Tuy nhiên, bằng sự chủ động, linh hoạt, các doanh nghiệp thuộc Tổng cục Hậu cần (viết tắt là DNHC) đã nhanh chóng chuyển đổi mô hình, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh để phù hợp với từng cấp độ dịch, bảo đảm vừa sản xuất vừa chống dịch, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch, ổn định việc làm và thu nhập của người lao động.

Năm 2021, các DNHC gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cụ thể là: Vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ hoạt động sản xuất tăng cao do nguồn hàng khan hiếm, lưu thông chậm. Hoạt động nhập khẩu hàng hóa, trang thiết bị, máy móc từ châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…; các khâu nghiệm thu, bàn giao hàng hóa cũng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt nguồn nhân lực phục vụ sản xuất cũng gây ảnh hưởng đến kế hoạch, tiến độ triển khai công việc, sản lượng sản xuất của các đơn vị. Tuy các DNHC đã tận dụng năng lực tham gia sản xuất các mặt hàng phục vụ đời sống sinh hoạt xã hội, song do dịch bệnh nên nhiều hoạt động kinh doanh, bán lẻ bị đình trệ, các đại lý, hộ kinh doanh tạm dừng hợp đồng mua hàng, khách du lịch trong và ngoài nước giảm nên nhu cầu sử dụng, tiêu thụ sản phẩm không nhiều. Trong hoàn cảnh đó, các DNHC đã đề ra các biện pháp phù hợp để bảo đảm cao nhất kế hoạch sản xuất kinh doanh, đặc biệt kiên trì thực hiện mục tiêu “kép”, chính là một trong những giải pháp quan trọng giúp các DNHC vượt qua khó khăn, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021.

leftcenterrightdel
250 tấn lương khô bay do CTCP22 sản xuất được vận chuyển kịp thời phục vụ công tác PCD COVID-19 tại các tỉnh, thành phía Nam. Ảnh: CTV 

Xác định sản xuất hàng quốc phòng là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là thế mạnh, truyền thống, lâu dài và cơ bản, các DNHC tập trung mọi nguồn lực sản xuất đảm bảo chất lượng hàng quân nhu phục vụ tân binh nhập ngũ cũng như trang bị thường xuyên và các kế hoạch đột xuất; chủ động đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng và quy trình sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm quốc phòng theo tiêu chuẩn kỹ thuật, đủ về số lượng, chủng loại, quy cách, đáp ứng tiến độ theo yêu cầu. Bên cạnh đó, tích cực nghiên cứu, chế thử sản phẩm mới phù hợp với tình hình thực tế của bộ đội, trong đó, Công ty Cổ phần (CTCP) 26 đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên ngành chế thử mẫu mã sản phẩm giầy vải cao cổ dã chiến chiến sĩ, giầy nhựa công tác tàu; CTCP 32 nghiên cứu, sản xuất giày da sĩ quan nam cấp tướng; CTCP 20 sản xuất quân trang phục vụ nhiệm vụ ARMY GAMES và nghiên cứu sản xuất thành công vải Tropical, chéo CVC in loang Lục quân K20 góp phần tăng tính chủ động trong sản xuất quân phục hàng loạt, đáp ứng yêu cầu công tác hậu cần quân đội trong tình hình mới. Cùng với hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất hàng quốc phòng, các DNHC còn tham gia vào các hoạt động chống dịch COVID-19, như: Tổng Công ty (TCT) 28, CTCP 20, CTCP 26 triển khai nghiên cứu, chế tạo kịp thời các mẫu khẩu trang kháng khuẩn theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế phục vụ bộ đội và thị trường; CTCP 22 sản xuất 250 tấn lương khô bay đúng tiến độ yêu cầu của Cục Quân nhu/Tổng cục Hậu cần, kịp thời phục vụ công tác PCD COVID-19 tại các tỉnh, thành phố phía Nam.

