Khoa Quân nhu (Học viện Hậu cần) có nhiệm vụ tham gia đào tạo cán bộ hậu cần cấp phân đội, trình độ đại học; cán bộ hậu cần cấp chiến thuật, chiến dịch; đào tạo ngắn cán bộ hậu cần trung đoàn, sư đoàn và chủ nhiệm hậu cần huyện, thị; đào tạo hoàn thiện đại học hậu cần cấp phân đội; trung cấp chuyên nghiệp và đào tạo sau đại học. Ngoài ra, Khoa tham gia huấn luyện, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ hậu cần, quân nhu của Quân đội Nhân dân Lào, Quân đội Hoàng gia Campuchia và các quân khu, quân chủng, quân đoàn, binh chủng trong toàn quân.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đào tạo cán bộ hậu cần trong giai đoạn hiện nay, Khoa Quân nhu luôn quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đặc biệt, những năm gần đây, Khoa Quân nhu đã có nhiều đổi mới trong công tác đào tạo và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là, thực hiện tốt phương châm “Dạy thực chất, học thực chất, đánh giá thực chất”, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Học viện.

leftcenterrightdel
Chỉ huy Khoa Quân nhu và các bộ môn thông qua bài giảng của giảng viên. Ảnh: CTV.

Để “Dạy thực chất”, trước hết, Khoa thường xuyên chú trọng kiện toàn, xây dựng đội ngũ giảng viên đủ số lượng, tốt chất lượng với cơ cấu hợp lý, khoa học. Từng bước chuẩn hóa đội ngũ giảng viên về trình độ học vấn, tin học, ngoại ngữ, phương pháp sư phạm và hoạt động thực tiễn, phấn đấu đạt chuẩn quốc gia. Thực hiện tốt công tác lập quy hoạch nguồn đào tạo đối với từng cán bộ, giảng viên. Không ngừng xây dựng đội ngũ giảng viên có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực sư phạm, phương pháp, tác phong công tác đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục và đào tạo của Học viện. Chú trọng bồi dưỡng giảng viên trẻ về kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm công tác. Kết hợp giữa tự bồi dưỡng với đề nghị Học viện cử giảng viên tham gia các khóa đào tạo bậc học cao hơn và đi thực tế tại đơn vị trong toàn quân. Trên cơ sở đó, tập trung đột phá việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng, cập nhật kiến thức mới có liên quan, bám sát thực tiễn công tác ngành Quân nhu cũng như sự phát triển của khoa học hậu cần quân sự vào giảng dạy. Cùng với đó, Khoa xây dựng hệ thống nội dung, chương trình, giáo trình, tài liệu huấn luyện cho các đối tượng một cách đồng bộ, lô - gíc, liên thông giữa các bậc học, đối tượng. Những năm gần đây, nội dung, chương trình đào tạo chuyên ngành Quân nhu được bổ sung, điều chỉnh mới theo hướng giảm lý thuyết, tăng thực hành; đảm bảo tính kế thừa, sát với hoạt động quân nhu tại đơn vị. Kết hợp giữa trang bị kiến thức chuyên môn với bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, năng lực tổ chức chỉ huy, chỉ đạo cho học viên.

Việc chuẩn bị giáo án và phương pháp giảng dạy của giảng viên cũng có sự phát triển mới, cụ thể: Khoa đã ban hành quy định cụ thể việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Hệ thống giáo án chuyên ngành Quân nhu được xây dựng đảm bảo trong mỗi bài giảng phải thể hiện rõ nội dung cơ bản, thực tiễn, hiện đại, gắn kết lý luận với thực tiễn; kết hợp giữa trang bị kiến thức cơ bản với truyền thụ kinh nghiệm thực tế. Nội dung bài giảng được phân chia thời gian phù hợp, phần trọng tâm, trọng điểm phân tích, trình bày kỹ để học viên tiếp thu kiến thức nhanh nhất và có thể nắm chắc ngay trên lớp. Mỗi bài giảng trước khi thông qua Khoa, giảng viên phải chuẩn bị kỹ, chọn lọc hình ảnh, video minh họa phù hợp để trình chiếu sinh động; thuần thục giáo án, giảng tập, giảng thử và giảng thông qua chỉ huy các cấp. Trong quá trình thông qua bài giảng, chỉ huy Khoa và bộ môn kết hợp rèn luyện giảng viên phương pháp chuẩn bị nội dung, kế hoạch giảng bài. Khi giảng bài, các giảng viên phải kết hợp nhiều phương pháp như: thuyết trình, nêu và giải quyết vấn đề, dạy học theo nhóm, theo tình huống, phát vấn để tạo sự tương tác giữa giảng viên và học viên, giữa học viên với nhau. Khuyến khích phương pháp giảng dạy tạo tính tư duy độc lập, sáng tạo, xóa bỏ lối áp đặt kiến thức theo kiểu giáo điều; chú trọng phát triển kỹ năng và xây dựng thái độ làm việc khoa học cho học viên. Sau mỗi lần thông qua bài giảng, Khoa tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm kịp thời để giảng viên bổ sung, hoàn thiện nội dung bài giảng trước khi lên lớp. Cùng với đó, Khoa tăng cường thực hiện nền nếp việc dự giảng, kiểm tra, thi giáo viên dạy giỏi góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy cho đội ngũ giảng viên.

