Quân đoàn 12 được thành lập trên cơ sở tiếp nhận các đơn vị thuộc Quân đoàn 1 (gồm: Sư đoàn bộ binh 312, 390 Sư đoàn bộ binh cơ giới 308, Trường Quân sự, Lữ đoàn Pháo binh 368, Lữ đoàn Pháo phòng không 241, Lữ đoàn Công binh 299, cơ quan Quân đoàn bộ, các đơn vị trực thuộc), Quân đoàn 2 (gồm: Sư đoàn bộ binh 325, Lữ đoàn Pháo binh 164, Lữ đoàn Pháo phòng không 673, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203, Trường Quân sự, cơ quan Quân đoàn bộ, các đơn vị trực thuộc) và Phân viện quân y 5/Bệnh viện quân y 7 (Cục Hậu cần Quân khu 3).

Để thực hiện tốt công tác bàn giao, tiếp nhận tài sản doanh trại, đất quốc phòng (TSDT, ĐQP) theo đúng kế hoạch, trước khi giải thể, cơ quan doanh trại các cấp của Quân đoàn 1 và 2 đã chuẩn bị chu đáo hồ sơ, kiểm kê vật chất, TSDT, ĐQP đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định. Đối với Quân đoàn 12, ngay sau khi thành lập, nhanh chóng ổn định tổ chức, khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị hồ sơ bàn giao, tiếp nhận. Quá trình thực hiện bàn giao, tiếp nhận TSDT, ĐQP, Quân đoàn thường xuyên nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và sự giúp đỡ của các cơ quan nghiệp vụ, chức năng cấp trên. Tuy nhiên, Quân đoàn cũng gặp nhiều khó khăn như: Các đơn vị đóng quân trên nhiều tỉnh, địa bàn khác nhau, khối lượng vật chất, trang bị hậu cần, kỹ thuật, ĐQP lớn, hồ sơ, văn bản quản lý, bàn giao nhiều.

leftcenterrightdel

 Khuôn viên doanh trại Lữ đoàn Pháo Phòng không 241, Quân đoàn 12. Ảnh: PV

Mặt khác, thời gian Quân đoàn  1,  Quân  đoàn 2 thực hiện giải thể diễn ra vào dịp cuối năm, cùng thời điểm với việc sáp nhập 02 cơ quan hậu cần, kỹ thuật Quân đoàn thành cơ  quan  hậu  cần-kỹ  thuật. Do vậy, Cục Hậu cần-Kỹ thuật Quân đoàn 12 cùng lúc vừa chỉ đạo, tổ chức bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ vừa chỉ đạo tổ chức bàn giao, tiếp nhận các chuyên ngành hậu cần. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Phòng Doanh trại chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, trường làm tốt công tác chuẩn bị bàn giao, tiếp nhận theo đúng quy định. Trong đó, tổ chức bàn giao nguyên trạng, tiếp nhận tổng số 209 cơ sở doanh trại (trong đó Quân đoàn 1 gồm 116 cơ sở, Quân đoàn 2 gồm 91 cơ sở, Phân viện quân y 5 gồm 02 cơ sở), với tổng diện tích ĐQP 31.966.247m². Cùng với đó, Quân đoàn tổ chức bàn giao, tiếp nhận các loại vật chất dự trữ phục vụ nhiệm vụ SSCĐ, đột xuất; tài sản, vật chất doanh trại thường xuyên tại các đơn vị và các kho. Mặc dù còn  gặp  nhiều  khó  khăn,  khối lượng công việc nhiều, yêu cầu khẩn trương, song, Quân đoàn 12 hoàn thành tốt việc bàn giao TSDT, tiếp nhận ĐQP theo đúng kế hoạch đề ra. Thông qua việc thực hiện bàn giao, tiếp nhận, Phòng Doanh trại Quân đoàn 12 rút ra một số kinh nghiệm sau:

