Ngược lại, nếu Việt Minh dám liều lĩnh đến tiếp chiến sẽ gặp nhiều bất lợi. Giuyn - Roa, nguyên Đại tá quân viễn chinh Pháp cho biết: “Tham mưu trưởng của ông (Na-va) và các chuyên viên trong ê-kíp đều khẳng định: Cách xa căn cứ như thế, Việt Minh không thể đóng quân lâu được… Các đại đoàn của ông Giáp để sống được cần có gạo, mà dân công phải khuân vác vất vả. Họ vừa đi vừa ăn trên đường thì đến nơi gần như hết sạch”. Học giả Mỹ Mắc - Clia cũng khẳng định: “Bộ Chỉ huy Pháp nghĩ rằng, Việt Minh không có xe tải, không có phương tiện vận tải vũ khí, lương thực và các đồ dùng khác để chiến đấu ở cách xa hậu phương đến như vậy”. “Mối lo ngại duy nhất của ông ta (Na-va) là viện trợ của Trung Quốc và từ lúc đó ông đã sai lầm khi đánh giá quá cao sự viện trợ đó”.

leftcenterrightdel

Xe đạp thồ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu 

 

Các sách viết về ĐBP của nhiều tác giả nước ngoài đều khẳng định: Bảo đảm hậu cần là một mặt trận rất quyết liệt, thể hiện ở chỗ hai bên đều biết rõ điểm yếu chí mạng của nhau đó là phải vận chuyển khối lượng lớn vật chất đến chiến trường xa hậu phương theo trục đường tiếp vận độc đạo. Phía Việt  Nam chỉ có một trục đường bộ từ Sơn La vào Điện Biên, phía Pháp chỉ có một phương thức tiếp tế duy nhất là đường không. Chính vì thế cả hai bên đều tập trung sức mạnh khắc phục điểm yếu của mình, đánh vào điểm yếu của đối phương. Theo Thủ tướng Pháp La-ni-en: “Ngay từ cuối tháng 12/1953, hằng ngày, Bộ Tham mưu quân đội Pháp và bản doanh của  Tổng  Tư  lệnh  Na-va  đều  nhận được các tin tình báo về những hoạt động của Việt Minh xung quanh ĐBP, nhất là các hoạt động vận chuyển của họ. Na-va dần nhận thấy những phương tiện của đối phương ngày càng được tăng cường cho mặt trận Tây Bắc, đặc biệt là những phương tiện vận tải… Các tin tình báo và quan sát bằng máy bay cho thấy có tới 75.000 cu-li làm công việc vận tải gạo và vũ khí…”.

