Trước tình hình đó, rất nhiều quốc gia đã nhanh chóng công bố các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ; hơn 30 quốc gia cử lực lượng cứu hộ cùng trang thiết bị chuyên dụng và hàng cứu trợ tới các khu vực bị ảnh hưởng.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ; Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định cử lực lượng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam sang tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa (CTTH) tại Thổ Nhĩ Kỳ gồm 76 quân nhân là lực lượng tinh nhuệ, được đào tạo, huấn luyện bài bản, có nhiều kinh nghiệm tham gia tìm kiếm cứu nạn trong nước và quốc tế. Trong đó, Đội Quân y thuộc Tổng cục Hậu cần (TCHC) gồm 30 đồng chí; Đội Công binh cứu sập thuộc Binh chủng Công binh gồm 30 đồng chí; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng 9 đồng chí và 6 chó nghiệp vụ; Bộ phận chỉ huy và cơ quan gồm 7 người. Tổng chỉ huy là đồng chí Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu.
Ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và TCHC, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tham mưu và các Cục chuyên ngành/TCHC khẩn trương triển khai các nội dung được phân công. Ngoài lực lượng y bác sĩ, Cục Quân y đã chuẩn bị đầy đủ vật tư quân y, thuốc, hóa chất bảo đảm cho Đội Quân y hoạt động cứu chữa cho khoảng 1.500 người bị nạn trong thời gian 01 tháng. Cục Quân nhu chuẩn bị lương thực, thực phẩm bảo đảm cho lực lượng cứu hộ trong thời gian một tháng, gồm: Lương khô, mì tôm, gạo, bí xanh, khoai tây, su su, bắp cải, thịt hộp, cá hộp, trứng, sữa, nước uống cùng 10 bếp dầu và các dụng cụ chia, nấu; cấp phát đầy đủ quân trang, trong đó quân trang chống rét gồm chăn bông, bộ quần áo giữ nhiệt, áo bông và mũ lông… Cục Xăng dầu cấp phát một số bể mềm, bơm lắc tay, can nhựa…; phối hợp với các cơ quan tính toán lượng tiêu thụ nhiên liệu phục vụ nấu ăn, máy phát điện, đèn bão trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, báo cáo cấp trên bảo đảm kinh phí và đề xuất phương thức tạo nguồn tại nước sở tại. Cục Vận tải phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với Cục Đối ngoại, các cơ quan, đơn vị liên quan, chỉ đạo thống nhất việc bao gói vật chất, trang bị để vận chuyển theo quy định của hàng không, tổ chức lực lượng bốc xếp, vận chuyển vật chất, trang bị và lực lượng làm nhiệm vụ đến Sân bay Nội Bài. Đúng 6 giờ ngày 12-2, toàn bộ các lực lượng, phương tiện đã tổ chức tiếp nhận, vận chuyển, bàn giao các loại hàng hóa và chuyển lên máy bay theo đúng yêu cầu kế hoạch.
Sáng 13-2, 76 cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam đã có mặt tại Sân bay Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), sau đó bay tới thành phố Hatay với khoảng cách là 1.100km. Ngay khi có mặt tại xã Haci Omer Alpagot, huyện Antakya, tỉnh Hatay, là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề của trận động đất, Đoàn phối hợp với lực lượng cứu nạn quốc tế khác thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, cung cấp hỗ trợ y tế cho các nạn nhân. Với tinh thần quả cảm, tranh thủ từng giờ, từng phút, sau 1 tuần làm việc, lực lượng cứu hộ của QĐND Việt Nam đã xác định được 15 vị trí có nạn nhân, trong đó 2 vị trí có người còn sống, tìm kiếm được 28 thi thể; tổ chức vận chuyển đồ đạc, hỗ trợ 3 gia đình nạn nhân ổn định nơi ăn, ở, sinh hoạt. Phối hợp với lực lượng cứu hộ của Bahrain và Mexico tìm kiếm được 3 vị trí có 10 nạn nhân. Đội Quân y triển khai khám, cấp cứu cho 45 trường hợp, trong đó có 12 nhân viên cứu hộ và 33 người dân bị nạn, sau đó bàn giao cho nước Bạn. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, lãnh đạo Đoàn đã đến thăm và trao đổi kinh nghiệm cứu hộ, cứu nạn với 9 đội cứu hộ quốc tế, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Italy, Pakistan…; trao tặng gần 25 tấn trang thiết bị, vật tư, lương thực, thực phẩm hỗ trợ cho nhân dân ở khu vực xảy ra động đất. Ngày 19-2-2023, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố chấm dứt hoạt động tìm kiếm tại hầu hết các khu vực bị động đất để bắt đầu tái thiết đất nước. Căn cứ tình hình và thông báo của Bạn, được lệnh của Bộ, ngày 22-2-2023, Đoàn rút lực lượng về nước. Những kết quả trong thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và các hoạt động nhân đạo của QĐND Việt Nam được cộng đồng quốc tế, Chính phủ và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá cao.
