Từ tháng 4-10/1968, với chiêu bài “ném bom hạn chế”, Mỹ sử dụng 79.000 lượt máy bay các loại (trung bình 300 lượt chiếc/ngày), 4.596 lượt tàu tuần dương và tàu khu trục đánh phá ác liệt, dội hơn 200.000 tấn bom đạn xuống QK 4, nhất là từ sông Lam (Nghệ An) đến nam sông Gianh (Quảng Bình) trọng điểm là các đầu mối giao thông hiểm yếu ở Truông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc, Bến Thủy, Linh Cảm, phà Gianh, Xuân Sơn, Long Đại, Quán Hàu... khống chế việc vận chuyển và sửa chữa giao thông của ta. Sự đánh phá ác liệt của địch cùng với thời tiết mùa mưa đã làm nhiều tuyến đường bị tắc nghẽn dài ngày, trong đó đường 1 và 15A đoạn qua Hà Tĩnh bị tắc liên tục. Trong khi, nhu cầu hậu cần bảo đảm cho tiền tuyến rất lớn và khẩn cấp. Lúc đó, chân hàng của Đoàn 559 ở nam QK 4 chỉ còn 1.000 tấn. Đoàn phải tổ chức vét xăng tồn trên tuyến để bảo đảm cho vận chuyển. Đại đội Công binh 5 phải kết các phuy xăng thành mảng, đẩy vào Seng Phan; Tiểu đoàn 23 Công binh vần từng phuy xăng trên đoạn đường gần 30 km tới Pác Pha Năng, rồi chuyển tiếp qua sông Sê Băng Phai đưa vào Binh trạm 32. Sau gần 1 tháng, hàng trăm cán bộ chiến sỹ mới chuyển được 50 tấn xăng từ Mụ Giạ vào Lùm Bùm. Để có xăng cho ô tô vận tải, Binh trạm 12, 14 phải huy động bộ đội gùi từng can xăng vượt qua trọng điểm. Việc vận chuyển hàng vào chiến trường cực kỳ khó khăn, tổn thất rất lớn: 6 tháng đầu năm 1968, Tổng cục Hậu cần (TCHC) chỉ đạt 4,5% kế hoạch; Đoàn 559 đạt 10% và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đạt 3,3%; tổn thất về hàng hoá, phương tiện trên 50%. Một số chiến dịch, trận đánh không thực hiện được theo ý định vì thiếu lương thực, súng đạn. Trên đường 20, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong khi gùi xăng...
Lúc này, GTVT trở thành mặt trận nóng bỏng, nơi thử thách quyết liệt về ý chí, quyết tâm giữa ta và địch. Giữ vững mạch máu giao thông chi viện toàn diện, liên tục, mạnh mẽ cho chiến trường là quyết tâm chiến lược, nhiệm vụ trung tâm đột xuất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Ngày 22/8/1968, Hội đồng Chính phủ đã quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Bảo đảm GTVT ở QK 4, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Hội đồng Chính phủ và Quân ủy Trung ương-Bộ Quốc phòng. Đồng chí Phan Trọng Tuệ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT làm Tư lệnh; Thiếu tướng Lê Quang Hòa - Chính ủy QK 4 làm Chính ủy. Bộ Tư lệnh đảm nhiệm tổ chức chỉ huy toàn bộ công tác bảo đảm GTVT từ Nghệ An tới Vĩnh Linh (Quảng Trị); bảo đảm vận chuyển tiếp tế cho chiến trường; vận chuyển phục vụ kinh tế, dân sinh; được quyền huy động tất cả lực lượng, phương tiện bảo đảm giao thông của Quân đội và của Nhà nước hoạt động trên địa bàn QK 4. Đồng chí Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm TCHC được cử làm Cố vấn vào làm việc với QK 4. Ở các tỉnh có Bộ chỉ huy bảo đảm GTVT, do chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh làm chỉ huy trưởng; các tỉnh ủy viên, huyện ủy viên, chỉ huy cơ quan quân sự, công an tham gia ban chỉ đạo.
