Thực hiện Nghị định số 68/2007/NĐ-CP ngày 19-4-2007 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu, ngày 29-5-2008, Bộ trưởng BQP ban hành Quyết định số 79/2008/QĐ-BQP về việc thành lập BHXH BQP - cơ quan chuyên trách thực thi các chế độ, chính sách BHXH, BHYT trong Quân đội.

Sự ra đời của BHXH BQP đáp ứng đòi hỏi tất yếu, khách quan, phù hợp với sự phát triển của pháp luật về BHXH, BHYT; thể hiện quyết tâm của Quân ủy Trung ương, BQP trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách ASXH.

leftcenterrightdel

Bảo hiểm xã hội BQP thực hiện giám định chi phí khám bệnh,chữa bệnh BHYT trên dữ liệu điện tử. Ảnh: CTV 

Trong nhiều năm qua, BHXH BQP triển khai thực hiện công tác BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo đúng quy định của pháp luật, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, BQP, đảm bảo toàn diện, đầy đủ quyền và lợi ích của quân nhân, thân nhân, người lao động. Trong công tác thu, nộp BHXH, BHYT, các đơn vị đã quán triệt, chấp hành, thực hiện nghiêm quy định của pháp luật Nhà nước và BQP; gắn công tác thu, nộp với cấp sổ BHXH, thẻ BHYT đảm bảo quyền lợi của các đối tượng thụ hưởng.

Việc giải quyết chế độ, chính sách BHXH được thực hiện theo đúng nguyên tắc, quy trình thủ tục hồ sơ, chế độ, thẩm quyền và đảm bảo kịp thời quyền lợi cho các đối tượng thụ hưởng khi đang công tác cũng như chuyển ra ngoài Quân đội, tạo niềm tin với việc thực thi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24-9-2021 và Thủ tướng ban hành Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg ngày 1-10-2021 về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ BHTN, BQP chỉ đạo BHXH BQP phối hợp với cơ quan chức năng ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện kịp thời. Do đó đã hỗ trợ trên 156,2 tỷ đồng cho người lao động tham gia BHTN trước ngày 1-10-2021; giảm mức đóng bảo hiểm đối với người sử dụng lao động (từ 01% xuống 0%) vào quỹ BHTN đối với các doanh nghiệp (thời gian 12 tháng kể từ ngày 1-10-2021 đến ngày 30-9-2022) với số tiền trên 43,4 tỷ đồng.

Về BHYT, từ năm 2018, BHXH BQP triển khai thực hiện 100% BHYT quân nhân theo quy định của Luật BHYT và chỉ đạo của BQP. Đây là chính sách mới, thay đổi phương thức bảo đảm từ ngân sách Nhà nước sang quỹ BHYT trong việc chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh (KCB) thường xuyên cho bộ đội; khẳng định tính ưu việt của chế độ, chính sách mới, sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, Quân đội tới việc chăm sóc sức khỏe của lực lượng vũ trang. Quyền lợi chăm sóc sức khỏe và KCB của quân nhân được bảo đảm ở mức cao; quân nhân khám, điều trị bằng kỹ thuật y tế hiện đại đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi.

BHXH BQP thực hiện cấp thẻ BHYT theo quy trình nghiệp vụ tăng, giảm (quân số vào - quân số ra); gia hạn thẻ BHYT và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng của BQP trong việc thực hiện liên thẩm quân số, từ đó hạn chế việc cấp đổi, cấp lại thẻ BHYT do sai thông tin, tiết kiệm thời gian, chi phí. Quyền lợi về BHYT của các đối tượng do BHXH BQP cấp thẻ đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Cùng với đó, những năm gần đây, BHXH BQP triển khai xây dựng hệ thống phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thu, chi, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT và giải quyết các chế độ BHXH từ cơ quan BQP đến cơ quan nhân sự, tài chính, quân y cấp trung đoàn và tương đương, tạo sự thống nhất trong toàn quân. Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong giám định chi phí KCB BHYT đối với các cơ sở quân y ký hợp đồng với BHXH BQP đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý quỹ BHYT và bảo đảm quyền lợi đối với người được cấp thẻ BHYT.

Tuy nhiên, công tác BHXH, BHYT, BHTN trong Quân đội vẫn còn một số hạn chế, bất cập do cơ chế, chính sách và quy định của pháp luật, như: Thời gian tham gia BHXH của quân nhân khó đạt được tỉ lệ lương hưu 75%; quân nhân có thời gian tại ngũ là hạ sĩ quan, binh sĩ, học viên tại các học viện, trường Quân đội khi tính lương hưu, trợ cấp BHXH một lần sẽ thấp hơn các đối tượng khác. Đối với nam quân nhân, khó có thể được hưởng ngày nghỉ theo chế độ thai sản khi vợ sinh con do đặc thù hoạt động quân sự. Chưa có cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm hướng dẫn tổ chức thực hiện chế độ BHYT của lực lượng dân quân thường trực; việc thông tuyến KCB còn gặp nhiều khó khăn…

Thời gian tới, để công tác BHXH và BHYT thực sự phát huy vai trò là hai trụ cột của hệ thống chính sách ASXH trong Quân đội, động viên quân nhân yên tâm công tác, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người làm công tác BHXH, BHYT cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT. Đây là nội dung giúp mọi quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng trong Quân đội thấy được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về chính sách ASXH đối với Quân đội, đảm bảo bù đắp một phần thu nhập cho quân nhân và gia đình quân nhân. Theo đó, đội ngũ cán bộ, nhân viên phụ trách công tác BHXH, BHYT chủ động tham mưu với cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, làm cho mọi quân nhân, nhất là hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, lao động hợp đồng nắm chắc chế độ, chính sách về BHXH, BHYT.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn BHXH, BHYT; tích cực tham gia BHXH và bảo lưu thời gian tham gia, góp phần đảm bảo ASXH lâu dài. Nội dung tuyên truyền phải toàn diện, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên về BHXH, BHYT, BHTN, trọng tâm là Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm, Luật KCB... Kết hợp tuyên truyền chuyên sâu với giáo dục chính trị, pháp luật, thông tin chuyên đề về BHXH, BHYT ở các cấp.

