Thời kỳ phát triển cao nhất của Viện có khoảng trên 350 cán bộ làm công tác nghiên cứu và biên chế trên 10 khoa, phòng nghiên cứu. Ngoài lực lượng ở lại hậu phương, phần lớn cán bộ của Viện đã vào sâu trong các chiến trường, nghiên cứu đề xuất các biện pháp nâng cao chất lượng mang mặc, ăn uống, duy trì sức khỏe bộ đội, sức chiến đấu của các đơn vị, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, đến tháng 6-1980, Viện Nghiên cứu ăn mặc Quân đội giải thể. Một số cán bộ của Viện Nghiên cứu ăn mặc được chuyển về công tác ở các cơ quan, đơn vị: Phòng Kỹ thuật Quân trang, Phòng Kỹ thuật Quân lương, Cục Quân y và Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Trước đòi hỏi của nhiệm vụ công tác quân nhu trong giai đoạn cách mạng mới, ngày 26-9-2002, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 139/2002/QĐ-BQP thành lập Trung tâm Nghiên cứu - Kiểm định Quân nhu trên cơ sở giải thể Phòng Kỹ thuật, Ban Kiểm định chất lượng 1 và 2 thuộc Cục Quân nhu (Tổng cục Hậu cần).
Quân số ban đầu của Trung tâm là 35 đồng chí, gồm toàn bộ cán bộ, nhân viên Phòng Kỹ thuật; một số cán bộ thuộc các phòng, ban, cơ quan, kho (Cục Quân nhu) và doanh nghiệp hậu cần, được biên chế thành Ban Kế hoạch tổng hợp; Phòng Nghiên cứu quân lương; Phòng Nghiên cứu quân trang và Phòng Kiểm định chất lượng. Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội và trước yêu cầu ngày càng cao của ngành Quân nhu Quân đội, ngày 15-6-2005, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 82/2005/QĐ-BQP nâng cấp Trung tâm Nghiên cứu - Kiểm định Quân nhu thành Viện Nghiên cứu ứng dụng Quân nhu.
Tổng quân số của Viện là 58 đồng chí, được tổ chức thành 9 phòng, ban, xưởng: Phòng Nghiên cứu Quân lương, Phòng Nghiên cứu Quân trang, Phòng Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sản xuất và chế biến, Phòng Nghiên cứu Tiêu chuẩn, chế độ và bảo quản quân nhu; Ban Nghiên cứu lý luận và Thông tin khoa học, Ban Kế hoạch tổng hợp, Ban Chính trị, Ban Tài chính và Xưởng Thực nghiệm - Chế thử. Đến tháng 10-2011, thực hiện Quyết định số 2036/QĐ-TM ngày 4-10-2011 của Bộ Tổng Tham mưu về biểu tổ chức, biên chế Viện Nghiên cứu ứng dụng Quân nhu (thời bình) gồm 07 phòng, xưởng, bộ phận: Phòng Nghiên cứu Quân lương, Phòng Nghiên cứu Quân trang, Phòng Nghiên cứu ứng dụng Kỹ thuật sản xuất và chế biến; Phòng Kế hoạch Tổng hợp; Xưởng Thực nghiệm - Chế thử; Bộ phận Chính trị và Bộ phận Tài chính.
Ngày 10-4-2020, thực hiện quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc tổ chức lại một số cơ quan, đơn vị thuộc Tổng cục Hậu cần, Viện Nghiên cứu ứng dụng Quân nhu đổi tên thành Viện Nghiên cứu Quân nhu, có chức năng nghiên cứu, ứng dụng khoa học quân nhu theo nhiệm vụ của Cục Quân nhu trong thời bình và thời chiến. Nhiệm vụ chính của Viện là: Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật Quân lương, Quân trang, Sản xuất hậu cần phục vụ nhu cầu bộ đội phù hợp với từng đối tượng, từng quân binh chủng nhằm đáp ứng sự phát triển Quân đội ngày càng chính quy, hiện đại theo khả năng kinh tế phát triển đất nước.
