Đại dịch đã ảnh hưởng, tác động lớn đến công tác quân sự, quốc phòng nói chung, công tác bảo đảm hậu cần nói riêng. Cùng với tập trung tổ chức các lực lượng tham gia ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh và bảo đảm hậu cần cho phòng chống dịch (PCD), Quân khu phải tiến hành dồn dịch doanh trại, đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, cách ly y tế tập trung; triển khai thành lập các bệnh viện dã chiến để thu dung, điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2. Công tác tạo nguồn vật chất hậu cần gặp nhiều khó khăn, nhất là trong khu vực thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16 của Chính phủ. Công tác nuôi dưỡng, bảo đảm sinh hoạt cho bộ đội phải điều chỉnh gắn với điều chỉnh kế hoạch huấn luyện, học tập, công tác; thực hiện giãn cách để tránh nguy cơ lây nhiễm; triển khai bảo đảm cho các đối tượng cách ly y tế tập trung tại các cơ sở do Quân đội quản lý. Đặc biệt, Ngành Quân y phải tập trung lực lượng, trang bị, phương tiện, vật tư y tế, thuốc, hóa chất... cho nhiệm vụ phòng, chống dịch (PCD) trong thời gian dài, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của đội ngũ y, bác sĩ cũng như chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe bộ đội...

leftcenterrightdel
Quân khu 9 sử dụng các phương tiện vận tải hỗ trợ Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phòng, chống dịch Covid-19.Ảnh: Quang Đức 

Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai quyết liệt các biện pháp PCD, bảo đảm tốt quân số khỏe sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Đảng ủy Quân khu đã kịp thời ban hành Nghị quyết lãnh đạo chuyên đề, Tư lệnh Quân khu ra Chỉ thị số 125/CT-BTL ngày 02/02/2020 về PCD. Quân khu đã thành lập Ban Chỉ đạo PCD ở các cấp; xây dựng, triển khai Kế hoạch số 158/KH-BCĐ ngày 06/02/2020, Kế hoạch số 425/KH-BTL ngày 19/3/2020 (giai đoạn 2), Kế hoạch số 694/KH-BTL ngày 03/4/2020 về việc tiếp nhận, cách ly y tế tại các đơn vị thuộc Quân khu. Bên cạnh đó, chỉ đạo bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố, đơn vị trực thuộc tiến hành kiểm tra, củng cố doanh trại, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, cơ sở, vật chất tại các địa điểm tiếp nhận người nhập cảnh vào địa bàn Quân khu; xây dựng phương án điều chuyển, thay thế, hỗ trợ lực lượng, phương tiện, vật chất phục vụ công tác PCD. Triển khai kế hoạch vận chuyển công dân về các điểm cách ly cũng như vận chuyển công dân bàn giao về địa phương sau cách ly, đảm bảo an toàn.

Trước khi làn sóng dịch lần thứ 4 xảy ra, thực hiện chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, để chủ động ứng phó kịp thời với các tình huống đột xuất, Cục Hậu cần cùng các cơ quan chức năng của Quân khu rà soát, chuẩn bị 37 điểm cách ly tập trung trên địa bàn, đủ khả năng tiếp nhận 4.671 người (đường hàng không 11 điểm; đường bộ, đường biển 08 điểm; 18 điểm sẵn sàng tiếp nhận cách ly công dân, quân nhân khi dịch bệnh diễn biến phức tạp). Thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo PCD các cấp, các tổ, đội quân y cơ động, tổ xét nghiệm, tổ tiêm vắc-xin và tiến hành tiêm vắc-xin theo kế hoạch. Đến nay, toàn Quân khu đã hoàn thành tiêm vắc-xin cho 99,96% quân số, trong đó tiêm đủ 2 mũi trên 99,7%.

