Đổi mới, nâng cao chất lượng tăng gia sản xuất

Các đơn vị trong Quân chủng Hải quân đóng quân trên địa bàn 3 miền đất nước; đầu mối bảo đảm nhiều, đối tượng đa dạng; tổ chức, biên chế ngành Quân nhu ở các đơn vị còn thiếu và không đồng bộ. Cùng với đó, thời tiết, khí hậu, dịch bệnh những năm gần đây diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch COVID-19 và dịch tả lợn Châu Phi thời gian qua đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khai thác, tạo nguồn lương thực, thực phẩm...

Thực hiện lời Bác: “Các cơ quan trong Quân đội phải cố sức trồng trọt chăn nuôi để tự túc phần nào, để giảm bớt gánh nặng của Nhân dân”; trên cơ sở nhận thức đúng tình hình, nhiệm vụ, Phòng Quân nhu đã chủ động tham mưu với Đảng ủy, chỉ huy Cục Hậu cần tham mưu với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng các biện pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác TGSX. Trọng tâm là đẩy mạnh quy hoạch, đầu tư cải tạo, xây mới hệ thống vườn, ao, chuồng, giàn, trạm chế biến cơ bản, chính quy, với lộ trình phù hợp; xóa bỏ các điểm tăng gia, chăn nuôi manh mún, hiệu quả thấp. Từng vườn được phân lô, thửa, có đường đi bằng bê-tông và quy định cụ thể khu vực trồng từng loại rau theo mùa vụ. Về chăn nuôi, kết hợp chặt chẽ giữa chăn nuôi tập trung và phân tán, bảo đảm số đầu gia súc, gia cầm hợp lý, phù hợp với khả năng chăn nuôi và nhu cầu sử dụng; tập trung duy trì ổn định đàn lợn thịt, đàn gia cầm lấy trứng và nuôi thịt, nuôi thả cá ở những đơn vị có ao, hồ. Nhằm nâng cao hiệu quả TGSX, hằng năm, các đơn vị cấp trung, lữ đoàn và tương đương trở xuống đều lập kế hoạch chỉ đạo gieo trồng, dành từ 70% diện tích/vườn trở lên để trồng các loại rau, củ, quả chính vụ; chú trọng trồng các loại rau cao cấp; khuyến khích các đơn vị đẩy mạnh thâm canh, xen canh, gối vụ; thực hiện giao khoán đến từng tổ, nhóm, người lao động. Sản phẩm TGSX được cơ quan quân nhu điều tiết giữa các bếp, thống nhất về giá, không để tình trạng ùn, ứ gây hư hỏng hoặc thất thoát, lãng phí...

leftcenterrightdel
 Giàn mướp tại đảo Sinh Tồn Đông

Cùng với trên bờ, phong trào TGSX trên các đảo, nhà giàn thuộc Quần đảo Trường Sa cũng được duy trì ổn định. Được sự đầu tư của trên và sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong cả nước, các đơn vị đóng quân trên Quần đảo đã tận dụng triệt để những diện tích đất ít ỏi, tổ chức trồng rau, nuôi lợn, gà, vịt, cải thiện đời sống. Đến nay, Quần đảo đã có 24 điểm chuồng, 45 điểm vườn được xây dựng kiên cố; bình quân diện tích chuồng đạt 1,1 m2/người; diện tích vườn đạt 4,2m2/người; đáp ứng được một phần nhu cầu thực phẩm tươi sống cho bộ đội. Quân chủng còn phối hợp với Viện Hóa học-Vật liệu thử nghiệm sử dụng giá thể và phân hữu cơ vi sinh chịu mặn trồng rau, cây xanh; tham gia đề tài chọn tạo giống rau muống chịu hạn, chịu mặn nhằm bảo đảm nguồn rau xanh thường xuyên cho bộ đội và Nhân dân trên đảo. Nhờ các biện pháp đồng bộ và quyết liệt, phong trào TGSX ở Quân chủng những năm gần đây phát triển ổn định, đạt và vượt hầu hết chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Năm 2021, sản lượng rau, củ, quả đạt 100,4% kế hoạch; thịt xô lọc đạt 99,5%; cá đạt 100,9%. Lãi từ hoạt động TGSX, chế biến đạt bình quân 1.501.450 đồng/người. Đến nay, toàn Quân chủng đã tự túc 90,2% định lượng rau xanh; 45% định lượng thịt lợn; 35,4% cá tươi; cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Những mô hình chăn nuôi hiệu quả là: Lữ đoàn 126 (chăn nuôi lợn, gà thịt); Vùng 4 (gà đẻ trứng); Lữ đoàn 170 (nuôi cá). Về trồng trọt, tiêu biểu là các đơn vị: Lữ đoàn 131; Lữ đoàn 101, Lữ đoàn 957 (Vùng 4); Lữ đoàn 147 (Vùng 1). Khối đảo có các đảo Sinh Tồn, Sơn Ca, Cô Lin, Đá Lớn C...

