Không chỉ đem lại chất lượng thịt thơm ngon, hiệu quả chăn nuôi cao (gấp 1,5-1,8 lần so với chăn nuôi thông thường), việc chăn nuôi lợn hữu cơ còn giúp hạn chế tối đa dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nó cũng yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe...
Chuồng trại, trang thiết bị
Chuồng nuôi phải đạt khoảng cách an toàn với đối tượng chịu ảnh hưởng của hoạt động chăn nuôi và từ nguồn gây ô nhiễm đến khu vực chăn nuôi; đảm bảo thoáng mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông, có sự tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng tự nhiên. Các công trình phụ (kho chứa thức ăn, thuốc thú y, dụng cụ chăn nuôi, khu nuôi cách ly, khu xử lý chất thải) phải được bố trí riêng biệt với chuồng nuôi, có nơi để chứa, ủ phân, chất thải rắn, có hố để xử lý chất thải lỏng đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường. Trang thiết bị, dụng cụ thường dùng phải dễ dàng làm sạch, khử trùng để ngăn ngừa ô nhiễm chéo và sự tích tụ các sinh vật truyền bệnh. Mật độ nuôi trong chuồng cần đảm bảo cho lợn đủ không gian đứng, nằm dễ dàng, quay tròn, tự liếm lông và chấp nhận mọi tư thế tự nhiên và sự vận động của cơ thể và nuôi riêng từng lứa lợn trong từng ô, chuồng. Nên làm chuồng cách xa khu dân cư và đường giao thông để tránh tiếng ồn, có tường rào chắc chắn. Khu nuôi dưỡng cần rộng rãi, xung quanh trồng nhiều cây xanh để tạo hàng rào sinh thái.
Chọn giống
Lợn giống phải được sinh đẻ từ các đơn vị chăn nuôi theo tiêu chuẩn hữu cơ hoặc phải là con của các cặp bố mẹ được nuôi dưỡng theo tiêu chuẩn hữu cơ. Giống phải có nguồn gốc rõ ràng, mua tại cơ sở sản xuất uy tín, chất lượng, được phòng bệnh tốt, đặc biệt phải tuân thủ lịch sử dụng vắc-xin phòng bệnh. Quá trình vận chuyển giống theo quy định của cơ quan thú y. Trường hợp lợn mới mua về phải nuôi cách ly ở khu vực riêng tối thiểu 14 ngày trước khi nhập đàn.
|
|
Chăn nuôi lợn thịt tại Tiểu đoàn 11, Sư đoàn 361, Quân chủng PK-KQ. Ảnh: CTV. |
Thức ăn, nước uống
100% thức ăn hàng ngày (tính theo chất khô) được sản xuất theo phương pháp hữu cơ hoặc tối thiểu 80% từ các nguồn cung cấp được sản xuất theo phương pháp hữu cơ. Cơ sở chăn nuôi phải tự cung cấp tối thiểu 50% lượng thức ăn chăn nuôi (tính theo chất khô), bao gồm cả thức ăn từ tự nhiên hoặc thức ăn được liên kết sản xuất với cơ sở sản xuất hữu cơ khác trong khu vực.
Thức ăn, nước uống không chứa các sinh vật biến đổi gen; không có thuốc kháng sinh hóa học tổng hợp, không có chất kích thích tăng trưởng hoặc kích thích sinh sản; không có thức ăn gốc động vật (trừ cá, các động vật biển). Thức ăn chăn nuôi gốc khoáng, các nguyên tố vi lượng, vitamin, provitamin có thể chỉ được dùng nếu chúng có nguồn gốc tự nhiên. Khẩu phần thức ăn cụ thể cần tính đến nhu cầu về thức ăn thô, thức ăn tươi hoặc khô hoặc thức ăn ủ chua. Nước uống hằng ngày đảm bảo theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ sinh nước dùng trong chăn nuôi (Quy chuẩn QCVN 01-39:2000/BNNPTNT).
Phòng bệnh
Việc dùng các sản phẩm thuốc thú y cần tuân theo các nguyên tắc: Không dùng thuốc thú y hóa học hoặc thuốc kháng sinh trong điều trị phòng bệnh. Chỉ sử dụng kháng sinh thảo dược (khổ sâm cho lá, nhọ nồi, phèn đen, búp ổi, rau ngót, rau khoai lang), kháng sinh tự nhiên (tỏi) để phòng bệnh. Có thể sử dụng các loại cỏ sữa, rẻ quạt... phơi khô, nghiền thành bột hoặc giã nhỏ hoặc sắc lấy nước, trộn vào thức ăn, nước uống cho lợn ăn, uống hằng ngày. Trường hợp sử dụng sản phẩm thảo dược không đạt hiệu quả thì có thể dùng thuốc kháng sinh, thuốc thú y tổng hợp do cán bộ thú y chỉ định với thời gian thải hồi gấp đôi hướng dẫn của nhà sản xuất, tối thiểu là 48 giờ. Tuy nhiên, cần cách ly lợn bị bệnh và khi xuất bán không được gắn nhãn mác sản phẩm hữu cơ.
Bên cạnh đó, cần thường xuyên phát quang cây cỏ xung quanh chuồng nuôi, quét, dọn, thu gom phân rác, chất độn chuồng để chôn, ủ vôi bột hoặc sử dụng bể biogas để xử lý phân và nước thải. Bố trí hố sát trùng có chứa vôi bột hoặc thuốc sát trùng tại lối vào khu vực chăn nuôi. Định kỳ tuần/lần thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi. Không được đốt rác thải hoặc xử lý rác thải chăn nuôi bằng phương pháp không hữu cơ, ngoại trừ phải đốt xác vật nuôi để kiểm soát dịch bệnh. Hằng ngày, cho lợn vận động ngoài trời để tăng miễn dịch tự nhiên.
Ghi chép, lưu giữ hồ sơ
Từng chuồng nuôi phải ghi chép đầy đủ nhật ký sản xuất, quy trình phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, phải thể hiện được: Số lượng lợn nhập vào, bán ra; giấy chứng nhận nguồn gốc lợn; tình trạng sức khoẻ, dịch bệnh trên đàn lợn và nguyên nhân; tất cả các kết quả kiểm tra, xét nghiệm của phòng thí nghiệm; tình hình sử dụng thức ăn chăn nuôi, hóa chất, vắc- xin và sử dụng thuốc điều trị bệnh. Sổ ghi chép phải được lưu lại ít nhất 01 năm kể từ ngày đàn lợn được bán hay chuyển đi nơi khác hoặc lâu hơn nếu có yêu cầu của khách hàng hoặc cơ quan quản lý. Khi xuất chuồng, ghi chép rõ thời gian, người mua, nơi lợn chuyển đến và lưu giữ hồ sơ cho từng lứa lợn trong từng chuồng. Trường hợp phát hiện lợn bị bệnh, phải cách ly và ngừng xuất chuồng. Nếu đã bán, phải thông báo ngay tới người mua, đồng thời tiến hành điều tra nguyên nhân gây bệnh và thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm bệnh, có hồ sơ ghi chép nguyên nhân gây bệnh và biện pháp xử lý.
Thượng tá Bùi Huy Lê, Phó trưởng Phòng Sản xuất/Cục Quân nhu; Thiếu tá Phạm Tuấn Nam, Học viện Hậu cần