Nhận thấy công tác chuẩn bị của quân và dân Việt Nam“quả thực là ghê gớm… đáng sợ, dù rất đỗi chủ quan, Na-va và các cán bộ cấp cao của Pháp bắt buộc phải nghĩ nát óc để tìm cách đối phó”. Biện pháp đầu tiên của Na-va, tìm cách tăng cường phòng ngự ĐBP, biện pháp thứ hai là tích cực đánh phá các hoạt động chuẩn bị của đối phương, sử dụng không quân ném bom liên tục vào kho tàng, bến đò… Na-va ra lệnh cho không quân “Tập trung đánh phá giao thông vận tải, đặc biệt là ô tô vận tải theo hướng lên Tây Bắc”. Bộ Chỉ huy Không quân Pháp triển khai một kế hoạch đánh phá các tuyến đường giao thông vận tải. Theo tướng Pôn-Êly, số lượng bom không quân Pháp có nhiệm vụ ném xuống một số địa điểm trong mỗi ngày đêm:“Ê-gơ (Tuần giáo Điện Biên): 13 tấn; Mê- Phít (Lai Châu - Sơn La) : 17 tấn; Bru-tut (Cò Nòi- Yên Bái): 14 tấn; Ngã ba Cò Nòi: 69 tấn…” “Từ tháng 01/1954 trở đi, các cuộc oanh tạc đường giao thông dẫn lên ĐBP ngày càng ác liệt. Lần đầu tiên trong các trận oanh tạc, Mỹ cho Pháp sử dụng loại máy bay Pác-két (C119) 78 chỗ ngồi để thả bom na-pan. Tuy vậy, tướng Na-va vẫn chưa yên tâm. Ông ta còn điều 01 sĩ quan chuyên môn từ Pa-ri sang chiến trường Việt Nam nghiên cứu làm mưa nhân tạo để chặn đường tiếp tế của đối phương”. Sau khi ĐBP bị tấn công (ngày 13/3/1954), theo yêu cầu của Pháp “hằng ngày có gần 100 máy bay vận tải DC3 của Mỹ hạ cánh xuống các sân bay Việt Nam chuyển từ 200 - 300 tấn hàng tiếp tế. Riêng ở ĐBP, hằng ngày có 30 máy bay vận tải hạng lớn C119 thả dù tiếp tế thêm 100 - 150 tấn”. Ngày 22/3/1954, Tổng thống Mỹ Ai-xen-hao chỉ thị cho Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ phải giải quyết cấp tốc các yêu cầu của Na-va. Những ngày sau đó, một cầu hàng không được Mỹ thiết lập nhằm đáp ứng nhanh chóng những thứ quân đội Pháp cần, thậm chí cả những chiếc dù để thả hàng. Theo Bec-na Phôn “việc tiếp tế bằng đường không của Mỹ cho ĐBP đã tiêu thụ tới 82.296 chiếc dù bao phủ cả chiến trường như tuyết rơi hoặc như một tấm vải liệm”.

Bộ Chỉ huy Pháp cho rằng, với lực lượng lớn không quân oanh tạc liên tục ngày đêm trên các tuyến vận tải của Việt Minh như vậy thì “đối phương sẽ không có điều kiện tác chiến lâu dài trên Tây Bắc”. Cho nên, tuy lo ngại trước sức mạnh của đối phương, Na-va và giới hiếu chiến Pháp vẫn tin rằng sẽ giữ được ĐBP. Nhưng chúng hoàn toàn bị bất ngờ trước quyết tâm chiến thắng, trí thông minh sáng tạo và những nỗ lực vượt bậc của quân và dân ta.

Bảo đảm hậu cần cho Chiến dịch ĐBP là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Riêng ở tuyến chiến đấu, lúc cao nhất có tới hơn 87.000 người gồm 53.830 quân và 33.300 dân công. Lượng gạo cần cho Chiến dịch là 16.000 tấn. Muốn có số lượng gạo lớn như vậy phải huy động từ hậu phương lên tuyến Chiến dịch 25.000 tấn. Theo tổng kết của Tổng cục Cung cấp sau Chiến dịch Tây Bắc (1952): Để có 01kg gạo đến đích thì phải có 24kg gạo tiêu thụ và tổn thất dọc đường. Vậy ở chiến dịch này, nếu cũng vận chuyển bằng dân công gánh bộ, muốn có số gạo trên mang vào đến chiến trường thì phải huy động từ hậu phương hơn 600.000 tấn gạo (khoảng 01 triệu tấn thóc). Giả sử nếu huy động được số gạo nói trên cũng không thể vận chuyển lên kịp vì khoảng cách quá xa. Để giải bài toán hóc búa này, Tổng Quân ủy đề ra những giải pháp rất khoa học cách mạng và sáng tạo, đó là động viên Nhân dân Tây Bắc dốc sức đóng góp. Mặt khác đẩy mạnh việc làm đường, sửa đường, sử dụng tối đa số ô tô vận tải hiện có, huy động tối đa phương tiện thô sơ của Nhân dân như ngựa thồ, xe đạp thồ, thuyền mảng phục vụ Chiến dịch.

