Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 219 của Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung Điều 54 Luật BHXH, thì đối với quân nhân, ngoài các trường hợp đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định của Luật Sĩ quan, Luật Quân nhân chuyên nghiệp (QNCN), công nhân và viên chức quốc phòng, nếu có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên, thuộc 01 trong 03 trường hợp sau thì được nghỉ hưu:
Trường hợp 1, trong điều kiện lao động bình thường, tại thời điểm nghỉ hưu, quân nhân có tuổi thấp hơn tối đa 05 tuổi so với tuổi quy định tại Khoản 2, Điều 169 của Bộ luật Lao động.
|
|
Ảnh minh họa: xaydungchinhsach.chinhphu.vn |
Trường hợp 2, có từ đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành hoặc có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả vùng có phụ cấp khu vực 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021, thì quân nhân được nghỉ hưu khi có tuổi (tại thời điểm nghỉ hưu) thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi quy định tại Khoản 2, Điều 169 của Bộ luật Lao động.
Trường hợp 3, quân nhân bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao, thì được nghỉ hưu không phụ thuộc vào tuổi đời.
* Đồng chí Nguyễn Thị Hồng, sinh năm 1975 là QNCN công tác tại một đơn vị tại tỉnh Khánh Hòa hỏi: tính đến tháng 04/2023, tôi có 27 năm đóng BHXH bắt buộc; trong đó, có 23 năm được tính tuổi quân. Vậy, tôi có đủ điều kiện nghỉ hưu không?
Tại Điểm a, Khoản 2, Điều 8 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10/5/2016 của Chính phủ, quy định về điều kiện nghỉ hưu như sau: Nam quân nhân có đủ 25 năm trở lên, nữ quân nhân có đủ 20 năm trở lên công tác trong Quân đội. Trong đó, có ít nhất 05 năm tuổi quân, mà Quân đội không còn nhu cầu bố trí sĩ quan, QNCN, công nhân, viên chức quốc phòng hoặc không chuyển ngành được; nếu nghỉ việc, thì được hưởng lương hưu. Đối chiếu với quy định trên, đồng chí Hồng có 27 năm đóng BHXH trong đó có 23 năm được tính tuổi quân, đủ điều kiện nghỉ hưu.
* Căn cứ đóng Bảo hiểm y tế (BHYT) được quy định như thế nào?
Theo Điều 14 Luật BHYT, căn cứ đóng BHYT được quy định như sau: Người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định là tiền lương tháng theo ngạch bậc, cấp quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Người lao động hưởng tiền lương, tiền công theo quy định của người sử dụng lao động là tiền lương, tiền công tháng được ghi trong hợp đồng lao động. Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hằng tháng là tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hằng tháng. Các đối tượng khác tham gia BHYT là mức lương cơ sở. Mức tiền lương tháng tối đa để tính số tiền đóng BHYT là 20 lần mức lương cơ sở.
* Trường hợp người bệnh có thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh (KCB) theo BHYT vượt tuyến, trái tuyến hoặc cấp cứu, thì được hưởng quyền lợi như thế nào?
Người bệnh KCB theo BHYT vượt tuyến, trái tuyến (trừ trường hợp cấp cứu), nếu xuất trình đủ giấy tờ, thủ tục thì được hưởng 100% chi phí KCB theo mức hưởng đối với bệnh viện tuyến huyện; 100% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng đối với bệnh viện tuyến tỉnh; 40% chi phí điều trị nội trú đối với bệnh viện tuyến Trung ương. Với trường hợp cấp cứu, thì bệnh nhân đến KCB tại bất kỳ cơ sở y tế nào và xuất trình đủ giấy tờ quy định trước khi ra viện.
Đối với trường hợp đang đi công tác, làm việc lưu động, đi học tập trung không may bị bệnh, thì sẽ được KCB ban đầu tại cơ sở y tế cùng tuyến chuyên môn kỹ thuật hoặc tương đương với cơ sở KCB ban đầu ghi trên thẻ BHYT và xuất trình đủ giấy tờ quy định và các giấy tờ sau đây (bản chính hoặc bản sao): giấy công tác hoặc quyết định cử đi học và giấy tờ chứng minh đăng ký tạm trú.
Ban Biên tập