Để tăng cường khả năng bảo vệ GTVT, Bộ Tổng Tham mưu đã điều động các Sư đoàn Phòng không 367, 377, 368 và Sư đoàn Pháo binh 351 vào QK 4 kết hợp với không quân tham gia chiến đấu trên vùng trời QK 4. Lúc này, lực lượng phòng không trên địa bàn QK 4 gồm: 4 trung đoàn tên lửa, 14 trung đoàn cao xạ, 6 tiểu đoàn và 4 đại đội cao xạ 37 mm, 2 tiểu đoàn 12,7 mm và hơn 500 đội dân quân trang bị súng 12,7 mm và 14,5 mm, bố trí trên nhiều hướng, nhiều vùng tạo thành lưới lửa phòng không nhiều tầng, nhiều lớp bảo vệ từng mục tiêu. Các Trung đoàn Công binh 229, 239, 249 của Bộ Tư lệnh Công binh và 7 tiểu đoàn công binh của Quân khu Tả Ngạn và Quân khu Hữu Ngạn được tăng cường cho QK 4. Bộ tư lệnh QK 4 cũng thành lập thêm 2 tiểu đoàn công binh công trình; mỗi tỉnh tổ chức thêm 1 đại đội công binh; các huyện, xã trong QK có 500 đội công binh dân quân thoát ly sản xuất phục vụ nhiệm vụ GTVT.
Các binh trạm thuộc Cục Vận tải trên địa bàn QK 4 được điều chỉnh bố trí phù hợp với tình hình mới. 03 tiểu đoàn xe của Cục Vận tải và 3 đại đội xe của các quân khu phía Bắc (tổng số 411 ô tô vận tải) được tăng cường cho QK 4. Cục Vận tải còn thành lập thêm 4 tiểu đoàn xe ô tô vận tải vận chuyển trên đường 15. Tiểu đoàn 1 của Đoàn Vận tải thủy Hồng Hà (nay là Lữ đoàn 649) vào hoạt động trên kênh nhà Lê, kênh Vạn, kênh Than. Lực lượng GTVT của Nhà nước trên địa bàn tổ chức thành các đơn vị bảo đảm giao thông trực thuộc Bộ Tư lệnh bảo đảm GTVT QK4.
Theo đề xuất của TCHC, ngày 28/10/1968, Quân ủy Trung ương-Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Bộ Tư lệnh 500 (trên cơ sở TCHC tiền phương), trực thuộc Quân ủy Trung ương-Bộ Quốc phòng đảm nhiệm bảo đảm GTVT trên địa bàn nam QK4 (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị) và lập chân hàng cho Đoàn 559. Lực lượng của Đoàn 500 gồm 2 trung đoàn, 35 tiểu đoàn công binh; 1 sư đoàn, 3 trung đoàn và 23 tiểu đoàn pháo cao xạ; 18 tiểu đoàn vận tải ô tô; 2 tiểu đoàn đường ống; tổng quân số 33.384 người. Thiếu tướng Nguyễn Đôn - Phó Tổng Tham mưu trưởng được bổ nhiệm làm Tư lệnh; Thiếu tướng Lê Quang Đạo là Chính ủy; đồng chí Trần Chí Cường - Phó Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần được bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh 500.
Cùng các đơn vị của Trung ương và quân đội, lực lượng vũ trang QK 4 cùng hàng vạn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và nhiều phương tiện giao thông của các tỉnh được huy động tham gia chiến đấu, bảo đảm GTVT với khí thế “cả Quân khu ra trận”, “cả Quân khu là dũng sĩ”, đánh địch bảo đảm đưa hàng nhanh, đầy đủ nhất ra phía trước.
Các lực lượng trên được tổ chức thành 2 bộ phận: Bộ phận chuyên rà phá bom mìn, san lấp hố bom, giải phóng đường, mở đường vòng tránh... (gồm các đơn vị công binh và thanh niên xung phong) và bộ phận chuyên làm nhiệm vụ vận tải, gồm các đơn vị vận tải của Trung ương, các binh trạm, các tiểu đoàn ô tô vận tải, các hợp tác xã vận tải; các đoàn thể (phụ nữ, thanh niên...) tham gia bốc vác, vận chuyển. Ban công an giao thông được thành lập từ tỉnh đến xã, phường để điều phối phương tiện vận tải, lực lượng bốc vác và bảo vệ an ninh trật tự ở các trọng điểm, bến vượt, bến phà, kho bãi...
Được tăng cường và tổ chức chỉ huy hợp lý, các lực lượng bảo đảm giao GTVT trên địa bàn QK 4 đã “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, “Sống bám trụ cầu đường, chết kiên cường dũng cảm”. Trên các trọng điểm giao thông, nhiều bến phà, bến vượt, cầu phao, ngầm... được làm thêm. Những binh khí kỹ thuật lớn, chuyển tải nặng được cơ động bằng đường goòng, đường sắt, khi qua sông thì chuyển tải bằng phà ghép. Theo kênh nhà Lê từ Thanh Hoá vào Nghệ An, Tiểu đoàn 1/Đoàn Vận tải thủy Hồng Hà cùng các đội thuyền nan, thuyền gỗ (trọng tải từ 1-3 tấn) của các địa phương đêm ngày bền bỉ vận chuyển hàng vào các bến bãi quy định. Vừa tổ chức vận chuyển, các lực lượng vừa chủ động khắc phục khó khăn phá hàng nghìn quả bom nổ chậm thông đường, thông luồng bảo đảm an toàn cho hơn 47.760 lượt xe ô tô qua các bến phà Quán Hàu, Lý Hoà, Gianh, Cầu Dài, Xuân Sơn... và bốc dỡ chuyển hơn 335.000 tấn hàng ra khỏi khu vực trọng điểm trong những giờ cao điểm. Trung đoàn 230 đảm nhiệm vận chuyển vượt sông Lam, sông La qua trọng điểm Nam Đàn, Linh Cảm, Đường 15 đã dùng khung dây nam châm, bộc phá hoặc lái ca nô với tốc độ cao, phá nổ hàng nghìn quả bom từ trường, bảo đảm an toàn cho hàng nghìn chuyến xe vượt sông. Vượt qua bom đạn, mưa lũ, công nhân phà Bến Thủy đưa 4.200 lượt chuyến xe qua sông. Nhân dân các địa phương cùng các đội xung kích giao thông tích cực giúp bộ đội khắc phục nhanh hậu quả địch đánh phá, san lấp hố bom, sửa đường; sẵn sàng dỡ nhà, đưa giường, tủ, ván ra lót đường cho xe chạy với tinh thần “Xe chưa qua, nhà không tiếc”. Trung đoàn 290 dùng xe lội nước K61 chuyển tải hơn 1.000 tấn gạo qua sông Gianh; Tiểu đoàn 27 dùng xe K61 chuyển 60 xe ô tô vận tải vượt trọng điểm Thượng Gia-Hạ Vàng. Tiểu đoàn 1/Trung đoàn Công binh 249 gần 100 ngày đêm chốt ở bến phà Long Đại để bảo đảm cho các lực lượng cơ động binh khí kỹ thuật và vận tải qua sông an toàn.
Đặc biệt, tại ngã Ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), một “cửa tử” huyết mạch giao thông Bắc - Nam, từ tháng 4-10/1968, địch tập trung 5.300 lượt chiếc máy bay, ném xuống 37.500 quả bom phá, hơn 5.000 quả bom từ trường, bắn 94 quả tên lửa và hàng nghìn quả rốc két.... Ban chỉ huy giao thông “Đặc khu Đồng Lộc” do Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh làm Trưởng ban đã chỉ huy các lực lượng trên địa bàn (05 đại đội thanh niên xung phong, 03 đại đội công nhân giao thông Hà Tĩnh; 01 đại đội công binh QK 4; 01 đội máy gạt C-100 và Trung đoàn Cao xạ 210...) kiên cường bám trụ bảo đảm giao thông thông suốt. Riêng quý 3/1968, Ban đã huy động gần 40 vạn lượt người, 1,3 triệu cây tre, 1.500m3 gỗ, trồng hàng vạn cọc tiêu, phá 2.615 quả bom từ trường, hàng nghìn quả bom nổ chậm và đào đắp 2,5 triệu m3 đất đá ứng cứu giao thông. Tại đây, xuất hiện nhiều gương chiến đấu dũng cảm tiêu biểu. Trong đó, có Tiểu đội 10 nữ thanh niên xung phong do Võ Thị Tần làm tiểu đội trưởng, hàng tháng liền, vừa san lấp hố bom, làm đường, vừa đánh dấu từng quả bom chưa nổ để đồng đội phá, gỡ đảm bảo giao thông thông suốt. Ngày 24/7/1968, sau 18 lần địch đánh phá ác liệt, cả Tiểu đội đã anh dũng hy sinh.
Góp phần đánh bại âm mưu thủ đoạn của địch trên địa bàn QK 4, TCHC đã khẩn trương xây dựng tuyến đường ống dã chiến vượt “Tam giác lửa” Vinh-Nam Đàn-Linh Cảm. Ngày 09/8/1968, tuyến đường ống dài 42 km vượt qua sông Lam, sông La đưa dòng xăng từ Nam Đàn vào nam Hà Tĩnh, bảo đảm cho các đơn vị ở nam QK 4. Và đầu tháng 1/1969, vươn vào Quảng Bình, qua đèo Mụ Giạ, vượt tây Trường Sơn vào kho Na Tông, kịp thời chi viện trực tiếp cho Đoàn 559.
Ngoài bảo đảm các mặt hậu cần cho các đơn vị, Cục Hậu cần QK 4 còn phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh huy động 37.340 tấn lương thực, thực phẩm chi viện chiến trường; trong chiến dịch vận tải VT5, Cục đã huy động 3/4 đại đội ô tô vận tải tham gia vận chuyển hàng. Viện quân y 4 tiếp nhận 5.738 thương bệnh binh, trong đó điều trị khỏi 3.387 đồng chí trả về đơn vị công tác. Bằng phương tiện thô sơ, sức người, đến tháng 10/1968, tỉnh Hà Tĩnh chuyển được hơn 3.600 tấn hàng qua các trọng điểm giao thông; các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh dùng thuyền độc mộc chuyển được 3.000 tấn lương thực theo các khe suối vào Quảng Bình...
Bị thất bại nặng nề trên các chiến trường, đầu tháng 11/1968, Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom, bắn phá miền Bắc. Chớp thời cơ, Trung ương quyết định mở “Chiến dịch VT5” đưa vào Quảng Bình 120.000 tấn hàng để chi viện chiến trường. Các phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy của Trung ương và địa phương; các tàu của Hải quân và Đoàn vận tải thủy Hồng Hà/TCHC... được huy động tham gia chiến dịch. Đặc biệt, các đơn vị QK 4 huy động 80% xe vận tải quân sự, các tỉnh thuộc quân khu huy động hầu hết xe, thuyền vận tải phục vụ chiến dịch. Sau 3 tháng liên tục thi đua “Tăng cân, vượt chuyến, đưa hàng tới đích an toàn”, chiến dịch VT5 kết thúc thắng lợi, đưa được 132.000 tấn hàng tới đích, vượt kế hoạch 12.000 tấn, kịp thời đáp ứng yêu cầu của chiến trường.
Dưới sự lãnh đạo chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương-Bộ Quốc phòng, bằng nỗ lực phi thường, quân và dân ta đã vượt qua khó khăn ngặt nghèo, giữ vững mạch máu giao thông chi viện chiến trường, đánh bại thủ đoạn của đế quốc Mỹ hòng chia cắt chiến lược trên địa bàn QK 4. Trong 7 tháng đó, quân và dân ta đã bắn rơi 425 máy bay, bắn cháy 31 tàu chiến; đã huy động 10 triệu lượt người tham gia khôi phục và làm mới 2.500km đường cơ giới, 173km đường goòng, nạo vét thông dòng kênh nhà Lê, kênh Vạn, kênh Than; đóng mới 21 chiếc phà, 17 bộ cầu phà, 17 phao cầu, sửa chữa 33 phà; huy động hàng nghìn thuyền, xe thồ... tạo thành sức mạnh tổng hợp bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống. Nhờ đó, khối lượng hàng chi viện miền Nam và bạn Lào năm 1968 tăng gấp 2 lần so với năm 1967, góp phần để tiền tuyến đánh to thắng lớn.
Thượng tá, ThS NGUYỄN KIM XUYÊN (Thiếu tá, ThS Lê Thành Công, Học viện Hậu cần)