Chuồng trại

Có thể làm chuồng xây bằng gạch, gỗ, tre hoặc bằng các nguyên vật liệu khác nhưng phải đảm bảo thỏ hoạt động thoải mái, dễ quét dọn, vệ sinh, sát trùng và thuận tiện chăm sóc; bảo vệ thỏ khỏi sự tấn công của mèo, chuột... Chuồng phải cách xa chỗ nuôi các loài gia súc khác, vì thỏ là vật nuôi rất mẫn cảm, dễ lây nhiễm bệnh. Máng ăn và uống có thể tận dụng chai nhựa, chậu sành, có thể lắp van nước tự động cho thỏ uống, giúp tiết kiệm nước và tránh rơi ra nền. Buổi chiều nên giảm bớt ánh sáng chiếu vào lồng, chuồng nhằm tạo không gian yên tĩnh cho thỏ nghỉ ngơi, ngủ, ít hoạt động.

Con giống

Hiện nay ở nước ta có nhiều giống thỏ, như thỏ nội (thỏ đen, thỏ xám), thỏ ngoại (thỏ New Zealand, California, Pháp, Hungari…). Khi nuôi thỏ lấy thịt nên chọn giống thỏ New Zealand (toàn thân lông trắng, mắt đỏ) và thỏ California (lông trắng có đốm đen ở tai và mũi), những giống có trọng lượng trưởng thành đạt trung bình từ 4,5-5kg/con. Chọn những con có thể lực tốt, linh hoạt, mắt sáng, mũi khô, tai và chân sạch sẽ, không có vẩy; lông bóng mượt, răng cửa mọc bình thường. Có thể mua thỏ giống từ Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây (thuộc Viện Chăn nuôi) hoặc Trại thỏ Việt - Nhật (Ninh Bình) là những nơi cung cấp giống có uy tín nhiều năm qua.

leftcenterrightdel
Đoàn Kinh tế quốc phòng 326 (Quân khu 2) phát triển chăn nuôi thỏ thịt. Ảnh: Đình Thảo

Thức ăn

Thỏ ăn nhiều loại thức ăn nhưng chủ yếu là thức ăn xanh, bao gồm lá ngô, su hào, cải bắp, cỏ ghi-ne, cỏ voi, chè đại… Thức ăn cho thỏ cần thu hái từ nguồn sạch sẽ. Không được cho thỏ ăn thức ăn từ những nơi chăn thả gia súc, gia cầm hoặc đọng nước để tránh các bệnh giun sán, xuất huyết ruột. Không cho thỏ ăn thức ăn đã bị mốc, chua, lên men để tránh các bệnh tiêu chảy, chướng bụng đầy hơi. Không nên chất thức ăn thô xanh (cỏ, lá) thành đống mà nên trải ra hoặc làm giàn phơi ráo nước mới cho ăn. Có thể làm giàn phơi cỏ khô thật kỹ, bó lại treo lên để dự trữ làm thức ăn vào những ngày mưa.

Nếu nuôi thỏ bằng cám công nghiệp thì cần chú ý không cho ăn cám nhiều đạm mà chỉ cần loại thức ăn từ 15-16% đạm. Lưu ý không nên cho thỏ ăn cám đậm đặc. Trước khi xuất chuồng 7 - 8 ngày, giảm thức ăn xanh, tăng cường ăn cám viên hoặc thức ăn phối trộn theo công thức: 01kg thức ăn hỗn hợp = 50 g cám ngô + 20 g cám gạo (hoặc bột sắn) + 20 g cám viên + 10 g rau xanh để thỏ tăng trọng.

Cần chú ý bổ sung và tăng cường thêm các sản phẩm giàu dinh dưỡng, vitamin, chất khoáng để tăng sức đề kháng và chống stress; nhất là khi thời tiết và môi trường sống thay đổi cần bổ sung liên tục trong 3 – 5 ngày. Ngoài ra, có thể bổ sung thêm chế phẩm sinh học giúp thỏ lớn nhanh, khỏe mạnh, ít bệnh tật, thịt chắc và thơm ngon hơn, đồng thời tiết kiệm được chi phí thức ăn, giảm thiểu việc sử dụng thuốc kháng sinh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

Kỹ thuật chăm sóc

Chăm sóc thỏ thương phẩm thường trải qua 3 giai đoạn:

Giai đoạn sau cai sữa (30 - 70 ngày tuổi) thỏ con có thể sử dụng những loại thức ăn thô, xanh và thức ăn tinh. Đảm bảo nguồn thức ăn sạch sẽ, hàm lượng dinh dưỡng cao, chứa đầy đủ Vitamin A, B, C và không ôi thiu. Trong đó, chủ yếu sử dụng thức ăn thô và xanh, hạn chế thức ăn tinh vì dễ gây rối loạn tiêu hóa. Mỗi ngày, một con thỏ con chỉ dùng 10 - 15 g cám viên.

