Lần đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ, ta giải phóng hoàn toàn một tỉnh (Phước Long) ngay cửa ngõ Sài Gòn. Vì vậy, Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976. Và sau thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên, ta đã chớp thời cơ giải phóng miền Nam ngày 30-4-1975. Thắng lợi của Chiến dịch là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó có sự đóng góp quan trọng của công tác bảo đảm hậu cần (BĐHC).

Địch ở Phước Long có 4 tiểu đoàn bảo an, 60 trung đội dân vệ, trong đó 3/4 lực lượng giữ tuyến đường 14 (đoạn Đồng Xoài-Bù Đăng). Lực lượng ta tham gia chiến dịch có Quân đoàn 4 phối hợp với lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Bình Phước. Đồng chí Hoàng Cầm, Tư lệnh Quân đoàn 4 làm Tư lệnh Chiến dịch. Chiến dịch Đường 14 - Phước Long là chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng, quy mô lớn, trên địa bàn rừng núi, rộng (từ Đông Nam Bộ tới Nam Tây Nguyên), thưa dân... việc BĐHC gặp nhiều khó khăn. Để BĐHC cho Chiến dịch, ta hình thành tuyến hậu cần quân đoàn và tuyến hậu cần khu vực (của Miền).

leftcenterrightdel
Bộ tư lệnh chủ lực Miền tiến công giải phóng cứ điểm Bộ Chỉ huy Cảnh sát ngụy ở Phước Long. Ảnh tư liệu.

Bộ phận Tiền phương Hậu cần Quân đoàn 4 bảo đảm hướng chủ yếu (Đồng Xoài, Bù Na), Sở Chỉ huy Hậu phương bố trí gần Tiền phương của Đoàn Hậu cần 210/Miền. Đội phẫu thuật (Đội điều trị 14) triển khai ở phía Đông Phú Riềng, bảo đảm cho hướng Bắc đường 14 đến Bù Na và các đơn vị binh chủng; một đội ô tô (6 chiếc) sẵn sàng cơ động lực lượng bộ binh và một đại đội vận tải xe thồ làm lực lượng dự bị. Hướng thứ yếu (Bù Đăng), Hậu cần Sư đoàn 3 hiệp đồng với Đoàn Hậu cần 770/Miền để bảo đảm. Lực lượng hậu cần còn lại của Quân đoàn 4 làm lực lượng cơ động. Cục Hậu cần Miền giao cho các đoàn hậu cần khu vực chi viện bảo đảm cho các đơn vị của Quân đoàn 4 tiến công trên các hướng: Đồng Xoài (Đoàn Hậu cần 210), Bù Đăng (Đoàn Hậu cần 770), từ Đồng Xoài đến Bù Đăng (Đoàn Hậu cần 814), khu vực đường 7 ngang (Đoàn Hậu cần 235). Đến ngày 20-11-1974, tại các khu vực trực tiếp phục vụ tác chiến đã dự trữ 50% nhu cầu vật chất (trong đó gạo 62%, vũ khí đạn 51,9%, xăng dầu 50%).

Nhưng kế hoạch tác chiến thay đổi: Bù Đăng chuyển thành hướng chủ yếu; Bù Na là hướng thứ yếu và chưa đánh Đồng Xoài. Theo đó, lực lượng, khí tài, vật chất được tăng cường cho hướng Bù Đăng. Để giúp Đoàn Hậu cần 770 khắc phục khó khăn, Tiền phương Hậu cần Quân đoàn 4 đã di chuyển sở chỉ huy, trực tiếp tổ chức chỉ huy cùng Hậu cần Sư đoàn 3 bảo đảm. Theo kế hoạch mới, Đoàn Hậu cần 770 được Miền bổ sung 01 đại đội ô tô vận tải (10 xe) và một số cán bộ. Đoàn đã tăng cường cho Cánh 2: Một đại đội vận tải bộ (45 người); mở gấp tuyến vận tải ngang (Bù Gia Mập - Sông Bé - Cánh 2); triển

khai các đội điều trị, kho tàng... tiếp cận Hậu cần Sư đoàn 3. Đến ngày 10-12-1974, vật chất dự trữ ở Đoàn Hậu cần 770 đạt 90% nhu cầu tác chiến, 100% nhu cầu cho ngày N và trận Bù Đăng. Công tác BĐHC chiến dịch (từ ngày 13-12-1974/16-1-1975), chia làm 3 đợt:

