Mùa Xuân năm 1952, tin chiến thắng từ chiến dịch Hoà Bình đưa về làm nức lòng quân dân cả nước. Lúc này, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta đã bước sang năm thứ 7; bộ đội ta đã trải qua 6 chiến dịch thắng lợi và có sự tiến bộ vượt bậc về chiến thuật, kỹ thuật. Nhu cầu của tiền tuyến ngày càng tăng, công tác bảo đảm hậu cần ngày càng phức tạp, đòi hỏi người cán bộ hậu cần phải nắm chắc nghiệp vụ và phải vững về tư tưởng, có hiểu biết nhất định về quân sự, kinh tế, tài chính thì mới làm tròn nhiệm vụ.

Để đáp ứng yêu cầu đó, ngày 12/3/1952 Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã ra chỉ thị xuất bản Tạp chí Hậu cần, trong đó nêu rõ nhiệm vụ của Tạp chí là “Lãnh đạo tư tưởng cho cán bộ hậu cần, phổ biến chủ trương chính sách, chỉ đạo công tác, phổ biến kinh nghiệm, hướng dẫn chuyên môn và phục vụ tiền tuyến”. Tiếp đó, ngày 15/3/1952, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp ra Quyết định số 45/QĐ-CC về việc tổ chức Ban biên tập. Đồng chí Trần Đăng Ninh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp làm Chủ nhiệm Tạp chí, đồng chí Nguyễn Ngọc Minh làm Chủ bút. Đầu tháng 5/1952, Tạp chí Hậu cần ra số đầu tiên và được phát hành trong toàn quân. Trải qua 60 năm liên tục phát triển, Tạp chí Hậu cần Quân đội đã xuất bản được 642 số, với nhiều tên gọi khác nhau như Tạp chí Hậu cần, Nội san Hậu cần, Tập san Hậu cần, Thông tin Hậu cần, Tạp chí Hậu cần Quân đội và đã trở thành kênh thông tin quan trọng, không thể thiếu của ngành Hậu cần Quân đội.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Tạp chí Hậu cần là công cụ quan trọng giúp Đảng ủy, chỉ huy Tổng cục chỉ đạo nghiệp vụ, lãnh đạo tư tưởng, làm cho cán bộ, chiến sỹ ngành Hậu cần nhận thức đúng vị trí của công tác hậu cần, từ đó xây dựng quan điểm, thái độ phục vụ đúng đắn đối với bộ đội, thương binh, bệnh binh. Đồng thời, tập trung giáo dục cho bộ đội nâng cao ý thức cần-kiệm-liêm-chính, có thái độ tích cực trong cuộc đấu tranh chống tham ô, lãng phí. Bên cạnh chuyên mục gương mẫu, nêu gương người tốt, việc tốt là các chuyên mục “Có gì cần nói”, “ý kiến xây dựng ngành", "Xây dựng Tạp chí Hậu cần”... đã làm cho Tạp chí trở thành một diễn đàn sinh động và bổ ích của ngành Hậu cần. Qua diễn đàn Tạp chí, những cái hay, cái tốt cũng như mọi vấn đề bức xúc trong Ngành đều được phản ánh một cách kịp thời. Chính vì vậy, tờ báo của Ngành đã trở nên gắn bó và có ảnh hưởng lớn đối với bộ đội. Đọc Tạp chí Hậu cần đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu đối với bộ đội hậu cần. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Toà soạn đã cử một tổ phóng viên đem theo máy in tay lên mặt trận để trực tiếp xuất bản “Bản tin Hậu cần”, 3 ngày một số để kịp thời phục vụ bạn đọc. Những bản tin này đã tiếp thêm nguồn sức mạnh, giúp cán bộ, chiến sỹ ngành Hậu cần hoàn thành tốt công tác bảo đảm hậu cần, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Tập san Hậu cần (tên gọi Tạp chí Hậu cần Quân đội giai đoạn 1965-1979) tập trung hướng về phục vụ tiền tuyến, đi sâu hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm bảo đảm hậu cần chiến trường, hậu cần chiến đấu, như: Kinh nghiệm tổ chức chỉ huy vận tải quân sự; kinh nghiệm nuôi quân trong hành quân đường dài và trong chiến đấu; kinh nghiệm phòng chống sốt rét, bảo vệ sức khoẻ bộ đội... Ngoài các số báo thường xuyên, Tập san Hậu cần còn xuất bản 10 tập sách nhỏ loại bỏ túi như Sổ tay quân y, Sổ tay chiến sỹ lái xe, Sổ tay anh nuôi... và một số đặc san về công tác giao thông vận tải, công tác quân y, quân nhu chiến trường v.v...

Với phương châm “Hướng về chiến sỹ, hướng ra phía trước, hướng xuống cơ sở phục vụ”, Ban Biên tập đã nhiều lần cử phóng viên vào thâm nhập các binh trạm trên Tuyến 559 và tham gia các chiến dịch. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, tổ phóng viên, công nhân in của Toà soạn gồm 7 đồng chí đã đem theo máy in tay cỡ nhỏ để xuất bản “Tờ tin Hậu cần” ngay tại mặt trận B5-T8, đáp ứng kịp thời thông tin hậu cần cho các đơn vị tham gia chiến dịch.

