Để thực hiện được chủ trương đó phải di chuyển các cơ sở điều trị và đưa các phòng mổ ra sát tuyến chiến đấu.

Các đội điều trị đã thảo luận, bàn bạc thống nhất từ trong cấp ủy đảng, trong cán bộ phụ trách, trong chi bộ và trong toàn đội. Trước hết phải  khắc  phục tư tưởng sợ khó, sợ khổ, ngại hy sinh, phải nâng cao lòng thương yêu đồng chí, quyết tâm cứu chữa thương binh với tinh thần dũng cảm, tận tụy, sẵn sàng hy sinh.

Cơ quan quân y chiến dịch chỉ đạo đưa 01 đội điều trị, 01 phòng mổ của Đại đoàn 304 ra sát tuyến chiến đấu để rút kinh nghiệm. Công việc đầu tiên của anh chị em quân y là cùng với các chiến sĩ công binh đào moi vào  ruột núi tạo thành các căn hầm rồi dùng cây to chống và lát trần, có thể chống được sức phá hoại của các loại đạn pháo và bom địch nổ gần. Lòng hầm đủ để triển khai 01 bàn mổ và chỗ để các tiện nghi cần thiết. Nền hầm cao ráo, sạch sẽ. Trần hầm và vách hầm được căng vải dù trắng. Cửa hầm có rèm vải xô ngăn ruồi, muỗi, bụi bặm. Để có ánh sáng phục vụ phẫu thuật, anh em có sáng kiến dùng đèn đi-na-mô xe đạp thay cho đèn măng-sông. Kê xe đạp lên, một người ngồi trên yên đạp đều đều, liên tục, thế là phòng mổ có nguồn ánh sáng 06 vôn, tạm đủ cho các thầy thuốc làm việc.

leftcenterrightdel
Lực lượng y tế và đội ngũ quân y luôn bám sát trận địa, cứu chữa kịp thời cho các chiến sĩ bị thương. Ảnh tư liệu: TTXVN 

Ngoài việc đào phòng mổ, anh chị em còn đào hầm kho thuốc, hầm thay băng, hầm nhỏ cho thương binh nằm và hào giao thông nối liền giữa các hầm. Như vậy đã hình thành “một bệnh viện trong lòng đất”. Bệnh viện xây dựng làm thí điểm này được các cán bộ phụ trách các đội điều trị toàn mặt trận về tham quan học tập rút kinh nghiệm.

Các đội điều trị mặt trận được sắp xếp thành nhiều tuyến. Tuyến 01 tiếp cận các trận địa là tuyến quân y các đại đoàn, có thêm 02 đội điều trị của hậu cần chiến dịch xuống tăng cường. Tuyến 02 gồm các đội điều trị nằm trong khu vực của hậu cần hỏa tuyến. Tuyến 03 gồm một số đội điều trị của Cục Quân y triển khai thành những bệnh viện mặt trận bố trí ở khu vực hậu phương chiến dịch.

Đến đầu tháng 3-1954, tức là trước khi nổ súng mở màn Chiến dịch, tất cả các đội điều trị trên tuyến 01 đã xây dựng xong các bệnh viện ngầm, các trạm phẫu thuật tiền phương trong lòng đất. Mỗi cơ sở có ít nhất 01 phòng mổ gồm 02 bàn mổ. Có nơi còn lập thêm 01 phòng mổ dự bị để đề phòng khi bị địch đánh phá thì có thể di chuyển được ngay, không để công tác cứu chữa thương binh, bệnh binh bị gián đoạn.

Nhờ có hầm hào kiên cố nên mặc dù nằm trong tầm pháo của địch nhưng các đội điều trị chiến dịch vẫn có thể tiến hành việc cứu chữa thương binh ngay trong lúc địch đang đánh phá. Các đội điều trị đại đoàn, các đội quân y trung đoàn, tiểu đoàn ở sát tuyến chiến đấu cũng được bố trí trong lòng đất với quy mô nhỏ hơn.

Sau khi quân Pháp ở Điện Biên Phủ đầu hàng, một sĩ quan quân y Pháp rất ngạc nhiên khi trông thấy phòng mổ của ta. Ông ta thốt lên: “Thật không ngờ, chỉ cách có vài chục bước chân mà chúng tôi thì chui rúc dưới địa ngục, còn các ông thì ở trên thiên đường”.

