Để phá tan kế hoạch của địch, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi quyết định, tháng 9-1953, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng họp bàn nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953 - 1954. Với tư tưởng chỉ đạo “Tích cực chủ động chuẩn bị trước về hậu cần”, ngành Cung cấp đã bảo đảm cho các chiến trường mở đầu chiến cuộc Đông Xuân giành thắng lợi và chuẩn bị bảo đảm cho Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.

Phân tích âm mưu và hành động của địch trong Kế hoạch Na-va, Bộ Chính trị đề ra phương hướng chiến lược “Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu để phân tán lực lượng và tiêu diệt  sinh lực địch, giữ vững quyền chủ động đánh địch trên cả hai mặt trận chính diện và sau lưng địch, phối hợp trên phạm vi cả nước và toàn Đông Dương”. Thực hiện chủ trương trên, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đặt kế hoạch tác chiến trên 4 hướng: Tây Bắc và Thượng Lào, đồng bằng Bắc Bộ, Trung - Hạ Lào và phát triển sang Đông Bắc Campuchia, Tây Nguyên (Liên khu 5); trong đó hướng tấn công chính là Tây Bắc.

Mặt trận Tây Bắc và Thượng Lào: Thực hiện chỉ đạo của Tổng Quân ủy - Bộ Tổng tư lệnh, Tổng cục Cung cấp cử 3 đoàn cán bộ lên Tây Bắc chuẩn bị hậu cần cho giải phóng Lai Châu và phát triển sang Phong-Xa-Lỳ (Lào). Tháng 10-1953, chuyển 100 tấn vũ khí đạn về Kho 590 ở Liên khu 3; chuyển 460 tấn vũ khí đạn vào Kho 710 ở Chu Lễ (Hà Tĩnh) để chuyển vào Khu 5 và phục vụ Chiến dịch Trung - Hạ Lào. Ban Vận tải Liên khu 3 - 4 vận chuyển đột kích vũ khí đạn vào vùng địch hậu ở Bắc Bộ.

Trên hướng Tây Bắc, Binh trạm 31 phụ trách tuyến vận tải trên đường 13; Binh trạm 41 được tăng cường lực lượng và 3 đại đội vận tải ô tô (200, 202, 203), phụ trách tuyến vận tải trên đường 41; Xưởng sửa chữa xe Thành Công bố trí ở Yên Bái bảo đảm cho tất cả phương tiện cơ giới hoạt động trên hướng này. Hàng vạn dân công được huy động cùng lực lượng công binh sửa đường, cầu. Đường 41 từ Sơn La lên Lai Châu được mở rộng; đường ô tô vào Chu Lễ có thể sử dụng tốt... Tổng cục Cung cấp tham mưu với Chính phủ phân công từng địa phương huy động nhân lực, vật lực; các tỉnh từ Thanh Hóa trở ra tham gia phục vụ hướng chủ yếu Tây Bắc; các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình phục vụ chiến trường phía Nam và Trung - Hạ Lào.

leftcenterrightdel
Đoàn ngựa thồ vận tải cho bộ đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu 

Trung tuần tháng 11-1953, theo kế hoạch, Đại đoàn 316 tiến lên đánh địch phía Tây Bắc. Bị uy hiếp tại nơi hiểm yếu, ngày 20-11-1953, địch cho 6 tiểu đoàn nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Tiếp đó, dùng 6 tiểu đoàn đánh chiếm Mường Ngòi, Mường Khoa (Lào), xây dựng phòng tuyến sông Nậm Hu (Lào) nhằm nối liền Thượng Lào với Điện Biên Phủ. Đại đoàn 316 được lệnh gấp rút lên giải phóng Lai Châu, chia cắt Lai Châu với Điện Biên Phủ. Khi Đại đoàn 316 vừa tới Sơn La, được lệnh chia thành hai cánh: Cánh chủ yếu tiến lên Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên), tạt sang hướng Tây, vượt Phu Phu Thông (Lào) vào chặn địch ở Mường  Pồn (Điện Biên); cánh thứ hai gồm 2 tiểu đoàn, sử dụng 40 ô tô tải hành quân gấp tới Nậm Mức (Điện Biên), tiêu diệt địch ở Pa Ham (Điện Biên) vào giải phóng Lai Châu, truy kích địch xuống Mường Tùng, Mường Pồn (Điện Biên).