Nghiên cứu đề xuất tiêu chuẩn, chế độ, trang bị quân nhu cho từng đối tượng phù hợp với điều kiện tính chất, địa hình, khí hậu, thời tiết và hoạt động của bộ đội trong học tập, công tác, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Tiếp cận thành tựu khoa học tiên tiến, hiện đại trong lĩnh vực quân nhu của quân đội các nước trong khối ASEAN, khu vực và thế giới; liên doanh, liên kết với các tổ chức khoa học trong và ngoài Quân đội để nghiên cứu, cải tiến và ứng dụng thành tựu khoa học tạo ra các sản phẩm Quân nhu đẹp, bền, gọn nhẹ, dễ sử dụng, thống nhất, chính quy. Tổ chức xây dựng tiêu chuẩn Ngành, định mức vật tư kĩ thuật các sản phẩm Quân nhu. Xây dựng Viện vững mạnh toàn diện, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, sẵn sàng nhận và hoàn thành các nhiệm vụ khác trên giao.
Từ khi thành lập đến nay, Viện phải di chuyển địa điểm đóng quân tới 8 lần. Bên cạnh đó, trang bị máy móc và đội ngũ cán bộ, nghiên cứu viên còn thiếu, nhất là đối với các lĩnh vực chuyên ngành hẹp như: Dinh dưỡng, da giày, cao su chất dẻo, dệt nhuộm, may mặc, thời trang, cơ khí... do các nhà trường trong Quân đội không đào tạo các chuyên ngành này đã tác động lớn đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Tuy nhiên được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, Chỉ huy Tổng cục Hậu cần, trực tiếp là Đảng ủy, Chỉ huy Cục Quân nhu, cùng với sự đoàn kết, thống nhất, phát huy tinh thần tự lực tự cường, khắc phục khó khăn của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, Viện đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất được giao.
Nổi bật là, Viện đã làm tốt chức năng tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, Chỉ huy Cục Quân nhu triển khai có hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học, cải tiến, chế thử các sản phẩm quân nhu, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức vật tư. Tham gia nghiên cứu 12 đề tài cấp Bộ; 85 đề tài cấp Tổng cục, cấp cơ sở và nhiều nhiệm vụ cấp Bộ để đưa vào ứng dụng, sản xuất phục vụ bộ đội, từng bước nâng cao chất lượng các sản phẩm quân nhu, bảo đảm bền, đẹp, thống nhất, chính quy và tiện dụng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của bộ đội. Triển khai nghiên cứu thành công 5/7 đề tài cấp Bộ thuộc Chương trình Khoa học cấp Bộ: “Nghiên cứu nuôi dưỡng bộ đội trong điều kiện tác chiến mới” (Chương trình KCB-02); 4/5 đề tài được Bộ đánh giá Xuất sắc, 1 đề tài đạt Khá. Đó là các đề tài: Nghiên cứu trang bị nấu ăn phục vụ bộ đội trong điều kiện tác chiến mới; nghiên cứu khẩu phần ăn chế biến sẵn phục vụ bộ đội; nghiên cứu chế độ dinh dưỡng hợp lý phục vụ bộ đội và nghiên cứu quân trang chống đạn phục vụ bộ đội trong điều kiện tác chiến mới.
Đặc biệt, Viện đã tập trung nghiên cứu, cải tiến thành công mẫu quân trang sĩ quan K08. Việc thay đổi quân trang sĩ quan K-08 là bước phát triển mới cho tất cả các lực lượng của Quân đội ta, hòa nhập với Quân đội các nước trên thế giới, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân đánh giá cao; hiện đang được toàn quân mang mặc đảm bảo tính chính quy, thống nhất, hiện đại. Ngoài ra, một số kết quả nghiên cứu được đưa vào áp dụng có hiệu quả như: Ứng dụng hệ thống cỡ số quân trang vào thiết kế công nghiệp và sản xuất quân phục sĩ quan nam, nữ. Nghiên cứu khẩu phần ăn chế biến cho bộ đội trong điều kiện dã ngoại (hằng năm vẫn sản xuất phục vụ bộ đội Binh chủng Đặc công, Tổng cục II diễn tập).
