Căn cứ Điều 58 Luật Việc làm, quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHTN như sau: Người lao động (NLĐ) thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHTN là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật BHXH. Trường hợp mức tiền lương tháng đóng BHTN cao hơn 20 tháng lương cơ sở thì mức tiền lương tháng đóng BHTN bằng 20 tháng lương cơ sở tại thời điểm đóng BHTN.

NLĐ đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng BHTN là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật BHXH. Trường hợp mức tiền lương tháng đóng BHTN cao hơn 20 tháng lương tối thiểu vùng thì mức tiền lương tháng đóng BHTN bằng 20 tháng lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động tại thời điểm đóng BHTN.

* NLĐ thuộc diện bắt buộc tham gia BHTN nhưng không phải tham gia BHTN trong những khoảng thời gian nào?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12-3-2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN, trường hợp NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp BHXH, NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật thì NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHTN trong thời gian này.

*Quy định về phân tuyến chuyên môn kỹ thuật khám chữa bệnh (KCB) trong Quân đội như thế nào?

Căn cứ Thông tư số 46/2016/TT-BQP ngày 1-4-2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (BQP) quy định tuyến chuyên môn kỹ thuật KCB; đăng ký và chuyển tuyến KCB đối với các đối tượng thuộc BQP quản lý (Thông tư số 46/2016/TT-BQP); hệ thống cơ sở KCB thuộc BQP quản lý được phân thành 4 tuyến chuyên môn kỹ thuật, đồng thời cũng là tuyến KCB BHYT, gồm:

Tuyến 1 tương đương cơ sở KCB tuyến Trung ương, là các bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I trực thuộc BQP gồm: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; Bệnh viện Quân y (BVQY) 175, 103; Viện Y học cổ truyền Quân đội; Bệnh viện Bỏng Lê Hữu Trác.

Tuyến 2 tương đương cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Bệnh viện hạng I trực thuộc Tổng cục Hậu cần (BVQY 354, 105, 87). Bệnh viện hạng I trực thuộc Cục Quân y (Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội). Bệnh viện hạng I trực thuộc các quân khu, quân đoàn (BVQY 110/QK1, 109/QK2, 7/QK3, 4/QK4, 17/QK5, 7A/QK7, 121/QK9, 211/QĐ3). BVQY hạng II; Bệnh viện quân - dân y hạng II.

Tuyến 3 tương đương cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện: Bệnh xá quân y, bệnh xá quân - dân y, gồm: Đội điều trị; BVQY và bệnh viện quân - dân y hạng III, hạng IV hoặc chưa xếp hạng; cơ sở 2 của bệnh viện thuộc tuyến 2 không nằm trên cùng địa bàn huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Phòng khám đa khoa thuộc các cơ sở y học dự phòng Quân đội hạng I, hạng II; phòng khám đa khoa; phòng khám chuyên khoa; khoa đa khoa trực thuộc các bệnh viện hoặc trực thuộc cấp quân khu và tương đương; trung tâm y tế quân - dân y ; Bệnh xá Ban Cơ yếu Chính phủ…

Tuyến 4 tương đương cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã, phường, thị trấn: quân y đơn vị cấp tiểu đoàn; quân y các đơn vị tương tương cấp tiểu đoàn có bố trí bác sĩ, y sĩ, gồm đại đội độc lập, đồn biên phòng, đảo không có bệnh xá, kho, trạm, trận địa, nhà giàn DK ; quân y cơ quan cấp trực thuộc BQP; quân y cơ quan trung đoàn, lữ đoàn, sư đoàn; quân y hiệu bộ các học viện, trường; quân y nhà máy, xí nghiệp quốc phòng; tổ quân y có giường lưu; trạm y tế quân - dân y; phòng khám quân - dân y.

Ban Biên tập