Đoàn công tác chúng tôi lên tàu khi các cán bộ, thuyền viên đang chuẩn bị những khâu cuối cùng cho tàu khởi hành. Đồng chí Đại úy Nguyễn Thế Công, Thuyền trưởng cho biết: “Sau khi có kế hoạch đi biển, chỉ huy tàu đã tổ chức quán triệt, giao nhiệm vụ, phối hợp với quân y đơn vị khám sức khỏe cho cán bộ, thuyền viên và triển khai ngay công tác chuẩn bị tàu. Toàn tàu đã tiến hành kiểm tra, củng cố tất cả các chi tiết, từ thân vỏ, boong đến tình trạng hoạt động của máy, vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật. Tiếp nhận nhiên liệu và chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm bảo đảm cho thực hiện nhiệm vụ và lượng dự phòng khi có tình huống phát sinh.

Căn cứ vào kế hoạch của trên, chỉ huy tàu phối hợp với đơn vị chủ hàng nắm lượng hàng cấp cho từng đảo, xây dựng kế hoạch, tổ chức tập kết, bốc xếp hàng hóa lên tàu”. Do trên biển độ ẩm cao, sóng to, gió lớn, để đảm bảo an toàn hàng hóa, trên 30 mặt hàng với khối lượng hàng trăm tấn đã được đơn vị chủ hàng bao gói chống ẩm cẩn thận. Dưới khoang, các mặt hàng được sắp xếp, phân lô gọn theo từng chủng loại. Hàng của từng đảo, điểm đảo được đánh dấu riêng, xếp theo thứ tự hải trình, tiện cho việc kiểm đếm, cấp phát. Công tác chuẩn bị của tàu đã được chỉ huy, các cơ quan cấp trên kiểm tra chặt chẽ, đánh giá đủ điều kiện đi biển thực hiện nhiệm vụ. Toàn tàu đã sẵn sàng xuất bến theo kế hoạch.

leftcenterrightdel
Trung chuyển hàng từ tàu vào đảo. 

Sắp đến giờ khởi hành, tiếng chỉ huy tàu truyền qua loa: “Toàn tàu chuẩn bị thu neo”. Tất cả các bộ phận công tác về vị trí sẵn sàng cho tàu xuất phát. Tổ máy khởi động, tiếng máy chính và máy phụ chạy đều đều. Các thủy thủ khẩn trương kiểm tra lại một lần nữa bạt che cửa khoang hàng, từng nút buộc, dây chằng cố định các phương tiện trên mặt boong. Tổ dây khẩn trương thu dây điện nguồn, dây buộc và thu neo. Hai đồng chí đứng ở mạn trái sau, sát cầu tàu sẵn sàng trên tay thiết bị chống va để bảo vệ thân tàu. Từ khoang lái, Thuyền trưởng tập trung quan sát, điều hành các tổ công tác qua bộ đàm. Tiếng máy chạy mỗi lúc một rền hơn, tàu chếch mũi, từ từ chuyển hướng xa dần cầu cảng rồi lướt nhẹ trên mặt vịnh Cam Ranh. Qua cửa Vịnh, mặt trời đã xế bóng, mũi tàu rẽ sóng nhằm hướng Đông Nam thẳng tiến đến Trường Sa. Khác hẳn bên trong Vịnh, ngoài khơi, từng đợt sóng cao 3 - 4 m thúc ngang vào mạn, chồm lên cả mũi tàu. Nước tung bọt trắng xóa tràn cả lên mặt boong. Tàu lắc ngang, chao nghiêng theo từng đợt sóng. Tiếng động cơ tàu hòa lẫn trong tiếng gió rít, tiếng sóng gào. Con tàu vốn to lớn trong mắt người đi biển lần đầu như tôi, giờ trở nên nhỏ bé trước bao la biển cả. Những tháng đầu năm mà sóng gió đã như vậy, mùa biển động có rất nhiều những cơn bão thì hành trình đến với Trường Sa còn vất vả và nguy hiểm biết nhường nào.