Cuộc chiến đấu ở hỏa tuyến càng gay go ác liệt, khẩn trương bao nhiêu thì cuộc chiến đấu chống lại cái chết, chống lại thương tật ở các "bệnh viện trong lòng đất" cũng khẩn trương, gay go bấy nhiêu. Các cán bộ, chiến sĩ quân y chiến dịch thay phiên làm việc liên tục, không nghỉ một ngày. Làm sao có thể dừng tay nghỉ ngơi được khi cái chết đang đe dọa đồng đội. Phải giải phẫu kịp  thời,  phải  chăm  sóc,  trông nom, điều trị. Ngoài việc chữa bệnh còn phải đào hầm hào cho anh em trú ẩn. Người bác sĩ buông dao mổ là đi thay băng, giặt quần áo, bón cơm cháo cho thương binh, túc trực bên người bị thương nặng, an ủi, động viên người đau đớn, pha chế thuốc men... không lúc nào thấy hết công việc; nhưng không một lời phàn nàn, không một hành động uể oải, thiếu trách nhiệm. Có nhiều tấm gương cứu chữa rất tận tụy, cảm động.

Đồng chí Đội trưởng  Đội điều trị Đại đoàn 316 kể lại: “...Vết thương ở chiến trường dễ biến chứng thành hoại thư sinh hơi. Phòng hoại thư sinh hơi là vấn đề khó khăn nhất. Lúc đó, điều kiện theo dõi, xét nghiệm thiếu, chỉ có một cách là phải mở băng bệnh nhân ngửi vết thương. Hoại thư sinh hơi rất nặng mùi, nhưng cuộc sống, sinh mạng của đồng chí là vô giá. Chúng tôi không ngần ngại dùng mũi mình để theo dõi, xét nghiệm. Lúc đầu có anh em không dám làm, nhưng sau đó, tất cả đều nêu cao tinh thần tất cả vì thương binh. Vì thế, suốt Chiến dịch, không có một ca nào có nguy cơ biến chứng hoại thư sinh hơi mà không được cứu chữa ngay từ đầu. Có những ca sọ não, cột sống... rất nặng, chúng tôi không gọi là cấp cứu mà gọi là “cướp cứu”. Cướp cái sống trên tay thần chết, cướp cái sống chỉ còn lại giây phút. Mặc dầu quá khả năng kỹ thuật, dụng cụ thiếu, chúng tôi cũng quyết tâm giải phẫu.

“Còn nước còn tát”, “làm hết sức mình”, “không bó tay trước cái chết của đồng đội” là những khẩu hiệu hành động của anh chị em quân y. Chúng tôi vận dụng hết tri thức, kinh nghiệm, nhiệt tình đem toàn bộ tài trí của cả một tập thể ra để đòi lấy sự sống cho đồng chí. Có ca mổ, toàn đội đều túc trực làm việc 06 - 07 giờ liền không nghỉ, không kịp ăn uống. Tất cả đều tập trung vào một mục đích duy nhất là để chiến thắng. Sau này nghĩ lại những việc làm ấy mới thấy mình táo bạo. Tài năng còn non kém, tại sao chúng tôi lại  thành  công  trong những ca trọng thương tưởng chừng không thể cứu chữa được? Vì cái gì mà lúc đó chúng tôi có thể làm được những việc như thế?... Động lực nhiều lắm, nhưng có lẽ động lực chính là người thương binh. Các đồng chí thương binh chính là nguồn cổ vũ chúng tôi.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đội điều trị của chúng tôi đã cứu chữa hàng trăm thương binh. Nhiều đồng chí bị thương rất nặng, cụt cả 02 chân, gãy cả 02 tay, giập nửa mặt, nhưng chưa bao giờ chúng tôi nghe thấy một tiếng kêu, một tiếng khóc, một cử chỉ yếu đuối về tinh thần của thương binh. Có chăng chỉ nghe thấy tiếng nghiến răng ken két, chỉ thấy những giọt mồ hôi chịu đựng toát trên trán, hoặc đôi lông mày nhíu lại. Có đồng chí đau quá ngất đi, mê sảng, nhưng trong cơn mê ấy vẫn lẫm liệt chí khí anh hùng. Trước những con người như thế, ai chùn bước, ngại khó, ngại khổ thì thật là tồi tệ...”.

Những “bệnh viện trong lòng đất”, những chiến sĩ quân y tận tâm vì đồng đội là những hình ảnh tuyệt đẹp trong trang sử chiến đấu và chiến thắng của Quân đội ta, đặc biệt là trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đại tá, TS VŨ TANG BỒNG, Nguyên cán bộ Viện Lịch sử quân sự