Nhằm hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng Trường Sa thành huyện đảo mạnh về phòng thủ, đẹp về cảnh quan môi trường..., những năm qua, BTL Vùng 4 QCHQ đón nhận sự chung tay giúp sức của các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ kinh phí, vật chất phục vụ trồng cây xanh, cải thiện môi trường sống trên Quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, do diện tích đảo lớn, thời tiết, khí hậu rất khắc nghiệt, hằng năm chịu ảnh hưởng của bão, đất trồng nhiễm mặn, nghèo chất dinh dưỡng, không thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng nên mật độ cây xanh còn thưa, tỷ lệ che phủ xanh còn thấp.

Với quyết tâm xây dựng Quần đảo Trường Sa thành quần đảo xanh, năm 2022, BTL Vùng 4 QCHQ triển khai thực hiện Chương trình “Xanh hóa Trường Sa”. Mục đích nhằm tuyên truyền, vận động các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp, Nhân dân cả nước và các nhà hảo tâm hỗ trợ cây xanh, vật tư, phân bón, kinh phí... để cải tạo đất trồng, chăm sóc cây xanh, từng bước mở rộng diện tích phủ xanh, cải thiện môi trường sống cho quân dân trên đảo.

leftcenterrightdel
Nhờ hệ thống cây xanh phát triển tốt nên các hoạt động ngoại khóa trên đảo Sinh Tồn được tổ chức trong môi trường thoáng mát. Ảnh: Đình Thảo 

Để thực hiện Chương trình trên, đầu năm 2022, Chỉ huy BTL Vùng 4 giao cho Phòng Hậu cần xây dựng kế hoạch tổng thể và kế hoạch chi tiết thực hiện đảm bảo chặt chẽ, khả thi, hiệu quả. Theo đó, giai đoạn 1 từ năm 2022 - 2025, phấn đấu trồng cây che phủ xanh 80% diện tích đất trên các đảo nổi. Giai đoạn 2, từ năm 2026 - 2030, vận động tổ chức, cá nhân  hỗ trợ phân bón, cây xanh, thay thế những cây kém phát triển và cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hệ thống vườn trồng rau đã bị hư hỏng.

Trên cơ sở Kế hoạch đã được phê duyệt, Phòng Hậu cần được phân công chủ trì việc phối hợp, hiệp đồng với các cơ quan chức năng tổ chức phát động phong trào thi đua, đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trên hệ thống thông tin đại chúng trong và ngoài Quân đội, giúp cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân cả nước thấy được mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình “Xanh hóa Trường Sa”. Cùng với đó, Phòng Hậu cần phối hợp với Phòng Doanh trại (Cục Hậu cần QCHQ) chỉ đạo Lữ đoàn 146 lập quy hoạch tổng thể và  chi  tiết về trồng cây xanh, xác định vị trí xây dựng vườn rau tập trung phù hợp với kế hoạch sử dụng đất đối với từng đảo. Tích cực quan hệ chặt chẽ, vận động chính quyền địa phương, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ Chương trình bằng vật chất, cây xanh hoặc việc làm cụ thể (hướng dẫn kỹ thuật ươm, chăm sóc cây, nghiên cứu cải tạo đất...). Ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp, cơ sở cung ứng cây xanh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và một số tỉnh phía Nam cung ứng cây xanh. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã đăng ký hỗ trợ Chương trình để tiếp nhận vật tư, phân bón, cây xanh... Đề xuất với Chỉ huy Bộ tư lệnh Vùng 4 kế hoạch tổ chức vận chuyển, cấp phát cho các đảo trên Quần đảo Trường Sa.