    |
 |
Lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia tìm kiếm, cứu nạn tại tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, tháng 2-2023. Ảnh: qdnd.vn |
Bên cạnh những ưu điểm trên, công tác hậu cần trong thực hiện nhiệm vụ CTTH cũng còn một số hạn chế đó là: Công tác chuẩn bị lực lượng, vật chất hậu cần chưa khoa học, sát thực tế; tổ chức hiệp đồng chưa chặt chẽ; còn để thất lạc hàng hóa… Từ thực tiễn trên, để góp phần nâng cao hiệu quả công tác hậu cần bảo đảm cho Quân đội thực hiện nhiệm vụ CTTH ở nước ngoài, cần nghiên cứu làm tốt một số vấn đề sau đây:
Chủ động xây dựng kế hoạch, làm tốt công tác chuẩn bị hậu cần, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh. Thời gian tới, QĐND Việt Nam sẽ tiếp tục cử lực lượng tham gia CTTH ở nước ngoài theo đề nghị của quốc gia xảy ra thảm họa và Liên hợp quốc. Vì vậy, TCHC, trực tiếp là Bộ Tham mưu chủ trì cùng với các Cục chuyên ngành, bệnh viện quân y... xây dựng kế hoạch hậu cần bảo đảm cho lực lượng Quân đội thực hiện nhiệm vụ CTTH ở người ngoài. Theo đó, về tổ chức lực lượng hậu cần tham gia cứu trợ phải phù hợp với loại hình, mức độ, địa điểm, thời gian đến nơi xảy ra thảm họa; nhiệm vụ được giao. Lực lượng bảo đảm cân đối với lực lượng đi làm nhiệm vụ; được phân công, giao nhiệm vụ cụ thể ngay khi xuất phát; trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, có thể điều chỉnh cho phù hợp.
Lực lượng hậu cần tham gia làm nhiệm vụ CTTH chủ yếu là lực lượng quân y và một số lực lượng bảo đảm phục vụ. Do vậy, tại các bệnh viện quân y phải thành lập bộ phận chuyên trách thực hiện nhiệm vụ CTTH; hoạt động bình thường tại các phòng, khoa, ban. Khi có tình huống là tập hợp thành tổ chức và nhanh chóng nhận nhiệm vụ. Lực lượng này phải có trình độ ngoại ngữ nhất định (tiếng Anh), thuận lợi cho việc giao tiếp, thực hiện nhiệm vụ.
Về vật chất hậu cần: Căn cứ mức độ, phạm vi thảm họa; điều kiện vận chuyển; tình hình kinh tế-xã hội, thời tiết, khí hậu, phong tục, tập quán của nước sở tại để tính toán nhu cầu vật chất thực hiện nhiệm vụ và tự bảo đảm cho lực lượng tham gia cứu trợ trong khoảng thời gian 15-20 ngày. Ngoài hiện vật, cần phải mang một lượng tiền mặt nhất định, loại tiền thông dụng (USD, EURO…), tiền nước sở tại để sử dụng khi cần thiết. Vật chất bảo đảm cho CTTH có thể từ một hoặc nhiều đơn vị. Tuy nhiên, nên huy động tối đa từ một đơn vị; ưu tiên lựa chọn đồ khô, bảo quản được dài ngày, dễ sử dụng… Trang thiết bị hậu cần phải gọn nhẹ, được cơ số hóa (modul), có thể chia tách để thực hiện nhiệm vụ. Bao gói vật chất theo tính chất hàng hóa, đúng quy cách, có ký hiệu rõ ràng, có cả tiếng Việt và tiếng Anh, đảm bảo nhận biết được ngay; cố gắng đóng gói theo modul, đồng bộ, tránh tình trạng xé lẻ chi tiết, bộ phận, khi thất lạc không triển khai được (nhất là các trang thiết bị).