Trước hết, cấp ủy, chỉ huy các cấp quán triệt sâu sắc nhiệm vụ bàn giao, tiếp nhận TSDT, ĐQP, xác định đây là công việc rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến công tác bảo đảm doanh trại sau này của đơn vị. Phát huy chức năng tham mưu, đề xuất của các cơ quan, đơn vị, trong  đó lấy cơ quan doanh trại các cấp làm nòng cốt trong thực hiện chức năng tham mưu và chỉ đạo, hướng  dẫn  cơ  quan  liên  quan, đơn vị thuộc quyền làm tốt công tác chuẩn bị phục vụ bàn giao, tiếp nhận. Do khối lượng công việc nhiều, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan doanh trại thực hiện tốt công tác chuẩn bị hồ sơ, vật chất, tài sản doanh trại (số lượng, chất lượng); hồ sơ, thực trạng ĐQP do đơn vị đang quản lý.

Về công tác chuẩn bị bàn giao, Phòng Doanh trại chủ động đề xuất với Chỉ huy Cục Hậu cần để tham mưu với Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác phối hợp giữa bên giao, bên nhận. Trong đó bên giao chủ trì xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, thống nhất nội dung, mẫu biểu bàn giao từ sớm để các cơ quan, đơn vị có thời gian chuẩn bị, kiểm kê thực tế, chốt số liệu bàn giao. Các nội dung công tác chuẩn bị gồm: Tổng hợp các thủ tục pháp lý về ĐQP và TSDT; xác định ranh giới, mốc giới, diện tích đất bàn giao tại thực địa; kiểm kê số lượng, xác định giá trị từng loại tài sản bàn giao và phân định rõ nguồn vốn hình thành. Thu thập đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan đến tài sản bàn giao; lập biên bản bàn giao theo quy định, ghi chép đầy đủ, chính xác số lượng, giá trị tài sản và kèm theo các loại tài liệu liên quan đến tài sản bàn giao; thống nhất thời gian, địa điểm tổ chức bàn giao. Chủ động báo cáo với Cục Doanh trại để nhận sự chỉ đạo, hướng dẫn và chứng kiến bàn giao theo đúng kế hoạch, tiến độ.

Đối với công tác tổ chức bàn giao, tiếp nhận, trên cơ sở hồ sơ chuẩn bị trước, bên giao, nhận tiến hành thông qua biên bản kiểm kê số lượng và xác định giá trị tài sản, các loại hồ sơ tài liệu liên quan đến bàn giao; lập và thông qua biên bản bàn giao. Quá trình bàn giao đặc biệt chú ý các nội dung: Đối với ĐQP, phải thống nhất số liệu giữa các cơ quan liên quan (doanh trại, tác chiến, tài chính…); chú ý phân chia số cơ sở doanh trại, số lượng, diện tích các điểm ĐQP chưa có đủ hồ sơ pháp lý, đang bị tranh chấp, lấn chiếm, cấp chồng. Riêng việc bàn giao mốc giới ngoài thực địa phải có đại diện của cơ quan chức năng địa phương chứng kiến, xác nhận. Bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các loại hồ sơ pháp lý khác phải đảm bảo chặt chẽ, cụ thể, tỉ mỉ. Trong biên bản bàn giao phải thể hiện rõ các thông tin cơ bản như số sê-ri, thời gian cấp, cơ quan cấp, chất lượng thực tế của các loại hồ sơ pháp lý. Đối với TSDT, phải khớp số liệu giữa sổ sách theo dõi và thực tế kiểm kê; phân cấp đánh giá chính xác chất lượng tài sản để phục vụ công tác quản lý, mua sắm tạo nguồn và thanh xử lý sau này.

Về những công việc phải giải quyết sau khi bàn giao, tiếp nhận: Kịp thời tham mưu với Đảng ủy, chỉ huy các cấp ban hành chỉ thị, quy chế, quy định, hướng dẫn về công tác doanh trại và kiện toàn các ban chỉ đạo liên quan. Xây dựng các loại văn kiện doanh trại SSCĐ,  thường  xuyên  theo  quy định. Thực tế vừa qua, sau khi hoàn thành bàn giao, tiếp nhận, Phòng Doanh trại Quân đoàn 12 kịp thời tham mưu với chỉ huy Cục Hậu cần - Kỹ thuật để tham mưu với Thường vụ Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân đoàn ban hành các chỉ thị, quy chế, quy định, hướng dẫn về công tác doanh trại và kiện toàn các ban chỉ đạo có liên quan. Tổng hợp các dự án đang triển khai và mở mới năm 2024 trình các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng đề nghị thay đổi tên dự án, chủ đầu tư phù hợp với phiên hiệu Quân đoàn 12 đảm bảo pháp lý, đưa công tác doanh trại trở về hoạt động bình thường. Chủ  động tổ chức kiểm tra, nắm tình hình thực tế công tác doanh trại các cơ quan, đơn vị trong toàn Quân đoàn.

Đối với các đơn vị thành lập mới, có sự thay đổi tổ chức biên chế, trước mắt tận dụng các công trình doanh trại hiện có để cải tạo, sửa chữa; tổ chức dồn dịch chỗ ở, điều chuyển các loại vật chất doanh trại, nhanh chóng ổn định nơi ăn ở, sinh hoạt, làm việc cho bộ đội. Phòng Doanh trại làm tốt chức năng tham mưu với chỉ huy các cấp để báo cáo, đề xuất với Thủ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án cấp bách bảo đảm doanh trại cho các đơn vị thành lập mới và tăng thêm tổ chức biên chế. Phối hợp với cơ quan chức năng địa phương rà soát, tổng hợp báo cáo Bộ Quốc phòng nhu cầu kinh phí cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đơn vị theo phiên hiệu mới.

Sau khi điều chỉnh tổ chức biên chế, một số đơn vị thuộc Quân đoàn 12 tăng thêm quân số theo tổ chức biên chế mới, nhưng hiện nay doanh trại chưa được đầu tư xây dựng cơ bản, đồng bộ, bước đầu ảnh hưởng đến nơi ăn, ở, sinh hoạt, làm việc của bội đội. Đề nghị Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và các cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư xây dựng mới cơ sở doanh trại, bổ sung doanh cụ, dụng cụ phục vụ sinh hoạt, làm việc cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của các đơn vị mới thành lập, thay đổi tổ chức biên chế. Để cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo tổ chức biên chế phù hợp với phiên hiệu đơn  vị mới  cần  phải  phối hợp, làm việc với nhiều cơ quan, ngành địa phương, do đó đề nghị cơ quan nghiệp vụ cấp trên và Thủ  trưởng  Bộ  Quốc  phòng ưu tiên bảo đảm, bổ sung kinh phí cho nhiệm vụ trên để Quân đoàn 12 sớm hoàn thành thủ tục hồ sơ đảm bảo hợp pháp.

Công tác bàn giao, tiếp nhận TSDT, ĐQP là nhiệm vụ rất quan trọng, nhiều công việc diễn ra cùng thời điểm, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội. Do vậy, cơ quan doanh trại các cấp phải nắm chắc nhiệm vụ, kịp thời tham mưu, đề xuất với chỉ huy cơ quan hậu cần để tham mưu với Đảng ủy, chỉ huy đơn vị làm tốt công tác chuẩn bị tiến hành bàn giao, tiếp nhận TSDT, ĐQP đảm bảo đúng nguyên tắc, thủ tục quy định, nhanh chóng bảo đảm doanh trại cho đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ SSCĐ, huấn luyện và đột xuất trong mọi tình huống.

Đại tá LÊ VĂN ĐỊNH, Trưởng phòng Doanh trại/Cục HC-KT/QĐ12