Nghiên cứu các loại lương khô cho phi công, thủy thủ tàu ngầm và bộ binh. Nghiên cứu vải loang K20, giày vải K19; áo lót dệt kim hạ sĩ quan, binh sĩ K20; bộ quần áo dệt kim đông xuân K20 nam, quân trang nghiệp vụ cho lực lượng chuyên môn kỹ thuật Binh chủng Thông tin liên lạc; quân phục công tác tàu, quần áo phi công... Các sản phẩm sau nghiên cứu cải tiến, chế thử, thử nghiệm đã được trang bị, bảo đảm cho bộ đội đã thực sự nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quân nhu và công tác hậu cần, góp phần phần tích cực vào công tác xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đồng thời, khẳng định khả tính đúng đắn của việc thành lập cơ sở nghiên cứu quân nhu của Bộ Quốc phòng, và cho thấy khả năng kế thừa, phát huy tốt truyền thống của thế hệ cán bộ làm công tác khoa học kỹ thuật quân nhu.
Song song với công tác nghiên cứu khoa học, trong 20 năm qua, Viện đã biên soạn hàng nghìn tiêu chuẩn kỹ thuật các loại; cơ lý kiểm tra chất lượng hàng chục nghìn mẫu sản phẩm, nguyên liệu phục vụ kịp thời yêu cầu quản lý chất lượng, sản xuất tạo nguồn của Cục Quân nhu. Cùng với hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trung tâm được giao, Viện thường xuyên triển khai tốt công tác đảng, công tác chính trị theo đúng hướng dẫn của cấp trên, Đảng bộ luôn đạt trong sạch vững mạnh. Tình hình tư tưởng của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ luôn ổn định, an tâm công tác. Công tác dân vận được thực hiện có chiều sâu và hiệu quả thực chất, góp phần giữ tốt mối quan hệ với cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương nơi đơn vị đóng quân. Công tác cán bộ, chính sách quân đội và hậu phương quân đội thường xuyên được quan tâm. Công tác huấn luyện, quân sự, xây dựng đơn vị chính quy thường xuyên được duy trì chặt chẽ, có nền nếp.
Trong 20 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Viện đã được Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần tặng thưởng nhiều Bằng khen, Giấy khen các loại, tiêu biểu là: Năm 2008, được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghiên cứu Quân trang K08; năm 2012, được tặng Bằng khen của Bộ Quốc phòng và Cờ đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2010 - 2011. Năm 2012, 2015, được Tổng cục Hậu cần tặng Bằng khen về công tác khoa học, công nghệ và môi trường giai đoạn 2006-2010; 2011- 2015.
Cùng với triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch, thực hiện chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Tổng cục Hậu cần và Cục Quân nhu, hiện nay, Viện đang khẩn trương triển khai nghiên cứu Lễ phục mới cho các đối tượng với yêu cầu về chất lượng, sự trang trọng, lịch sự và có tính thẩm mỹ cao, để kịp phục vụ Lễ kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và Kỷ niệm 80 năm Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2025). Đây là niềm vinh dự, tự hào và là trọng trách, trách nhiệm lớn đối với cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Viện Nghiên cứu Quân nhu.
Phát huy truyền thống ngành Quân nhu Quân đội và trên cơ sở những thành tích đã đạt được, thời gian tới, cán bộ, nhân viên Viện Nghiên cứu Quân nhu tiếp tục bám sát chức trách, nhiệm vụ, chung sức, đồng lòng, phát huy trí tuệ tập thể, chủ động, sáng tạo, tham mưu đề xuất với cấp trên các nội dung nghiên cứu có tính cấp thiết, tính mới, tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội “tinh, gọn, mạnh”; đồng thời, tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện "Mẫu mực, tiêu biểu", sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Hiện nay, tổ chức của Viện gồm 03 phòng nghiên cứu (Quân trang, Quân lương, Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sản xuất-chế biến), Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Xưởng Thực nghiệm - Chế thử, Bộ phận Chính trị và Bộ phận Tài chính. Tổng quân số là 65 đồng chí; 100% cán bộ làm công tác nghiên cứu có trình độ đại học trở lên, trong đó có 01 Tiến sĩ và 16 Thạc sĩ.
Từ năm 2010 - 2022, cán bộ, nhân viên của Viện đã tích cực tham gia Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội, có 15 đề tài, sáng kiến đoạt giải, trong đó có 03 giải Nhất, 03 giải Nhì. Năm 2019, Viện được Tổng cục Hậu cần tặng Bằng khen vì có nhiều công trình tham gia Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân đoạt giải cao.
|
Đại tá Đoàn Văn Toản, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quân nhu