ đội; trên cơ sở Thông tư số 78/TT-BQP ngày 23/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và khung giá của Quân đoàn, Hội đồng giá của Lữ đoàn thường xuyên điều chỉnh giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm sát giá thị trường từng khu vực đơn vị đóng quân. Đồng thời phát huy tinh thần tự lực, tự cường của bộ đội, tận dụng triệt để điều kiện đất đai, ao hồ, cơ sở vật chất hiện có, tiến hành đầu tư nhân lực, vật lực cải tạo, làm mới vườn chuồng; xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, tổ chức chỉ đạo thực hiện chặt chẽ. Các mô hình tăng gia từng bước hoàn thiện, phát triển theo hướng bền vững, chất lượng, hiệu quả. Do các đơn vị đóng quân phân tán, xa đơn vị; có đơn vị xây dựng công trình ở vùng sâu trong thời gian dài nên Lữ đoàn luôn tập trung nâng cao trình độ, chất lượng khám, điều trị bệnh ở cả tuyến tiểu đoàn, lữ đoàn; bảo đảm đủ cơ số thuốc, trang bị y tế chất lượng tốt. Nơi ăn, ở, sinh hoạt của bộ đội tại các công trường được các cấp quan tâm đầu tư xây dựng, góp phần bảo đảm tốt đời sống bộ đội. Nhờ đó, các đơn vị thực hiện thi công các công trình xa doanh trại đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

leftcenterrightdel

                                                                    Quân y Lữ đoàn Công binh 219 khám bệnh định kỳ cho cán bộ, chiến sĩ. Ảnh: CTV                                   

Từ thực tiễn bảo đảm hậu cần cho các lực lượng làm nhiệm vụ xa doanh trại, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, thường xuyên làm tốt công tác giáo dục, quán triệt, giao nhiệm vụ cho lực lượng làm nhiệm vụ dã ngoại và tổ chức lực lượng hậu cần hợp lý, chặt chẽ, phù hợp với điều kiện đơn vị. Hằng năm, Đảng ủy Lữ đoàn và các chi bộ xây dựng Nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ dã ngoại và tổ chức quán triệt sâu rộng đến mọi cán bộ, đảng viên trong đơn vị và lực lượng làm nhiệm vụ xa doanh trại. Chỉ huy các cấp thành lập ban chỉ huy công trường và tổ chức giao nhiệm vụ cho các tổ, bộ phận chặt chẽ và nghiêm túc.

Do lực lượng hậu cần biên chế có hạn nhưng cùng lúc phải thực hiện nhiều nhiệm vụ ở xa đơn vị nên đơn vị đã sử dụng kết hợp giữa lực lượng hậu cần chuyên trách với xây dựng lực lượng hậu cần kiêm nhiệm để bảo đảm. Theo đó, bộ phận thi công đường hầm (thời gian thi công 2 - 3 năm); trong giai đoạn đầu, sử dụng lực lượng hậu cần chuyên trách gồm: 01 nhân viên quản lý bếp ăn công trường, 01 nhân viên điện nước, 01 y sĩ do đồng chí Phó Chủ nhiệm Hậu cần hoặc trợ lý quân nhu phụ trách, có nhiệm vụ vừa tổ chức bảo đảm hậu cần, vừa kết hợp đào tạo cho lực lượng là đội ngũ chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ tại công trường nắm được nội dung, yêu cầu và chuyên môn về công tác bảo đảm hậu cần. Sau đó rút dần lực lượng, chỉ để lại đồng chí nhân viên quản lý và y sĩ là lực lượng bảo đảm chính cho công trường, phụ trách chỉ đạo hậu cần do chỉ huy công trường đảm nhận.

Hai là, xác định phương thức và phân cấp bảo đảm hậu cần hợp lý. Do đóng quân những nơi vùng sâu, vùng xa, kinh tế - xã hội địa phương kém phát triển, đường giao thông khó khăn, dễ bị chia cắt bởi điều kiện tự nhiên và thời tiết xấu, các mặt hàng phục vụ sinh hoạt và ăn uống không phong phú và đa dạng… Chính vì vậy, xác định phương thức bảo đảm đưa từ khu đóng quân thường xuyên những loại vật chất, lương thực thực phẩm chính, thiết yếu lên các công trình có thể bảo quản và dự trữ được dài ngày là rất quan trọng. Ngoài các loại lương thực, thực phẩm chính, các sản phẩm tăng gia tại đơn vị như: bí xanh, bí ngô, khoai tây, su hào, bắp cải, các loại thực phẩm khô để vận chuyển bảo đảm cho ăn ở dã ngoại, Quân nhu Lữ đoàn luôn chủ động tạo nguồn hàng hóa tại các cơ sở có uy tín, gần công trình để giảm chi phí vận chuyển và giữ được chất lượng sản phẩm.