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện Chiến dịch ĐBP”, Nhân dân ta đã đóng góp 261.453 dân công  với  18.301.570  ngày  công, 25.056 tấn gạo, 1.824 tấn thịt và thực phẩm khô, 20.911 xe đạp thồ, 11.800 bè mảng. Riêng Nhân dân Tây Bắc đóng góp được 7.360 tấn gạo, chiếm gần 50% lượng gạo sử dụng tại tuyến chiến đấu. Trung Quốc viện trợ 1.700 tấn gạo (chiếm 6,8%); quân dân Lào chi viện 310 tấn gạo. Các tỉnh hậu phương đóng góp 15.742 tấn chiếm 63% số gạo được huy động. Đánh giá kỳ tích trên, nhà báo Giuyn - Roa (Quân đội Pháp) nhận xét: “Ông Giáp đã thắng trong cuộc chiến về hậu cần… Bất chấp hàng ngàn tấn bom rải xuống các trục lộ giao thông, con đường tiếp vận cho Quân đội không bao giờ bị cắt đứt”. Tướng Pháp Y.Gra khẳng định “cả dân tộc đã tìm  ra giải pháp cho vấn đề hậu cần và giải pháp này làm thất bại mọi toan tính cũng như dự kiến của Bộ Tham mưu Pháp”. Tướng Na-va cũng phải thừa nhận: “Người ta chỉ còn biết thừa nhận nỗ lực phi thường đó và khâm phục trước hiệu quả mà Bộ Chỉ huy và Chính phủ (Việt Nam) đã biết cách tạo được”.

Để bào chữa cho thất bại của mình và hạ thấp tầm vóc ý nghĩa thắng lợi của đối phương, Na-va cùng một số tướng lĩnh chính khách Pháp, Mỹ và nước ngoài cho rằng, quân đội Pháp thất trận “chủ yếu là do hỏa lực kém đối phương,” và “chủ yếu là do bị hỏa lực pháo binh Việt Nam áp đảo”, và do “Việt Minh đã được Trung Quốc viện trợ ồ ạt”. Tuy nhiên, những lập luận này đều bị những nhà nghiên cứu nước ngoài bác bỏ.

Nhà sử học Pháp Becna-Phôn khẳng định:“Theo sự quan sát của lực lượng pháo binh Pháp, đối  phương đã bắn khoảng 103.000 viên đạn pháo 75mm, cối các cỡ và pháo cỡ lớn hơn. Trong khi đó, chỉ riêng đạn pháo 105mm và 155mm phía Pháp đã bắn tới 131.500 viên”. Còn theo nhà báo Giuyn Roa thì “chính tình báo Pháp cũng cho Na-va biết rằng Việt Minh ở ĐBP chỉ có 20 khẩu pháo 105 mm, 18 khẩu 75mm, 16 khẩu cao xạ 37mm. Về đạn tối thiểu có khoảng 15.000 viên đạn 75mm, 5.000 viên đạn 105mm, 44.000 viên đạn cao xạ 37mm, 24.000 viên đạn cối…”.

Những con số mà các tác giả đưa ra tuy chỉ là dự đoán, song nó phản ánh sự thực về số lượng pháo binh và đạn của Quân đội Việt Nam ít hơn nhiều so với số lượng pháo và đạn của quân đội Pháp trong Tập đoàn cứ điểm ĐBP. Đó là chưa kể đến hỏa lực rất mạnh của không quân và xe tăng là những loại vũ khí, phương tiện mà Quân đội Việt Nam không có. Dĩ nhiên, hỏa lực mạnh của pháo binh Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật tạo ưu thế trong từng trận đánh là điều bất ngờ đối với tướng lĩnh và giới hiếu chiến Pháp, Mỹ. Nhưng “điều kinh ngạc là không phải Việt Minh có các loại pháo đó, vì Bộ Chỉ huy Pháp đã biết cách đó 01 năm rồi. Điều đáng kinh  ngạc hơn là làm sao Việt Minh đưa được khối lượng lớn khẩu pháo nặng và duy trì việc tiếp tế đạn vào tận ĐBP xuyên qua 500 km núi cao, rừng rậm cực kỳ hiểm trở, chẳng có đường sá gì cả”.