Mỗi lần vào chiến trường, các phóng viên Tập san Hậu cần không quản ngại gian khổ, hy sinh, thường xuyên bám sát mặt trận để kịp thời thu thập những hình ảnh, tin tức và kinh nghiệm bảo đảm hậu cần trên các chiến trường gửi về Toà soạn.Và trên một chặng đường công tác tại mặt trận Quảng Trị năm 1972 có một nhà báo hậu cần đã anh dũng hy sinh, đó là liệt sỹ Lương Xuân Bẩm.

Có thể nói, những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là những năm tháng gian khổ, ác liệt nhất, song cũng là thời kỳ sôi nổi, hào hứng nhất đối với đội ngũ những người làm Tạp chí Hậu cần. Mặc dù phải chia làm 2 bộ phận ở hậu phương và chiến trường, lại liên tục di chuyển sơ tán dưới làn bom đạn của không quân Mỹ, nhưng Tạp chí vẫn đều đặn xuất bản 1 tháng/1 kỳ (có giai đoạn xuất bản 1 tháng 2 kỳ). Số lượng xuất bản lúc cao nhất lên tới 11.500 cuốn và được phát hành rộng rãi trên khắp các chiến trường, góp phần cùng ngành Hậu cần bảo đảm đầy đủ, kịp thời mọi nhu cầu vật chất hậu cần cho các chiến dịch, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Thời kỳ đất nước thống nhất, cùng đi lên xây dựng CNXH, Tạp chí Hậu cần Quân đội (tên gọi từ năm 2000 đến nay) đã có sự đổi mới toàn diện cả về nội dung và hình thức thể hiện. Các chuyên mục được mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng, nhiều chiều phục vụ bạn đọc. Tính lý luận, tính khoa học của Tạp chí ngày càng được nâng cao. Trên diễn đàn Tạp chí Hậu cần Quân đội thời kỳ này có nhiều bài viết giá trị của các nhà khoa học trong và ngoài quân đội bàn về các vấn đề: Đổi mới phương thức bảo đảm hậu cần; xây dựng tiềm lực hậu cần nhân dân; xây dựng hậu cần khu vực phòng thủ; bảo đảm hậu cần trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao.., góp phần quan trọng vào việc phát triển, hoàn thiện lý luận hậu cần, dự báo tương lai phát triển của ngành và bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận hậu cần cho đội ngũ cán bộ hậu cần các cấp. Bên cạnh đó, Tạp chí đã cung cấp nhiều thông tin khoa học bổ ích cho bạn đọc, nhất là thông tin về các thành tựu khoa học công nghệ hậu cần của thế giới và trong nước. Đồng thời, dành dung lượng lớn tin, bài tập trung phản ánh toàn diện các mặt công tác hậu cần ở tuyến cơ sở. Những cái hay, cái tốt của hậu cần các đơn vị đã được Tạp chí Hậu cần Quân đội phát hiện và tích cực tuyên truyền, cổ vũ, nhân rộng, trở thành những phong trào phát triển sâu rộng trong toàn quân, đem lại hiệu quả to lớn trong việc cải thiện và nâng cao đời sống bộ đội. Tiêu biểu là phong trào “Đơn vị tăng gia sản xuất giỏi”; “Nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”; “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp”, “Quân y 5 tốt”... Riêng chuyên mục “Gương sáng hậu cần”, sau 19 năm duy trì liên tục đã giới thiệu được hàng trăm tấm gương sáng là những cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên hậu cần tiêu biểu về phẩm chất cần - kiệm - liêm - chính - chí công - vô tư, tận tâm, tận lực phục vụ bộ đội để toàn quân học tập noi theo. Nhiều đồng chí được nêu gương trên báo đã tiếp tục rèn luyện, phấn đấu và trở thành Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, Chiến sĩ Quyết thắng, Chiến sĩ Thi đua toàn quân, toàn quốc. Đặc biệt, từ khi Trung ương mở Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Tạp chí Hậu cần Quân đội đã giới thiệu được hàng trăm tập thể và cá nhân tiêu biểu về học và làm theo Bác, góp phần làm cho phong trào ngày càng lan tỏa sâu rộng trong toàn Ngành

Không chỉ cổ vũ động viên cái hay, cái tốt, Tạp chí Hậu cần Quân đội còn là vũ khí lợi hại trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực. Nhiều sai phạm trong Ngành đã được phản ánh kịp thời trên Tạp chí, được bạn đọc quan tâm và rất hoan nghênh. Nhiều bài điều tra đã phản ánh trung thực, khách quan thực trạng khó khăn, bất cập của của các đơn vị, giúp các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng và Tổng cục Hậu cần có thêm cơ sở đề ra biện pháp giải quyết kịp thời