Đặc biệt, từ đầu năm 2021 đến nay, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi cả nước, nhất là tại các tỉnh, thành phố phía Nam, Quân khu tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo PCD các cấp, hướng dẫn của Bộ Y tế, Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) và các quy định của địa phương nơi đóng quân về công tác PCD. Kịp thời hỗ trợ lực lượng, phương tiện cho các địa phương phát hiện, ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ nông, thủy sản... Quân khu cũng đã điều động lực lượng thường trực với hơn 2.508 cán bộ, chiến sĩ, gần 7.944 dân quân tự vệ tham gia phối hợp làm nhiệm vụ PCD tại các tổ, chốt, điểm cách ly, khu vực phong tỏa, đảm bảo an ninh trật tự, hỗ trợ lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm (256.705 mẫu), tiêm chủng (66.285 mũi), kiểm soát dịch trên địa bàn; chỉ đạo Lữ đoàn 962 phối hợp với các lực lượng chức năng địa phương và Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang, Đồng Tháp thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn việc xuất, nhập cảnh trái phép và PCD. Bên cạnh đó, Quân khu tổ chức 37 đoàn công tác thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ gia đình chính sách, hộ nghèo, dân tộc, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, các chốt kiểm dịch trên địa bàn và số cán bộ, nhân viên, chiến sĩ bị nhiễm Covid-19, Bệnh viện dã chiến số 6, 6B trên địa bàn Quân khu và các bệnh viện dã chiến, quân dân trên địa bàn Quân khu 7. Đồng thời sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện tăng cường cho Thành phố Hồ Chí Minh theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng. Tổ chức khảo sát nguồn cung ứng của các doanh nghiệp trên địa bàn, khả năng khai thác, tạo nguồn lương thực, thực phẩm, sẵn sàng phương án huy động hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 277.000 tấn gạo, 65.000 tấn thủy hải sản, 4.600 tấn thịt lợn, 5.600 tấn thịt gia cầm; 42 triệu quả trứng và 38.000 tấn rau, củ, quả nếu chuỗi cung ứng mất khả năng bảo đảm.

Cùng với các biện pháp trên, Quân khu đã chỉ đạo các đơn vị tích cực tổ chức xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc Covid-19 trong cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các trường hợp không có biểu hiện, triệu chứng lâm sàng để nhanh chóng triển khai các biện pháp kiểm soát, khoanh vùng, dập dịch, không để dịch lây lan trên diện rộng. Các bệnh viện, bệnh xá quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm hướng dẫn của Bộ Y tế, Cục Quân y; tổ chức tốt phân luồng trong khám, điều trị, bố trí khu vực cách ly; chuẩn bị thuốc, vật tư y tế... sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19; trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cho cán bộ, nhân viên y tế, không để lây nhiễm chéo. Các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm các kíp trực PCD 24/24, phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương theo dõi, giám sát, nắm chắc tình hình dịch. Triển khai các tổ tiêm cơ động giúp đỡ các địa phương thực hiện chiến dịch tiêm chủng. Đầu tư nâng cấp, cải tạo, lắp đặt thiết bị hoàn chỉnh Kho bảo quản vắc-xin tại Xưởng Dược/Cục Hậu cần phục vụ công tác tiếp nhận, bảo quản, áp tải vận chuyển vắc-xin Covid-19 cho các đơn vị, địa phương theo kế hoạch. Bảo đảm đủ lực lượng, phương tiện, vật tư, trang bị, đáp ứng yêu cầu tiếp nhận và tổ chức cách ly công dân...