Hải trình từ Cam Ranh đến đảo Trường Sa không có bãi đá ngầm nguy hiểm, nhưng cắt ngang qua đường hàng hải nội địa và quốc tế, nhộn nhịp những tàu đánh cá, tàu chở dầu, tàu chở công-te-nơ hàng hóa. Trên khoang lái, nơi cao nhất và biên độ lắc cũng lớn nhất trên tàu luôn có 1 đồng chí chỉ huy điều hành chung và 2 thủy thủ lái. Chỉ huy tàu đều đặn 30 phút lại tác nghiệp vị trí tàu trên hải đồ một lần, ghi rõ tọa độ, tốc độ, hướng di chuyển của tàu. Nhiều thiết bị hỗ trợ lái đã được trang bị cho tàu như máy lái, máy đo sâu, ra đa, hệ thống liên lạc... Tuy nhiên, tốc độ của tàu nhanh, bán kính vòng cua lớn nên chỉ huy và tổ lái luôn phải tập trung để xử trí các tình huống trong suốt hành trình. Để tránh va với tàu phía trước, ở khoảng cách 2 hải lý đã phải điều chỉnh hướng tiến và chỉ đánh lái tối đa 5o để đảm bảo an toàn. Ban đêm, ca trực càng phải chủ động hơn để quan sát, phán đoán tình huống và xử trí kịp thời.

Trên tàu, mỗi tổ công tác đều có đặc thù nhiệm vụ riêng, nhưng vất vả hơn cả vẫn là tổ máy. Điều kiện làm việc dưới khoang máy rất khắc nghiệt, không gian chật hẹp, nhiệt độ thường trên 40oC, tiếng động cơ lớn cùng với mùi dầu làm không khí rất ngột ngạt. Vì thế, thời gian mỗi ca trực chỉ từ 2 đến 2,5 giờ. Tổ máy có 3 ca thay phiên nhau, theo dõi các thông số vận hành, duy trì động cơ hoạt động trong suốt quá trình tàu chạy. Qua trao đổi, đồng chí Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Lê Văn Quân, Máy trưởng cho biết: “Có những khi hết ca trực, mệt đến không muốn ăn uống gì. Nhưng anh em thợ máy trong tàu luôn xác định đây là công việc hết sức quan trọng nên luôn chuẩn bị chu đáo cả về tinh thần và thể lực, tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ, duy trì sức sống con tàu, đảm bảo cho nhiệm vụ vận tải”.

Sóng to, gió lớn, đi lại trên tàu còn khó khăn, thế nhưng các nhân viên, chiến sĩ ở tổ phục vụ vẫn cố gắng để tổ chức nấu ăn, lo cho cán bộ, chiến sĩ trên tàu ba bữa nóng hằng ngày. Chúng tôi được biết, để bảo đảm ăn uống cho chuyến đi, các loại thực phẩm mang theo được tổ phục vụ chuẩn bị chu đáo. Ngoài thực phẩm khô, đồ hộp, các loại thịt, cá được hút chân không, bảo quản bằng tủ cấp đông. Nắng nóng, không gian trên tàu chật chội nên việc bảo quản rau, củ, quả để sử dụng trong thời gian dài rất khó khăn. Các loại rau xanh như rau cải, mồng tơi, rau muống được xếp dựng trong khay, tận dụng nhà tắm là nơi có nhiệt độ, độ ẩm phù hợp để bảo quản, sử dụng trong khoảng một tuần đầu; rau cải bắp, su su, su hào dùng dây treo buộc bảo quản được từ 15 - 25 ngày; các loại củ quả như bí đỏ, khoai tây bảo quản nơi khô ráo để dùng cho cả chuyến đi từ 30 - 45 ngày. Để bổ sung cho lượng rau xanh thiếu hụt, tổ phục vụ triển khai muối dưa cải, làm giá đỗ ngay trên tàu. Những nơi tàu neo qua đêm chờ cấp hàng, thuyền viên tranh thủ câu cá để bổ sung thức ăn tươi. Vì thế, những bữa ăn trên tàu luôn đa dạng các món ăn, chất lượng luôn được đảm bảo.

Sau 36 giờ hành trình, tàu đến đảo Trường Sa, những ngày sau đó, lần lượt đến các đảo khác cấp hàng theo hải trình đã xác định. Đảo có âu tầu thì việc cấp hàng thuận lợi vì trong âu sóng lặng, tàu ổn định. Những đảo không có âu, tàu phải thả neo tạo chân hàng, rồi dùng xuồng vận chuyển hàng vào đảo. Có những nơi, tàu neo mấy ngày mà không thể cấp hàng vì sóng to, gió lớn, cẩu hàng và vận chuyển không đảm bảo an toàn. Rồi phụ thuộc vào con nước lên xuống, nhiều đảo nước rút là không còn luồng để xuồng vào. Nhiều lần, tranh thủ biển êm, nước lên, tàu bật đèn pha để cấp hàng trong đêm cho kịp thời gian. Thời tiết thuận lợi cho cấp hàng là trời lặng gió, biển êm. Nhưng khi ấy thì cả tàu lại phải đối diện với cái nóng. Nắng chói chang, hơi nước bốc lên làm cho con tàu vỏ thép càng thêm nóng nực. Cảm giác ngồi trên khoang cẩu giữa thời tiết khắc nghiệt ấy quả không dễ chịu chút nào.

Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Thể, Thủy thủ trưởng là người công tác ở tàu từ những ngày đầu mới tiếp nhận. Hơn 23 năm gắn bó, theo tàu hoạt động khắp vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa, anh thuộc từng điểm neo, từng cửa luồng vào mỗi đảo. Là người có nhiều kinh nghiệm, nên anh thường trực tiếp vận hành máy cẩu để chuyển hàng xuống xuồng trung chuyển. Qua trò chuyện, anh cho biết: “Cẩu hàng trên biển, tàu tròng trành không ổn định nên rất dễ xảy ra mất an toàn, nếu hàng nặng, sóng lớn làm thay đổi phương chịu lực của cẩu, có thể làm gãy cần. Vì thế, tùy theo điều kiện sóng gió mà mỗi ben cẩu, tôi chỉ duy trì khoảng 50 - 70% tải trọng, đồng thời phải nắm rõ trọng lượng hàng, tính toán để dự trữ độ bền dây cáp ít nhất 6 lần trọng lượng”.

Anh cũng đặc biệt lưu ý đoàn công tác chúng tôi vấn đề đảm bảo an toàn, nhất là quá trình lên, xuống xuồng để vào thăm đảo. Sóng lớn, xuồng nhấp nhô, va vào mạn tàu liên tục. Vì thế, khi lên, xuống xuồng qua thang treo mạn, phải bước dứt khoát, lựa đà xuồng được đẩy lên theo sóng để bước lên thang treo, hay từ thang bước xuống mép xuồng. Anh hướng dẫn chúng tôi cách giữ thăng bằng, tay luôn phải nắm bên trong thành xuồng, mu bàn tay quay về phía thân người để tránh bị kẹt tay giữa xuồng với mạn tàu. Nghe thì đơn giản, nhưng chỉ một chút lơ là, không thực hiện theo đúng hướng dẫn thì tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Việc trung chuyển hàng vào đảo do những thủy thủ có nhiều kinh nghiệm chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, dù đã thạo luồng, nhưng thủy thủ vẫn phải dựa theo hướng dẫn bằng tín hiệu cờ của chiến sĩ thông tin trên đảo để xuồng đi đúng hướng, không bị mắc cạn. Hay những khi sóng lớn, phải lái xuồng cắt sóng, lựa hướng đưa xuồng vào cửa luồng đảm bảo an toàn.

Trong các đảo trên Quần đảo Trường Sa, nơi khó tiếp cận nhất là đảo An Bang, vì bờ biển có độ dốc lớn, sóng đánh từ mọi phía. Đảo có bờ cát dài, thay đổi vị trí theo mùa trong năm là nơi duy nhất xuồng có thể cập vào. Mỗi lần cập Đảo, phải lợi dụng sức đẩy của nước theo đợt sóng để bộ đội trên Đảo kéo xuồng hàng lên hẳn bãi cát. Lúc rời đảo, lại phải lựa sóng đẩy xuồng ra biển. Khó khăn là thế, nên mỗi chuyến hàng đều được cán bộ, chiến sĩ nơi đây chào đón bằng tất cả sự hân hoan, phấn khởi. Khi chia tay, ngoài những vật chất thu hồi gửi tàu đưa vào đất liền, cán bộ, chiến sĩ không quên “chi viện” rau xanh tăng gia của Đảo cho tàu tiếp tục hành trình. Chứng kiến những cuộc gặp như thế trên suốt chuyến đi, chúng tôi cảm nhận sâu sắc hơn tình cảm gắn bó, sự đồng cảm, sẻ chia để cùng nhau vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ của những người lính nơi biển đảo xa xôi...

Hành trình đến với Trường Sa của đoàn công tác chúng tôi khép lại, khó có thể kể hết những khó khăn, vất vả mà những người lính vận tải biển phải trải qua. Giữa sóng gió, hiểm nguy nơi biển cả mênh mông, thiếu thốn tình cảm của gia đình, người thân, những cán bộ, chiến sĩ tàu vận tải vẫn luôn xác định “Tàu là nhà, biển đảo là quê hương”, càng thêm đoàn kết, gắn bó, nỗ lực vượt khó đưa những chuyến hàng đến với quân, dân nơi đảo xa, để Trường Sa gần hơn với đất liền, góp phần công sức vào sự nghiệp bảo vệ vững chắc  chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài, ảnh: Trung tá HOÀNG THANH HIỀN, Bộ Tham mưu Hậu cần