Lúc này, Tổng cục Cung cấp và Hội đồng Cung cấp mặt trận Khu Tây Bắc đã huy động, lập một số kho dự trữ gạo, thực phẩm trên đường 41. Đại đoàn 316 dựa vào các cơ sở này và được Trung đoàn 176 (ở Thuận Châu/Sơn La) chi viện bảo đảm cho bộ đội hành quân. Khi Đại đoàn tiến sang phía Tây, dân công mang theo gạo, thực phẩm bám theo bộ đội bảo đảm; đến Phu Phu Thông núi cao, dốc đứng, dân công không theo kịp nên có đơn vị phải giảm khẩu phần ăn của bộ đội (còn 500g gạo/người/ngày). Chiến dịch giải phóng Lai Châu diễn biến rất nhanh; từ hành quân đường dài, bộ đội chuyển sang hành quân cấp tốc, vừa chặn đánh địch vừa truy kích địch. Hậu cần các đơn vị phải cơ động cùng bộ đội, không có thời gian chuẩn bị, nhưng nhờ hậu cần chiến lược đã chuẩn bị, các địa phương tích cực huy động nhân lực, vật lực nên kịp thời bảo đảm cho chiến đấu.

Mặt trận đồng bằng Bắc Bộ: Trong khi ta đang chuẩn bị cho kế hoạch Đông Xuân, ngày 15-10-1953, địch điều 6 binh đoàn cơ động, 9 tiểu đoàn pháo binh, 3 tiểu đoàn thiết giáp tiến đánh vùng Tây Nam Ninh Bình. Đại đoàn 320 tích cực chuẩn bị đánh địch. Các kho, xưởng (trong đó có 200 tấn thóc của Tổng cục Cung cấp) được sơ tán về nơi an toàn, chỉ để lại cơ sở trực tiếp bảo đảm cho chiến đấu; quân nhu bảo đảm cho bộ đội 5 ngày ăn; các chi sở kho thóc của Ninh Bình, Thanh Hóa bố trí các kho nhỏ (từ 15 - 30 tấn) ở Nho Quan, Phố Cát, Rịa, Kim Tân phục vụ các đơn vị và cấp phiếu lẻ để bộ đội có thể nhận gạo ở các huyện, xã. Đội điều trị Đại đoàn 320 bảo đảm cho các đơn vị trên hướng Nho Quan. Đội điều trị 7/Liên khu 3 - 4 bảo đảm cho hướng Rịa, Phố Cát; phía sau là Bệnh viện hậu phương K2. Tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa huy động 6.000 dân công phục vụ tác chiến. Trong 20 ngày đêm tác chiến (từ 15-10 đến 5-11-1953), Hội đồng Cung cấp tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa tích cực huy động nhân lực, vật lực cùng cơ quan hậu cần Đại đoàn 320 bảo đảm kịp thời cho tác chiến.

Mặt trận Trung - Hạ Lào: Tháng 9-1953, Liên khu 4 được giao chuẩn bị hậu cần cho chiến dịch Trung Bộ và Trung - Hạ Lào. Hội đồng Cung cấp mặt trận được thành lập, do 1 đồng chí Khu ủy viên làm Chủ tịch để huy động nhân lực, vật lực cho tác chiến; tổ chức mở rộng đường ra Liên khu 3; soi mở đường từ Tân Ấp (Hà Tĩnh) lên đèo Mụ Giạ (Quảng Bình) để ô tô chuyển hàng sang Trung Lào và Ba - Na - Phào (Lào).