Đi đôi và gắn kết chặt chẽ với hoạt động TGSX, Quân chủng duy trì hoạt động hiệu quả các trạm chế biến tập trung ở các đơn vị trên cơ sở bảo đảm hài hòa 3 lợi ích (người trực tiếp lao động, đơn vị và bộ đội). Các trạm chế biến đặt dưới sự chỉ đạo, điều hành của cơ quan quân nhu cùng cấp, thực hiện mở sổ và hạch toán độc lập nhằm quản lý chặt chẽ giá đầu vào, đầu ra. Tính riêng năm 2021, các trạm chế biến tập trung trong Quân chủng đã tổ chức giết mổ, bảo đảm cho các bếp ăn hơn 645 tấn thịt gia súc, gia cầm; 202 tấn đậu phụ; 77 tấn giá đỗ; 33 tấn giò chả; 58.000 lít nước mắm…; đáp ứng trên 50% nhu cầu thực phẩm trong các bữa ăn hằng ngày của bộ đội với giá thấp hơn thị trường từ 5-20%...

Đổi mới phương thức phục vụ, xây dựng môi trường văn hóa ăn uống

Thực hiện chỉ đạo của Tư lệnh Quân chủng, từ năm 2017, ngành Hậu cần Quân chủng chủ trương đổi mới phương thức phục vụ, xây dựng môi trường văn hóa ăn uống trong toàn Quân chủng. Là cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm thực hiện chủ trương trên, Phòng Quân nhu đã tham mưu với Đảng ủy, chỉ huy Cục Hậu cần triệt để phân cấp bảo đảm cho các đơn vị, trước hết là tổ chức lại khâu tiếp phẩm tập trung vốn đã triển khai từ nhiều năm trước nhưng chưa được thực hiện hiệu quả; nhiều đơn vị vẫn còn tổ chức khai thác nhỏ lẻ, hiệu quả thấp. Theo đó, tất cả các đơn vị đóng quân tập trung phải tổ chức tiếp phẩm tập trung tại các cơ sở có tư cách pháp nhân, được chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền, đồng thời phải có hợp đồng nguyên tắc, ràng buộc trách nhiệm pháp lý. Thời gian tiếp phẩm được quy định cụ thể: Thực phẩm tươi sống tiếp phẩm hằng ngày; các loại thực phẩm khô, hộp, đóng chai 1-2 lần/tháng... Việc tiếp phẩm gạo, chất đốt giao cho cơ quan hậu cần cấp vùng; các trung, lữ đoàn trực thuộc Quân chủng và các trung, lữ đoàn trực thuộc Vùng nhưng đóng quân xa đảm nhiệm. Các mặt hàng còn lại giao hậu cần cấp trung, lữ đoàn và tương đương tự khai thác, bảo đảm. Sản phẩm TGSX phải được làm sạch trước khi nhập bếp và chỉ nhập phần ăn được...