Việc bảo đảm đạn, nhất là đạn pháo lớn là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Số đạn pháo 105 mm đã tiêu thụ trong Chiến dịch lên tới hơn 20.000 viên, trong đó có 11.715 viên thu được trong Chiến dịch Biên Giới, 400 viên thu được trong Chiến dịch Trung Lào. Bộ đội đoạt  hàng  thả dù của địch ngay tại mặt trận được 5.000 viên đạn. Trung Quốc viện trợ 24 khẩu pháo, 3.600 viên đạn và giúp trang bị cho 01 tiểu đoàn ĐKZ 75mm và 01 tiểu đoàn hỏa tiễn H6 (cachiusa). Hai đại đội thuộc 02 tiểu đoàn trên đã kịp về nước tham gia đợt tổng công kích cuối cùng và sử dụng 1.136 viên đạn.

Tổng số vật chất mà Việt Nam nhận được từ sự giúp đỡ của các nước anh em đến tháng 6/1954 qua thanh toán giữa Việt Nam và Trung Quốc là 21.517 tấn. Tuy nhiên, số lượng vật chất viện trợ đó chỉ chiếm khoảng 10% tổng số vũ khí quân dân Việt Nam đã sử dụng và chỉ bằng 01% viện trợ của Mỹ cho Pháp (theo ước tính của học  giả Mỹ  Mai-cơn  Mắc-Clia).  Và  dù  Bộ Chỉ huy Chiến dịch có số lượng đạn pháo khá lớn song không sử dụng theo kiểu bắn “không được tiếc đạn", “Trung Quốc đã cung cấp đầy đủ đạn” như một số học giả đã cố ngụy tạo. Việc sử dụng đạn pháo 105mm của bộ đội Việt Nam trong Chiến dịch ĐBP rất tiết kiệm. Theo quy định, các trận đánh số lượng đạn pháo đều được duyệt trước. Ngoài ra, các đại đoàn muốn xin pháo chi viện thì cứ bắn 03 viên đạn phải được phép của Tham mưu trưởng Chiến dịch, 05 viên trở lên phải được đích thân Đại tướng Tổng Tư lệnh chuẩn y.

Khi hạ quyết tâm mở Chiến dịch ĐBP, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh xác định: Bảo đảm hậu cần là vấn đề khó khăn nhất. Na-va khi quyết định giao chiến ở ĐBP cũng tin tưởng rằng đối phương không thể giải quyết được các khó khăn về hậu cần. Tuy nhiên, diễn biến chiến dịch cho thấy bảo đảm hậu cần là vấn đề khó khăn nhất. Và bất ngờ lớn nhất đối với Na-va chính là quân dân Việt Nam đã khắc phục được khó khăn, dốc toàn lực bảo đảm cho Chiến dịch. Nhà báo Pháp Giuyn Roa khẳng định: “Không phải viện trợ của Trung Quốc đã đánh bại tướng Na-va mà chính là những chiếc xe đạp Peugeot thồ 200 - 300 kg hàng và đẩy bằng sức người - những con người ăn chưa đủ no và ngủ thì nằm ngay dưới đất trải tấm ni-lông. Cái đã đánh bại tướng Na-va không phải bởi các phương tiện mà là sự thông minh và ý chí của đối phương”. Còn tướng Pôn-Êly thừa nhận: “Một lần nữa, kỹ thuật lại bị thua bởi những con người có tâm hồn và một lòng tin”. Lời thừa nhận trên có lẽ đã góp phần lý giải kết cục cuộc chiến về hậu cần của hai phía trong Chiến dịch ĐBP.

Đại úy, ThS DƯƠNG HỒNG DƯƠNG, Viện Lịch sử quân sự