Tháng 11-1953, liên quân Việt - Lào mở Chiến dịch Trung - Hạ Lào, lực lượng gồm 2 trung đoàn của Đại đoàn 325 và 304, một số đơn vị binh chủng và bộ đội địa phương, tổng số khoảng 10.000 người. Phòng Cung cấp Đại đoàn 325 làm nhiệm vụ hậu cần chiến dịch. Tổng  cục  Cung cấp cử Cục trưởng Cục Quân nhu và một số cán bộ làm phái viên; giao Bệnh viện K43 (ở chợ Rộ, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) làm nhiệm vụ bệnh viện hậu phương và Kho Quân khí 710 (ở Chu Lễ) trực tiếp bảo đảm cho chiến dịch. Hậu cần chiến dịch bố trí các kho ở Chu Lễ, Tân Ấp, Linh Cảm, Kim Chung (trên đường số 8). Hướng chủ yếu, tổ chức hai tuyến vận tải: tuyến từ Tân Ấp đến Bãi Dinh (Quảng Bình) phục vụ lực lượng chủ yếu tiến công địch trên đường 12 và tuyến từ Chu Lễ vượt Trường Sơn đến bản Toong, Xốp Nhang (Lào) phục vụ lực lượng thọc sâu, vu hồi. Hội đồng Cung cấp tỉnh Hà Tĩnh tổ chức tuyến vận tải từ Linh Cảm, Kim Cương (Hà Tĩnh) lên Na Pê (Lào) phục vụ các đơn vị chiến đấu ở hướng này. Tiểu đoàn 436, Trung đoàn 101 làm nhiệm vụ tiến xuống Hạ Lào, được trang bị toàn bộ súng do Pháp, Mỹ sản xuất; được tăng cường 1 đội phẫu thuật, được cấp tiền (Đông Dương) và muối để đổi gạo của Nhân dân. 3 đại đội dân công chuyển 5 tấn đạn và một số muối vào Ba Lòng (Quảng Trị) giao cho đơn vị...

Trung tuần tháng 12-1953, Trung đoàn 66/Đại đoàn 304 theo đường 12 đánh địch ở đèo Mụ Giạ, Ba Na Phào. Trung đoàn 101 vượt Trường Sơn xuống đường 12 gặp địch, bước vào chiến đấu ngay. Sau mấy ngày chiến đấu, địch bỏ nhiều vị trí trên đường 12 và đường 8, liên quân Việt - Lào tiến sâu 120 km, giải phóng vùng rộng lớn; thu trên 200 tấn gạo, 100 tấn đạn, 1 xe thiết giáp, 9 xe ô tô tải, 4 khẩu pháo 105 mm. Xe tải và lái xe của địch được sử dụng chuyển 15 tấn gạo cho các đơn vị chiến đấu trên hướng đường 12 và tiến xuống Ma Hả Xay (Lào). Cuối tháng 1-1954, Tiểu đoàn 436, Trung đoàn 101 tập kích đồn A Tô Pơ (Lào), phát triển vào Sa Ra Van (Lào), giải phóng toàn bộ cao nguyên Bô Lô Ven (Lào) và tiến xuống Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia.

Đợt này, thương binh chủ yếu trên ở hướng Đường 12, cơ quan hậu cần tập trung hai đội phẫu thành đội điều trị để cứu chữa thương binh nhẹ; thương binh vừa và nặng chuyển về Bệnh viện hậu phương ở Thanh Chương. Ở Trung Lào, sau khi giải phóng đường 12, Hội đồng Cung cấp mặt trận huy động 7.000 dân công sửa đường từ Tân Ấp đi Ba - Na - Phào và Mường Xén (Nghệ An) để ô tô chạy được. Tổng kho đặt ở Ba - Na - Phào phục vụ cả hai hướng Đường số 9 và Ma Hả Xay. Hội đồng Cung cấp mặt trận tỉnh Quảng Bình tổ chức tuyến vận tải từ Phong Nha (Quảng Bình) đến bản Chà Là vận chuyển vật chất cho quân tình nguyện và chuyển 100 tấn muối, một số nông cụ cho bạn Lào. Trung đoàn 18/Đại đoàn 325 dựa vào bạn vận động Nhân dân Lào bán và đổi lương thực, thực phẩm.

Trong chiến dịch này, cơ quan hậu cần bảo đảm 50 tấn vũ khí đạn, 3.409 tấn gạo, 154 tấn muối, 2.102 con trâu, bò; cứu chữa 1.350 thương binh và 1.028 bệnh binh; huy động 54.075 lượt dân công (1.974.800 ngày công) phục vụ Chiến dịch, góp phần quan trọng vào thắng lợi.