Hai là, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến BHXH, BHYT. Hoạt động của Quân đội là lao động đặc thù, có tính phức tạp, cường độ cao, nguy hiểm, rủi ro lớn, thời gian công tác của quân nhân tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng, độ tuổi, sức khỏe... theo quy định của Quân đội.

Mặt khác, các đối tượng do BQP quản lý, khi tham gia BHXH, thời gian tính lương hưu, trợ cấp sẽ phụ thuộc vào thời gian công tác được quy định trong Luật Sĩ quan, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự. Theo cách tính tỷ lệ phần trăm lương hưu, trợ cấp được quy định trong Luật BHXH hiện hành, thời gian công tác của quân nhân, những người lao động ở khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... sẽ không tương đồng với các đối tượng lao động khác ngoài Quân đội. Cùng với đó, việc đảm bảo quyền lợi khi KCB BHYT cũng gặp khó khăn, bất cập do một số bệnh xá quân y chưa được chấp nhận như bệnh viện tuyến huyện.

Trang thiết bị y tế của các cơ sở KCB ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (Trường Sa, nhà giàn DK) chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh… Điều đó đặt ra cho BHXH BQP cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu với Tổng cục Chính trị, Quân ủy Trung ương, BQP đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các luật, văn bản pháp luật liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN, đảm bảo phù hợp với hoạt động đặc thù của Quân đội, như: Độ tuổi, khu vực công tác, thời gian đóng bảo hiểm, nối tiếp thời gian đóng bảo hiểm cho hạ sĩ  quan, binh sĩ khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trợ cấp mai táng phí, BHYT của đối tượng dân quân thường trực... Trong đó, chú trọng vào Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm, Luật KCB và các nghị định của Chính phủ.

Ba là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra. Đây là khâu quan trọng, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền lợi cho các đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, phát hiện sai sót, bất cập, từ đó kịp thời khắc phục và kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Vì vậy, BHXH BQP tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, tham mưu với Tổng cục  Chính trị, Quân ủy Trung ương, BQP xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện công tác BHXH, BHYT tại các cơ quan, đơn vị, bệnh viện, bệnh xá trong toàn quân.

Kịp thời chấn chỉnh sai sót, không để xảy ra hiện tượng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT, BHTN; quản lý và sử dụng các quỹ có hiệu quả, đúng mục đích, đối tượng. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng công tác quyết toán, thu, chi BHXH; phân cấp trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị, vừa đảm bảo chặt chẽ trong quản lý, vừa hạn chế sai phạm. Tiếp tục thực hiện tốt công tác thu, nộp BHXH, BHYT; quản lý, kiểm soát tốt việc giải quyết thủ tục, chi trả chế độ bảo hiểm cho các đối tượng đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng quy định.

Bốn là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, thực hiện nghiệp vụ bảo hiểm. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu đối với nâng cao chất lượng công tác bảo hiểm và yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số trong Quân đội. Để thực hiện tốt nội dung này, BHXH BQP chủ động tham mưu với Tổng cục Chính trị, BQP tiếp tục chuẩn bị nguồn nhân lực về công nghệ thông tin; tổ chức bồi dưỡng kiến thức khai thác, sử dụng phần mềm cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác BHXH, BHYT trong toàn quân.

Tiếp tục thực hiện Đề án “Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý BHXH, BHYT của BHXH BQP” với mục tiêu chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ về công tác bảo hiểm theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, quản lý tập trung, thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ, bảo mật thông tin, dữ liệu tại BHXH BQP. Thường xuyên kết nối, duy trì liên thông dữ liệu giữa BHXH BQP với các cơ sở KCB BHYT toàn quân, làm cơ sở cho việc giám định, chi trả kinh phí KCB, tạo thuận lợi cho các đối tượng sử dụng thẻ BHYT do BHXH BQP cấp, góp phần nâng cao sức khỏe bộ đội, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa Quân đội.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác BHXH, BHYT trong Quân đội, phát huy kết quả đạt được của BHXH BQP thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp toàn quân cần nỗ lực phấn đấu thực hiện ngày càng tốt quyền lợi về BHXH, BHYT cho các đối tượng và hậu phương Quân đội, góp phần đảm bảo ASXH ngày càng ổn định, bền vững.

Sau 16 năm hoạt động, BHXH BQP đã tham mưu và tổ chức thực hiện tốt các chế độ chính sách BHXH, BHYT trong Quân đội; phương thức tổ chức thực hiện chặt chẽ, chuyên nghiệp, hiệu quả, luôn hướng tới sự hài lòng của các đối tượng thụ hưởng. Với những thành tích đạt được, BHXH BQP vinh dự được Nhà nước, BQP tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì, hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Đại tá TRẦN NGỌC DUY, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng