“…Tháng 10-1953, tôi được các anh Phạm Tiếp, Trần Ngọc Bảy chỉ huy Tổng kho quân dược (Kho A) ở Chiến khu Việt Bắc phân công đi áp tải 4 xe thuốc từ Phân kho 3 ở Bằng Luân lên Điện Biên Phủ. Xe chạy qua Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La, vượt đèo Pha Đin để lên Tuần Giáo. Do đường mới được sửa chữa, mở rộng nên xe chạy khá nhanh. Dọc đường đi, đoàn xe thường bị máy bay địch thay nhau đánh phá. Khi tới bản Be, Gia Phù, thì đoàn xe phải dừng lại hơn nửa tháng vì tắc đường do bom nổ chậm chưa kịp khai thông.

Cho đến đầu tháng 12-1953, đoàn xe chở thuốc mới tới Tuần Giáo. Tôi được gặp bộ phận tiền trạm gồm các anh Nguyễn Gác, Nguyễn Xuân Cung, Lê Đình Hưng, Phạm Văn Tín cũng vừa đến nơi, để tổ chức Phân kho 7 tại Km 62. Lúc này, tôi mới biết ta đang chuẩn bị mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại Phân kho 7, tôi làm nhiệm vụ bảo quản thuốc và bông băng cùng với nhiều chủng loại vật tư y tế.

leftcenterrightdel

Các chiến sĩ quân y luôn luôn bám sát trận địa, cứu chữa kịp thời cho bộ đội bị thương. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng quân y đã cứu chữa cho hơn 10.000 lượt thương binh, gần 4.500 bệnh binh. Ảnh tư liệu TTXVN 

Đầu tháng 1-1954, khi được tin quân Pháp tháo chạy khỏi Luân Châu, thị xã Lai Châu và Phong Thổ, để tập trung lực lượng tại Điện Biên Phủ, tôi và anh Trần Văn Thung được anh Nguyễn Gác - Phân kho phó Phân kho 7 cử lên Phong Thổ, để tiếp nhận và chuyển số thuốc chiến lợi phẩm do địch bỏ lại, đang được Quân y Trung đoàn 148 bảo quản. Nhiệm vụ của chúng tôi là sau 1 tháng phải đưa được số thuốc này về Tuần Giáo.

Con đường từ Tuần Giáo lên Lai Châu lúc đó mới chỉ được các đơn vị của Đại đoàn 316 phát quang những cành cây rậm rạp, để truy kích địch rút chạy khỏi thị xã Lai Châu nên không chỉ hoang vu, rậm rạp, hiểm trở, rất ít người qua lại, mà còn có nhiều đèo cao, dốc đứng, suối sâu và thường xuyên bị những toán thổ phỉ và tàn quân của địch phục kích, bắt cóc.

Chúng tôi được biết khoảng 10 ngày trước, một tổ văn công của Trung đoàn 148 đi phục vụ bộ đội đã bị bọn phỉ ẩn náu trong rừng sâu xông ra chặn đường. Lũ thổ phỉ đói khát lấy hết đồ đạc của anh chị em văn công, bắn chết tất cả diễn viên nam, rồi bắt cóc 3 diễn viên nữ vào rừng để hãm hiếp. Tin dữ này làm cho chúng tôi có chút băn khoăn, lo lắng; nhưng ở thời điểm đó, do khí thế của bộ đội rất hăng hái, cộng với sự nhiệt tình cách mạng của lứa tuổi trẻ, chúng tôi không ngại khó khăn, hy sinh, vui vẻ lên đường.

Từ Tuần Giáo, mới đi được quãng đường ngắn, chúng tôi đã phải trèo qua nhiều triền núi cao, dốc đứng, vượt nhiều suối sâu trong những cánh rừng già âm u, hoang vắng. Thỉnh thoảng lại thấy những xác lính Pháp còn đầy đủ ba lô, súng đạn, đồ hộp, chết gục ở ven rừng. Đi được vài ngày, tôi đã thấy chồn chân, mỏi gối. Nhưng vì nhiệm vụ được giao, nên chúng tôi động viên nhau cùng cố gắng, tiếp tục đi trên con đường nhỏ chỉ đủ cho xe ngựa thồ đi, gập ghềnh đá tai mèo, cheo leo trên sườn núi. Cứ ngày đi, đêm nghỉ lại ven rừng. Phải mất gần nửa tháng chúng tôi mới tới thị xã Lai Châu.

Vậy là quãng đường đầu tiên đã vượt qua an toàn. Nhưng muốn đến Phong Thổ, phải đi tiếp 3 ngày nữa để tới Sìn Hồ, rồi từ Sìn Hồ lại đi thêm 5 ngày nữa mới tới Phong Thổ. Rất may mắn cho chúng tôi, khi đi được 2 ngày đường thì gặp một tổ quân y của Trung đoàn 148 đang trên đường lên Phong Thổ để phục vụ số thương bệnh binh chưa thể chuyển ngay về Lai Châu. anh em quân y Trung đoàn 148 hoạt động ở Tây Bắc nhiều năm, nên có nhiều kinh nghiệm trong công tác dân vận, lại rất thông thạo địa hình, nên trên đường đi rất vui vẻ.

Tới Phong Thổ, chúng tôi được dược sĩ Nguyễn Ứng Thạch và dược sĩ Lê Lượng - Phụ trách Dược của Trung đoàn 148 giúp đỡ, đã thu gom được tất cả thuốc, bông băng, dụng cụ, hóa chất còn để rải rác ở nhiều địa điểm. Ngoài số thuốc để lại cho quân y Trung đoàn 148, chúng tôi thu lượm được gần 800kg, gồm thuốc (chủ yếu là thuốc sốt rét, thuốc chiến thương và kháng sinh), bông băng và một số dụng cụ thông thường, đóng thành 20 bao để chuyển về Tuần Giáo.