Đối với hoạt động kinh tế, mặc dù đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, khốc liệt giữa các doanh nghiệp cùng ngành trong nước và nước ngoài nhưng các DNHC đã chủ động bám sát, nắm bắt nhu cầu thị trường, khách hàng, tổ chức nhiều giải pháp mở rộng thị trường, xây dựng phát triển hệ thống bán lẻ và các mạng lưới bán hàng trên cả nước, thường xuyên thu thập thông tin qua nhiều kênh khác nhau để có định hướng phù hợp với điều kiện chung của từng thời điểm trong năm. Chủ động điều chỉnh các mặt hàng có giá cả phù hợp với thị trường, duy trì các mặt hàng truyền thống của từng doanh nghiệp. Mặt khác, tổ chức phát triển sản xuất một số sản phẩm mới chất lượng. Điển hình như CTCP 22 đã nghiên cứu sản xuất thành công các loại hệ thống bếp dầu K20 cùng các sản phẩm lương khô mới như: lương khô Sâm Ngọc Kinh, lương khô Sâm Hồng Linh, lương khô mặn, bánh dinh dưỡng học đường… phục vụ nhu cầu tiêu dùng của khách hàng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn đẩy nhanh tiến độ giao hàng, không để đơn hàng tồn đọng; chủ động tìm kiếm các nguồn vật tư, nguyên vật liệu và trang thiết bị thay thế để phục vụ cho sản xuất. Không chỉ chú trọng phát triển thị trường trong nước, các DNHC còn tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm thế mạnh, hướng tới xuất khẩu, tạo đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm. TCT 28 phối hợp với các tập đoàn hàng đầu về may mặc của Nhật Bản để phát triển và đưa thương hiệu thời trang Belluni ra thị trường quốc tế. Trong năm 2021, CTCP 20 đã ký hợp đồng với hơn 30 khách hàng quốc tế, kim ngạch xuất khẩu đạt 15 triệu USD. CTCP 26 đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu sản phẩm gỗ chế biến từ gỗ rừng trồng, đạt tăng trưởng cao, vượt 150% so với năm 2020.

Dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp, tuy nhiên đây cũng được coi là chất xúc tác khiến làn sóng chuyển đổi số tại các DNHC diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Các doanh nghiệp đã chủ động, tích cực tìm hướng đi mới, đầu tư đổi mới công nghệ, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đổi mới máy móc, thiết bị, áp dụng công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, rút ngắn chu kỳ sản xuất, tăng tốc độ luân chuyển vốn, tiết kiệm chi phí vật tư, hạ giá thành sản phẩm; áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ 4.0 trong chuyển đổi phương thức bán hàng online, triển khai chương trình hợp tác với các sàn thương mại điện tử và đại lý, ứng dụng phần mềm 3D sử dụng gương thực tế ảo để khách hàng có trải nghiệm thật về sản phẩm thời trang… Nhờ chủ động, linh hoạt trong các giải pháp thích ứng và điều hành sản xuất trong tình hình dịch COVID-19, các DNHC đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, bảo toàn, phát triển vốn Nhà nước, tạo ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động.

leftcenterrightdel
250 tấn lương khô bay do CTCP22 sản xuất được vận chuyển kịp thời phục vụ công tác PCD COVID-19 tại các tỉnh, thành phía Nam. Ảnh: CTV 

 