Đi đôi với đổi mới nội dung tuyên truyền, Tạp chí Hậu cần Quân đội đã có sự thay đổi mạnh mẽ về hình thức, theo hướng ngày càng đẹp và hiện đại. Cách thể hiện các bài viết cũng phong phú, sinh động hơn, với nhiều thể loại báo chí như: phóng sự, điều tra, phỏng vấn, ghi chép..., làm cho tờ báo của Ngành ngày càng thêm hấp dẫn bạn đọc. Đặc biệt, trong quá trình xuất bản, Tạp chí luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích, thường xuyên bám sát nhiệm vụ chính trị và không để xảy ra những sai sót về chủ trương, đường lối hoặc đăng những bài viết có xu hướng không lành mạnh, làm ảnh hưởng đến chất lượng Tạp chí. Do chất lượng ngày càng được nâng cao và luôn thể hiện tính nghiêm túc, Tạp chí Hậu cần Quân đội đã trở thành người bạn đường tin cậy, thân thiết không thể thiếu của những người làm công tác hậu cần trong toàn quân. Với những thành tích đạt được trong công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ tiền tuyến, phục vụ xây dựng quân đội, Tạp chí Hậu cần Quân đội đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng 01 Huân chương Quân công hạng Nhì (1987), 01 Huân chương Chiến công hạng Nhì (1961), 01 Huân chương Chiến công hạng Ba (1997), 01 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (2006) và được Tổng cục Hậu cần tặng nhiều bằng khen, giấy khen các loại.

Phát huy truyền thống vẻ vang trong 60 năm qua, hiện nay, Ban biên tập Tạp chí Hậu cần Quân đội đang ra sức đổi mới Tạp chí theo hướng “thiết thực hơn, hiệu quả hơn”. Trong bối cảnh cả nước có trên 800 tờ báo, tạp chí và nhiều phương tiện truyền thông hấp dẫn bạn đọc, sự cạnh tranh giữa các báo, tạp chí đang trở nên rất quyết liệt. Để giữ được bạn đọc, Tạp chí Hậu cần Quân đội đặt ra tiêu chí phấn đấu là đáp ứng đầy đủ, kịp thời những thông tin mà cán bộ hậu cần trong toàn quân, nhất là cán bộ hậu cần cấp cơ sở cần, giúp họ cập nhật thông tin, nắm chắc chủ trương, chính sách, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, có thêm nhiều kinh nghiệm thực tiễn để triển khai và hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm hậu cần được giao.

Để đạt được mục tiêu trên, các cán bộ, biên tập viên, phóng viên của Tạp chí đã và đang không ngừng phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp báo chí. Luôn chủ động nghiên cứu, nắm chắc đường lối, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, bám sát nhiệm vụ quân sự, hậu cần trong từng thời kỳ, bám sát các chuyên ngành hậu cần, đơn vị được phân công theo dõi. Rèn luyện khả năng nhanh nhạy trước cái hay, cái mới. Mỗi khi cấp trên có chủ trương mới phải chủ động nghiên cứu, đặt bài chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ và chủ động theo dõi tiến độ triển khai chủ trương mới để viết bài giới thiệu kết quả, kinh nghiệm của các đơn vị, nhất là giới thiệu những mô hình mới, những kinh nghiệm hay để toàn Ngành tham khảo, học tập.

Do lực lượng mỏng, địa bàn rộng, Ban biên tập đặc biệt coi trọng việc phát triển đội ngũ cộng tác viên, nhất là cộng tác viên phía Nam, Tây nguyên, Bộ đội Hải quân, Biên phòng, những địa bàn xa, trước đây ít được đề cập trên Tạp chí Hậu cần Quân đội. Thường xuyên thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các đơn vị, với cộng tác viên và bạn đọc. Tích cực cải tiến khâu phát hành để Tạp chí đến tay bạn đọc kịp thời, đúng đối tượng và phát huy tác dụng, hiệu quả. Đồng thời, chủ động tạo ra môi trường văn hóa, khoa học, dân chủ, nghiêm túc trong Tòa soạn nhằm thu hút những cộng tác viên có uy tín, trình độ, tâm huyết cộng tác với Tạp chí. Những tin, bài, ảnh được đăng tải trên Tạp chí Hậu cần Quân đội sẽ là những tin, bài chất lượng tốt, có giá trị thiết thực, giúp cán bộ, nhân viên ngành Hậu cần triển khai thực hiện công tác hậu cần đạt hiệu quả cao, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Trong 60 năm qua, Tạp chí Hậu cần Quân đội luôn đồng hành cùng bạn đọc, là người bạn thủy chung, tin cậy của cán bộ, chiến sỹ ngành Hậu cần và đã nhận được sự cộng tác tích cực của bạn đọc. Trên chặng đường sắp tới, được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Đảng ủy, chỉ huy Tổng cục Hậu cần, sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng cùng sự cộng tác nhiệt tình của cộng tác viên và bạn đọc trong toàn quân, tin rằng Tạp chí Hậu cần Quân đội sẽ tiếp tục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin phục vụ bạn đọc, góp phần xây dựng ngành Hậu cần, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại.

Đại tá Nguyễn Công Sinh