Có được số thuốc chiến lợi phẩm, nhưng để chuyển về tới Tuần Giáo cũng không phải dễ, vì trước hết phải cần 20 người khiêng vác, gùi thồ và phải đi khoảng 10 ngày mới về tới Tuần Giáo. Tôi và anh Trần Văn Thung rất lo lắng, suy tính, trăn trở: Phải làm thế nào để có được 20 dân công vận chuyển thuốc và làm cách gì để bảo đảm an toàn trên đường về. Tôi biết lúc này Phân kho 7 đang thiếu thuốc phục vụ thương bệnh binh các đơn vị kéo pháo và các đơn vị bộ binh đang củng cố trận địa để thực hiện phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh”.

Chúng tôi biết dược sĩ Đặng Hanh Khôi - Phụ trách công tác Dược trong Ban Quân y Chiến dịch cũng đang mong chờ chúng tôi từng ngày, khiến chúng tôi càng sốt ruột, lúc nào cũng như ngồi trên chảo lửa. Nhưng rồi, trong cái khó đã ló ra cái khôn. Chúng tôi nhờ anh Nguyễn Ứng Thạch bàn với cơ quan Quân y và Hậu cần Trung đoàn 148 tìm cách tháo gỡ khó khăn. Thật may mắn, anh Trần Sơn - Phụ trách Hậu cần rất nhiệt tình giúp chúng tôi, khi biết số thuốc này đang rất cần để phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Anh đã liên hệ với địa phương, được chính quyền giúp 4 chiếc thuyền độc mộc, cùng với 4 người dân thành thạo nghề sông nước; Trung đoàn 148 còn cử 2 chiến sĩ đi theo bảo vệ. Chúng tôi vô cùng mừng rỡ.

Khi mọi việc chuẩn bị đã hoàn tất, buổi chiều một ngày cuối tháng 1-1954, tôi và anh Trần Văn Thung cùng 4 chiếc thuyền độc mộc theo dòng sông Nậm Na xuôi về Pà Tần. Đoạn sông từ Phong Thổ về Pà Tần dài khoảng 30km, nước chảy rất xiết, có nhiều bãi  đá  ngầm rất nguy hiểm. Những người dân thường xuyên đi về trên sông Nậm Na cho biết có tới 15 bãi đá ngầm. Nếu không may thuyền va vào đá ngầm và không vững tay lái, thì thuyền rất dễ bị lật, có thể gây chết người. Chúng tôi ngồi trên một thuyền độc mộc đi đầu tiên.

Phải thừa nhận những tay chèo ở vùng này rất điêu luyện. Con thuyền độc mộc nhỏ nhoi, tròng trành trên dòng nước chảy xiết cứ lao đi vùn vụt, lúc nghiêng sang phải, lúc ghé sang trái, luồn lách theo dòng chảy ngoằn nghoèo giữa hai vách núi đá khá hẹp. Mỗi khi sắp tới chỗ có bãi đá ngầm, người chèo thuyền nhắc chúng tôi bình tĩnh, ngồi yên, không được di chuyển vì dễ gây lật thuyền.

Về tới Pà Tần, chúng tôi lại nhờ anh Chí Dũng - Cán bộ hậu cần Trung đoàn 148 liên hệ với chính quyền địa phương cho mượn 6 con ngựa khỏe chuyên thồ hàng, để chuyển thuốc về thị xã Lai Châu. Đoạn đường từ Pà Tần về Lai Châu tuy không quá xa, chỉ khoảng 20km, nhưng người và ngựa phải đi ròng rã 3 ngày, vượt  qua  nhiều đèo dốc, nhiều vách núi có đá tai mèo lởm chởm, sắc như dao cạo. Có những lúc chúng tôi đi trên đoạn đường rừng hoang vu vừa bị bọn phỉ phục kích, vì mùi thuốc súng vẫn còn khét lẹt. Người và ngựa cứ đi, mặc cho bọn phỉ có thể bất thần xông ra cướp hàng, dù bị đá tai mèo cứa rách giày, bàn chân bị phồng rộp, đau điếng mỗi khi vấp phải những thân dây leo nằm ngang đường.

Tới thị xã Lai Châu coi như đã về tới đơn vị, vì đoạn đường này đã được công binh sửa chữa, mở rộng để xe ô tô chở gạo từ Lai Châu về Tuần Giáo. Thật may, đại đội ô tô do anh Từ Văn Hải phụ trách vừa lên Lai Châu nhận gạo, đang chuẩn bị quay về Tuần Giáo. Biết chúng tôi mang thuốc từ Phong Thổ về, anh Từ Văn Hải vui vẻ nhận chở hết 20 bao hàng quân y.

Về tới Phân kho 7, chúng tôi thấy các anh Nguyễn Gác, Nguyễn Xuân Cung cùng với dược sĩ Đặng Hanh Khôi đã chờ sẵn. Không còn niềm vui nào lớn hơn lúc đó, vì Phân kho 7 có thêm gần 800kg thuốc và bông băng. Những mặt hàng này sẽ kịp thời chuyển đến các cơ sở điều trị tại mặt trận, để cứu chữa cho thương bệnh binh, góp phần khắc phục một phần tình trạng thiếu thuốc đang phổ biến ở quân y các đơn vị trước khi Chiến dịch Điện Biên Phủ nổ súng.

Bác sĩ NGUYỄN NGỌC BÍCH, nguyên cán bộ Cục Quân y

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.