Ba là, làm tốt công tác bảo đảm đời sống bộ đội. Tuy còn gặp nhiều khó khăn trong tổ chức bếp ăn, song các đơn vị luôn bảo đảm 03 bữa ăn nóng, thường xuyên cải tiến chế biến món ăn để bộ đội ăn hết tiêu chuẩn. Cùng với tổ chức vận chuyển thực phẩm từ doanh trại lên, các đơn vị đã tận dụng diện tích đất trống và mượn đất của Nhân dân địa phương để trồng rau xanh (tự túc được 30 - 50% nhu cầu), làm đậu phụ, ngâm ủ giá đỗ ngay tại công trường. Tận dụng thức ăn thừa để chăn nuôi gia súc, gia cầm, cải thiện đời sống bộ đội (thường xuyên duy trì 4-5 người/đầu lợn, có thời điểm bảo đảm 100% nhu cầu thịt lợn).

Do điều kiện đóng quân xa các cơ sở y tế địa phương nên trước khi lên đường làm nhiệm vụ, Hậu cần Lữ đoàn phân công các đồng chí quân y sĩ có trình độ chuyên môn giỏi, có kinh nghiệm trong cấp cứu, điều trị đi cùng, mang theo các loại thuốc, vật tư, trang thiết bị quân y thiết yếu. Tổ chức huấn luyện cho bộ đội thành thạo các kỹ thuật cấp cứu cơ bản, cách sơ cứu, vận chuyển người bị thương, phòng chống say nắng, say nóng, cảm lạnh. Thực tế cho thấy, tại các khu vực làm nhiệm vụ xây dựng công trình quốc phòng, làm đường tuần tra biên giới ở Lạng Sơn (Trạm y tế xã gần nhất cách đơn vị 10 km, bệnh viện huyện gần nhất cách đơn vị 30km), các trường hợp say nắng, say nóng, đau ruột thừa, rắn cắn, sốt rét, tai nạn... đều được bộ đội, các y sĩ cấp cứu, chuyển tuyến kịp thời, bảo đảm an toàn tính mạng.

Để đảm bảo cho bộ đội làm nhiệm vụ dài ngày, Lữ đoàn đã tổ chức xây dựng lán trại đủ diện tích có hệ thống chống nóng vào mùa hè và gió lùa về mùa đông. Xây dựng đầy đủ các công trình vệ sinh, hố rác và xử lý rác thải, đảm bảo tốt vệ sinh môi trường. Tổ chức khoan giếng khai thác tầng nước ngầm, sử dụng hệ thống lọc nước công nghiệp công suất 2,5-3 m3/h, chất lượng nước sau lọc đạt tiêu chuẩn nước sử dụng trong sinh hoạt (theo tiêu chuẩn QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế); xây dựng các bể chứa nước mưa và tận dụng triệt để điều kiện tự nhiên để khai thác nguồn nước bảo đảm ăn uống, tắm giặt cho bộ đội. Hiệp đồng với chi nhánh điện lực xây dựng hệ thống lưới điện chắc chắn, cung cấp đủ điện sinh hoạt cho bộ đội và đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình sử dụng.

Bốn là, giải quyết tốt mối quan hệ với chính quyền và Nhân dân địa phương nơi thực hiện nhiệm vụ dã ngoại. Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị thường xuyên giáo dục, quán triệt bộ đội làm tốt công tác dân vận, tạo điều kiện tốt nhất để khai thác, tạo nguồn vật chất và bảo đảm hậu cần. Các đơn vị chủ động liên hệ cung cấp giống rau cho đồng bào gieo trồng, sau đó thu mua sản phẩm phục vụ bữa ăn bộ đội. Trong quá trình vận chuyển hàng, đơn vị còn liên hệ mượn ngựa của dân để thồ lương thực, thực phẩm khi gặp thời tiết xấu mà các phương tiện khác không vận chuyển được. Quân y luôn bám nắm lực lượng y tế thôn bản nắm chắc tình hình dịch bệnh trên địa bàn để có biện pháp phòng chống dịch kịp thời. Đồng thời chủ động liên hệ với các trung tâm y tế trong thu dung, cấp cứu và điều trị, bảo đảm sức khỏe bộ đội trong lao động và quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Những kết quả và kinh nghiệm trong công tác hậu cần bảo đảm cho các đơn vị làm nhiệm vụ xa doanh trại thời gian qua là tiền đề, cơ sở để Lữ đoàn tiếp tục phát huy, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.

Thượng tá, TS LÊ VIỆT THẮNG; Thiếu tá LÊ QUÝ ĐÔN (Lữ đoàn Công binh 219)