Giai đoạn thỏ nhỡ (70 - 90 ngày tuổi) thỏ sinh trưởng và phát triển hoàn chỉnh nên cần cung cấp thức ăn giàu protein, vitamin, chất xơ..., hạn chế những  loại thức ăn dễ tích lũy mỡ (ngô, cám, gạo, cơm...).

Giai đoạn nuôi vỗ béo (90 - 120 ngày tuổi) cho thỏ ăn các loại thức ăn giàu tinh bột với tỷ lệ thích hợp, như cám ngô, cám gạo, khoai sắn khô (60 - 100 g/con/ngày), giảm bớt các loại thức ăn thô, xanh (khoảng 400 g/con/ngày). Nên cho ăn đúng giờ để thỏ có phản xạ và tăng cường khả năng tiêu hóa thức ăn, hấp thu chất dinh dưỡng ở mức tối đa. Thức ăn tinh nên tập trung vào ban ngày, thức ăn thô xanh cho ăn chủ yếu vào buổi chiều và tối. Chú ý, ban đêm thỏ thường ăn gấp đôi khối lượng ban ngày.

Khi chuyển sang loại thức ăn mới phải chuyển từ từ, hằng ngày thay khoảng 20 - 25% lượng thức ăn cũ bằng lượng thức ăn mới trong khẩu phần, kéo dài khoảng 1 tuần mới cho thỏ ăn thức ăn mới hoàn toàn.

Thời gian nuôi thỏ con từ lúc đẻ đến khi xuất chuồng khoảng 3-3,5 tháng, đạt trọng lượng 2,2 - 5 kg/con (tùy từng giống thỏ).

Vệ sinh chuồng trại

Hằng ngày cần vệ sinh chuồng nuôi, loại bỏ thức ăn thừa đã bị ẩm mốc, lên men hoặc bị bẩn do dính phân, nước tiểu… Tiến hành quét dọn phân, rác đọng  lại ở đáy, góc chuồng thỏ. Bỏ hết thức ăn thừa, thay nước uống sạch; 7 ngày/lần vệ sinh lồng nuôi. 15 ngày/lần tổng vệ sinh toàn bộ khu chuồng trại. Phun thuốc sát trùng Vinkon, Hantox, I-ốt xung quanh chuồng nuôi 1 lần/tuần. Rắc vôi tẩy uế chuồng  nuôi trước khi nuôi lứa mới.

Phòng và điều trị một số bệnh thường gặp

Thỏ ăn, ở sạch nhưng cũng rất dễ mắc bệnh. Bệnh ở thỏ thường lây lan nhanh, phức tạp, có thể gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Một số bệnh thường gặp là:

Bệnh cầu trùng: Thường xuất hiện do điều kiện vệ sinh kém. Thỏ kém ăn, xù lông, phân lỏng. Thường xuyên vệ sinh sát trùng chuồng trại. Sử dụng Anticoc, HanE trộn với thức ăn tinh với liều 0,1-0,2g/kg thể trọng.

Bệnh bại huyết: Bệnh chủ yếu xảy ra ở thỏ lớn từ 1,5 tháng tuổi trở lên. Khi thỏ bị bệnh, thỏ lờ đờ, bỏ ăn trong thời gian ngắn rồi chết hàng loạt. Trước khi chết, thỏ giãy giụa, quay vòng, máu ộc ra ở mồm, mũi; gan sưng to, bở; vành tim, phổi, khí quản xuất huyết. Do chưa có thuốc điều trị nên chủ yếu phòng bệnh bằng vắc-xin VHD bại huyết.

Bệnh ghẻ: Biểu hiện ngứa, rụng lông và có vảy, khô, cứng (chủ yếu ở tai, chân và mũi). Đôi khi dưới vảy ghẻ có mủ do nhiễm trùng gây viêm da. Để phòng bệnh, cần thường xuyên tẩy uế, vệ sinh chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi. Dùng thuốc tiêm Ivermectin, sử dụng với liều lượng 0,7ml/0,3kg thể trọng để điều trị.

Bệnh tiêu chảy: Thường gặp cả ở thỏ con và trưởng thành do ăn phải thức ăn ôi thiu, ẩm mốc. Triệu chứng: thỏ đau bụng, mệt mỏi, lông xù, phân lỏng. Ngoài việc cách ly ngay, cần sử dụng Steptomicin pha loãng cho thỏ uống 3-4 lần/ngày, kết hợp cho thỏ uống nước chiết xuất từ lá có chất chát, như lá ổi, lá chuối...

Thiếu tá, ThS Nguyễn Thị Hường - Phòng Sản xuất Cục Quân nhu/TCHC