Đợt 1 (từ ngày 13 đến 17-12-1974): Bảo đảm cho hướng chủ yếu tiến công trận then chốt mở đầu diệt Chi khu Bù Đăng và hướng thứ yếu diệt yếu khu Bù Na; bao vây bức rút các đồn bốt trên đường 14, đường 311, hình thành thế bao vây địch ở Chi khu Bù Đốp, cô lập, khống chế Chi khu Đồng Xoài. Đề phòng trận đánh kéo dài, Hậu cần Quân đoàn 4 hiệp đồng với Đoàn Hậu cần 770 chuyển thêm 20 tấn đạn cho Hậu cần Sư đoàn 3. Trên hướng chủ yếu còn có Đoàn Hậu cần 210, có 03 tiểu đoàn xe thồ, một đại đội vận tải ô tô, 01 bệnh viện dã chiến ở vùng Suối Rạt (cạnh Đội điều trị 8/Cục Hậu cần Miền), 02 bệnh viện tuyến sau (K23 ở Bù Đắp và K59 ở Làng 10, Lộc Ninh). Tại hướng Bắc và Tây Bắc, Đoàn Hậu cần 770 có nhiệm vụ bảo đảm tác chiến ở Bù Đăng. Khi Chiến dịch chuyển hướng chủ yếu sang Bù Đăng, để đáp ứng yêu cầu tác chiến, Đoàn Hậu cần 770 đã nhanh chóng tăng cường lực lượng và vật chất, triển khai Cánh 2 thành khu vực hậu cần tiền phương đủ sức bảo đảm cho trận then chốt mở đầu chiến dịch chắc thắng.

Sau hai ngày chiến đấu (từ ngày 14 đến 15-12-1974), có 163 thương binh ở hướng Bù Đăng được chuyển về quân y tuyến sau của Sư đoàn 3, sau đó chuyển tiếp về quân y Quân đoàn 4. Đến ngày 17-12-1974, số thương binh vừa và nặng được chuyển hết về tuyến quân y sư đoàn và đoàn hậu cần Miền. Trên hướng tiến công vào Bù Na, Đoàn Hậu cần 814 tổ chức cụm kho ở hướng Nam đường 14 (Nam Vĩnh Thiện), bảo đảm cho các đơn vị và Trung đoàn 12/Sư đoàn 7; triển khai Bệnh viện K82 ở suối Bảy Liên làm bệnh viện trung tuyến; tổ chức 02 đội chuyển thương phục vụ Trung đoàn 209 và 429 tiến công yếu khu Bù Na. Trong tác chiến, Đoàn Hậu cần 814 đã bổ sung 10 tấn gạo và đạn cho Trung đoàn 209 và chuyển về sau 52 thương binh. Bị mất chi khu Bù Đăng, yếu khu Bù Na và 100 km đường 14, hệ thống phòng thủ của địch ở Phước Long bị rung động mạnh. Trong khi đó, ta chiếm núi Bà Đen, uy hiếp thị xã Tây Ninh, buộc Quân đoàn 3 ngụy phải tập trung Sư đoàn 25 và Liên đoàn biệt động quân 81 đối phó, không chi viện được cho Bù Đăng và Bù Na.

Đợt 2 (từ ngày 18 đến 26-12-1974): Ngày 18, 19-12, Hậu cần Quân đoàn 4 hiệp đồng với Đoàn Hậu cần 770 bổ sung đạn, xăng dầu bảo đảm cho các đơn vị pháo và Trung đoàn 201 hành quân về Đồng Xoài. Hậu cần Quân đoàn 4 di chuyển từ khu vực Đoàn Hậu cần 770 về khu vực Đoàn Hậu cần 210; Tiền phương Hậu cần Quân đoàn 4 ở phía Bắc Đồng Xoài. Do Trung đoàn 12 phát triển chiến đấu nhanh, đường vận chuyển từ Bù Đăng lên tương đối xa, lực lượng của Đoàn hậu cần 770 đã nhanh chóng bám theo Trung đoàn 12 và 429 để kịp thời bổ sung gạo, đạn và chuyển thương binh về sau. Ngày 23-12, một bộ phận Hậu cần Sư đoàn 7 cùng Hậu cần Trung đoàn 141 triển khai tuyến bảo đảm ở Đông Bắc Đồng Xoài. Gạo và đạn nhận ở Đoàn Hậu cần 814, dùng ô tô vận chuyển về hậu cần trung đoàn. Đề phòng địch phản kích sau khi ta đánh Đồng

Xoài, ngày 15-12, Đoàn Hậu cần 210 đã chuyển 20 tấn gạo cho Trung đoàn 141 và Sư đoàn 7. Lúc 5 giờ 37 phút ngày 26-12-1974, bộ đội ta tiến công Chi khu quân sự Đồng Xoài, đến 10 giờ 30 phút cùng ngày, ta hoàn toàn làm chủ trận địa. Đợt 2 chiến dịch kết thúc, bộ đội còn rất sung sức, hậu cần chiến dịch đủ khả năng đáp ứng nhiệm vụ chiến đấu mới.

Đợt 3 (từ ngày 27-12-1974/16-1-1975): Đang giải quyết hậu quả trận Đồng Xoài, ngày 27/12, Hậu cần Quân đoàn 4 nhận nhiệm vụ bảo đảm cho trận đánh Phước Bình, đã nhanh chóng hiệp đồng với Đoàn Hậu cần 210 và huy động 15 xe vận tải của Quân đoàn chuyển Trung đoàn 141 từ Đồng Xoài lên Phước Bình. Ngày 29-12, hoàn thành chuẩn bị mọi mặt cho tác chiến. Vừa bảo đảm cho đánh Phước Bình, ta vừa gấp rút chuẩn bị cho đánh Phước Long. Các đoàn hậu cần được bố trí, hình thành 4 hướng bảo đảm cho các đơn vị bao vây thị xã Phước Long. Từ ngày 28-12-1974/3-1-1975, Hậu cần Miền đã sử dụng 180 chuyến ô tô chuyển gấp 4 trung đoàn bộ binh từ Đồng Xoài, Phước Vĩnh, Tây Ninh... lên Phước Long, kịp thời bao vây và tiến công địch; chuyển 526 tấn đạn, 66.000 lít xăng dầu... tới thẳng các trận địa pháo và kho chiến dịch. Ngoài ra, hậu cần còn chuyển đạn pháo 105mm chiến lợi phẩm từ Bù Na, Đồng Xoài lên phục vụ đánh Phước Long.

Ngày 12-1-1975, ta tiến công thị xã Phước Long, ngày 16-1-1975, ta hoàn toàn làm chủ thị xã Phước Long, kết thúc thắng lợi chiến dịch. Hậu cần các cấp đã xử trí, chuyển thương kịp thời 761 thương binh (có 390 thương binh vừa và nặng chiếm 51,24%). Đoàn Hậu cần 235 đã bảo đảm cho Sư đoàn 9/Quân đoàn 4 tác chiến ở huyện Bến Cát, cắt đường 7 ngang, chặn viện đường 13, phân tán, cầm chân địch, phối hợp tác chiến với Chiến dịch Đường 14 - Phước Long. Quá trình tiến công Phước Long, các đoàn hậu cần đã bổ sung cho các đơn vị 1.171 tấn vật chất (538 tấn quân nhu, 459 tấn quân giới, 172 tấn xăng dầu, 2 tấn thuốc quân y); cứu chữa 1.224 thương binh; thu hơn 3.000 tấn chiến lợi phẩm; trực tiếp tham gia chiến đấu diệt các chốt Long Điền, Tự Lập, chốt chặn đường rút lui của địch... làm nhiệm vụ quân quản và giúp Nhân dân vùng mới giải phóng ổn định trật tự, đời sống.

Công tác BĐHC Chiến dịch Đường 14 - Phước Long đã kết hợp chặt chẽ giữa hậu cần khu vực với hậu cần chiến dịch, hậu cần tại chỗ với lực lượng cơ động của Hậu cần Miền, bảo đảm đầy đủ, kịp thời mọi nhu cầu cho tác chiến thắng lợi. Thắng lợi của Chiến dịch Đường 14 - Phước Long tạo tiền đề quan trọng để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Đại tá, Thạc sĩ TRẦN ĐÌNH QUANG, nguyên cán bộ Bộ Tham mưu TCHC