Bên cạnh việc triển khai thực hiện các biện pháp PCD, toàn Ngành Hậu cần duy trì nghiêm các chế độ SSCĐ; bảo đảm an toàn kho, trạm hậu cần; chuẩn bị tốt lực lượng, vật chất, phương tiện hậu cần sẵn sàng bảo đảm kịp thời cho các nhiệm vụ. Chỉ đạo các đơn vị tích cực đẩy mạnh tăng gia sản xuất, chế biến, tái đàn lợn, chuyển đổi vật nuôi, trồng rau ngắn ngày... để tự túc nguồn thực phẩm sạch, an toàn. Chủ động phân cấp, khai thác tạo nguồn lương thực thực phẩm tại chỗ đúng quy định; bảo đảm tốt đời sống, sinh hoạt cho các đối tượng. Tổ chức tiếp phẩm tập trung chặt chẽ ở các đầu mối bếp ăn, khu cách ly và gia đình quân nhân; thực hiện nghiêm các biện pháp PCD trong hoạt động tiếp phẩm. Hiện nay, tất cả các khu nhà ở tập thể và khu gia đình quân nhân thuộc Quân khu đều thực hiện tiếp phẩm tập trung do cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý và thực hiện...

Từ kết quả thực hiện nhiệm vụ PCD thời gian qua, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, phát huy tốt vai trò của cấp ủy, người chỉ huy các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình diễn biến dịch bệnh. Nhận định, đánh giá, dự báo trước khả năng diễn biến của dịch bệnh. Tích cực làm tốt công tác chuẩn bị, chỉ đạo thống nhất các đơn vị từ xây dựng kế hoạch đến quá trình triển khai thực hiện kế hoạch.

Hai là, phát huy vai trò làm tham mưu của lực lượng chuyên môn. Tích cực, chủ động tuyên truyền bằng nhiều hình thức giúp cán bộ, chiến sĩ hiểu về dịch để chủ động PCD, không lơ là chủ quan cũng như hoang mang, dao động trước diễn biến của dịch bệnh.

Ba là, thực hiện tốt công tác quản lý quân số, sức khỏe bộ đội. Triển khai cách ly các trường hợp nghi ngờ đúng quy định. Thường xuyên kiểm tra, uốn nắn kịp thời những hạn chế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Bốn là, phát huy phương châm “Bốn tại chỗ” trong PCD. Tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng địa phương một cách nhịp nhàng, đồng bộ, đặc biệt là sự kết hợp quân dân y nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp về nhân lực, vật lực, bảo đảm đầy đủ, kịp thời mọi mặt về hậu cần cho nhiệm vụ PCD…

Có thể nói, đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Quân khu 9 đã cơ bản ổn định, tuy nhiên vẫn còn có địa phương chưa kiểm soát triệt để, ý thức của một bộ phận người dân còn thấp, nguy cơ dịch tái bùng phát lan là rất cao. Vì vậy, thời gian tới, lực lượng vũ trang Quân khu nói chung, ngành Hậu cần nói riêng tiếp tục nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động nắm chắc tình hình, dự báo các tình huống có thể xảy ra, khắc phục mọi khó khăn, vừa làm tốt nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, vừa làm tốt nhiệm vụ PCD và giúp đỡ các địa phương PCD hiệu quả, cùng cả nước đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh Covid-19, góp phần tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trên trận tuyến mới.

Tính đến 20/11/2021, các cơ quan, đơn vị bằng nhiều hình thức đã hỗ trợ về tài chính, vật chất, LTTP... cho Nhân dân trên địa bàn trị giá khoảng 124,410 tỷ đồng, trong đó kinh phí của Bộ Tư lệnh Quân khu là 10,748 tỷ; giúp Nhân dân giải cứu nông sản trị giá khoảng 3,087 tỷ đồng; các tổ chức, cá nhân hỗ trợ về tài chính, vật chất, LTTP, vật tư y tế... cho Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trị giá khoảng 50 tỷ đồng. Lực lượng vũ trang Quân khu huy động 4011 cán bộ, chiến sỹ; 1.931 dân quân và sử dụng 313 chuyến xe hỗ trợ vận chuyển 1095 tấn thực phẩm; 546 tấn gạo; 209 tấn lúa; 71 tấn trái cây cho các địa phương và giúp Nhân dân thu hoạch 78 ha nông sản, 23 ha lúa…

Đại tá ĐẶNG VĂN HIẾU, Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu