Hơn 40 năm lưu lạc
Nửa đêm về sáng ngày 24-6-1971, trong góc hang đá tại bản Na (Tây Trường Sơn, trên đất Khăm Muộn, Trung Lào), Thượng sĩ Nguyễn Xuân Giá - Trợ lý Hậu cần Tiểu đoàn 668 đọc trọn vẹn bản báo cáo anh vừa viết xong sau 02 ngày đêm để báo cáo Đại úy Nguyễn Minh Phượng, Tiểu đoàn trưởng duyệt, ký. Xong việc, anh giao nó cho Thượng sĩ Hoàng Văn Sấn, phụ trách quân nhu Tiểu đoàn 668, nổi tiếng là người gan góc, thường xuyên đối đầu với cái chết để xoay xở “cơm, áo, gạo, tiền” cho đơn vị. Hồi chống Chiến dịch “Lam Sơn - 719” của Mỹ - ngụy Xuân năm 1971, đã có câu vè: “Anh Sấn bổ nháo bổ nhào/Chạy ra binh trạm, chạy vào tiền phương/Lo cho bộ đội thân thương”… Nay anh Sấn lên Trung đoàn bộ 592 nhận nhiệm vụ mới, kết hợp mang bản báo cáo đi nộp cho Trung đoàn ở cách xa gần một ngày đường đi bộ…
Rạng đông, lúc chuẩn bị vượt “tọa độ lửa” Pha Băng Nưa, anh Sấn gặp một số đồng chí cán bộ. Thiếu tá Nguyễn Công Sỏi, Trung đoàn phó, Tham mưu trưởng Trung đoàn 592 nhận ra anh, liền giữ lại: “Đồng chí Sấn có trong danh sách về Trung đoàn 532, tình hình rất khẩn trương, đồng chí nhập đoàn đến đơn vị mới ngay. Mọi việc liên quan, chúng tôi sẽ chỉ đạo xử lý tiếp”. Do cơ quan Hậu cần Trung đoàn 592 đốc thúc nên đồng chí Giá phải báo cáo nhanh bằng số liệu, thay cho bản báo cáo 30 trang vẫn nằm lại trong ba lô của anh Sấn. Bản báo cáo theo cùng anh Sấn trong suốt thời gian chiến đấu cho đến khi nghỉ hưu.
|
|
Trung tá, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Giá (bên trái) cùng đồng đội. |
Ngày 20-4-2009, tại buổi Gặp mặt kỷ niệm 50 năm Đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh, Đại úy, Cựu chiến binh Hoàng Văn Sấn (nghỉ hưu tại thôn Kim Đới, xã Tiên Thanh, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng) đã trực tiếp gửi lại bản “Báo cáo Tổng kết công tác hậu cần mùa khô năm 1970 - 1971” của Tiểu đoàn 668 cho Trung tá, Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Giá. Biết được thông tin này, ngày 04-5-2012, Trung úy Hoàng Anh Giá được Ban Giám đốc Bảo tàng Hậu cần cử đến gặp Trung tá, Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Giá, tại số 4, Lý Nam Đế, xin được tiếp nhận bản báo cáo ấy làm kỷ vật chiến tranh. Như vậy, kể từ ngày 24-6-1971 đến ngày về tới nơi lưu giữ, bảo quản, bản báo cáo đã đi qua khoảng thời gian 40 năm 10 tháng 10 ngày.
Một số trang trong bản “Báo cáo Tổng kết công tác hậu cần mùa khô 1970 - 1971” của Tiểu đoàn 668.
Trong cuộc hành quân “Lam Sơn - 719” đánh ra Đường 9 - Nam Lào (08-2-1971 / 25-3-1971), Mỹ - ngụy đã đổ bộ vào đội hình Trung đoàn đường ống 592. Cùng với các đơn vị bộ đội đường ống, Tiểu đoàn 668 sát cánh với Sư đoàn 2 (Sư đoàn chủ lực của Quân khu 5) giành giật với địch từng đoạn tuyến ống, camgo nhất là ở Đại đội 6 trên các cao điểm 723, 660.
|
|
Bản báo cáo hậu cần cấp tiểu đoàn bài bản và đầy đủ. |
Sau 42 ngày chiến đấu, Mỹ - ngụy thua trận, rút đi. Trung đoàn 592 lao vào gia cố lại tuyến, sửa sang hầm hào, nơi ăn ở; chuẩn bị lương thực, thực phẩm, vật tư sẵn sàng cho thi công kéo dài tuyến ống theo chủ trương của trên về thành lập hai trung đoàn đường ống mới (532 và 537). Trước mắt là tổng kết mùa khô, tổng kết chiến dịch, rút kinh nghiệm… Bởi vậy, việc báo cáo công tác hậu cần mùa khô năm 1970 - 1971 của Tiểu đoàn đường ống 668 không chỉ ở mức báo cáo chuyên môn định kỳ thông thường mà ở tầm tổng kết, làm cơ sở lý luận và thực tiễn về mặt hậu cần cho việc thành lập hai trung đoàn đường ống mới. Bản Báo cáo hiện còn nguyên vẹn, dày 30 trang giấy vở kẻ ô ly (gần bằng tờ A4 bây giờ), viết bằng bút mực Cửu Long; con số, chữ nghĩa rất rõ ràng. Bản báo cáo đã phản ánh khá đầy đủ, sinh động công tác hậu cần của Tiểu đoàn đường ống 668 ở Trường Sơn, cụ thể:
Báo cáo bám sát đặc điểm khí hậu, thời tiết: Nơi tiểu đoàn làm nhiệm vụ có hai vùng thời tiết khác nhau. Phạm vi Đại đội 1 (từ Km 200 đến Km l7 Đường 18, qua các đỉnh 400, 700, vượt đỉnh 900 sang bên kia là đất bạn Lào với 13 km đường ống, 3 trạm bơm, 1 kho 200m3) nằm trọn trong một vùng quanh năm mưa gió ẩm thấp; từ Đại đội 3 (bản Na) trở vào thì nắng. Khó khăn nhất là việc bảo quản lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, bảo đảm sức khỏe bộ đội, phòng chống sốt rét, bệnh ghẻ lở, hắc lào, nước ăn chân, khổ nhất là các chị, em gái.