Với đặc thù là khoa chuyên ngành, chương trình huấn luyện thực hành nhiều, do vậy, yêu cầu các đối tượng học viên phải nắm chắc cả lý thuyết lẫn thực hành… Được sự quan tâm của Học viện, các phòng học thực hành của Khoa đã trang bị đồng bộ hệ thống máy, thiết bị hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn tiên tiến trong hệ thống trường Quân đội. Để đáp ứng yêu cầu giảng dạy thực hành, giảng viên phải nắm chắc nội dung, chương trình, quy trình thực hành, thí nghiệm, sử dụng thành thạo các thiết bị tại phòng học chuyên dùng. Khoa thường xuyên quan tâm bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trẻ, nhân viên hướng dẫn thí nghiệm, thực hành theo hướng chuẩn hóa. Thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất phòng học chuyên dùng phục vụ công tác đào tạo.

Cùng với các biện pháp trên, Khoa tích cực, chủ động hợp tác với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội đẩy mạnh nghiên cứu đề tài khoa học có tính ứng dụng cao, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo gắn với thực tiễn công tác quân nhu ở đơn vị. Từ năm 2015-2020, Khoa có hàng chục đề tài cấp Học viện được đánh giá cao, trong đó có nhiều đề tài ứng dụng đã áp dụng hiệu quả tại một số đơn vị trong toàn quân. Ngoài ra, Khoa tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên tham gia tập huấn, học tập tại các trung tâm trong và ngoài quân đội; cử giảng viên đi thực tế và tham dự các cuộc diễn tập trong toàn quân. Tích cực thông báo hệ thống tài liệu mới; quán triệt học tập các nghị quyết, chỉ thị của trên nhằm giúp giảng viên cập nhật kịp thời các thông tin, sự phát triển mới của khoa học, nghệ thuật quân sự, hậu cần. Những biện pháp trên đã giúp giảng viên ngày càng nắm chắc thực tế, cập nhật thông tin, thu hẹp khoảng cách giữa nhà trường và đơn vị.

Với phương châm “Học thực chất”, bên cạnh cùng với việc xây dựng nội dung, chương trình, đổi mới phương pháp giảng dạy, Khoa chú trọng phương pháp dạy thực hành, tạo điều kiện cho học viên rèn luyện kỹ năng thực hành nhiều hơn. Trong mỗi bài học có phần thực hành, học viên phải nắm chắc kỹ năng và thực hành thành thạo theo hướng dẫn của giáo viên. Hằng năm, tùy theo từng đối tượng, Khoa đề xuất với Học viện bố trí cho học viên chuyên ngành được tham quan, học tập thực tế mô hình điểm về quân nhu tại đơn vị. Tổ chức học thực hành, thí nghiệm tại phòng học chuyên dùng, thực hành tay nghề tại xưởng huấn luyện thực hành, bếp ăn và tại các đoàn an, điều dưỡng Quân đội. Tổ chức cho học viên tập bài dã ngoại, diễn tập cuối khóa tại thực địa phù hợp với từng đối tượng, qua đó, kịp thời bổ sung kiến thức cho học viên sát thực tiễn hơn.

Để “Đánh giá thực chất” kết quả dạy và học, Khoa thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống ngân hàng đề thi kết thúc học phần, môn học, thi tốt nghiệp chuyên ngành Quân nhu cả thi lý thuyết và thực hành. Hằng năm, các bộ môn thực hiện đổi mới, bổ sung từ 25-30% số lượng đề trong ngân hàng đề thi để xây dựng ngày càng nhiều bộ đề thi mới. Khoa luôn chấp hành nghiêm quy chế của Học viện về chấm thi và kiểm tra, đảm bảo khách quan, trung thực, đúng chất lượng của người học, nhất là quy định về bốc đề và chấm thi tập trung của Học viện. Việc bốc đề, chấm thi tập trung đã trở thành nền nếp và được thực hiện ở môn thi trong nhiều năm qua. Bên cạnh hình thức thi vấn đáp, thi tự luận, Khoa vận dụng kết hợp các hình thức thi, kiểm tra đánh giá khác như: thi trắc nghiệm, viết chuyên đề, tiểu luận... Chấp hành nghiêm chế độ thanh tra, kiểm tra huấn luyện, tăng cường chấm phúc tra, nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp chấm điểm không đúng thực chất.

Phát huy truyền thống 65 năm xây dựng và trưởng thành, thời gian tới, Khoa Quân nhu tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới công tác giáo dục và đào tạo, chú trọng tham gia nghiên cứu đề tài khoa học, nhất là đề tài mang tính ứng dụng cao. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng các đề tài, sáng kiến cải tiến vào thực tiễn bảo đảm quân nhu, góp phần nâng cao chất lượng công tác hậu cần Quân đội.

Hiện nay, 100% cán bộ, giảng viên Khoa Quân nhu có trình độ đại học trở lên, trong đó, có 81,3% trình độ sau đại học; có 02 phó giáo sư, 07 tiến sĩ, 19 thạc sĩ; 04 đồng chí đang nghiên cứu sinh, 01 đồng chí đào tạo cao học; 07 đồng chí giảng viên dạy giỏi cấp Học viện, 11 đồng chí giảng viên dạy giỏi cấp Khoa.

Đại tá, TS Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm Khoa Quân nhu HVHC