Cùng với đó, BTL Vùng 4 xây dựng một số vườn ươm cây tập trung để đẩy nhanh tiến độ ươm cây giống số lượng lớn. Trên cơ sở nghiên cứu thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu trên đảo Trường Sa, Phòng Hậu cần chủ động đến các cơ sở ươm cây giống tại địa phương ven biển, đồng bằng sông Cửu Long chuyên ươm trồng giống cây có khả năng chịu hạn tốt, phát triển được trên đất nhiễm mặn, phèn, nghèo dinh dưỡng để nghiên cứu, học hỏi kỹ thuật chăm sóc, mua hạt, quả, cây giống như: phi lao, dừa, bàng... về tự ươm trồng.

Với tinh thần chủ động, quyết liệt, tính đến 15/7/2023, BTL Vùng 4 phối hợp với trên 40 đầu mối đơn vị, trong đó có 35 đơn vị hành chính cấp huyện (quận), cấp tỉnh và gồm 20 doanh nghiệp tham gia Chương trình. Hiện nay BTL Vùng 4 đã tiếp nhận trên 60.000 cây xanh các loại, 3.200 m3 đất màu, 350 tấn phân bón hữu cơ… của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ. Ngoài ra, còn nhiều địa phương, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong cả nước cam kết hỗ trợ, ủng hộ Chương trình trong thời gian tới.

Nhằm từng bước chủ động nguồn cây giống, BTL Vùng 4 phát huy nội lực xây dựng 02 vườn ươm cây giống trong bờ, với diện tích khoảng 3.000 m2 để tổ chức ươm cây giống hằng năm cấp cho các đơn vị trên đảo. Riêng trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, BTL Vùng 4 đã cấp cho các đảo hơn 54.000 cây xanh các loại, đồng thời chỉ đạo các đảo tổ chức ươm, chiết tạo nguồn cây xanh tại chỗ được hơn 7.000 cây. Nhờ được đầu tư và sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, địa phương, trên các đảo đã xây dựng được 15 vườn rau trong nhà lưới; củng cố hàng chục vườn rau chuyên canh. Trong đó, có 2 vườn rau trong nhà lưới quy mô lớn tại đảo Sinh Tồn, Trường Sa Đông và 1 nhà màng trên đảo Nam Yết để áp dụng kỹ thuật mới phục vụ trồng rau.

Thời gian tới, BTL Vùng 4 sẽ tiếp tục mở rộng diện tích vườn ươm cây xanh tại các đơn vị trong bờ, chỉ đạo các  đảo  quy  hoạch xây dựng mở rộng vườn ươm cây để đẩy nhanh tiến độ phủ xanh trên đảo. Đồng thời, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, các trung tâm nghiên cứu cây trồng, cơ sở chuyên lai tạo, nhân giống cây tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho BTL Vùng 4 để ươm, chiết, chăm sóc, thuần hóa một số giống cây trồng phù hợp với môi trường biển đảo (kể cả trong đất liền và trên đảo). Vận động các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực nông nghiệp tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật và trực tiếp ra đảo nghiên cứu phương án cải tạo, nâng độ dinh dưỡng cho đất và hướng dẫn phương pháp trồng, chăm sóc các loại cây trồng trên đảo cho cán bộ, chiến sĩ.

Chương trình “Xanh hóa Trường Sa” là một chương trình lớn của BTL Vùng 4 trong công tác hậu cần và bảo vệ môi trường. Thời gian qua, BTL Vùng 4 nói chung và quân, dân trên huyện đảo Trường Sa nói riêng đã nhận được ủng hộ về vật chất, kinh phí của nhiều địa phương, tổ chức xã hội, cá nhân trong cả nước. Tuy nhiên, nhu cầu cải tạo đất, trồng cây xanh trên đảo Trường Sa còn nhiều, rất mong được các cấp, ngành trong và ngoài Quân đội cùng Nhân dân cả nước tiếp tục ủng hộ nhiều hơn nữa để Chương trình “Xanh hóa Trường Sa” thực hiện theo đúng tiến độ, hiệu quả, góp phần xây dựng môi trường trên đảo Trường Sa ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn.

Đại tá NGUYỄN TRUNG QUẢNG, Chủ nhiệm Hậu cần/BTL Vùng 4 QCHQ