Tại Điều 36 Luật Sĩ quan quy định: Sĩ quan được nghỉ hưu, khi đủ điều kiện theo quy định bảo hiểm xã hội (BHXH) của Nhà nước; hoặc trong trường hợp Quân đội không còn nhu cầu bố trí sĩ quan hoặc không chuyển ngành được, nếu nam sĩ quan có đủ 25 năm và nữ sĩ quan có đủ 20 năm phục vụ trong Quân đội trở lên thì được nghỉ hưu.

Tại khoản 1 Điều 22 Luật QNCN, công nhân và viên chức quốc phòng quy định: QNCN được nghỉ hưu, khi thuộc một trong 3 trường hợp sau đây: Hết hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất (cấp uý QNCN: nam 52 tuổi, nữ 52 tuổi; thiếu tá, trung tá QNCN: nam 54 tuổi, nữ 54 tuổi; thượng tá QNCN: nam 56 tuổi, nữ 55 tuổi) và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên. Nam QNCN có đủ 25 năm, nữ QNCN có đủ 20 năm phục vụ trong Quân đội trở lên do thay đổi tổ chức biên chế mà Quân đội không còn nhu cầu bố trí sử dụng. Chiến đấu viên thực hiện nhiệm vụ khi đủ 40 tuổi thì được ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng và được bố trí đảm nhiệm chức danh khác phù hợp với yêu cầu của Quân đội hoặc được chuyển ngành. Trường hợp Quân đội không thể tiếp tục bố trí sử dụng và không thể chuyển ngành được nếu có đủ 20 năm đóng BHXH, trong đó có đủ 15 năm là chiến đấu viên thì được nghỉ hưu.

*Thời hạn giải quyết hồ sơ hưởng chế độ hưu trí ở các cấp trong Bộ Quốc phòng được quy định như thế nào?

Theo khoản  1 và khoản 3  Điều 30 Thông tư  số 136/2020/TT-BQP ngày 29/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (BQP) hướng dẫn về hồ sơ, quy trình và trách nhiệm giải quyết hưởng các chế độ BHXH trong BQP quy định thời hạn giải quyết hồ sơ hưởng chế độ hưu trí ở các cấp như sau: Trong thời hạn 10 ngày đối với cấp trung đoàn và tương đương, 10 ngày đối với cấp sư đoàn và tương đương, 10 ngày đối với cấp đơn vị trực thuộc Bộ. Kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ hưởng chế độ hưu trí hằng tháng, cơ quan nhân sự hoàn chỉnh hồ sơ gửi BHXH BQP. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, BHXH BQP hoàn thành việc ra quyết định hưởng chế độ hưu trí hằng tháng đối với người lao động.Thời hạn trao hồ sơ nghỉ hưu đến người lao động trước thời điểm nhận lương hưu tối thiểu là 15 ngày (đơn vị hoàn chỉnh hồ sơ, gửi BHXH BQP trước thời điểm người lao động nhận lương hưu tối thiểu là 60 ngày). Trường hợp hồ sơ không được giải quyết thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thông báo cho người lao động biết bằng văn bản và nêu rõ lý do.

*Quy định về thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) có giá trị sử dụng nối tiếp và thời gian tham gia BHYT liên tục của người tham gia BHYT thuộc phạm vi quản lý của BQP?

Theo khoản 2 Điều 7 Thông tư số 143/2020/TT-BQP ngày 08/12/2020 của Bộ trưởng BQP hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của BQP quy định: Tham gia BHYT liên tục kể từ lần thứ hai trở đi thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng nối tiếp với ngày hết hạn của thẻ lần trước. Thời gian tham gia BHYT liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp với ngày hết hạn của thẻ lần trước; trường hợp gián đoạn tối đa không quá 03 tháng.

*Trách nhiệm thanh toán trực tiếp chi phí khám bệnh, chữa bệnh giữa cơ quan BHXH và người tham gia BHYT thuộc phạm vi quản lý của BQP?

Theo khoản 2 Điều 11 Thông tư số 143/2020/TT- BQP ngày 08/12/2020 quy định: BHXH BQP thanh toán trực tiếp đối với các trường hợp người có thẻ BHYT do BHXH BQP cấp, đăng ký khám bệnh, chữa bệnh (KB, CB) ban đầu tại các cơ sở quân y ký hợp đồng KB, CB BHYT với BHXH BQP. BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thanh toán trực tiếp đối với các trường hợp người có thẻ BHYT do BHXH BQP cấp, đăng ký KB, CB ban đầu tại các cơ sở KB, CB ký hợp đồng KB, CB BHYT với BHXH tỉnh. Căn cứ kết quả giám định và thực hiện giám định chi phí KBCB BHYT, người tham gia BHYT được lựa chọn một trong hai phương thức chuyển khoản hoặc nhận tiền mặt trực tiếp.

Ban Biên tập