Đề xuất xây dựng tiêu chuẩn, chế độ đối với lực lượng Quân đội thực hiện nhiệm vụ CTTH ở nước ngoài và các loại hình tương tự. Nghiên cứu phương án, tổ chức diễn tập CTTH theo hướng triển khai toàn diện các bước, các nội dung tham gia CTTH, bao gồm cả tổ chức lực lượng; bảo đảm trang thiết bị, vật chất, thủ tục thông quan, xuất cảnh; tổ chức cơ động; quản lý, bảo quản vật chất mang theo đến nơi triển khai CTTH. Kết cấu nội dung diễn tập phải gắn với phòng thủ dân sự, khu vực phòng thủ; chú ý tình huống phải tự bảo đảm trong quá trình cứu trợ. Sau diễn tập phải tổ chức rút kinh nghiệm, kiện toàn tổ chức, trang bị, phù hợp với nhiệm vụ. Các cơ quan, đơn vị, học viện, trường cần nghiên cứu đưa nội dung này vào nghiên cứu, huấn luyện, văn kiện bảo đảm hậu cần cho nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, an ninh phi truyền thống của cơ quan, đơn vị mình.
    |
 |
Bác sĩ quân y Việt Nam băng bó cố định khớp cổ tay cho bệnh nhân Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: qdnd.vn |
Triển khai thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài: Khi có thông tin xảy ra thảm họa tại nước ngoài, các cơ quan chức năng cần dự báo có thể được cấp trên giao nhiệm vụ tham gia cứu trợ. Do đó, cần rà soát kế hoạch tham gia CTTH của cơ quan, đơn vị mình, điều chỉnh bước đầu kế hoạch cho phù hợp với tình hình, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ trong thời gian ngắn nhất khi có lệnh.
Do thời gian chuẩn bị trực tiếp ngắn, khối lượng công việc nhiều, dồn dập, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị, vì vậy phải làm tốt công tác hiệp đồng. Phối hợp với Cục Kế hoạch và Đầu tư làm thủ tục thông quan; chú ý tổng hợp đầy đủ số kiện, trọng lượng, thể tích vật chất mang theo. Về hiệp đồng vận tải, do cơ quan chuyên trách đảm nhiệm; phát huy vai trò của cơ quan, đơn vị vận tải; người phải đi với hàng. Làm tốt công tác hiệp đồng giữa Cục Vận tải, Cục Đối ngoại và Tùy viên quốc phòng để thống nhất xác định được vị trí tập kết hàng, lực lượng ở nơi gần nhất có thể đến khu vực thảm họa; hiệp đồng chặt chẽ với cảng vụ hàng không, có biện pháp quản lý hàng hóa khi vận chuyển hàng kết hợp của mình và các nước khác; thống nhất với lực lượng vận chuyển về địa điểm giao nhận hàng hóa để thực hiện nhiệm vụ. Từng bộ phận phải cử người nhận biết bao gói trang thiết bị, vật chất ngay từ khi được bàn giao đến khi triển khai thực hiện nhiệm vụ; người chỉ huy phải nắm chung.