Mặt trận Tây Nguyên: Việc chuẩn bị hậu cần, trọng tâm là mở đường, chuyển gạo, muối lên khu vực tác chiến để mở Chiến dịch Tây Nguyên được tiến hành rất khẩn trương. Đến ngày 15-1-1954, Liên khu 5 đã mở 10 con đường từ đồng bằng lên Tây Nguyên, đảm bảo bí mật. Trên hướng Quảng Ngãi đi Tây Nguyên đã dự trữ 700 tấn gạo, 50 tấn muối, 25 tấn ruốc, 20 tấn đường; trên các hướng khác, dự trữ 300 tấn gạo. Các xưởng quân giới sản xuất giao cho các đơn vị 200 tấn đạn, mìn, lựu đạn. Tuyến vận tải chuyển từ miền Bắc vào một số vũ khí, có cả súng DKZ75, đạn DAM mà Liên khu 5 rất cần.

Ngày 27-1-1954, Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng các trận đánh ở Măng Đen, Công Bray, Măng Bút (Kon Tum) phát triển theo đường 14 lên phía Bắc và xuống phía Nam Tây Nguyên. Địch hoảng loạn tháo chạy. Trong hơn nửa tháng, Trung đoàn 803 và 108 cùng lực lượng vũ trang địa phương truy quét địch ở Tây Nguyên tiến sát xuống Đường 19 và Pleiku.

Đợt 1, hơn 100.000 dân công được huy động phục vụ tác chiến. Bộ đội mang theo 7 ngày gạo, 15 ngày thực phẩm khô, 1 kg gạo rang làm lương khô; nhưng chiến đấu phát triển nhanh, dân công không theo kịp, có đơn vị phải giảm khẩu phần ăn của bộ đội. Khi Bắc Tây Nguyên giải phóng, ta thu được 100 tấn thóc, 1.000 con bò, hậu cần đã tổ chức xay giã và vận động Nhân dân bán gạo, thực phẩm cung cấp cho bộ đội.

Đợt 2, các hành lang Bắc Tây Nguyên được giao cho các tỉnh đảm nhiệm; tập trung mở thêm hành lang từ Bình Định, Phú Yên lên Tây Nguyên. Cơ quan hậu cần tổ chức thêm 01 bệnh viện ở Vĩnh Thọ bảo đảm cho Trung đoàn 96 và 120 hoạt động ở Nam đường 19; bố trí một bệnh viện ở Đắc Bớt (Gia Lai) bảo đảm cho Trung đoàn 808 hoạt động ở đường 7; Bệnh viện 4/Bình Định chuyển về Hội Sơn (Nghệ An) làm bệnh viện hậu phương. Liên khu 5 huy động 70.000 dân công, 2.000 xe đạp thồ chuyển gạo, muối lên Đê Gia Ma phục vụ Chiến dịch... Trong Chiến dịch này, cơ quan hậu  cần  bảo  đảm  75  tấn  đạn, 9.000 tấn gạo, 762 tấn muối, 200 tấn thịt, 140 tấn thực phẩm khác, cứu chữa 2.000 thương binh; huy động 200.000 dân công (khoảng 6 triệu ngày công), 2.000 xe đạp thồ, 1.000 ngựa thồ phục vụ Chiến dịch, góp phần quan trọng vào thắng lợi.

Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 mở đầu thắng lợi trên các chiến trường, bước đầu làm phá sản Kế hoạch Na-va, đồng thời tạo thế, tạo lực phối hợp tác chiến hiệu quả với chiến trường Điện Biên Phủ. Cơ quan hậu cần chiến lược và các liên khu, các địa phương đã vượt mọi khó khăn, nỗ lực chuẩn bị và kịp thời bảo đảm cho tác chiến; đồng thời chuẩn bị một bước quan trọng bảo đảm cho trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ - đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 giành thắng lợi.

Đại tá, ThS TRẦN ĐÌNH QUANG, Nguyên cán bộ Bộ Tham mưu Hậu cần