Để có lương thực, thực phẩm trong mùa khô, dự trữ mùa mưa, chuẩn bị cho lực lượng sẽ được tăng cường, phối thuộc vào thi công tuyến ống kéo dài, ngoài việc nhận 200 tấn hàng, đơn vị đã trồng 147.288 gốc sắn theo chủ trương “ăn quả trả cây”, 13.600m2 ngô, 14.000m2 lúa, 5.350m2 rau, 732 gốc bí...; thu hoạch 28 con lợn được 983 kg, còn lại 64 con ước tính trên 1 tấn. Tính bình quân đầu người đạt: 18,7kg rau tăng gia; 27kg rau rừng; 1,33kg thịt thú rừng; 2kg thịt lợn, bò...
Hai điểm nổi bật trong công tác nuôi quân, thứ nhất là chế biến món ăn. Lúc này, đơn vị nào cũng có cối xay bột làm bằng gỗ, điều những đồng chí có tay nghề cao nhất làm bún, bánh đa, bánh phở về làm công tác nuôi quân. Trong đó, có anh Nguyễn Văn Sơn là nuôi quân ở hang đá Bản Cò thuộc Đại đội 4, nơi ác liệt nhất trên trọng điểm Pha Băng Nưa. Anh phổ biến nhiều cách làm hay như: Dùng tất chống vắt kết hợp với ống bơ làm khuôn bún, muối dưa rau tàu bay, nộm hoa chuối, nộm rau sắn, làm giấm ớt, nấu kẹo sữa, kẹo bột trứng, kẹo bỏng... Bộ đội vận hành xăng dầu ban đêm vất vả còn được bồi dưỡng bánh đa, phở, bánh sắn, xôi sắn...
Chị Nguyễn Thị Then ở Đại đội 3 có sáng kiến được rất nhiều đơn vị áp dụng, đó là dùng màn tuyn, vỏ ống bơ bắt cá bống suối. Màn tuyn được đặt ở phía cuối dòng nước, mép màn sát đáy, lấy đá sỏi đè lên. Lấy dây xuyên các vỏ ống bơ lại, hai người cầm hai đầu dây kéo. Ống bơ đập vào sỏi đá phát ra tiếng động, cá sợ cứ thế chui vào màn, có mẻ bắt được 0,7 - 1 kg. Cá bắt được mang về kho khô. Người bị sốt rét sợ nhất mùi thịt hộp, rau tàu bay, có cá bống kho ăn với cơm thì sức khỏe nhanh hồi phục. Thứ hai là tăng gia sản xuất: Trong đó, trồng rau xanh tại vị trí đóng quân phải giữ được môi trường tự nhiên, vì nếu làm luống, đánh rãnh, phát cỏ, địch sẽ phát hiện cho máy bay đánh phá. Mỗi đại đội nuôi từ 1 - 2 con lợn nái để chủ động nguồn lợn giống, tránh tình trạng bộ đội mang quân trang, gạo, muối đi đổi.
Về công tác quân y, đặc biệt chú trọng việc phòng, chống sốt rét, muỗi đốt cho bộ đội khi làm đêm, phòng tránh bệnh ngoài da; phòng, chống tai nạn. Thường xuyên rút kinh nghiệm về sơ cứu, cấp cứu trong chiến dịch cũng như trong công việc hằng ngày. Nhờ vậy, trong cả mùa khô, quân số khỏe đạt bình quân 87%. Những mất mát cũng được nêu cụ thể trong báo cáo để rút ra bài học kinh nghiệm. Như trong 6 tháng, xảy ra 14 vụ tai nạn, có 3 ca tử vong (nổ lựu đạn ở Đại đội 1, bỏng xăng ở Đại đội 2, đi săn bắn phải nhau ở Đại đội 3), 4 ca bị bỏng do cháy ô tô, 01 trường hợp bị ngã, 01 chiến sĩ bị thương do cướp cò súng...
Báo cáo đề nghị khen thưởng đối với các điển hình tiên tiến, cán bộ, y tá, nuôi quân… có thành tích xuất sắc, trong đó có: bếp Đại đội 3, bếp 40 Đại đội 4, bếp c bộ Đại đội 2, bếp 7A Đại đội 3, bếp Trung đội 7 Đại đội 5…
Năm 1973, Tiểu đoàn đường ống 668 được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Những người làm công tác hậu cần của Tiểu đoàn rất tự hào vì đã góp phần vào thành tích chung của đơn vị. Bản báo cáo Tổng kết công tác hậu cần mùa khô năm 1970 - 1971 của Tiểu đoàn đường ống 668 không chỉ minh chứng cho những nỗ lực vượt mọi khó khăn, gian khổ, ác liệt, tận tụy vì bộ đội mà còn thể hiện ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao của bộ đội hậu cần.
Bài, ảnh: PHẠM XƯỞNG