Ngoài lực lượng chuyên trách, phân công nhiệm vụ cho lực lượng kiêm nhiệm; khi thực hiện phân tán, chủ yếu áp dụng phương thức tự bảo đảm. Bố trí lực lượng bảo đảm gắn với tổ, đội hoặc ngay sau tổ, đội; thông thường tại nơi ở của lực lượng cứu trợ. Về phương thức bảo đảm: Vừa bảo đảm cho lực lượng làm nhiệm vụ, vừa hỗ trợ người dân bị nạn, có thể phải bảo đảm đến tận nơi lực lượng đang làm nhiệm vụ cứu trợ; do vậy, cần tranh thủ mọi điều kiện để có thể khai thác được tại chỗ (qua Đại sứ quán, tổ chức người Việt Nam, cơ quan điều phối, lực lượng cứu trợ khác).
Để nâng cao khả năng cứu chữa, vận chuyển nạn nhân, lực lượng tham gia cứu trợ nhanh chóng thống nhất với cơ quan điều phối về địa điểm, phạm vi cứu chữa, vận chuyển. Tại thực địa cần tranh thủ liên hệ với người dân địa phương để nắm thêm thông tin, xác định danh tính người tử vong, thuận lợi cho các bước sau này… Tổ chức các tổ, đội vận chuyển phù hợp với nhiệm vụ cứu chữa của các tuyến cứu trợ (cấp cứu ban đầu, bổ sung cấp cứu, cứu chữa bước đầu...). Cần chú ý bảo đảm cáng, dây số 8, phương tiện thô sơ để vận chuyển nạn nhân ở khu vực đổ nát...; huấn luyện bổ sung cho lực lượng tham gia cứu trợ các kiến thức phù hợp với loại hình thảm họa…
Quá trình thực hiện nhiệm vụ phải thường xuyên báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo từ trong nước qua các phương tiện: Điện thoại, chính quyền địa phương, Đại sứ quán.... Làm tốt công tác bảo vệ lực lượng, vật chất, trang bị. Phân công cụ thể từng bộ phận, cá nhân tổ chức canh gác nghiêm túc; cố gắng tổ chức ngủ nghỉ, bảo quản tập trung. Thống kê vật tư tiêu hao hằng ngày theo quy định; các loại vật chất, trang bị bị thiệt hại, thất lạc (nếu có)… đề nghị Đại sứ quán, cơ quan Liên hợp quốc, chính quyền địa phương nước sở tại xác nhận làm cơ sở cho thanh quyết toán.
Được lệnh về nước, khẩn trương hoàn thành các thủ tục; bàn giao nạn nhân (nếu có) cho y tế địa phương. Báo cáo, xin chỉ đạo cấp có thẩm quyền quyết định vật chất mang về, tặng bạn (chú ý phù hợp phong tục, tập quán địa phương khu vực thảm họa). Phối hợp với Đại sứ quán, cơ quan Liên hợp quốc, chính quyền địa phương nước sở tại tổ chức Lễ trao tặng vật chất cho nước bạn kết hợp với tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong nước và nước ngoài.
Khi về nước, căn cứ tình hình thực tế, tổ chức kiểm tra sức khỏe lực lượng tham gia CTTH để có biện pháp dự phòng, điều trị. Tham mưu với cấp thẩm quyền ghi nhận, tổ chức biểu dương, khen thưởng kịp thời lực lượng tham gia hoạt động cứu trợ. Thực hiện thanh quyết toán các khoản chi tiêu, sử dụng đúng quy định. Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ; rút ra bài học kinh nghiệm đối với những việc làm được, chưa làm được; thuận lợi, khó khăn, bất cập trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt là nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tổ chức chỉ huy, hiệp đồng, trình độ chuyên môn lực lượng tham gia, trang thiết bị, phương tiện, vật chất… của quân đội một số quốc gia tham gia CTTH…
Tham gia hoạt động CTTH ở nước ngoài là nhiệm vụ mới, nặng nề, gặp nhiều khó khăn, song có thể khẳng định chắc chắn rằng, với bản lĩnh và năng lực, tinh thần trách nhiệm cao với cộng đồng quốc tế, QĐND Việt Nam sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hợp tác quốc tế, hỗ trợ nhân đạo, cứu hộ cứu nạn, ứng phó với các thảm họa thời gian tới.
Đại tá NGUYỄN HỒNG QUANG, Bộ Tham mưu Hậu cần