Song song với đẩy mạnh sản xuất, công tác PCD COVID-19 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các DNHC trong giai đoạn này. Công tác PCD được quản lý, chỉ đạo thống nhất từ TCT, Công ty đến các đơn vị thành viên theo quy định của Bộ Y tế, các hướng dẫn của cơ quan cấp trên và quy định của địa phương. Thường xuyên kích hoạt mức độ PCDCOVID-19 cao nhất; xây dựng, hoàn thiện và triển khai thực hiện các phương án, kịch bản PCD hiệu quả tại đơn vị sát với thực tế, đúng quy định. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định về PCD COVID-19, đặc biệt, yêu cầu 100% cán bộ, nhân viên, người lao động thực hiện Quy định 5K; tổ chức sản xuất “3 tại chỗ”, bố trí giờ làm việc của các tổ, các phân xưởng sản xuất lệch nhau để giảm mật độ cũng như đảm bảo độ giãn cách; thực hiện các biện pháp PCD theo phương châm “4 tại chỗ”; phối hợp với cơ quan chức năng trong việc khoanh vùng, điều tra, truy vết những trường hợp liên quan đến các ca bệnh. Duy trì đo thân nhiệt, khử khuẩn cho toàn bộ người lao động và đối tác khi vào làm việc tại đơn vị, giám sát việc khai báo y tế, truy vết khi cần. Tổ chức phun khử khuẩn 1 tuần/lần, trang bị đầy đủ dung dịch sát khuẩn tại các cổng Công ty, xí nghiệp, phân xưởng và nhà ăn…; các bàn ăn được làm vách ngăn và chia theo định suất cho người lao động. Hiện nay, tất cả các DNHC đều đã phối hợp với các trung tâm y tế dự phòng của địa phương để tổ chức tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho toàn bộ cán bộ, nhân viên, người lao động. Đặc biệt, các doanh nghiệp luôn quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, nhất là khi dịch bùng phát từ tháng 7 năm 2021 tại các tỉnh, thành phố phía Nam, đời sống người lao động gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có TCT 28 và CTCP 32. Trong thời gian ngưng hoạt động để PCD COVID-19 theo Chỉ thị 16 của Chính phủ và các chỉ thị của địa phương, CTCP 32 đã chi hỗ trợ tiền lương cho người lao động gần 6,8 tỉ đồng, hỗ trợ người lao động nhiễm COVID-19 là 558 triệu đồng, TCT 28 đã đề nghị chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho 699 lao động phải thực hiện tạm hoãn hợp đồng lao động với số tiền hỗ trợ tương ứng 2 tỉ đồng, lao động phải ngừng việc từ 14 ngày trở lên là 100 lao động với số tiền tương ứng 144 triệu đồng. Việc quan tâm, chăm lo đến đời sống người lao động, ưu tiên về mục tiêu an sinh xã hội đã tạo bước đi vững chắc và sự phát triển bền vững cho các doanh nghiệp, làm tiền đề để thực hiện các mục tiêu trước mắt và lâu dài.

Đại dịch COVID-19 là một “phép thử” khắc nghiệt đối với các doanh nghiệp trong cả nước nói chung và các doanh nghiệp trong quân đội nói riêng, để phát triển vững vàng trong bối cảnh khó khăn này đòi hỏi các doanh nghiệp không chỉ có thực lực mạnh mẽ mà còn phải có những giải pháp căn cơ, sự nhạy bén linh hoạt và bản lĩnh của những người lính trên mặt trận lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, luôn sẵn sàng thích ứng, vượt qua mọi thử thách để đứng vững trong cơn đại dịch, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế trong giai đoạn mới.

Năm 2021, các DNHC đã hoàn thành nhiệm vụ sản xuất hàng quốc phòng và hàng kinh tế, xuất khẩu, tổng doanh thu là 5.958,4 tỷ đồng, đạt 110,5% kế hoạch năm; lợi nhuận 186,5 tỷ đồng, đạt 104 % kế hoạch năm; nộp ngân sách 258 tỷ đồng, đạt 100 % kế hoạch năm; thu nhập bình quân 10,46 triệu đồng/ người/tháng, đạt 107% kế hoạch năm. Đặc biệt, CTCP 26 có mức tăng trưởng cao (lợi nhuận tăng 38% so với kế hoạch năm); CTCP 20 có tỷ lệ tăng trưởng 6,9% so với kế hoạch, tăng 11% so với thực hiện năm 2020. TCT 28, CTCP 32, CTCP 22, duy trì ổn định tiền lương, thu nhập cho người lao động và tăng so với cùng kỳ năm trước.

QUỲNH HƯƠNG