leftcenterrightdel
 Lữ đoàn 126 đẩy mạnh phát triển đàn lợn thịt.Ảnh: CTV

Cùng với đó, Quân chủng thực hiện đổi mới khâu phục vụ ăn uống. Các bếp xây dựng từ 2-3 thực đơn ăn/bữa (đối với sĩ quan) để người ăn có thể lựa chọn món ăn ưa thích. Thức ăn chỉ được chia trước giờ ăn 5-10 phút để bộ đội được ăn nóng. Khi ăn xong, người ăn phải tự thu dọn bát, đũa, đĩa, dụng cụ chia chung, thức ăn thừa đưa về vị trí quy định. Đối với tàu làm nhiệm vụ trên biển, thực đơn ăn chỉ thực hiện 1-2 món/bữa; lương thực, thực phẩm mang theo phải có chất lượng tốt, hàm lượng dinh dưỡng cao để hạn chế khối lượng bảo quản và lượng thải bỏ khi sơ chế; tăng cường sử dụng thực phẩm chế biến sẵn. Với lực lượng tàu ngầm, chủ yếu sử dụng thức ăn chế biến sẵn; thực phẩm được phân loại, sơ chế, đóng gói theo từng ngày ăn để tiện sử dụng; hạn chế các món ăn chế biến phức tạp...

Đặc biệt, Quân chủng tập trung xây dựng môi trường văn hóa trong nhà ăn, nhà bếp. Ngoài việc đề cao tinh thần phục vụ tận tình, chu đáo, người phục vụ phải thực hiện tốt “5 nhanh” (mắt; mồm; chân; tay; trí), “5 tránh” (hấp tấp; nói to, ồn ào; nhầm lẫn; va chạm, đổ vỡ; nhìn thẳng vào người ăn), 2 “nhớ” (niềm nở, tươi cười; kịp thời, thứ tự). Khi được yêu cầu phục vụ, phải kịp thời thực hiện nếu trong khả năng cho phép, nếu không phải giải thích cho người yêu cầu biết. Người được phục vụ, ngoài thực hiện nghiêm chỉnh các quy định chung (đi ăn đúng giờ quy định; vào nhà ăn quần áo phải gọn gàng, sạch sẽ; không nói to, cười đùa, cho chân lên ghế, vứt thức ăn xuống sàn...), khi muốn yêu cầu phục vụ, phải thông báo cho trực ban hoặc bộ phận phục vụ biết...

Qua hơn 4 năm thực hiện chủ trương đổi mới phương thức phục vụ, xây dựng môi trường văn hóa ăn uống, công tác nuôi dưỡng bộ đội của Quân chủng có bước chuyển biến rõ rệt. Việc khai thác, tạo nguồn, tiếp phẩm tập trung ngày càng đi vào nền nếp; chất lượng lương thực, thực phẩm luôn bảo đảm tốt, kể cả từ nguồn TGSX, chế biến. Ý thức TGSX của bộ đội từng bước thay đổi tích cực, không còn chạy theo số lượng đơn thuần mà đã đi sâu nâng cao chất lượng, giá trị. Do lương thực, thực phẩm đầu vào bảo đảm chất lượng tốt nên đã giảm từ 60-70% thời gian sơ chế; tỷ lệ tiêu hao chất đốt cũng giảm từ 10-15%. Công tác bảo đảm dụng cụ cấp dưỡng, trang thiết bị nhà ăn, nhà bếp ngày càng được các đơn vị quan tâm đầu tư củng cố, mua sắm, bảo đảm đầy đủ, thống nhất. Đáng chú ý là, nếp sống văn hóa, văn minh trong nhà ăn, nhà bếp được nâng cao một bước. Đại đa số nhân viên nuôi quân xác định nghĩa vụ, trách nhiệm, có tinh thần phục vụ niềm nở, tận tình, không còn tình trạng cáu gắt thờ ơ, vô cảm với bộ đội. Bộ đội được ăn nóng tất cả các bữa; được đáp ứng kịp thời khi có nhu cầu chính đáng và nhà bếp có điều kiện phục vụ. Sau bữa ăn, dụng cụ ăn, dụng cụ chia được thu gom về nơi quy định, giảm đáng kể công sức lực lượng nuôi quân, đồng thời giúp nhà ăn, nhà bếp sạch sẽ, gọn gàng, hạn chế ruồi, nhặng...

Có thể nói, việc đẩy mạnh học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là động lực để ngành Quân nhu Quân chủng Hải quân không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác và phục vụ bộ đội. Đó cũng chính là mục tiêu toàn Ngành hướng tới nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, góp phần đưa Chỉ thị đi sâu vào cuộc sống.

Đại tá VŨ VĂN HINH, Trưởng phòng Quân nhu/Cục Hậu cần QCHQ